Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, January 17, 2019 , 0 bình luận

Tính đến cuối tháng 12-2018, đã có khoảng 9 nghìn người tập trung dọc theo biên giới giữa Mexico và Mỹ. Họ đến từ các quốc gia Trung Mỹ như Honduras, Goatemala, El Salvador… với hy vọng được cho vào Mỹ. Đại đa số họ là người dân di cư đi tìm kế sinh nhai, ra đi với mơ ước đổi đời.



Tuy nhiên, sau những ngày tháng sống lay lắt bằng vật phẩm cứu trợ, nhiều người trong số họ đã nhận ra rằng “giấc mơ Mỹ” chỉ là những ê chề, cay đắng…
1. Giữa tháng 11-2018, Gonzaler, 19 tuổi, người Honduras cùng 800 di dân khác lên 20 chiếc xe bus trong một cuộc hành trình dài 4.300km, xuất phát từ thành phố San Perdo Sula, Honduras, điểm đến là thành phố Tijuana, Mexico, nơi giáp ranh với thành phố San Diego, bang California, Mỹ. Gonzaler kể: “Tin tức từ những người đi trước truyền về nói rằng Chính phủ Mỹ đang xem xét việc mở cửa biên giới cho di dân vào Mỹ…”, thậm chí: “Chỉ cần vượt qua khỏi hàng rào phân chia lãnh thổ giữa Mexico, Mỹ, là được phép tạm trú trên đất Mỹ, đã khiến không ít người ở làng tôi đổ xô đi”.

Dòng người di dân vẫn tiếp tục cuồn cuộn đổ về Tijuana.

Ngày 9-12, Gonzaler cùng số di dân nói trên đến được Tijuana, nhập chung với hơn 8.000 người đã có mặt từ trước, ở trại tạm trú do chính quyền thành phố Tijuana thiết lập trong một trung tâm thể thao nằm sát bức tường biên giới với Mỹ.
Gonzaler kể: “Trại tràn ngập rác thải. Nhà tắm, nhà vệ sinh tạm bợ. Rất nhiều người phải ngủ đêm ở ngoài trời vì không đủ lều. Mái che trung tâm thể thao không kín nên mỗi khi mưa xuống, ngoài việc phải chịu ướt, trẻ con, người già bị viêm đường hô hấp cùng các bệnh tiêu hóa. 1 tuần sau khi chúng tôi đến, chính quyền chuyển một nửa di dân sang nơi trước kia là khu vui chơi giải trí nhưng cũng không khá hơn…”.
Thế nhưng khi được hỏi, Gonzaler cùng tất cả những người khác đều quyết tâm bám trụ để được… vào Mỹ! Thậm chí hôm 18-12, hàng nghìn di dân Honduras đã tổ chức một cuộc biểu tình với yêu sách: Hoặc là Chính phủ Mỹ phải mở cửa biên giới, hoặc Tổng thống Trump phải “bồi thường” cho mỗi di dân Honduras 50.000USD để họ quay về quê hương vì Mỹ đã “bóc lột tài nguyên của đất nước Honduras quá nhiều”.
Theo một thăm dò mới đây của Viện Gallup, có ít nhất 5 triệu người ở các quốc gia Trung Mỹ đang theo dõi những người đi trước, và họ sẽ sẵn sàng lên đường ngay lập tức nếu những nhóm này được nhận vào Mỹ. Và trong khi chờ đợi Chính phủ Mỹ “mở cửa biên giới”, di dân ở thành phố Tijuana, Mexico tìm đủ mọi cách để trèo qua hàng rào ngăn cách giữa Mỹ và Mexico.
Joaquin, người El Salvador bị cảnh sát biên phòng Mỹ bắt vì tội vượt biên giới trái phép đã khai như sau: “Tôi cùng 3 người bạn lấy cắp một thanh gỗ vuông mỗi cạnh 15cm, dài 4m ở một công trường xây dựng. 2 giờ sáng, chúng tôi dựng thanh gỗ vào bức tường bê tông cao 4,5m rồi tôi trèo lên đầu tiên. Tiếp theo, một anh bạn tôi cũng lên theo. Hai chúng tôi kéo thanh gỗ, thả sang phía bên đất Mỹ để tôi bám leo xuống. Sau đó thanh gỗ lại được kéo lên, thả sang phía Mexico cho hai người còn lại…”.
2. Joaquin không phải là trường hợp duy nhất bị cảnh sát biên phòng Mỹ bắt giữ khi cố tình vượt biên giới mà tính đến giữa tháng 12, con số này đã hơn 500 người, phần lớn là công dân Honduras. Nhiều di dân ngây ngô tin rằng trẻ em sẽ được nước Mỹ ưu ái nên họ không ngần ngại buộc những đứa bé mới chỉ 2, 3 tuổi vào dây thừng để những người đứng trên bức tường hàng rào kéo lên, thả xuống đất Mỹ.
Cảnh sống tồi tệ trong một trại tạm trú

Hoan Carlos, di dân Honduras nói: “Người kéo dây là người Mexico. Họ làm để lấy tiền công. Cứ đưa được một đứa trẻ sang đất Mỹ, cha mẹ chúng phải trả 200USD”.
Nicholas Stimmer, cảnh sát biên phòng Mỹ cho biết có những đứa trẻ chưa biết nói hoặc chỉ bập bẹ vài tiếng Tây Ban Nha nên đơn vị tuần tra của ông không thể biết lai lịch, xuất xứ, họ tên của chúng là gì: “Vì vậy chúng tôi phải đưa chúng vào các trung tâm bảo trợ rồi thông báo cho cảnh sát Mexico, nhờ họ phối hợp tìm ra cha mẹ chúng để buộc những người này phải nhận lại con cái”.
Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ lại cố tình lờ đi hoặc lẩn trốn khi nhận lệnh triệu tập của cảnh sát Tijuana. Họ tin rằng nếu cảnh sát không tìm ra họ, không thấy họ đến nhận lại con thì con cái họ vẫn sẽ được người Mỹ nuôi dưỡng và về lâu về dài, nó sẽ nhập tịch Mỹ (?!). Theo số liệu của Cục Di trú Mỹ, hiện có khoảng 12 triệu người sống “lậu” trên đất Mỹ, trong đó không ít những trường hợp là trẻ em như vừa nêu. Đã xảy ra nhiều cuộc tranh cãi về vần đề dân “ở lậu” giữa hai đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa nhưng cách giải quyết thì vẫn mù mịt.
Ở trại tạm trú, đời sống của di dân rất thê thảm. Nhiều người phải trải những tấm bìa lấy từ những chiếc thùng các tông xuống đất làm giường. Trại tạm trú vốn chỉ được thiết kế để chứa 2.000 người thì nay phải cõng đến hơn 6.000 người trong lúc di dân vẫn ồ ạt kéo đến. Vòi nước công cộng quá ít nên nếu muốn tắm, di dân phải chờ cả nửa tiếng mới đến lượt mình hứng được 1 xô.
Cô Jose Marianna, 21 tuổi, người Goatemala nói: “Nhà tắm làm bằng những tấm nilon quây lại, có nhiều chỗ hở nên phụ nữ chúng tôi khi tắm đều phải mặc nguyên cả áo quần”. Ăn uống thì ngày 2 bữa, di dân được phát pizza hoặc buritos - một loại bánh gồm bột mì nướng cuộn thịt băm, đôi khi là cơm nấu với đậu đỏ và thịt. Do điều kiện vệ sinh kém nên ruồi nhặng, rác rưởi tràn lan trên mặt đất. Joseph Garcia, di dân Honduras cho biết ngoài cảnh sống cùng cực, họ còn phải chịu đựng nạn băng đảng, cướp bóc và sự phản đối của người Mexico. Đã xảy ra một số xung đột giữa hai phía khi những nhóm quá khích Mexico vũ trang bằng gậy gộc, kéo đến trung tâm tạm trú hò hét yêu cầu di dân “cút về nước”.
Để nuôi sống hơn 9.000 di dân, mỗi ngày thành phố Tijuana tiêu tốn  30.000USD. Ông Joan Manuel Gastelum, thị trưởng Tijuana đã ban bố tình trạng khủng hoảng nhân đạo trong khu vực khi dòng người di cư áp sát bức tường biên giới. Nhằm ngăn chặn những kẻ quá khích cố tình trèo tường vượt biên giới, cảnh sát Mỹ không ngần ngại sử dụng đạn hơi cay.
Và mặc dù Tijuana sẵn sàng đón nhận khoảng 5.000 di dân, cung cấp cho họ việc làm cùng những trợ giúp ban đầu nhưng di dân xem ra không mặn mà lắm. Patricia Cruz, người Honduras cho biết nếu ở lại Tijuana và nếu có việc làm thì tiền lương cũng không đủ để cô gửi về giúp đỡ gia đình. Trả lời tờ Washington Post, Cruz nói rất ngây thơ: “Hãy cho tôi vào Mỹ, tôi sẽ chăm chỉ làm việc và đóng thuế đầy đủ”.
Theo luật lệ hiện hành, di dân ở Tijuana muốn xin tị nạn trên đất Mỹ thì phải đến văn phòng di trú, đặt ngay tại biên giới để nộp đơn. Các viên chức văn phòng sẽ xem xét và nếu có lý do chính đáng theo luật Mỹ thì họ mới nhận đơn. Sau đó, di dân được cho vào Mỹ, ở trong các trại tạm trú hoặc trại tạm giữ rồi phải chờ từ 3 đến 4 năm để Tòa Di trú Mỹ ra phán quyết.
Một quan chức thuộc Cục Di trú Mỹ cho biết hiện có 70.000 đơn xin tị nạn đang tồn đọng nên thời gian chờ đợi chắc sẽ kéo dài hơn, và không phải bất cứ đơn nào cũng được Tòa Di trú cho phép ở lại. Trả lời câu hỏi của tờ Washington Post, một di dân Honduras tỏ ra thất vọng khi phải sống trong trại tạm trú trên đất Mexico. Anh cho biết tất cả mọi người khi rời bỏ quê hương bản quán ra đi đều tin rằng sẽ dễ dàng vào Mỹ, được nước Mỹ nuôi dưỡng tử tế cho đến khi tình trạng cư trú được hợp thức hóa.
Theo tờ Washington Post, câu trả lời của anh ta đã cho thấy sự mù quáng trước những lời hứa hẹn của bọn buôn người, của những cuộc tranh cãi giữa hai đảng Dân chủ, Cộng hòa về vấn đề di dân, cũng như nhắm mắt tin vào “Luật an toàn cho di dân - Sanctuary Law” của một số bang như bang California. Washington Post nhấn mạnh: “Tình trạng tuyệt vọng có thể dẫn đến việc di dân bí mật đào đường hầm để vào Mỹ như bọn buôn bán ma túy đã từng làm trước đó. 
Trải qua những ngày tháng ê chề trong trại tạm trú, đã có 700 người Honduras xin hồi hương. Khoảng 2.500 người - cả Honduras lẫn Goatemala đồng ý nhận việc làm tại Tijuana với hy vọng “thế nào cũng có cơ hội vào Mỹ”. Còn hơn 6.000 người khác vẫn lay lắët với giấc mơ đổi đời. Roberto, di dân Honduras nói: “Tổng thống Trump nên cho chúng tôi một dịp may. Chúng tôi đến Mỹ làm việc chứ không phải tạo ra rắc rối, hoặc trở thành tội phạm”.
Để đối phó với dòng người di dân chưa hề có dấu hiệu ngừng lại, Tổng thống Trump ngoài việc điều 5.200 binh sĩ đến khu vực biên giới dài 3.200km giáp với Mexico, ông còn đe dọa sẽ đóng cửa tất cả các cửa khẩu nếu Mexico không có biện pháp ngăn chặn mặc dù đây là một trong những nơi đi lại nhộn nhịp nhất thế giới, doanh số giao thương hàng năm lên đến 500 tỉ USD. Trên trang Twiter cá nhân, Tổng thống Trump viết: “Với lời mạnh mẽ nhất, tôi yêu cầu Mexico phải dừng ngay cuộc đổ bộ này, và nếu họ không thể làm được như vậy, tôi sẽ điều động quân đội Mỹ và đóng cửa biên giới miền nam của chúng tôi”.
3. Cho đến nay, tâm trạng của hầu hết di dân là chờ đợi và… chờ đợi. Họ hy vọng sẽ có một phép màu xảy đến với họ. Và mặc dù nhiều người Mexico tốt bụng ở thành phố Tijuana đã mang đến cho họ chăn mền, quần áo ấm, thức ăn, bánh kẹo trong đêm Giáng sinh nhưng nó vẫn không đủ để xua tan cái lạnh giá - cả ở bên ngoài lẫn bên trong lòng họ.

Cảnh sát biên giới Mỹ bắn hơi cay để giải tán đám đông quá khích



Rodiguez, di dân Honduras nói: “Càng ngày càng có nhiều người Mexico ác cảm với chúng tôi. Họ tập trung, phất cờ Mexico và hô to: “Bọn xâm lược, cút khỏi Tijuana”. Cô Paloma, cũng là di dân Hondiras nói thêm: “Họ gọi chúng tôi là quân ăn bám, đến đây để tìm sự bố thí, rằng chúng tôi là tội phạm ma túy, mại dâm, bắt cóc tống tiền, rằng chính phủ Honduras phải có trách nhiệm với chúng tôi chứ không thể để đất nước Mexico gánh vác…”.
Với những người quyết định trở về, họ cho biết họ đã quá ê chề với “giấc mơ Mỹ”. Anh Legujamo, người Goatemala nói với tờ Washington Post: “Cảnh sát biên giới Mỹ cho phép những di dân có người thân đã định cư ở Mỹ được nói chuyện với nhau qua hàng rào vài phút. Trong cuộc nói chuyện ấy, anh trai tôi bảo: “Đừng thấy những đồng đôla anh gửi về hàng tháng mà nghĩ rằng nước Mỹ là thiên đường, là nơi kiếm tiền dễ như hái nho. Nước Mỹ là chiến trường, nơi không hề có chỗ cho những ảo vọng”.
Còn chị Ana Perdo, di dân El Salvador thì cho biết: “Trước khi ra đi, tôi là giáo viên tiếng Anh ở một trường trung học. Tôi tin rằng với khả năng của tôi, tôi sẽ được nhận vào Mỹ nhưng bây giờ tôi mới biết rất nhiều người còn tài giỏi hơn tôi mà vẫn ăn bờ nằm bụi nên tôi cùng chồng tôi và hai đứa con quyết định quay về. Tôi hy vọng rằng trường trung học sẽ tiếp nhận tôi vào giảng dạy trở lại”.
Ngược lại, những người quyết tâm “bám trụ” thì vẫn ngày đêm ngồi lì ở bức tường biên giới. Anabell Pineda, 26 tuổi, nói: “Trong suốt nhiều ngày, tôi đã phải đi bộ mỗi ngày từ 12 đến 15 tiếng để đến được đây. Bây giờ mà kêu tôi trở lại thì câu trả lời là không!”. Macan, 40 tuổi nói: “Tôi đã bán hết nhà cửa tài sản trước khi lên đường. Nếu trở về, tôi sẽ thành người vô gia cư. Tôi tin rằng nước Mỹ sẽ phải ngó xuống chúng tôi chứ…”.
Và trong khi chờ đợi Mỹ và Mexico họp bàn để tìm ra giải pháp cho vấn đề di dân, thì những con người khốn khó vẫn sẽ tiếp tục phải chịu đựng những điều kiện sống tồi tệ, chưa biết khi nào mới kết thúc. Theo các nhà bình luận quốc tế, cho dù có giải pháp gì chăng nữa, người Mỹ sẽ không bao giờ để cho di dân “ai muốn vào thì vào”.
Vũ Cao (ANTG/Công an nhân dân theo Central America Today)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X