Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Saturday, July 13, 2019 , 0 bình luận

Những năm qua, quyền của người dân tộc thiểu số luôn là một trong những vấn đề được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Chúng coi đây là một yếu tố quan trọng để tạo sức ép từ bên ngoài, đồng thời kích động các hoạt động chống phá từ bên trong.

Cái giá phải trả cho những đối tượng tham gia tổ chức phản động lưu vong (Bài 3)


Những thủ đoạn chống phá cơ bản của các thế lực thù địch
Một là, lợi dụng các vấn đề về lịch sử, đất đai và cuộc sống khó khăn của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số để vu cáo Nhà nước ta “phân biệt đối xử”, “đàn áp người dân tộc thiểu số”, ép người dân tộc thiểu số phải “bỏ đạo, bỏ văn hóa dân tộc” để hòa nhập với “cuộc sống văn minh” của người Kinh,… để kích động, lôi kéo người dân tộc thiểu số biểu tình, bạo loạn, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nước ta, chia rẽ đồng bào Kinh với đồng bào dân tộc. Chúng triệt để lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở một số địa phương, nhất là sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới và sự quan tâm đối với đồng bào các dân tộc nhằm làm cho họ mất niềm tin vào Đảng và chế độ xã hội ta. 
Hai là, chúng đánh tráo và đồng nhất khái niệm quyền dân tộc tự quyết với quyền của các dân tộc thiểu số nhằm tuyên truyền, xuyên tạc để đồng bào các dân tộc thiểu số ngộ nhận rằng, quyền dân tộc tự quyết là quyền của riêng họ. Từ đó, chúng tìm cách kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số đòi “quyền dân tộc tự quyết, tự quản”, thành lập nhà nước riêng, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, như: “Nhà nước Tin lành Đề-ga” ở Tây Nguyên, “Vương quốc Khmer Krom” ở Tây Nam Bộ, “Vương quốc Mông” ở Tây Bắc,... nhằm hình thành các tổ chức đối lập với Đảng, Nhà nước ta. Bên ngoài, các tổ chức người Việt lưu vong tích cực móc nối, tài trợ, chỉ đạo số đối tượng tay sai, hám lợi trong nước thu hút, tập hợp các phần tử bất mãn, nhen nhóm hình thành tổ chức phản động, tiến hành các hoạt động gây mất ổn định chính trị ở địa phương.


Ba là, tác động Quốc hội Mỹ và các nước phương Tây, các tổ chức quốc tế thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo, hoặc tổ chức các cuộc điều trần, hội thảo, họp báo nhằm xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền ở các vùng dân tộc thiểu số ở nước ta. Điển hình, như: Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới hằng năm của Anh, Mỹ; Nghị quyết của Nghị viện châu Âu; Báo cáo thường niên của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), v.v. Đặc biệt, chúng còn tìm cách tham gia các diễn đàn của Liên hợp quốc để gây sức ép đòi Nhà nước Việt Nam phải trao “quyền tự quyết, tự quản” cho người dân tộc thiểu số.
Bốn là, lợi dụng kênh ngoại giao song phương, đa phương, hợp tác quốc tế với Việt Nam để lồng ghép vấn đề “cải thiện dân chủ, nhân quyền” trong các nội dung hợp tác với nước ta; gây sức ép về vấn đề quyền của người dân tộc thiểu số, đòi “quyền dân tộc tự quyết” cho các nhóm dân tộc thiểu số trong quan hệ với Việt Nam. Đồng thời, tán phát, truyền bá các tài liệu, văn bản dưới dạng: thư ngỏ, thông cáo báo chí, gửi kháng thư,... xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, hòng hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. 
Năm là, triệt để lợi dụng phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào các dân tộc thiểu số để “tôn giáo hóa” các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Chúng lập ra một số hình thức “tôn giáo riêng” cho người dân tộc thiểu số, như: “Tin lành Đề-ga” ở Tây Nguyên; “Tin lành của người Mông” ở Tây Bắc; “Phật giáo của người Khmer” ở Tây Nam Bộ,… hòng tập hợp, lôi kéo đồng bào dân tộc đi theo, dùng thần quyền, giáo lý để nắm và khống chế quần chúng, chi phối các địa bàn, hình thành lực lượng đối trọng với chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội ở địa phương.
Một số giải pháp đấu tranh, phòng chống
Trước tình hình đó, những năm qua, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chủ động nắm tình hình địa bàn trọng điểm về dân tộc, tôn giáo, hoạt động của các tổ chức phản động lưu vong,… để triển khai biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các vụ việc phức tạp ngay từ cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các dự án, chương trình hợp tác quốc tế để lôi kéo, mua chuộc người dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Cơ quan chức năng các cấp đã tham mưu cho Đảng và chính quyền địa phương chủ động giải quyết từ cơ sở các vụ việc nhạy cảm, phức tạp, kéo dài liên quan tới vấn đề dân tộc, tôn giáo trên địa bàn; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng quyền của người dân tộc thiểu số xâm phạm an ninh chính trị, trật tự xã hội trước pháp luật. Thông qua các kênh ngoại giao và phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện tốt việc tuyên truyền chủ trương, chính sách ưu việt, những thành tựu đã đạt được trong việc bảo vệ, phát huy quyền của người dân tộc thiểu số ở nước ta làm căn cứ xác đáng bác bỏ những thông tin xuyên tạc, sai lệch về vấn đề này tới các tầng lớp nhân dân, cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài. Đặc biệt, việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đồng thuận quyết định thông qua kết quả Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III hôm 04-7 vừa qua, là minh chứng sinh động nhất khẳng định mạnh mẽ nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó có quyền của người dân tộc thiểu số, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.    
Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lợi dụng quyền của người dân tộc thiểu số chống phá nước ta còn có những hạn chế. Đó là, công tác nắm tình hình có thời điểm chưa tốt; giải quyết vụ việc lúng túng, thụ động; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng hiệu quả chưa cao; một số cán bộ, đảng viên còn quan liêu, tham nhũng gây bức xúc cho nhân dân; chính quyền ở một số địa phương còn sơ hở, thiếu sót trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là các chính sách về dân tộc, tôn giáo để các đối tượng và các thế lực bên ngoài lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá.
Do vậy, công tác phòng ngừa, đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng quyền của người dân tộc thiểu số để chống phá cách mạng nước ta cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về quyền của đồng bào các dân tộc thiểu số theo luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam; làm rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề này của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam; vận động đồng bào tự giác, tích cực thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, đề cao tinh thần dân tộc và tôn trọng những điểm khác biệt của các dân tộc thiểu số không trái với lợi ích chung của đất nước; kiên quyết chống tư tưởng kỳ thị, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, dân tộc hẹp hòi, cực đoan hoặc mặc cảm dân tộc, tôn giáo.
Không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở các địa bàn vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, ưu tiên bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số. Những cán bộ người dân tộc thiểu số sẽ là lực lượng tiên phong, có tiếng nói quan trọng trong vận động bà con chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao hiệu lực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc trong giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, góp phần làm cho mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp với đồng bào các dân tộc ngày càng gắn bó khăng khít. Cùng với đó, tiếp tục khơi dậy ý thức tự lực, tự cường và phát huy truyền thống đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao trình độ dân trí, văn hóa, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nhằm góp phần đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đối với các dự án đã được phê duyệt cần triển khai đảm bảo đúng tiến độ, tạo được sự đồng thuận của nhân dân, đạt được sự hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước, người dân và phải được quản lý chặt chẽ, minh bạch. Chủ động phát huy thế mạnh của mỗi địa phương để kêu gọi đầu tư đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường sinh thái. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu nghị, tổ chức phi chính phủ để huy động nguồn tài trợ cho các chương trình, dự án vào vùng dân tộc thiểu số đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí; đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, khích lệ bà con đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư vào các mô hình kinh tế phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng; đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường; chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của các dân tộc Việt Nam. 
Thường xuyên làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động lợi dụng quyền của người dân tộc thiểu số để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá cách mạng nước ta. Giải quyết triệt để, kịp thời các “điểm nóng”, các mâu thuẫn, khiếu kiện ngay từ cơ sở, không để kéo dài, lây lan. Trong xử lý các vấn đề nhạy cảm liên quan đến dân tộc, tôn giáo phải tính toán, cân nhắc thời điểm phù hợp, đảm bảo yêu cầu đặt ra nhằm tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế, không sơ hở để địch lợi dụng vu cáo, xuyên tạc.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về những chính sách mới bổ sung, hoàn thiện và thành tựu đã đạt được trong việc đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, trong đó có quyền của đồng bào các dân tộc thiểu số. Quá trình thực hiện cần kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền đối nội và tuyên truyền đối ngoại; tận dụng thế mạnh của các kênh ngoại giao, đối thoại, hợp tác làm cho cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được trong đảm bảo quyền của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần đấu tranh, phản bác có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, thù địch về vấn đề này đối với nước ta.
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định việc tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người nói chung, quyền của người dân tộc thiểu số nói riêng là thước đo của sự tiến bộ và phát triển xã hội; coi đó là một nội dung quan trọng luôn được ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước suốt 74 năm qua.
Thượng tá VŨ VĂN TỰ (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X