Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Monday, May 28, 2018 , 0 bình luận

Trí trá với dân và báo cáo sai sự thật với cấp trên chỉ với một mục đích duy nhất là quyết lấy đất làm dự án, đó là đặc điểm xuyên suốt trong quá trình Đồng Nai và Dona.Coop “bắt tay” xóa trắng cả một xã tại TP Biên Hòa để làm dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”.

Dự án “lừa dưới, dối trên” của Dona.Coop: Luận điệu bịa đặt xuyên tạc vựa lúa 700ha là “vùng đất chết”


Người dân Long Hưng đứng nơi công cộng cầm băng rôn tố cáo những sai phạm của Đồng Nai và Dona.Coop.


Thủ đoạn tước quyền năng của người sử dụng đất
Như PLVN luôn nhấn mạnh từ đầu loạt bài, trong dự án “chui” nêu trên, khi sự việc đổ bể thì từ năm 2010 tới nay, Đồng Nai liên tục báo cáo sai sự thật, lấy danh nghĩa “Nghị quyết số 56/NQ-CP ngày 27/11/2009 của Thủ tướng cho phép thực hiện dự án”. Thực ra đây là “Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, kế hoạch sử dụng đất 2009 - 2010 tỉnh Đồng Nai”, nôm na là định mức sử dụng đất làm cái gì, bao nhiêu ha. Đây không phải là văn bản quyết định quy hoạch tổng thể, không phải là quyết định cho phép Đồng Nai lấy trắng xã Long Hưng lập dự án phân lô bán nền. 
Dù không có căn cứ pháp lý, Đồng Nai vẫn khoác cho dự án “chui” cái quyền “thuộc diện Nhà nước thu hồi đất”, để áp đặt giá bồi thường rẻ mạt, tước đi các quyền năng của người sử dụng với đất đai; cùng với Dona.Coop dùng các thủ đoạn vô cùng tinh vi hòng đền bù số tiền “bèo bọt” nhất cho dân nghèo.
Trở lại thời điểm 2006, khi xã Long Hưng đang bị lên kế hoạch lấy đất, theo lời ông Nguyễn Văn Nhuần (SN 1964, nguyên Đại biểu HĐND xã), lúc đó cả nước tiến hành tổng điều tra về tình hình sử dụng đất. Trung ương thực hiện việc này nhằm tạo điều kiện cấp “sổ đỏ” cho những người có đất từ trước nhưng chưa có sổ. Trong đợt đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng triển khai thực hiện. Có đoàn đo đạc vào, mời dân lên xác nhận các ranh, thửa, tờ bản đồ. Dự định ai có rồi thì đổi sổ đỏ, ai chưa có sẽ cấp mới. 
Ông Nhuần tố cáo: “Do trước đó, Dona.Coop đã bỏ tiền ra mua rất nhiều đất, chừng 200ha. Vì mua không sang tên, “nó” sợ rằng một số người sẽ kê khai thêm một lần nữa thì rắc rối. Không biết họ làm như thế nào, đang trong quá trình mời dân lên xác nhận thửa đất của mình để đăng ký cấp sổ đỏ thì tỉnh ra quyết định dừng, không tiếp tục đo đạc kiểm kê cấp sổ. Và từ thời điểm 2006 về sau này, những nhà nào chưa có sổ thì không được cấp nữa. Như trường hợp gia đình tui, nhà được cất từ năm 1962, dù theo quy định thì đất ở ổn định trước 1994 mà không có tranh chấp gì thì phải được cấp sổ”.
“Tại dính vụ đó nên rất nhiều nhà tại Long Hưng chưa có giấy tờ, bị coi là “không đủ điều kiện” và bị bồi thường giá bèo, bị làm khó khi xét tái định cư. Đồng Nai và Dona.Coop coi những gia đình này như ở trên đất nông nghiệp, đền cho người ta bằng khung giá đất nông nghiệp, buộc dân mất đất khi nhận nền tái định cư phải nộp tiền sử dụng đất”, ông Nhuần cho hay.
“Vừa chiếm đoạt, vừa kể công”
Hành động nêu trên của Đồng Nai và Dona.Coop không chỉ làm “đóng băng” thị trường đất đai trước khi có dự án chui. Hành động này còn giúp giảm số hộ được xét tái định cư khi có dự án, tiếp tục đẩy những người dân mất đất vào cảnh cùng khổ. Thế nhưng trong báo cáo với cấp trên, Đồng Nai và Dona.Coop còn làm “trò ma quỷ” với những con số về tái định cư để cho rằng mình “có chính sách hợp lý với dân”. 
Như trong một báo cáo phát đi ngày 27/2/2018 do ông Bùi Thanh Trúc (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Dona.Coop) ký, doanh nghiệp này cho rằng: “Đến nay, tổng số hộ dân có đất thuộc dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng được UBND TP Biên Hòa xét phê duyệt tái định cư giai đoạn 1 là 656 suất, trong đó hộ chính 320 suất, hộ phụ 305 suất…Tính đến nay hộ dân đã đăng ký nhận đất và xây nhà tái định cư là 481/656 suất, trong đó hộ chính 240 suất, hộ phụ 238 suất...”.
Dona.Coop cho rằng đã “hỗ trợ ngoài quy định” với số tiền cực lớn. 240 suất hộ chính được “hỗ trợ” 28 triệu đồng/hộ “tiền sử dụng đất, quy ra 6,72 tỷ đồng. 238 hộ phụ được “hỗ trợ” 450 triệu đồng/hộ “tiền xây dựng cơ sở hạ tầng”, quy ra 107,1 tỷ. Văn bản cho rằng: “Tổng số tiền Dona.Coop hỗ trợ ngoài quy định cho các hộ dân giải tỏa giai đoạn 1 là 113,82 tỷ đồng”.
Cách báo cáo như nêu trên là một trò chơi chữ. Nếu đọc qua báo cáo, người đọc lướt sẽ tưởng rằng dự án đã hỗ trợ hơn 100 tỷ “tiền tươi” cho 478 hộ, tính trung bình mỗi hộ được hơn 238 triệu. 
Thực chất con số “tỷ tỷ hỗ trợ” đó là ảo, là tiền “trên trời”. Diễn giải thực chất, sự việc phải được hiểu như sau: Đây là 478 hộ dân bị thu hồi đất giá rẻ, mất trắng nhà cửa, ruộng vườn, tư liệu sản xuất. Khi được bố trí tái định cư, theo “luật” của Đồng Nai và Dona.Coop, lẽ ra những hộ này phải nộp số tiền 113 tỷ “xây dựng cơ sở hạ tầng” (chưa xét đến việc tổng số tiền họ được bồi thường có đủ con số này không). Thế nhưng Dona.Coop đã “nhân văn” không thu số tiền này. Nói cách khác ngắn gọn hơn, người dân vừa mất đất, mất nhà, nay “đổi” được cái nền tái định cư 100m2, lại còn mang tiếng “được Donacoop cho hàng trăm tỷ”.
Trong lĩnh vực tái định cư, không ít lần khác Dona.Coop cũng giở “trò ma quỷ” với các con số như nêu trên. Trong các báo cáo, diện tích mỗi nền tái định cư được Dona.Coop luôn báo cáo là 100m2. Tuy nhiên trên thực tế, diện tích cho mỗi hộ chỉ có khoảng 75m2. Số 25m2 còn lại đi đâu? Có lẽ Dona.Coop cho rằng 25m2 đó phải trừ vào những diện tích như vỉa hè, đường sá… Cách tính toán như vậy vừa sai quy định pháp luật vì đó là diện tích công cộng không được phép tính cho hộ dân; vừa thể hiện hành vi của dạng “con buôn” quyết trục lợi bằng mọi giá.
Hàng loạt số liệu báo cáo sai sự thật 
Thời gian gần đây, sau khi dự án sai phạm bị PLVN phanh phui, trong một loạt báo cáo gửi các cơ quan Trung ương, Đồng Nai và Dona.Coop cùng sử dụng một loạt số liệu khác để cho rằng “đã có các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các hộ dân bị thu hồi đất”. Nhận xét về những số liệu này, rất nhiều người dân Long Hưng cùng đồng thời bật lên bức xúc: “Bịa đặt, dối trá”.
Xin liệt kê cụ thể như sau:
1. Đồng Nai và Dona.Coop báo cáo: “Đối với hộ chính vào Khu tái định cư sẽ được Donacoop hỗ trợ toàn bộ tiền sử dụng đất nộp cho Nhà nước, hỗ trợ toàn bộ tiền đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên nền đất tái định cư 5mx20m”.
Người dân phản bác: “Họ báo cáo sai sự thật. Hộ mà khi giải tỏa có có sổ đỏ thì khi nhận nền tái định cư họ đương nhiên không phải nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, luật quy định cả nước đều vậy. Chính sách đó ai cũng phải áp dụng, nên không có gì mà kể công”. 
2. Đồng Nai và Dona.Coop báo cáo: “Đối với hộ chính vào khu tạm cư được chủ đầu tư hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ”.
Người dân phản bác: “Lúc đầu tiên, “nó” nói mấy hộ mà chưa kịp xây nhà, chưa đăng ký xây nhà mà vào khu tạm cư, mỗi tháng “nó” hỗ trợ tiền gạo, tiền nọ kia trong thời gian chờ vào khu tái định cư, một hộ gia đình bình quân mỗi tháng 2 triệu đồng. Nó tính một năm tương đương hơn 20 triệu. Lúc đầu nó công bố trong văn bản, có vài trường hợp nhận được, nhưng về sau đại bộ phận là không có. Khởi điểm một vài hộ đợt đầu tiên thì có đôi ba tháng rồi sau đó cắt luôn. Những trường hợp sau không có”.
3. Đồng Nai và Dona.Coop báo cáo:  “Đối với hộ chính tự thuê nhà không vào khu tạm cư còn được chủ đầu tư hỗ trợ tiền thuê nhà là 3 triệu đồng/tháng đến khi nhận nền tái định cư”. 
Người dân phản bác: “Lúc đầu có một, hai trường hợp, còn các trường hợp sau này không có đồng bạc nào hết”.
4. Đồng Nai và Dona.Coop báo cáo:  “Đối với hộ bàn giao mặt bằng nhưng ở lại tại chỗ, chờ xây nhà tái định cư mới di dời nhà, được chủ đầu tư hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ”.
Người dân phản bác: “Lúc đầu “nó” có nói nhưng dự án bị dân phản đối quá trời, làm gì có trường hợp nào bàn giao mặt bằng mà vẫn ở lại tại chỗ, chờ xây nhà tái định cư mới di dời nhà. Cứ ra quyết định là “nó” mang lực lượng đến cưỡng chế đập nát, ở lại sao nổi? Nằm mơ cũng không có chuyện “nó” để cho ở lại nhà chờ đợi rồi “nó” còn trả thêm tiền cho”.
5. Đồng Nai và Dona.Coop báo cáo:  “Vấn đề di dời mồ mả, ngoài khung giá bồi thường mồ mả theo quy định của UBND tỉnh, khi người dân đến nhận tiền di dời, Dona.Coop còn hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/một ngôi mộ để hộ dân có điều kiện di dời mồ mả người thân đến vị trí mới”.  
Người dân phản bác: “Xin kể một trường hợp, chính gia đình một cán bộ xã Long Hưng thời điểm năm 2008 xây nhà mộ cho ông ngoại và bà ngoại, mỗi ngôi mộ tương đương 50 triệu đồng, hai ngôi 100 triệu, thời điểm đó là cỡ sáu lượng vàng. Nhưng nó chỉ đền từ tám đến mười mấy triệu ngôi mộ gọi là cao cấp. Còn mộ đất là 3 triệu, mộ xây là 5 – 8 triệu. Vậy có thỏa đáng hay không?”.
6. Dona.Coop báo cáo đã “đóng góp” khi nộp 477 tỷ đồng tiền thuế.
Ông Nhuần phản bác: “Một ha đất vừa bồi thường vừa hỗ trợ chỉ có 1,5 tỷ đồng. Nhưng giờ “nó” bán cái nền 100m2 với giá ba mấy triệu đồng/m2. Theo tui tính toán, 1 m2 đổ đất này kia, kể cả hạ tầng, chi phí tối đa chừng 3,5 – 5 triệu đồng/m2. Giờ bán từ mười mấy đến ba mấy triệu đồng thì lợi nhuận thu vào biết bao nhiêu mà nói. Chưa nói đến chuyện cả xã bị xóa trắng, cả vạn dân hóa tay trắng, ảnh hưởng tinh thần, nên dù chuyện Dona.Coop có nộp 477 tỷ tiền thuế là thật, cũng không là cái gì hết so với những gì người Long Hưng mất mát”.
“Đồng Nai và Dona.Coop cứ rêu rao bao nhiêu năm nay rằng dự án mang lại lợi ích cho người dân. Nhưng thực tế người hưởng lợi là chủ đầu tư và quan chức cấu kết. Chỉ nói đơn giản là bồi thường thỏa đáng cũng đã chưa thực hiện nổi cho dân, nói gì lợi ích gì khác. Thử hỏi người dân được lợi gì khi mất nhà cửa, mất quê hương, mất phương tiện sản xuất, mất tinh thần, mất niềm tin?”.
Nhóm PV (Pháp luật Việt Nam)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X