Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, August 08, 2019 , 0 bình luận

Từ dữ liệu hàng hải, chuyên gia Ryan Martinson phát hiện tàu Dong Fang Hong 3 và Zhang Jian hoạt động trong biển Philippines lần lượt từ đầu tháng 7 và 8.

>>Philippines sẽ đóng dấu có bản đồ vào hộ chiếu in 'đường 9 đoạn' của Trung Quốc

Ryan Martinson, phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, hôm 7/8 đăng trên Twitter các bức ảnh cho thấy lộ trình của tàu khảo sát Trung Quốc Dong Fang Hong 3 ở phía bắc đảo Luzon, Philippines. Martinson lưu ý rằng hoạt động của tàu nghiên cứu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines cần phải có sự cho phép của chính phủ. 
Tàu khảo sát Dong Fang Hong 3 của Trung Quốc. Ảnh: CCTV

Dữ liệu theo dõi từ Marine Traffic cho thấy Dong Fang Hong 3 đã ở trong vùng biển Philippines từ ngày 7/7. Theo Xinhua, Dong Fang Hong 3 là tàu nghiên cứu đầu tiên của Trung Quốc đạt chứng chỉ Silent-R, tiêu chuẩn cao nhất để kiểm soát tiếng ồn dưới nước.
Trong các bài đăng Twitter trước đó, Martinson cũng lưu ý tàu khảo sát Zhang Jian bắt đầu hoạt động ở vùng biển Philippines kể từ ngày 3/8, cách bờ biển phía đông Philippines 80 hải lý. Zhang Jian bị nghi ngờ đang tiến hành nghiên cứu khoa học biển và có thể đặt hoặc thu hồi các dụng cụ trong khu vực.
Giám đốc Viện minh bạch Hàng hải châu Á Gregory Poling cho rằng tàu nghiên cứu Trung Quốc có thể khảo sát độ sâu của đáy biển trên khắp phía tây Thái Bình Dương để chuẩn bị cho hoạt động của tàu ngầm trong tương lai. Các nước Mỹ, Nga và Anh cũng thường tiến hành những hoạt động như vậy.
Lộ trình của tàu khảo sát Dong Fang Hong 3 ở phía bắc đảo Luzon, Philippines. Ảnh: Twitter.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết ông chỉ dựa vào quân đội Philippines để xác nhận các thông tin nói trên. "Các vấn đề đối ngoại của Philippines trong sự giám sát của tôi là nắm đấm trong găng tay sắt của lực lượng vũ trang và chúng tôi chỉ dựa vào thông tin, khuyến cáo từ quân đội", Locsin đăng Twitter hôm 6/8.
Từ đầu tháng 7 Trung Quốc cũng đưa tàu khảo sát Địa chất Hải Dương số 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp phù hợp như trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hoạt động này của Trung Quốc cũng bị quan chức các nước như Anh, Đức nêu quan ngại và Mỹ lên án là hành vi "bắt nạt". Tại hội nghị ở Bangkok tuần trước, các ngoại trưởng ASEAN đã ra tuyên bố chung bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng tại Biển Đông.
Huyền Lê (vnexpress theo Philstar)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X