Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Wednesday, August 07, 2019 , 0 bình luận

Kết quả điều tra đến nay xác định có khoảng 600-700 người đã được cấp văn bằng 2 theo kiểu 'đi mua' tại Đại học Đông Đô, trong đó có nhiều người là cán bộ, công chức nhà nước. Bộ Công an sẽ kiến nghị thu hồi những tấm bằng này.

Liên quan đến vụ án "giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô (ĐH Đông Đô), Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã dần làm rõ quy trình cấp bằng theo kiểu "đi đêm" tại trường này. Đường dây cấp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh "chui" đã "vươn vòi" đến nhiều tỉnh thành để liên kết các cơ sở đào tạo và cấp bằng "chui".
Cơ sở 1, Trường ĐH Đông Đô tại 60B Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đến nay Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố 4 bị can gồm: Dương Văn Hòa - hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô; Trần Ngọc Quang - phó trưởng phòng đào tạo và quản lý sinh viên; Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương - cùng là cán bộTrường ĐH Đông Đô.
Nhanh hay chậm tùy việc... chép đáp án
Ngày 6-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tá Nguyễn Cao Khương - phó phòng 6, Cục An ninh chính trị nội bộ - cho biết chuyên án được bắt đầu từ cuối năm 2018. Từ tài liệu trinh sát, Cục An ninh chính trị nội bộ xác định ĐH Đông Đô cấp bằng cho các học viên với thời gian "chớp nhoáng". Người học chỉ cần đóng tiền và chờ vài tuần đến 2-3 tháng là được cấp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh.
Tài liệu điều tra xác định ĐH Đông Đô thông báo mức phí với những lớp học và cấp bằng "cấp tốc" từ 28-35 triệu đồng/người. Tuy nhiên, đây là mức tiền phải đóng của những người "may mắn" đến tận trường nộp học phí, có những người qua "cò" môi giới thì phải nộp từ 50-150 triệu đồng.
Các khóa học đều không tổ chức thi đầu vào đầu ra, không phải đi học, hiệu trưởng nhà trường cùng thuộc cấp đã "phù phép" để hợp lý hóa hồ sơ cấp văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh nhằm thu lợi bất chính.
Thiếu tá Khương cho biết càng đi sâu điều tra càng thấy "choáng" với quy trình "đi đêm, đi học như đi mua bằng" của ĐH Đông Đô. "Các lớp văn bằng 2 chớp nhoáng như thế này thường không thông báo tuyển sinh, không lập hội đồng chấm thi, không phê duyệt danh sách học viên và cán bộ coi thi.
Ban giám hiệu ĐH Đông Đô sắp xếp thi tại những phòng không có camera an ninh và học viên chỉ cần chép đáp án của 27 tín chỉ để hoàn thiện thủ tục đầu ra. Ai chép nhanh chỉ hơn một ngày là xong, chép chậm thì 2-3 ngày. Như thế có sinh viên đóng tiền và chỉ đến trường 1-2 ngày là được cấp bằng" - thiếu tá Khương phân tích.
Tại cơ quan điều tra, bị can Trần Ngọc Quang thừa nhận việc ĐH Đông Đô tổ chức các lớp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh tốc độ nhanh theo quy trình "đi đêm" như trên.
Cụ thể, ông Quang được ông Dương Văn Hòa giao ký bảng điểm cho học viên. Ngoài ra, ông Quang cũng thừa nhận đã giúp 8 trường hợp có bằng ngôn ngữ Anh mà không phải đi học. Những người này phải trả kinh phí "giúp đỡ" là 40 triệu đồng.
Nhiều cán bộ, công chức nhà nước mua bằng
Bị can Phạm Vân Thùy khai nhận chỉ đạo trực tiếp từ một số lãnh đạo nhà trường trong việc nhận hồ sơ, hợp thức các bài thi đầu vào, thi kết thúc các môn, thi tốt nghiệp và cấp bằng cho các học viên mà không phải trải qua quá trình học tập. Thời gian thi hoàn thiện chỉ trong 2 ngày. Trong khóa học 2016-2018 có khoảng 400 hồ sơ văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh được đào tạo theo hình thức này.
Kết quả điều tra đến nay xác định có khoảng 600-700 người đã được cấp văn bằng 2 theo kiểu "đi mua" tại ĐH Đông Đô, trong đó có nhiều người là cán bộ, công chức nhà nước. Bộ Công an sẽ kiến nghị thu hồi những tấm bằng này vì cho rằng không có giá trị sử dụng, vi phạm quy chế đào tạo.
"Những người đi mua bằng chủ yếu là cán bộ công chức nhà nước để phục vụ đầu vào đầu ra nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, tiến sĩ hoặc thăng hạng, chuyên viên chính, nâng lương, thăng chức" - một cán bộ điều tra cho biết.
Ngoài số bằng đã cấp trên, còn có 3.800 học viên đã và đang theo học văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh tại ĐH Đông Đô. Tổng số tiền thu được từ việc cấp bằng "chui", đào tạo "chui" khoảng hơn 100 tỉ đồng.
Không chỉ đào tạo tại các cơ sở của nhà trường, ĐH Đông Đô còn liên kết với khoảng 200 trung tâm đào tạo ngắn hạn trên toàn quốc không được cấp phép theo quy định của Bộ GD-ĐT. Nhà trường sẽ hưởng khoảng 30-35% số tiền học viên đóng và tham gia học tại các cơ sở liên kết này.
Các bị can chỉ thu tiền, còn bỏ mặc cho các cơ sở tự thuê giáo viên, thuê cơ sở vật chất, lên chương trình để giảng dạy.
"Cá biệt, có cơ sở đào tạo tận Đà Lạt và đào tạo online. Có những cơ sở liên kết cả trong Đà Nẵng, TP.HCM..." - thiếu tá Khương thông tin.
Không ổn vì giao 3 đơn vị 1 việc!
Cục An ninh chính trị nội bộ và Cục An ninh điều tra đã làm việc với đơn vị chức năng của Bộ GD-ĐT như Văn phòng bộ, Vụ Giáo dục ĐH để thu thập các tài liệu liên quan vụ án. Về lý do trường ĐH đào tạo "chui" trong nhiều năm, có đầy đủ phôi bằng để cấp bằng, một cán bộ điều tra nói: "Đây là bài toán đặt ra câu hỏi cho Bộ GD-ĐT rất là lớn".
Về mặt quản lý nhà nước, để cấp mở mã ngành mới, bộ giao Vụ Giáo dục ĐH. Trường ĐH sẽ làm tờ trình nói rõ đào tạo bao nhiêu khóa, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... Trên cơ sở đó, Vụ Giáo dục ĐH mới kiểm tra và làm công văn tờ trình lên thứ trưởng phụ trách ký duyệt thì mới được cấp phép đào tạo văn bằng 2.
Tuy nhiên, từ năm 2013-2017, Bộ GD-ĐT lại giao cho Vụ Kế hoạch tài chính là đơn vị xác nhận chỉ tiêu của các trường. Đến năm 2018-2019 thì Vụ Giáo dục ĐH mới được trả lại quyền này. Trong khi đó việc cấp bán phôi bằng lại giao cho Văn phòng bộ. "Trong một bộ mà có đến ba đơn vị làm một việc như thế này thì công tác phối hợp sẽ không ổn" - cán bộ điều tra nhận định.
Cơ quan An ninh điều tra trong quá trình lấy lời khai các bị can, căn cứ hồ sơ thì sẽ có minh chứng cụ thể về quy trình cho phép, cấp phép văn bằng cũng như liên quan đến cấp phép đào tạo.
Thân Hoàng (Tuổi trẻ)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X