Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Saturday, April 06, 2019 , 0 bình luận

Nhật thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su vì chứa chất cấm


Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka, Nhật Bản đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam, do có chứa chất phụ gia bị cấm dùng trong sản xuất tương ớt ở Nhật.


Trao đổi với PV sáng 6-4, ông Tạ Đức Minh - tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản - xác nhận thông tin được đăng tải trên trang thông tin của thành phố Osaka - www.city.osaka.lg.jp từ ngày 2-4.


Hình ảnh sản phẩm Chin-su bị thu hồi ở Nhật - Ảnh: Osaka City


Theo đó, những chai tương ớt Chin-su của Công ty Masan bị thu hồi do chứa phụ gia thực phẩm (axit benzoic, axit sorbic... ) chưa được kiểm định sử dụng tại Nhật, vi phạm điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm.
Theo trang này, ngày 8-3, cán bộ giám sát an toàn thực phẩm của Cục Y tế và phúc lợi thành phố Tokyo tiến hành kiểm tra sản phẩm tương ớt nhãn nhãn Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam của Tập đoàn Javis, Nhật vì nghi ngờ vi phạm đạo luật Vệ sinh thực phẩm và đạo luật Nhãn thực phẩm.
Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka lập tức mở cuộc điều tra tại Javis.
Giám đốc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka đã ra lệnh cho nhà nhập khẩu thu hồi toàn bộ sản phẩm sau khi xác định lô hàng tương ớt nhập khẩu ngày 7-12-2018 từ Việt Nam có chứa chất cấm phụ gia axit benzoic.
Hình ảnh sản phẩm Chin-su (phía trước) - Ảnh: Osaka City
Thông tin trên trang www.city.osaka.lg.jp cho biết chính quyền Osaka xác nhận chỉ có một công ty vi phạm là Công ty Javis, có trụ sở tại Higashi-ku, Osaka và giám đốc đại diện là Yasuhiro Naka do đã nhập khẩu lô hàng có chứa chất cấm theo tiêu chuẩn của Nhật.
Về phía hàng hóa vi phạm, trang thông tin thành phố Osaka ghi rõ: "Tên sản phẩm: tương ớt Chin-su, xuất xứ: Masan Việt Nam, hạn dùng: 10-6-2019, 17-6-2019, 6-7-2019".
Tương ớt Chin-su vi phạm khoản 2 điều 11 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật do axit benzoic không được cho phép sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản.
Theo kết quả phân tích của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo thuộc Viện Nghiên cứu công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật lần lượt 0,41g/kg với các chai có hạn dùng 10-6-2019, 0,44g/kg với hạn dùng 17-6-2019 và 0,45g/kg với hạn dùng 6-7-2019.
Tổng cộng có 757 thùng, 18.168 chai tương ớt đã được bán cho Công ty TNHH Công nghiệp ISC từ tháng 10 đến tháng 12-2018.


Hình ảnh sản phẩm Chin-su (mặt sau) với ngày hết hạn 10-6-2019 - Ảnh: Osaka City
Axit benzoic 5mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày: được phép
Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo lượng axit benzoic được phép tiêu thụ hằng ngày không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người là 5mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày.
Tức nếu một người có trọng lượng 50kg thì được phép tiêu thụ 0,25g axit benzoic/ngày.


Hình ảnh sản phẩm Chin-su (mặt sau) với ngày hết hạn 17-6-2019 - Ảnh: Osaka City
Trong kết quả xét nghiệm, lượng axit benzoic tối đa trong các chai Chin-su nhập khẩu vào Nhật là 0,45g/kg, nên trang www.city.osaka.lg.jp khẳng định một người nặng 50kg có thể tiếp tục ăn 0,56kg tương ớt (khoảng 0,22g axit benzoic) mỗi ngày trong suốt cuộc đời mà không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Tương tự một người cân nặng 30kg có thể tiêu thụ 0,33kg (khoảng 1/3 chai) tương ớt mỗi ngày.
Tham tán Tạ Đức Minh cũng lưu ý nên tham khảo các trang web Nhật ghi thông tin về các loại đồ được phép và cấm không được phép mang vào Nhật. Trong trường hợp trên, axit benzoic có trong Chin-su là một loại chất cấm của Nhật.
Hình ảnh sản phẩm (mặt sau) với ngày hết hạn 6-7-2019 - Ảnh: Osaka City

Bộ Y tế lên tiếng về 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế hôm nay 6-4 cho biết: cơ quan này đang nhanh chóng làm rõ vụ trên 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, hiện chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ VN, nhưng cơ quan này cũng đang cho làm rõ vụ việc, đặc biệt là nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi và nguồn gốc hàng hóa.



Trao đổi với PV về nguyên nhân lô hàng kể trên bị thu hồi tại Nhật Bản như thông tin từ website của thành phố Osaka, Nhật, nơi thu hồi tương ớt Chin-su (sản phẩm chứa acid bezoic, trong khi quy định tại Nhật Bản không cho phép tương ớt được bảo quản bằng chất này), chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm cho biết acid benzoic có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (cả VN và Nhật Bản đều là thành viên).
Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng cần phải làm rõ xem loại phụ gia này có được sử dụng trong sản xuất tương ớt hay không. Cục sẽ sớm làm rõ và trả lời công luận.
Về nguy cơ nếu sử dụng phụ gia acid benzoic trong sản phẩm, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết nếu dùng quá hàm lượng cho phép và ngoài danh mục sản phẩm được phép, acid benzoic gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày... ở người sử dụng.
Liên quan đến lệnh cấm này, PV trao đổi với một số chuyên gia về an toàn thực phẩm.
Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết mỗi quốc gia đều có những quy định riêng về danh mục phụ gia và hàm lượng phụ gia trong thực phẩm trên một trọng lượng nhất định.
Theo bác sĩ Diệp, hai chất axit benzoic, axit sorbic không phải là chất cấm. Ở Việt Nam hai chất này nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng. Trong sản xuất thực phẩm, nhà sản xuất buộc phải sử dụng hai chất phụ gia này mới định hình được sản phẩm, tạo độ sánh, sệt.
TS Phan Thế Đồng - chuyên gia về công nghệ thực phẩm Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM cũng cho biết trong chế biến thực phẩm axit benzoic, axit sorbic đều là chất bảo quản bình thường, không phải chất cấm. Hai chất này ở một số nước cho phép sử dụng nhưng tuân thủ theo quy định về liều lượng.
Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) hiện quy định axit sorbic được sử dụng trong thực phẩm từ 0,05-0,2% (tối đa 1%), còn axit benzoic sử dụng từ 0,05-0,1%.
Chiếu theo tiêu chuẩn của Codex so với hàm lượng axit benzoic được phát hiện trong tương ớt Chin-su bị Nhật thu hồi (lần lượt 0,41g/kg; 0,44g/kg và 0,45g/kg), TS Đồng cho rằng lô tương ớt bị thu hồi vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép của quốc tế.
"Có thể quy định của Nhật khắt khe hơn, họ không muốn có chất bảo quản trong đó. Tiêu chuẩn của Codex được coi như định chế tham khảo chung các bên dựa vào đó buôn bán.
Việc bị thu hồi như trên cần phải xem xét lại hợp đồng giao ước về tiêu chuẩn riêng, cụ thể giữa đơn vị xuất khẩu và nhập khẩu sản phẩm này. Đó có thể mới là vấn đề mà Nhật thu hồi sản phẩm này" - TS Đồng phân tích.
Xét về góc độ sức khỏe, theo TS Đồng, trong hai loại này thì axit benzoic tương đối độc hơn so với axit sorbic.
Cụ thể benzoic có gốc axit, khi biến đổi kết hợp với gốc rượu trở thành paraben - chất hiện đang cấm sử dụng trong các loại khăn ướt, khăn giấy bởi tiếp xúc có thể thấm qua da.
Ngoài ra sử dụng nhiều chất này có thể phản ứng với vitamin C có trong thực phẩm sinh ra benzen - một chất có thể gây ung thư. Còn axit sorbic không gây ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe, tương tự một số loại axit béo khác.
Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định liên quan đến phụ gia trong thực phẩm, hiện nay có 186 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam.
"Tiêu chuẩn chung là thế nhưng các thành viên của Codex có nước lại cho phép và có nước lại tuyệt đối cấm" - lãnh đạo Cục an toàn thực phẩm cho biết và khẳng định sẽ xác minh vụ việc.

Masan nói không bán tương ớt cho đối tác bị Nhật thu hồi


Khẳng định chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-su cho Công ty Javis hoặc Công ty ISC Industrial, đại diện Masan cho biết chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này.

Thị trường nội địa rất quen thuộc với loại tương ớt và tương cà thương hiệu Chin-su do Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan sản xuất - Ảnh:Q.ĐỊNH

Chiều 6-4, đại diện Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) lên tiếng phản hồi về thông tin Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka (Nhật Bản) ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam do có chứa chất cấm ở nước này.
Theo đó, sau khi kiểm tra thông tin nội bộ, Masan khẳng định "Masan chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-su cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd".
Do Masan chỉ xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chin-su sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hòa Czech, Trung Quốc, Đài Loan, nên nếu có xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Nhật, "công ty phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Nhật Bản".
Không chỉ "lấy làm tiếc" về sự cố nói trên, theo Masan, "nếu Công ty Javis Co., Ltd đã liên hệ với chúng tôi để nhập khẩu chính thức thì sự cố ghi nhãn này đã không xảy ra", vì việc dừng lưu thông sản phẩm của Công ty Javis Co., Ltd (Osaka, Nhật bản) là do ghi nhãn phụ không đầy đủ.

Masan cho biết hiện công ty không có mẫu sản phẩm nên "chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này, nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, trên đó có ghi rõ "Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu. Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorised", hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ".
Đại diện Masan cũng cho rằng tất cả các sản phẩm của Masan Consumer sản xuất và phân phối đều tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, bao gồm cả các quy định về ghi nhãn, thành phần và sử dụng phụ gia. 

Với sản phẩm Chin-su được bán tại thị trường Việt Nam, Masan thông tin phụ gia thực phẩm benzoic acid cũng được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau, trong đó hàm lượng benzoic acid được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt theo quy định về quản lý phụ gia thực phẩm.
Masan Consumer là một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, hiện đang sản xuất và phân phối nhiều mặt hàng thực phẩm và đồ uống, bao gồm các mặt hàng gia vị (nước mắm, nước tương, tương ớt), hàng thực phẩm tiện lợi (mì ăn liền, bữa ăn sáng tiện lợi), và các sản phẩm đồ uống (cà phê hòa tan, ngũ cốc hòa tan, nước khoáng và nước tăng lực).
Tổng hợp theo Tuổi trẻ

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X