Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Wednesday, February 13, 2019 , 0 bình luận

(Tindautruongdanchu)-Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đến nay đã giành được những thắng lợi to lớn, rất quan trọng, đã và đang tạo ra thế và lực đưa nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thắng lợi của công cuộc đổi mới là một trong những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, khẳng định bản lĩnh chính trị, trí tuệ của Đảng ta.

Nâng cao khả năng đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch cho học viên ở nhà trường quân đội


Ngay từ cương lĩnh đầu tiên Đảng ta đã xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam: sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Suốt hơn 80 năm qua, Đảng ta, nhân dân ta đã kiên định con đường đó. Đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng và sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta. Đó chính là sự lựa chọn của trí tuệ, bản lĩnh chính trị sắc bén và khoa học.

Từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX, đất nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài nhiều năm. Do “những sai lầm nghiêm trọng về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”[1]. Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy là “bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế, xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng”[2]. Đó là tư tưởng vừa “tả” khuynh, vừa “hữu” khuynh. Những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế, xã hội, “bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”[3].

Ảnh minh họa



Tuy nhiên, bằng trí tuệ, bản lĩnh chính trị của mình, Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã công bố đường lối đổi mới toàn diện đất nước vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã chỉ ra những ưu điểm, nghiêm khắc đánh giá đúng khuyết điểm, sai lầm trong mười năm cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội đã khẳng định: Đổi mới là tất yếu khách quan, là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với cách mạng nước ta. Song đổi mới không có nghĩa là phủ định sạch trơn mà phải biết kế thừa, phát triển những yếu tố tích cực. Đổi mới xuất phát từ thực tiễn, nhu cầu xã hội Việt Nam, không rập khuôn bất cứ mô hình có sẵn nào trên thế giới. Đảng ta đã sáng suốt, kịp thời phát hiện nhu cầu đổi mới được hình thành, phát triển, trở thành xu hướng rõ rệt từ cơ sở qua các hiện tượng “khoán chui”, “phá rào” ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nghệ An, Long An... Từ đó, Đảng kịp thời tổng kết với tư duy sáng tạo đã hình thành đường lối đổi mới toàn diện đất nước.

Thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta, nhân dân ta cương quyết sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm đã mắc phải, đồng thời từng bước hình thành nên tư duy mới, quan niệm mới về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Đó phải là quá trình diễn ra đồng bộ, toàn diện và triệt để trên các lĩnh vực nhưng có hình thức, bước đi, cách làm phù hợp: trong giai đoạn đầu tập trung đổi mới kinh tế, từng bước đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện, tiền đề cần thiết để giữ vững sự ổn định về chính trị; tiếp đó đồng thời với đổi mới kinh tế là từng bước đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhờ vậy, công cuộc đổi mới trên đất nước ta từng bước tiến lên vững chắc. Đó chính là sự nhạy bén trong lựa chọn hình thức, bước đi, xác định khâu then chốt là giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị của Đảng trong quá trình đổi mới. Như vậy, ngay từ đầu, công cuộc đổi mới trên đất nước ta đã là sản phẩm của trí tuệ, bản lĩnh chính trị của toàn Đảng, toàn dân, góp phần làm giàu thêm trí tuệ, bản lĩnh chính trị, tính khoa học của Đảng.

33 năm tiến hành đổi mới trên đất nước ta cũng là 33 năm Đảng ta, nhân dân ta luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Có những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Đó là vào những năm 1986 - 1988, khi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội lên đến đỉnh cao, giá cả tăng lên 393,8%, lạm phát đạt mức kỷ lục 774,4%, đời sống nhân dân giảm sút; nhiều xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp đình đốn, thua lỗ, sản xuất cầm chứng, thậm chí nhiều xí nghiệp phải đóng cửa; hàng chục vạn công nhân mất việc làm; hàng vạn giáo viên phải bỏ nghề… Trong khi đó, chiều hướng cải tổ ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô ngày càng xấu đi. Do phạm phải hết sai lầm này đến sai lầm khác trong quá trình cải tổ nhất là chủ trương chấp nhận đa nguyên về chính trị và chế độ đa đảng đối lập mà các nước đó đã lún sâu vào cuộc khủng hoảng toàn diện và đứng trước sự sụp đổ. Các thế lực thù địch trong và người nước ra sức lợi dụng tình hình để xuyên tạc, kích động, chống phá chủ nghĩa xã hội (CNXH), chống phá công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo... Thực tế đó đã làm nảy sinh nhiều luồng tư tưởng khác nhau: một số người thiếu tin tưởng vào đổi mới đòi quay về với thời kỳ trước, nếu không không muốn mất tất cả; một số người lại không bằng lòng với tốc độ, bước đi như vừa qua và muốn đổi mới nhanh hơn, mạnh hơn; một số khác muốn xét lại con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, muốn nhân danh đổi mới để đưa đất nước đi theo con đường khác... Trong hoàn cảnh ấy, nếu thiếu trí tuệ, bản lĩnh chính trị, tính khoa học hoặc hoang mang, dao động đều đưa cuộc khủng hoảng đến chỗ trầm trọng hơn.

Chính trong bối cảnh lịch sử phức tạp đó, bản lĩnh chính trị và trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam lại toả sáng. Hội nghị Trung ương 6 khoá VI (3/1989), không những khẳng định dứt khoát phải kiên trì con đường đổi mới vì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH mà còn bổ sung, phát triển nhiều vấn đề về đường lối như: thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần, coi đây là nhiệm vụ chiến lược lâu dài có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên CNXH; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, hình thành cơ chế thị trường; thống nhất thị trường trong cả nước và gắn liền với thị trường thế giới... Đặc biệt, Hội nghị đã đề ra những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo quá trình đổi mới. Các nguyên tắc đó là những vấn đề chiến lược trong đường lối đổi mới của Đảng, nhằm bảo đảm cho công cuộc đổi mới ở nước ta phát triển đúng hướng, có hiệu quả.

Thực tế công cuộc đổi mới đã chứng minh những giá trị đích thực của các nguyên tắc đổi mới do Hội nghị Trung ương 6 khoá VI xác định. Nếu như lúc đó bản lĩnh chính trị của Đảng không vững vàng, không đủ trí tuệ để kịp thời phát hiện và xử lý những diễn biến, tác động xấu của tình hình, không nhạy bén đề ra các nguyên tắc đổi mới, chắc chắn chúng ta không thể giành được những thành tựu to lớn trong quá trình đổi mới những năm vừa qua.

Bản lĩnh chính trị và trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hoạch định đường lối đổi mới còn được thể hiện nổi bật ở việc thiết kế một mô hình về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đây là vấn đề được tranh luận rất sôi nổi cả trong Đảng và ngoài xã hội. Trong khi CNXH hiện thực thế giới đang lâm vào tình trạng khủng hoảng cả về lý luận và thực tiễn. Qua nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình, Đại hội VII của Đảng (6/1991) kết luận: “Quả là đang có những hạn chế nhất định về lý luận và thực tiễn khi chúng ta bắt tay xây dựng Cương lĩnh. Nhưng đó không phải là trở ngại không thể vượt qua. CNXH đã có lịch sử hơn 70 năm, có thành công và có thất bại, đó là nguồn kinh nghiệm vô giá. Lại có cả kinh nghiệm đổi mới, cải tổ, cải cách những năm qua gợi mở cho thấy nhiều vấn đề quan trọng, từ mặt thành tựu và cả từ những vấp váp. Đó là những kết luận cần thiết dưới sự chỉ dẫn của phương pháp luận Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo"[4].

Với tinh thần đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã nêu lên quan niệm mới về CNXH với 6 đặc trưng và 7 phương hướng - những nhiệm vụ lớn phải giải quyết trong thời kỳ quá độ, là nội dung của con đường đi lên CNXH ở nước ta. Sau 20 năm thực hiện, trên cơ sở những quan điểm, tư tưởng, định hướng cơ bản của Cương lĩnh năm 1991; bám sát thực tiễn của đất nước và thời đại; phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo động lực mạnh để đưa đất nước đi lên, Dự thảo Cương lĩnh trình Đại hội XI của Đảng đã bổ sung, phát triển mô hình xã hội chủ nghĩa với 8 đặc trưng, 8 phương hướng. Thông qua đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định đầy đủ hơn. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh đang từng bước được hiện thực hoá trong đời sống xã hội, đem lại lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, với sự nghiệp cách mạng. Uy tín của Đảng, của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Sau 33 năm đổi mới nước ta đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động tiêu cực của hai cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực và toàn cầu, đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Nhiều mục tiêu chủ yếu của Chiến lược 2001 - 2010 đã được thực hiện, đạt bước phát triển mới cả về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,2%/năm. Năm 2010 tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người đạt 1.200 USD. Trong giai đoạn kinh tế Mỹ và thế giới lâm vào suy thoái, khủng hoảng đến nay vẫn chưa hồi phục hoàn toàn thì Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng trên 5% và là một trong số ít các nước tăng trưởng dương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định và tăng thêm nguồn lực cho phát triển đất nước. Việt Nam là một trong những nước có vai trò như người mở đường đi đến thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở những nước chậm phát triển trong thời đại hiện nay. Điều đó thể hiện rõ tầm vóc, bản lĩnh chính trị vững vàng và năng lực trí tuệ, tính khoa học của Đảng ta trong hoạch định đường lối đổi mới.

Điều có ý nghĩa quan trọng là chúng ta giành được những thành tựu đó trong bối cảnh lịch sử diễn biến không bình thường, có những thời điểm đất nước ta bị đặt trong tình thế hiểm nghèo tưởng chừng khó có thể vượt qua. Sự kỳ diệu và vĩ đại của Đảng là ở chỗ Đảng luôn ý thức được trách nhiệm của mình trước lịch sử, dũng cảm sửa sai, nêu cao tinh thần độc lập tự chủ và sáng tạo cả trong hoạch định đường lối và tổ chức thực hiện. Đương nhiên, độc lập tự chủ không đồng nhất với biệt lập, khép kín; sáng tạo nhưng vẫn dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, luôn xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén nắm bắt cái mới; đồng thời quan tâm tổng kết kinh nghiệm; từng bước bổ sung phát triển, hoàn chỉnh đường lối và phương pháp cách mạng trong từng thời kỳ... Đó chính là bản lĩnh chính trị và trí tụê của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hoạch định đường lối, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, Đảng ta cũng xác định và nhận thức đầy đủ những nguy cơ gây cản trở đến công cuộc đổi mới đất nước. Các nguy cơ đó có quan hệ mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau, chúng ta không xem nhẹ nguy cơ nào.

Lịch sử gần 90 năm ra đời, tồn tại, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của Đảng. Trong điều kiện mới, đòi hỏi Đảng ta càng phải thể hiện trí tuệ, bản lĩnh chính trị của một Đảng cầm quyền, kịp thời đề ra chủ trương, chính sách đúng đắn, quyết đoán, vừa không bỏ lỡ thời cơ, vận hội, vừa đẩy lùi nguy cơ thách thức; phát huy truyền thống đoàn kết đấu tranh kiên cường, lao động sáng tạo của nhân dân để đưa cách mạng tiếp tục tiến lên. Với truyền thống cách mạng và kinh nghiệm của mình, Đảng cộng sản Việt Nam nhất định sẽ chèo lái con thuyền cách mạng tới bến bờ hạnh phúc.

TS Nguyễn Thái





[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.25.
[2]Sđd, tr.25.
[3]Sđd, tr.26.
[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.110.

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X