Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Monday, April 29, 2019 , 0 bình luận

Năm nay, trong những ngày hướng đến kỷ niệm Chiến thắng lịch sử vĩ đại 30-4-1975, nhân dân ta đón mừng sự kiện này với nhiều niềm vui mới. Theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển.

Đám ‘trẻ ranh’ mượn cớ ngày ‘quốc hận’ để ‘kiếm tiền’


Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08% so với năm 2017 - mức tăng cao nhất 11 năm qua. Chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Tăng trưởng GDP trong 3 tháng đầu năm 2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng trưởng 7,38% của quý I/2018 nhưng cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011-2017.

1 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng của Dinh Tổng thống Ngụy (nay là Dinh Thống Nhất)

Đặc biệt, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh đã đạt kết quả quan trọng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và toàn dân, tạo ra một bầu không khí phấn khởi của toàn xã hội.   

Thế nhưng, trên mạng internet, những người đã bị cách mạng xóa bỏ đặc quyền khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng và những lực lượng cực đoan về chính trị ở Hoa Kỳ tiếp tục điệp khúc cũ mòn, tìm cách xuyên tạc chiến thắng vĩ đại - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Lại là những câu từ sáo rỗng như “30 tháng tư là ngày quốc hận”; ngụy biện cuộc chiến tranh chống xâm lược bảo vệ độc lập dân tộc của toàn dân ta là “cuộc nội chiến”, “huynh đệ tương tàn”…

Quan điểm của tác giả bộ phim “Chiến tranh Việt Nam” (The Vietnam War), đã phát trên kênh truyền hình PBS Hoa Kỳ (từ ngày 17-9-2017) tiếp tục được nhắc lại. Họ rêu rao rằng, cuộc chiến tranh xâm lược của Hoa Kỳ là nhằm đưa Việt Nam trở về với thế giới tự do. Còn một số kẻ “ăn cháo đá bát” thì bình luận và gọi cuộc chiến tranh Việt Nam là “cuộc chiến tranh mang tính chất ủy nhiệm, chiến tranh mang tính ý thức hệ”...

Để nhận thức rõ giá trị lịch sử và thời đại của chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta cần nhìn lại những chặng đương đầy khó khăn gian khổ của dân tộc ta để đi đến dấu mốc lịch sử đó như thế nào?

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã chấm dứt sự thống trị của chủ nghĩa thực dân-phong kiến hàng nghìn năm, giành lại được độc lập dân tộc. Năm 1946, thực dân Pháp gây chiến hòng một lần nữa áp đặt chế độ cai trị của họ đối với dân tộc ta.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cả dân tộc ta, từ Bắc chí Nam đều nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi đến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đang ở vào thời điểm quyết định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước. Người nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Thử hỏi trong cuộc chiến tranh này, đâu là cuộc chiến “ý thức hệ”, đâu là “nội chiến”? Tất cả những khái niệm đó là sự xuyên tạc lịch sử, vô lương tâm.

Lịch sử đã xác định, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược mà lực lượng cực hữu Hoa Kỳ gọi mập mờ là “chiến tranh Việt Nam (theo cách gọi của Hoa Kỳ). Bản chất cuộc chiến này một bên là cuộc chiến tranh xâm lược và nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ để cứu nước. Chẳng lẽ chỉ vì thủ đoạn chính trị - dựng lên chính quyền tay sai của Hoa Kỳ mà tính chất của cuộc chiến tranh này đã trở thành “nội chiến”? Còn nhớ Ngô Đình Diệm có lần đã nói: “biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”, chính quyền tay sai cũng đã tự thú nhận là kẻ bán nước!

Không phủ nhận rằng thắng lợi của cách mạng của dân tộc ta trong thế kỷ XX bắt nguồn từ sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác, Lênin vào Cương lĩnh chính trị của Đảng và có sự giúp đỡ to lớn của các nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc, sự giúp đỡ của các nước và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Về phía Hoa Kỳ, chính cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara - người được xem là “kiến trúc sư” cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam trong cuốn hồi ký mang tựa đề “Hồi tưởng” xuất bản năm 1995, đã thẳng thắn thừa 11 sai lầm mà Hoa Kỳ đã phạm phải trong cuộc chiến tranh này.

Đáng chú ý, ông thừa nhận có những sai lầm sau: 

(1) Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của họ (sai lầm thứ 3).

(2) “…Chúng ta không chịu nhận thức về cái gì là lợi ích tốt nhất của đất nước và dân tộc khác”, “Chúng ta không được Thượng đế ban phát quyền nhào nặn một dân tộc khác theo hình ảnh của chúng ta…” (sai lầm thứ 8).

Như vậy là, từ phía bên kia, những người lãnh đạo cuộc chiến tranh này đã thừa nhận họ đã sai lầm và tất yếu là bên thua cuộc trước tinh thần bảo vệ Tổ quốc quật cường của nhân dân Việt Nam kết thúc bằng thắng lợi 30-4 lịch sử.

Ngày nay, nhìn lại Đại thắng 30-4-1975, chúng ta thấy rõ những giá trị lịch sử và thời đại lớn lao của dân tộc ta. Đại thắng mùa xuân 1975 là cộc mốc lịch sử rực rỡ nhất của dân tộc ta qua bốn nghìn năm lịch sử. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân ta đã đánh thắng một thế lực xâm lược cao hơn Việt Nam cả một thời đại - xét về lực lượng sản xuất, khoa học, công nghệ.

Đồng thời, chiến thắng này đã mở ra cho dân tộc ta một thời đại mới, trong đó, về chính trị, mở ra sự nghiệp xây dựng một xã hội mới, là xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Về kinh tế, đó là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, nhằm bảo đảm sự công bằng xã hội. Về đối ngoại, đó quan xây dựng các hệ quốc tế dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các quốc gia dân tộc, đồng thời tăng cường hội nhập quốc tế…

Lê nin từng nói “Cách tốt nhất để kỷ niệm một sự kiện lịch sử là tiếp tục làm những công việc mà sự kiện đó đã mở ra”.

Kỷ niệm Chiến thắng 30-4, chúng ta càng thấu tỏ biết ơn và ra sức gìn giữ, bảo vệ thành quả, giá trị to lớn, giá trị của độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ; bằng những hành động thiết thực của mình để tri ân sự hy sinh xương máu của đồng bào, chiến sỹ cả nước mới có được những thành quả đó. Lịch sử khắc ghi vai trò to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê nin vào cách mạng Việt Nam. Nhờ có lý luận cách mạng đó mà dân tộc ta đã giành được những thắng lợi có giá trị thời đại.

Để bảo vệ thành quả Chiến thắng 30-4, chúng ta cần nỗ lực thực hiện đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên trì và kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc; đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc xây dựng đất nước theo con đường lịch sử đã lựa chọn; chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch hòng hướng lái chế độ chính trị nước ta sang tư bản chủ nghĩa, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, không để thành quả cách mạng rơi vào tay nhóm lợi ích dưới bất cứ hình thức nào.

TS. Cao Đức Thái (Công an nhân dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X