Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Monday, May 06, 2019 , 0 bình luận

Trên đỉnh Pha Sông, một trong những đỉnh cao nhất thuộc dãy Pú Pha Sông lừng lững mà bộ đội ta phải kéo pháo qua trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, có con dốc dựng thẳng đứng được anh em bộ đội gọi là “Dốc ông Mậu”, theo tên của cố Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351, Chính ủy Bộ Chỉ huy kéo pháo Mặt trận Điện Biên Phủ.

Các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam kéo pháo ra mặt trận trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)




Cách đây 65 năm, vào thời điểm khi ta triển khai Chiến dịch Điện Biên Phủ, để giữ bí mật việc sử dụng pháo lớn trong chiến dịch, Bộ Chỉ huy đã quyết định dùng sức người để kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa bắn. Tiếp đó, để thực hiện kế hoạch tổ chức làm đường và kéo pháo, Ban Chỉ huy kéo pháo đã được thành lập gồm các đồng chí: Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312; Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351; Phạm Kiệt, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ.
Thời điểm đó, Đại đoàn Công pháo 351 chỉ có một cán bộ cấp trưởng là Chính ủy Đại đoàn Phạm Ngọc Mậu, đồng thời là Chính ủy Bộ Chỉ huy kéo pháo Mặt trận Điện Biên Phủ.

Đồng chí Phạm Ngọc Mậu. (Ảnh gia đình cung cấp)
“Dốc ông Mậu”, “Chính ủy Bảy Tời” và những chiến sĩ “chân đồng, vai sắt”
Trên đỉnh Pha Sông cao hơn 1.100m, một trong những đỉnh cao nhất của dãy Pú Pha Sông lừng lững mà bộ đội ta phải kéo pháo qua trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trên đoạn đường từ ngã ba Nà Nhạn vòng qua bản Tấu (bản Tố) tới cánh đồng Na Hí, có con dốc dựng thẳng đứng đã được anh em bộ đội gọi vui là “Dốc ông Mậu”, là cách gọi trìu mến theo tên của người Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351 Phạm Ngọc Mậu.
Trong ký ức của ông Dương Xuân Thúy (SN 1928, quê Nam Định, ngụ TP Bảo Lộc, Lâm Đồng), cựu chiến binh thuộc Đại đoàn Công pháo 351, những hồi niệm về sự kiện “kéo pháo lên dốc ông Mậu” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ như vẫn còn là sự kiện của ngày hôm qua. “Con dốc này có nơi có độ dốc hơn 60 độ, đưa pháo vào khó khăn lắm. Hôm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến tận nơi và hỏi thăm chúng tôi có thực hiện được không? Với ý chí sẵn sàng hy sinh cho độc lập dân tộc, khó khăn gấp mấy, chúng tôi cũng đưa pháo vượt dốc đêm nay”, ông Thúy bồi hồi nhớ lại.

Trong ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) kiểm tra Pháo cao xạ tại Mặt trận Điện Biên Phủ; đồng chí Phạm Ngọc Mậu đứng ngay sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh gia đình Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu cung cấp)
Con đường kéo pháo nếu tính ra chỉ hơn mười cây số nhưng lại vắt qua nhiều ngọn núi cheo leo hiểm trở, bò quanh miệng những vực sâu. Trên đường kéo pháo, xuống khỏi "Vực sâu Vườn chuối" thì lại đến ngay dốc Bảy Tời là chỗ gay nhất. Dốc vừa cao, vừa đứng, lại vừa quanh co, khúc khuỷu. Để kéo mỗi khẩu pháo qua được chỗ này thì phải có sự chỉ huy, tổ chức, phối hợp chặt chẽ của hàng chục con người.
Chính vì vậy, khi quyết định giao nhiệm vụ quan trọng này cho Đại tá Mạc Ninh (nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, Đại đoàn 312), đồng chí Phạm Ngọc Mậu vừa động viên vừa hỏi: “Giao cho cậu ra làm Chính ủy Bảy Tời đấy. Cậu có là Chính ủy Trung đoàn giỏi thì phải hoàn thành tốt nhiệm vụ Chính ủy Bảy Tời. Phải phân công chỗ đứng cho từng dây kéo cho hợp lý, miệng phải động viên, tay áo phải xắn cao để cùng anh em kéo pháo, vặn tời, cậu thấy thế nào?”. Ngay lập tức, Đại tá Mạc Ninh đáp: Báo cáo, tôi xin nhận!”. Thế là đồng chí Mạc Ninh nhận nhiệm vụ và xông ngay vào đội ngũ dây tời, và cũng kể từ lúc đó đồng chí Mạc Ninh còn được anh em gọi bằng cái tên thân mật là "Chính ủy Bảy Tời".

Cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam kéo pháo ra mặt trận. (Ảnh tư liệu)
Lịch sử ghi nhận những tấm gương liệt sĩ đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ kéo pháo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, điển hình như anh hùng Tô Vĩnh Diện. Nhưng dọc theo con đường kéo pháo năm xưa vẫn còn những sự hy sinh thầm lặng của nhiều chiến sĩ khác…
Kể về sự hy sinh vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của các chiến sĩ thời ấy, trong Hồi ký kéo pháo vào, kéo pháo ra của mình, Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu viết:
“Đồng chí Lê Thi, đảng viên, khẩu đội phó và là chiến sĩ thi đua của đại đội lựu pháo 806 cũng đã luôn luôn xung phong nhận nhiệm vụ vác càng. Trong một trường hợp nguy hiểm, đồng chí đã bị càng kẹp vào vách núi, giập cả một ống chân mà không một lời kêu ca. Đồng chí Mận, pháo thủ đại đội 801, khi cho pháo đổ dốc ở suối Reo đã lấy vai giữ bánh, kết hợp với dây ghìm để pháo tụt dần dần. Nhưng pháo cướp đà, lao quá nhanh và đè phải đùi đồng chí Mận. Hàng trăm người ráng sức kéo ngược pháo lại để cứu đồng chí của mình, Nhưng kéo mãi vẫn không được. Đồng chí Mận đã nói với mọi người: “Chân tôi đằng nào cũng hỏng, đề nghị cứ cho pháo chạy qua để kịp đưa pháo vào trận địa”.
Nhưng lời đồng chí Mận vừa dứt thì một sức mạnh kỳ lạ bùng lên trong dòng người kéo pháo. Chỉ sau tiếng hò "hai... ba", lập tức khẩu pháo bị kéo giật hẳn lại, và đồng chí Mận cũng thoát khỏi cuộc đời tàn phế”.
Ngọn cờ đầu của phong trào thi đua “Quyết chiến quyết thắng”
Ngày 17-3-1954, tại Mường Phăng, Bộ Chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ tổ chức hội nghị sơ kết đợt 1, lần đầu tiên lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” (Giải thưởng luân lưu của Chủ tịch Hồ Chí Minh) được trao cho Đơn vị Công pháo (Đại đoàn Công pháo 351) về thành tích kéo pháo, mở đường, chịu đựng gian khổ và chiến đấu dũng cảm, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong đợt 1 của Chiến dịch.

Nhận mệnh lệnh tác chiến trên sa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong ảnh: Hàng đầu từ bên phải sang là các đồng chí: Lê Liêm, Đặng Kim Giang, Hoàng Văn Thái, Phạm Ngọc Mậu, Lê Trọng Tấn, Vương Thừa Vũ. (Ảnh do gia đình Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu cung cấp)
Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 18-3-1954 viết: Đơn vị Công pháo (Đại đoàn Công pháo 351) là đơn vị đầu tiên đã được vinh dự nhận lá cờ ấy với những chiến công: Đội sơn pháo đã nêu cao tinh thần anh dũng chiến đấu, chịu đựng gian khổ, năm đêm liền không ngủ, suốt ngày không ăn, đánh hai trận liền, kỹ thuật giỏi, một khẩu đội bắn trúng bảy máy bay địch. Đội công binh mở đường thắng lợi, suốt mùa hè không nghỉ, giữ vững tuyến giao thông;... Bộ Chỉ huy Mặt trận hoan nghênh đơn vị Công pháo đã vinh dự nhận lá cờ luân chuyển của Hồ Chủ tịch. Đồng thời, Bộ Chỉ huy Mặt trận tiếp tục kêu gọi thi đua: Các đơn vị hãy ra sức thi đua giành lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Bác.
Kể từ đó, phong trào thi đua giành lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Bác Hồ không chỉ lan tỏa đến các đơn vị cấp chiến dịch, chiến lược mà còn thấm sâu vào từng cán bộ, chiến sĩ. Trong những số báo được xuất bản tại mặt trận, hầu như số báo nào cũng có những nội dung, chuyên mục phản ánh về phong trào thi đua này. Đó là gương Tiểu đội trưởng Doãn thọc sâu diệt sở chỉ huy giặc trong trận tiến công tiêu diệt đồi Độc Lập; gương chiến sĩ Vượng với một súng vẫn phòng ngự tiêu diệt hàng chục tên địch, giữ chắc trận địa đồi 836…. Nhiều kinh nghiệm quý đã được hình thành và phát triển trong chiến đấu nhằm xây dựng động cơ thi đua cho các tập thể, cá nhân. Lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Hồ Chủ tịch đã trở thành một biểu tượng trong cả Chiến dịch, trong mỗi trận đánh.

Trong buổi liên hoan mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí Phạm Ngọc Mậu (đánh dấu X) vinh dự được ngồi chung bàn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thứ trưởng Quốc phòng Hoàng Anh, cùng các cố vấn Trung Quốc. (Ảnh do gia đình Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu cung cấp)
Tại Hội nghị cán bộ tại mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi nhận: "Đoàn công pháo vinh dự trước nhất nhận lá cờ của Hồ Chủ tịch. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trong toàn đoàn phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với vinh dự đó".
Khi đó, thay mặt toàn thể cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn, đồng chí Chính ủy Phạm Ngọc Mậu đã vinh dự đón nhận lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, cũng chính đồng chí Phạm Ngọc Mậu đã thay mặt Đại đoàn 351 trao lại lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho Đại đội lựu pháo 806, là đơn vị đã bắn những phát đầu tiên vào Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ huyền thoại.
Trong buổi liên hoan mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ, với những thành tích xuất sắc của Đại đoàn Công pháo 351, đồng chí Phạm Ngọc Mậu với vai trò Chính ủy Đại đoàn công pháo đã vinh dự được ngồi cùng bàn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thứ trưởng Quốc phòng Hoàng Anh, cùng các cố vấn Trung Quốc.

Gia đình Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu chụp ảnh lưu niệm tại đỉnh Pha Sông (đỉnh cao nhất bên trái), nơi đặt căn cứ của Ban Chỉ huy kéo pháo Mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa. (Ảnh do gia đình Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu cung cấp)
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu (13-3-1919 – 13-3-2019), gia đình người “Chính ủy kéo pháo” năm nào đã về thăm lại chiến trường xưa. “Dốc ông Mậu” giờ đây đã được lát xi-măng bằng phẳng để người ta có thể dễ dàng leo tới nơi cao nhất, và thật khó để mường tượng được những khó khăn năm xưa của bộ đội ta khi kéo pháo qua đây. Nhưng có lẽ, khi đi dọc trên con đường ấy, những người con, người cháu của cố Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu vẫn nghe văng vẳng bên tai tiếng hò kéo pháo của những người chiến sĩ “chân đồng, vai sắt” năm xưa, thà hy sinh chứ không rời pháo.
(Bài viết sử dụng tư liệu do gia đình đồng chí Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu cung cấp)
Nguyên Minh (Nhân dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X