Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, January 31, 2019 , 0 bình luận

Đưa quân vào Venezuela không mang lại lợi ích cho Mỹ, thậm chí có thể khiến Washington lún sâu vào cuộc chiến tốn kém.

>>Nga - Trung hậu thuẫn 'đặc biệt' cho Tổng thống Venezuela


Dòng chữ "5.000 binh sĩ tới Colombia" trên tập giấy Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton mang vào buổi họp báo về lệnh trừng phạt chống Venezuela hôm 28/1 làm dấy lên những đồn đoán rằng Mỹ có thể sẽ sử dụng lực lượng quân sự để can thiệp vào khủng hoảng hiện nay ở Venezuela.


Trực thăng và tàu vận tải đổ bộ Mỹ hoạt động ngoài khơi Peru hồi cuối năm 2018. Ảnh: US Navy

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nhiều khả năng các tướng chỉ huy quân đội Mỹ sẽ không muốn lực lượng của mình tham gia vào một cuộc phiêu lưu quân sự ở quốc gia Nam Mỹ này vì cả lý do chiến lược lẫn chiến thuật, theo Sputnik.
"Bolton từ trước tới nay vẫn giữ quan điểm nên can thiệp vào tình hình Venezuela. Dù vậy, về mặt chiến lược, phương án này không có ý nghĩa với lợi ích quốc gia Mỹ nói chung và quân đội nói riêng", Karen Kwiatkowski, cựu trung tá không quân và chuyên gia phân tích Lầu Năm Góc, nhận định.
Việc quân đội Mỹ tiến hành một chiến dịch quân sự tốn kém nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sẽ khiến dân Mỹ tức giận, trong bối cảnh nhiều cử tri nước này tỏ ra bức xúc với những vấn đề chính trị nội bộ, như đợt đóng cửa chính phủ dài nhất trong lịch sử và mâu thuẫn hiện nay giữa Tổng thống Donald Trump với quốc hội.


"Dư luận Mỹ sẽ không ủng hộ chiến dịch lật đổ chính quyền Venezuela, bất chấp sự hiện diện của đội ngũ quan chức bảo thủ và diều hâu trong Nhà Trắng. Suy nghĩ này có thể xuất hiện trong đầu các chỉ huy quân sự, nhất là khi Washington không có đồng minh tin cậy tại khu vực Nam Mỹ để hỗ trợ đảo chính lật đổ chính phủ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro", Kwiatkowski nói thêm.
Dù nhiều quốc gia Nam Mỹ tuyên bố ủng hộ "tổng thống Venezuela tự phong" Juan Guaido, Mỹ khó lòng thuyết phục được họ cho mượn căn cứ quân sự để phát động chiến dịch can thiệp vào Venezuela. Ngoại trưởng Peru Nestor Popolizio hôm 30/1 đại diện cho Nhóm Lima, liên minh gồm 13 quốc gia khu vực Mỹ Latin và Canada, khẳng định không ủng hộ hành động can thiệp quân sự nhằm vào Venezuela.
Washington hiện có một số căn cứ quân sự ở Nam Mỹ, nhưng chủ yếu chỉ triển khai lực lượng vận tải nhằm đảm bảo khả năng sơ tán công dân khi cần thiết. Trong đó nổi bật là lực lượng đặc nhiệm hải lục không quân (SPMAGTF) đóng quân thường trực tại căn cứ Soto Cano ở Honduras, được trang bị nhiều máy bay như vận tải cơ KC-130, trực thăng hạng nặng CH-35E và trực thăng lai MV-22 Osprey.
SPMAGTF đủ sức tự triển khai ở những khu vực cách xa căn cứ, không có cơ sở hậu cần kỹ thuật. Tuy nhiên, máy bay Mỹ sẽ phải vượt hành trình hơn 2.200 km từ Soto Cano tới thủ đô Caracas của Venezuela, sau khi hạ cánh tiếp liệu ở những nước gần đó như Costa Rica, Panama và Colombia.
Việc các quốc gia này không ủng hộ biện pháp quân sự sẽ gây khó khăn lớn cho hoạt động của lực lượng Mỹ, buộc Washington triển khai nhiều đơn vị hậu cần kỹ thuật. Chi phí cho chiến dịch can thiệp quân sự vào Venezuela sẽ tăng đáng kể, đồng thời quân đội Mỹ cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro trong tác chiến hơn.
Caracas đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế chính trị nghiêm trọng, nhưng quân đội Venezuela vẫn là lực lượng đáng gờm với nhiều vũ khí trang bị hiện đại do Nga cung cấp và trung thành với Tổng thống Maduro nhờ chế độ đãi ngộ tốt. Kwiatkowski cho rằng xung đột quân sự giữa Venezuela và Mỹ nếu nổ ra sẽ rất khốc liệt và không thể dự đoán trước kết quả.

Dù "tổng thống lâm thời" Juan Guaido nói đang bí mật đàm phán với quân đội Venezuela trong nỗ lực chống ảnh hưởng của Maduro, phần lớn lực lượng vũ trang nước này đã thề trung thành với Tổng thống. Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino tuyên bố sẵn sàng bảo vệ chủ quyền đất nước nếu nước ngoài can thiệp quân sự.
Quân đội Venezuela ngày 27/1 điều một số xe tăng chiến đấu chủ lực, thiết giáp và pháo tự hành 2S19 Msta-S tới khu vực biên giới giáp Colombia, nhằm đối phó nguy cơ Mỹ triển khai lực lượng quân sự từ lãnh thổ nước láng giềng. Quân đội Venezuela hiện có khoảng 515.000 binh sĩ thường trực và hơn 500.000 dân quân vũ trang.
Lực lượng vũ trang hiện đại, được huấn luyện bài bản của Venezuela đủ sức gây thiệt hại lớn cho các chiến dịch quân sự của Mỹ, khiến Washington đối mặt với nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến hao người tốn của mà không bảo đảm lật đổ được Maduro. Điều này có thể dẫn tới sự phản đối dữ dội trong dư luận nước Mỹ, nhất là khi Trump đang thúc đẩy quá trình rút quân khỏi các điểm nóng như Syria và Afghanistan.
"Còn quá sớm để dự đoán diễn biến chính trị ở Venezuela. Tuy nhiên, việc triển khai binh sĩ Mỹ vào lãnh thổ nước này có thể dẫn đến xung đột quân sự, gây thương vong nặng nề cho hai bên", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận xét.
Nga và Trung Quốc cũng đang đầu tư nhiều nguồn lực vào Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Hai nước này đã bày tỏ thái độ ủng hộ Maduro và phê phán các hành động của Mỹ, bao gồm cả việc công nhận Guaido là lãnh đạo hợp pháp của Venezuela.
Điều đó dẫn tới khả năng Moskva và Bắc Kinh triển khai lực lượng bảo vệ chính quyền Tổng thống Maduro, cũng như cơ sở hạ tầng của Caracas trước mối đe dọa từ Washington. Một số nguồn tin cho biết nhân viên tập đoàn an ninh tư nhân Wagner, công ty bị cáo buộc điều lính đánh thuê đến hỗ trợ quân đội Nga ở chiến trường Syria và Ukraine, đã xuất hiện ở Venezuela. Tuy nhiên, Moskva đã bác bỏ thông tin này.
Nếu chính phủ Mỹ quyết tâm theo đuổi kế hoạch can thiệp quân sự, lực lượng hai bên có nguy cơ xung đột, dẫn tới một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa các cường quốc. Tình hình chiến sự căng thẳng sẽ đẩy giá dầu lên cao và ảnh hưởng tới nguồn cung dầu thô cho Washington, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp lọc dầu Mỹ vốn nhập khẩu hơn 500.000 thùng/ngày từ Venezuela.


Tiêm kích Su-30MK2 hiện đại nhất trong biên chế không quân Venezuela. Ảnh: Wikipedia.

"Mỹ chỉ triển khai lực lượng chống ma túy và điệp viên thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) ở khu vực Nam Mỹ. Nếu muốn thực hiện hành động quân sự chớp nhoáng, Washington sẽ phải dựa vào hải quân", Kwiatkowski nói thêm. Hiện chưa rõ lực lượng hải quân Mỹ triển khai gần Venezuela, sau khi nhóm tác chiến ven biển gồm tàu vận tải đổ bộ USS Somerset và khu trục hạm USS Wayne E. Meyer đã rời Nam Mỹ cuối tháng 12/2018.
Nếu chính phủ Mỹ quyết định can thiệp quân sự, giai đoạn chuẩn bị và triển khai binh sĩ sẽ kéo dài ít nhất vài tháng, trong lúc các chỉ huy Lầu Năm Góc có thể tìm cách trì hoãn phương án đưa quân vào Venezuela.
Địa hình ở Venezuela chủ yếu là rừng rậm và đồi núi, rất khác so với chiến trường sa mạc mà lính Mỹ đã quen huấn luyện và tác chiến suốt một thập kỷ qua ở Trung Đông. Trên thực tế, quân đội Mỹ cũng đã chấm dứt chương trình huấn luyện trong rừng sau vụ khủng bố 11/9/2001, để tập trung đào tạo binh sĩ chiến đấu trên địa hình sa mạc trống trải, khô cằn.
Nếu phát động chiến dịch quân sự tấn công Venezuela, Mỹ sẽ phải huấn luyện lại cho binh sĩ về tác chiến trong rừng rậm, thay đổi quân phục dã chiến và màu sơn ngụy trang của các xe tăng, xe bọc thép. Việc thiếu kinh nghiệm tác chiến trong rừng rậm cũng có thể khiến lính Mỹ phải trả giá đắt khi đối mặt với chiến thuật đánh du kích.
"Vì những lý do này, tôi tin rằng một chiến dịch can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu vào Venezuela sẽ không xảy ra trong tương lai", bình luận viên Mark Rosenberg của Forbes nhận định. "Thay vào đó, các bên sẽ tập trung vào nỗ lực kinh tế và ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng này".
Vũ Anh (vnexpress)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X