Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Sunday, July 28, 2019 , 0 bình luận

Bên lề buổi Gặp mặt, tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội, chúng tôi đã được gặp gỡ những thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng hy sinh tuổi thanh xuân, dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. 


Thậm chí, nhiều đồng chí đã để lại một phần thân thể, máu xương nơi chiến trường mà mỗi khi trái gió trở trời, vết thương năm nào lại nhức buốt, nhắc nhớ. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, bằng ý chí và nghị lực phi thường, họ điều dưỡng thương tật, ổn định đời sống, trở thành tấm gương sáng cho hậu thế noi theo...

Người lính thông tin trong mưa bom bão đạn

Ngồi xe lăn chờ lấy phòng nghỉ tại Nhà khách Chính phủ (37 Hùng Vương, Hà Nội) với chi chít những huân, huy chương trên ngực áo, ông Phạm Văn Vĩnh (1949), trú phường Văn An, TP. Chí Linh, Hải Dương trông khá mệt mỏi khi vừa trên chuyến xe lên Thủ đô dự cuộc gặp mặt. Thế nhưng khi được đề nghị chia sẻ về những ký ức tham gia cuộc chiến năm xưa, mắt ông ánh lên vẻ tự hào, nhanh nhẹn. Và câu chuyện cứ thế tuôn trào. 

“Năm 1967, nghe tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, tôi làm đơn xin nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Được phân về Trung đoàn 21, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Nhiệm vụ của tôi lúc bấy giờ là cán bộ thông tin liên lạc”, ông Vĩnh kể. 

Hàng ngày, chàng thanh niên 18 tuổi ấy với sức trẻ và nhiệt huyết xông pha đã liên tục đi lại như con thoi xuống các đơn vị để truyền đạt lệnh của cấp trên, từ trung đoàn xuống các tiểu đoàn.

“Cán bộ thông tin liên lạc nghe thì tưởng là nhàn mà cực kỳ vất vả, đi một mình mà gặp địch thì một mình chiến đấu để bảo toàn được thông tin, không bị lọt vào tay địch”, ông lý giải.

Hai thương binh nặng Phạm Văn Vĩnh và Phạm Bá Bảy về dự cuộc gặp mặt tại Hà Nội

Khó khăn gian khổ là vậy nhưng ông Phạm Văn Vĩnh đã liên tục vượt qua và hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1968, trong chiến dịch giải phóng quận Thượng Đức (huyện Hoà Vang, Quảng Nam), Trung đoàn 21 bị mất liên lạc với Tiểu đoàn 4, ông được giao nhiệm vụ vượt sông, vượt qua mưa bom bão đạn để nối lại liên lạc. Quá trình này ông đã chiến đấu với địch, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên, đảm bảo an toàn khi sang đến cầu Hoà Hữu. 

“Đến 20h mới gặp được anh em, hầu hết đã hy sinh, nằm trong hàng rào của điểm A, phía Tây quận Thượng Đức. Lúc đó Trung đoàn giao cho tôi 12h trưa hôm sau hoàn thành nhiệm vụ về báo cáo. Tuy nhiên, có một sự kiện đột xuất xảy ra. Khi gặp đồng chí Ấn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 thì anh thông báo điểm A bị lộ, máy liên lạc bị hỏng, không kết nối được với Trung đoàn. Để tiếp tục chiến đấu, đồng chí Ấn nhờ tôi cầm lá thư liên lạc với Trung đoàn, đề nghị 24h đêm hôm đó hỗ trợ pháo kích vào điểm A”, ông Vĩnh nhớ lại. 

Vậy là không thể chần chừ được nữa, ông quyết định không nghỉ ngơi mà đi ngay trong đêm để kịp về báo cáo. Bắt đầu đi từ 21h30, một mình lần mò trong rừng sâu núi thẳm với bao hiểm nguy rình rập, ông đã kịp trở về Trung đoàn truyền đạt thông tin. Và ngay hôm đó, phía ta đã giải phóng được điểm A. Sau chiến công xuất sắc này, ông được Sư đoàn 2 tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Đầu năm 1969, ông tham gia đánh chống càn ở thôn An Chánh, xã Lộc Thành, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, tiêu diệt được nhiều tên nguỵ, giúp tiêu hao sinh lực địch, bảo vệ anh em thương binh và khí tài, được thưởng tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì. 

Tháng 8-1971, trong một lần làm nhiệm vụ ở Đức Phổ (Quảng Ngãi), ông nhận được điện của Trung đoàn về ngay để chuẩn bị chiến trường Bình Định. Ông và một đoàn anh em mấy tổ đài đi đến đèo Ông Nguyện, thuộc huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi thì bị trúng pháo phục kích của địch. Một cán bộ hy sinh, riêng ông cụt mất đôi chân. Sau mấy tháng điều trị, chiến trường đã cho ông ra Bắc an dưỡng, về Trại thương binh ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, nay là Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương.

Năm 1975 phục viên về địa phương, ông làm Đội trưởng Đội sản xuất nông nghiệp tại thôn Đồi Thông, xã Chí Minh, huyện Chí Linh. Năm 1978, ông được bầu làm Bí thư chi bộ thôn, từ năm 1979-1981 làm Phó trưởng Công an xã Chí Linh. Có thể nói, hình ảnh thương binh nặng Phạm Văn Vĩnh là tiêu biểu cho câu nói “thương binh tàn mà không phế” của Bác Hồ. 

Với tác phong nhanh nhẹn, tính tình thẳng thắn, thời kỳ làm Phó trưởng Công an xã, ông còn lắp chân giả để đi tuần tra bằng xe đạp. Phụ trách hình sự, bảo vệ trị an, giải quyết mâu thuẫn hay những vụ trộm cắp, đánh nhau... người thương binh năm nào vẫn không ngại khó hay chối từ công việc. Lập gia đình năm 1973 với người vợ làm nông nghiệp ở địa phương, hai ông bà có với nhau 5 người con và nay đều đã trưởng thành, kinh tế ổn định. 

“Tuổi tác giờ đã cao rồi, hôm nay tụ họp về Thủ đô chúng tôi rất phấn khởi. Cách đây 52 năm, Tổ quốc gọi tên mình. Sau 52 năm, Tổ quốc lại nhắc đến mình, cảm thấy rất vui vì chúng tôi còn đủ sức khoẻ để dự buổi gặp mặt ý nghĩa như thế này”, ông xúc động nói.

Lính đặc công và những lần làm “Lễ truy điệu sống”

Cùng đoàn và là đồng hương với ông Vĩnh, ông Phạm Bá Bảy (SN 1950), quê ở Sao Đỏ, TP. Chí Linh vẫn còn vẻ rắn rỏi, linh hoạt của một người lính đặc công. Năm hai mươi tuổi, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau khi học xong nghề cơ điện, chàng thanh niên ấy lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. 

Ban đầu, tổ chức định sắp xếp ông làm nhiệm vụ lái xe tăng. Tuy nhiên, xét thấy nguyện vọng của ông là được tham gia vào một đơn vị đặc công với sức khoẻ loại tốt, cấp trên đã đồng ý. 

“Ngày đấy còn trẻ, khí thế và nhiệt huyết lắm. Với lại, khi còn ở nhà, tôi đã ngưỡng mộ những người lính đặc công. Họ giỏi, nhanh nhẹn, gan dạ và bí hiểm, hay nói cách khác là “xuất quỷ nhập thần” nên khi đi bộ đội, tôi đã ghi rõ nguyện vọng được tham gia vào lực lượng đặc công”, ông Bảy tự hào.

Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3-1975) là chiến dịch mở đầu cuộc tiến công chiến lược, đã tiêu diệt và đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của Mỹ ngụy ở Tây Nguyên; tạo ra thời cơ và điều kiện thuận lợi phát triển thành cuộc tổng tiến công chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Sân bay Hoà Bình (nay là sân bay Buôn Mê Thuột) là địa bàn có vị trí rất quan trọng, lợi hại, địch sử dụng làm nơi đổ quân, đổ phương tiện, tập trung lực lượng đi ứng cứu các nơi hoặc phản kích đánh chiếm lại mục tiêu đã bị mất. 

Trung đoàn Đặc công 198 đảm nhận nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Hòa Bình. Khi đó, ông Phạm Bá Bảy được biên chế vào Tiểu đoàn 27, một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ đánh vào điểm khó khăn nhất, quan trọng nhất của địch ở Sân bay Hoà Bình. 

Quanh căn cứ mục tiêu có nhiều lớp hàng rào, xen kẽ giữa các lớp rào là bãi mìn. Lớp tường đất bao quanh căn cứ đắp cao và dày, các lô cốt và các ụ súng cũng được bố trí ngay trong tường đất hướng mũi súng ra ngoài. Hai hầm chỉ huy của Trung đoàn trưởng bằng bê tông xây chìm xuống đất...

Chỉ cho chúng tôi xem thương tích và những mảnh kim khí vẫn còn nằm lại trên thân thể, người lính đặc công Phạm Bá Bảy kể: “Lính đặc công chỉ mặc bộ quần áo cộc, đeo vài quả lựu đạn, dao găm, khẩu súng để bí mật chui sâu vào trận tuyến của địch. 

Do vậy, trước khi lên đường làm nhiệm vụ, chúng tôi đã được anh em trong đơn vị làm “Lễ truy điệu sống” rồi”. Là lính đặc công lại làm nhiệm vụ trinh sát, có thể nói, ông và đồng đội là những người đi mở đường đầu tiên. Giữa những “hàng rào mìn” rộng lớn và dày đặc, đi đến đâu họ cũng phải gỡ mìn đến đấy. Nguyên tắc của lính đặc công là khi bước không bao giờ đặt cả bàn chân xuống đất mà phải đặt từ từ bằng gót, nhẹ nhàng. Khi phát hiện mìn phải tìm cách phân biệt loại mìn và tháo gỡ. Bởi chỉ một sơ suất thôi thì không có lần thứ 2 để sửa chữa...

Vì là vị trí cực kỳ quan trọng của cả ta và địch nên cuộc chiến đấu càng gay go, ác liệt hơn. Tranh giành nhau từng vị trí. Tương quan lực lượng giữa ta và địch lớn, địch mạnh, ta yếu. Cũng vì vậy nên chỉ đánh một tối là hết đạn dược và lương thực. Trong khi đó, xe tăng của ta bị địch chặn, chưa vào được đến nơi để hỗ trợ. Cố cầm cự sang đến ngày thứ ba, gần 1/3 đơn vị đã hy sinh. Sau tiếng nổ dữ dội vào đêm ngày thứ ba, ông Bảy ngất lịm, mảnh kim khí găm khắp cơ thể. 
“Tuy nhiên, sau 7 ngày đêm chiến đấu, ta đã chiếm giữ hoàn toàn sân bay, đánh tan hàng chục đợt phản kích của địch”, ông nói. 

Trở lại cuộc sống đời thường với thương tật 1/4, sức khoẻ giảm sút rất nhiều, mất sức lao động, ông mở một quán nước nho nhỏ để tạo niềm vui và cũng là kiếm thêm thu nhập, đỡ đần vợ chăm lo cho con cái. Với những gì đã trải qua của cuộc đời mình, ông hiểu rõ giá trị của “hoà bình”. Trong những quyển sách của con, ông thường ghi dòng chữ “Bố hy sinh để nâng cánh cho các con đi đến những ước mơ”...

Quỳnh Vinh – Vũ Linh (Công an nhân dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X