Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Saturday, December 29, 2018 , 0 bình luận

Liên quan đến bộ sử 30 tập, nhiều vấn đề đã được các nhà sử học đưa thêm 'mới' vào thiếu khách quan và nặng về chủ quan gây nên bức xúc trong dư luận, nhất là các tướng lĩnh, cựu binh.

Phó thủ tướng tiếp thu ý kiến đóng góp của những tướng lĩnh chống 'ngụy sử'

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là 2 khái niệm khác nhau, giữa chúng có mối quan hệ nhân quả biện chứng. “Tự diễn biến” được hiểu là quá trình biến đổi về lượng, đến một giới hạn nhất định thì diễn ra sự biến đổi về chất, tức “tự chuyển hóa”. Đó là cách hiểu thông thường khi phản ánh quá trình biến đổi, phát triển của sự vật.
Còn theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam thì ngược lại, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là sự biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, tức là thoái bộ – thể hiện ở sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng. Sự thoái hóa đó nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến mất vai trò lãnh đạo của Đảng, dẫn đến sự sụp đổ chế độ XHCN như đã diễn ra ở Liên Xô và Đông Âu vào thập niên cuối của thế kỷ XX.
Trong Văn kiện Hội nghị Trung ương 4, khóa XII của Đảng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được xếp vào nhóm 3 với 9 biểu hiện trong 3 nhóm với 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Điểm nhấn mạnh trong “tự diễn biến” được Đảng chỉ rõ là những diễn biến tiêu cực cả về nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn đến suy giảm lòng tin, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, theo hướng ngày càng xa rời chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng; xa rời hệ giá trị đạo đức cách mạng và lối sống XHCN. “Tự diễn biến” trước hết diễn ra ở trong mỗi cán bộ, đảng viên với các mức độ cụ thể khác nhau. Nếu không được phòng chống, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thì nó sẽ dần lan rộng theo nhiều chiều hướng: từ cán bộ, đảng viên cấp thấp lên cấp cao và ngược lại; từ số ít đến số nhiều; từ cá nhân đến tổ chức… “Tự diễn biến” đến một giới hạn nhất định nào đó thì chuyển sang “tự chuyển hóa”, diễn ra từ cá nhân cán bộ, đảng viên đến tổ chức Đảng.
Như vậy, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên là sự suy thoái từ bên trong, là quá trình biến đổi theo chiều hướng tiêu cực cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đó là quá trình thẩm thấu dần từng ngày, trong từng suy nghĩ, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. “Tự chuyển hóa” là hệ quả, “đích đến” của “tự diễn biến”, nó là hiện tượng phản ánh sự suy thoái quyền lực chính trị của Đảng Cộng sản cầm quyền, nếu không được ngăn chặn hữu hiệu thì sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị XHCN.
Nguyên Hà cùng một số tướng lĩnh CCB và cán bộ Đảng, 
Nhà nước gặp Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương xung quanh vấn đề xét lại lịch sử.


“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta hiện nay diễn ra rất phức tạp, khó nhìn. Vì thế nó được coi là “kẻ thù giấu mặt”, một thứ “giặc nội xâm” vô cùng nguy hiểm cần phải đấu tranh ngăn chặn, loại trừ.
Để ngăn chặn, loại trừ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trước hết cần tìm ra nguyên nhân của hiện tượng, bước đầu có thể chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, từ nội tâm của cán bộ, đảng viên. Đó là sự hạn chế về nhận thức lý luận, trong khi lại thiếu thông tin, thiếu tuyên truyền dẫn đến hiểu biết chưa đầy đủ, thậm chí sai lệch về mục tiêu, con đường phát triển đất nước đi lên CNXH. Từ đó dẫn tới hoang mang dao động, mất dần niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng, dần trượt sang mơ tưởng hão huyền vào chủ nghĩa tư bản hiện đại, vào đa nguyên đa đảng, vào mô hình dân chủ tư sản… Cùng với đó là sự suy thoái đạo đức, lối sống một cách băng hoại, với tốc độ lan nhanh, làm nẩy sinh tâm lý bất mãn, mất niềm tin, vun vén cá nhân, thiếu lương tâm, trách nhiệm trước dân, trước Đảng…
Thứ hai, từ cơ chế. Hệ thống cơ chế, nhất là cơ chế thực thi dân chủ kém hiệu quả, nặng về hình thức, không có nội dung. Cơ chế quản lý kinh tế – xã hội chưa theo kịp với phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, đã tạo nhiều lỗ hổng cho tham nhũng, lãng phí. Các loại cơ chế khác cũng tương tự, còn kém hiệu quả trong bảo đảm kiểm soát quyền lực, quyền phản biện, kiểm tra, giám sát của nhân dân… Việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, tình trạng nói một đằng làm một nẻo của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền ở địa phương cơ sở diễn ra khá phổ biến…
Thứ ba, từ thông tin, lý luận. Lý luận về công cuộc đổi mới chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là lý luận phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN… Trong khi đó, các hoạt động thông tin, truyền thông chưa kịp thời, chất lượng chưa cao, đã tạo “khoảng trống” để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị chiếm lĩnh, đưa tin xuyên tạc… Hơn nữa, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp chất lượng còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng sức chiến đấu trên mặt trận tư tưởng không cao, còn coi nhẹ, mất cảnh giác; khi có tình huống thì lúng túng, phản ứng yếu ớt trước những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch.
Thứ tư, từ công tác tổ chức cán bộ. Những hạn chế, yếu kém trong tất cả các khâu từ tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, đề bạt bổ nhiệm, sử dụng, quản lý, kiểm tra giám sát, song lại luôn được bao biện là “đúng quy trình”. Chưa có cơ chế hữu hiệu để trọng dụng hiền tài, tình trạng chạy chỗ, chạy chức, chạy quyền diễn ra phổ biến, đã để cho không ít kẻ cơ hội chính trị chui sâu, trèo cao vào bộ máy Đảng, Nhà nước. Việc xử lý cán bộ sai phạm chưa kịp thời, chưa nghiêm. Công tác chống tham nhũng, mặc dù đạt nhiều kết quả, song còn nhiều bất cập, nhất là thu hồi tài sản tham nhũng; tình trạng “tham nhũng vặt” diễn ra tràn lan…
Những nguyên nhân trên, nếu không được triệt tiêu thì không thể ngăn chặn, đẩy lùi được “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với xét lại lịch sử
Lần đầu tiên, trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được cụ thể hóa trong nội hàm với 9 dấu hiệu. Trong đó xét lại lịch sử được nêu ở biểu hiện thứ 3: “xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước” và trong biểu hiện thứ 8: “bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng”. Như vậy, xét lại lịch sử là một nội dung của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Theo đó, nó là hệ quả tất yếu của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ cấp cao. Đến lượt nó, xét lại lịch sử trở thành một nguyên nhân thúc đẩy nhanh quá trình suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cũng như đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Vấn đề đặt ra đối với xét lại lịch sử là cần phân định rõ các cấp độ hành vi để có cách ứng xử phù hợp. Bước đầu có thể phân định thành các cấp độ xét lại lịch sử như sau:
Cấp độ cao nhất là xét lại lịch sử một cách có chủ đích. Cấp độ này thuộc các nhân vật có chức quyền, có chuyên môn, sử dụng chức quyền, chuyên môn để thực hiện xét lại lịch sử một cách chủ đích. Để làm rõ vấn đề này, cần tham khảo bài nói của Đại tá Khuất Biên Hòa, nguyên Thư ký của Đại tướng Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Trong đó đã đề cập đến nhân vật có chức vụ, quyền hạn đã từ lâu chỉ đạo ngấm ngầm việc sửa đổi bỏ từ “ngụy” trong cụm từ “ngụy quyền, ngụy quân Sài Gòn”. Cùng với đó là vai trò của GS Phan Huy Lê, người có nhiều năm đứng đầu ngành Sử học (là em cùng cha khác mẹ với Phan Huy Quát, làm thủ tướng ngụy quyền Sài Gòn vào thời điểm năm 1965).
Cấp độ hai thuộc các nhân vật thực thi việc xét lại lịch sử. Đó là một số nhà sử học được giao nhiệm vụ biên soạn lịch sử và các tài liệu có liên quan đến nội dung lịch sử mà các nhân vật có quyền hạn, chỉ đạo chuyên môn giao cho họ thực hiện. Chúng ta đã chứng kiến việc bỏ từ “ngụy” trong bộ Sử 15 tập (do PGS.TS Trần Đức Cường làm tổng chủ biên) vừa qua và việc bỏ từ “ngụy” trong giáo khoa lịch sử của ngành giáo dục.
Cấp độ ba là những nhân vật nằm trong số cán bộ, đảng viên thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là nằm trong số bị phát giác, bị xử lý kỷ luật. Số này hoặc ngấm ngầm hoặc công khai ủng hộ việc xét lại lịch sử là nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu bất mãn, cao hơn là nhằm phủ định vai trò là lãnh đạo của Đảng.
Cấp độ thấp nhất là một số cán bộ, đảng viên do nhận thức thấp kém, bị thông tin, truyền thông “lề trái” dẫn dắt mê hoặc tin theo bọn cổ suý cho xét lại lịch sử. Chẳng hạn, tin theo những luận điệu ngụy biện cho việc bỏ từ “ngụy” khi ghi chép về giai đoạn lịch sử 1954 – 1975 là: để tránh từ biểu cảm, miệt thị; để có căn cứ pháp lý đòi lại Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm trái phép vào năm 1974; để thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc; để thuận lợi cho quan hệ quốc tế, vì sách lịch sử Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng… Số này hiện còn cấu kết với cả bọn cơ hội chính trị tay chân của nhóm chủ trương xét lại lịch sử, tận dụng mọi phương tiện thông tin, truyền thông, nhất là mạng xã hội để tuyên truyền cổ suý cho xét lại lịch sử và chống phá những người yêu nước chân chính trong cuộc đấu tranh chống xét lại lịch sử trên không gian mạng.
Trên đây là một số suy nghĩ bước đầu về quan hệ giữa xét lại lịch sử và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Rất mong được anh chị em chia sẻ, góp phần vào cuộc đấu tranh chống xét lại lịch sử, bảo vệ, phát huy thành quả cách mạng nước ta trong thời kỳ mới.
PGS.TS – Đại tá Hà Nguyên Cát
(Giảng viên Học viện Quốc phòng)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 529

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X