Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, August 22, 2019 , 0 bình luận

Sức mạnh của văn hóa Việt Nam là lấy nhân nghĩa làm gốc, lấy đại nghĩa làm đầu, lấy chí nhân thay cường bạo. Đó là một nền văn hóa trọng đạo lý làm người, đề cao trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng mà cao hơn là đối với Tổ quốc. Sức mạnh văn hóa Việt Nam bắt nguồn từ nền văn hóa trọng dân, đề cao dân, lấy dân làm gốc. Nguyễn Trãi từng nói: Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, lật thuyền mới biết dân như nước. 

>>Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám từ góc độ văn hóa (phần I)



Hội nghị Diên Hồng dưới thời vua Trần Thánh Tông, nhằm huy động trí tuệ của dân chống giặc Nguyên Mông là một biểu tượng của văn hóa. Trước Cách mạng Tháng Tám, Quốc dân đại hội Tân Trào là sự kế tục, phát huy tinh thần văn hóa trong điều kiện mới. Sức mạnh của văn hóa Việt Nam còn chứa đựng lòng khoan dung hòa hợp để hòa đồng. Bao dung để đoàn kết, đoàn kết phải bao dung (cầu đồng tồn dị) là sự ứng xử văn hóa của Hồ Chí Minh trong quá trình tập hợp lực lượng để chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám.
Chủ Tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập

Quá trình chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám chính là quá trình khơi nguồn và quy tụ sức mạnh của văn hóa vốn tiềm ẩn lâu đời trong lịch sử dân tộc. Vì vậy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi bằng sức mạnh văn hóa. Thấu hiểu sự rên siết của đồng bào ta trước cảnh áp bức, thấu hiểu sâu sắc vai trò của văn hóa, để thức tỉnh giới trí thức Việt Nam. Ngay trước Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta đã thông qua Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943, để chuẩn bị cho sự khôi phục giá trị văn hóa Việt Nam, chống lại văn hóa phát xít phong kiến và phản văn hóa, đem văn hóa vào kháng chiến kiến quốc.
Nhờ vậy văn hóa đã đóng vai trò quan trọng làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám. Văn hóa đã trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ, động viên giới trí thức, khoa học, văn học, nghệ thuật Việt Nam đương thời vào cuộc chiến đấu quyết liệt cho sự toàn thắng của cách mạng dân tộc dân chủ, cho sự nghiệp phá vỡ xiềng xích của văn hóa phát xít thực dân, bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa mới của Việt Nam.
Như vậy, dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đem lại cho văn hóa truyền thống một tinh thần mới, một tầm cao mới, một sức mạnh của văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Sức mạnh từ văn hóa đó chứa đựng tố chất truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, văn hóa và cách mạng, nhờ đó đem lại sự thành công cho Cách mạng Tháng Tám.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi về văn hóa. Trước Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta phải sống cuộc đời cơ cực, lầm than. Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu cồn và thuốc phiện, chúng ta không được hưởng một chút quyền tự do, dân chủ nào. Sự cai trị của thực dân phong kiến đã làm cho hơn 90% đồng bào ta mù chữ. Chúng đã làm cho đã làm cho dân ta bị nô dịch về tư tưởng, xói mòn tình cảm yêu nước, triệt tiêu tinh thần dân tộc.
Vệ quốc đoàn những ngày đầu

Chúng sử dụng vǎn hoá phát xít phong kiến, thoái bộ, nô dịch, vǎn hoá ngu dân và phỉnh dân để thống trị văn hóa dân ta, làm băng hoại đi các giá trị văn hóa của dân tộc. Hơn thế nữa chúng bóc lột nhân dân ta đến cùng kiệt, khiến cho hơn 2 triệu đồng bào ta chết đói. Chúng còn dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô hủ hóa; chúng lừa bịp, đánh lạc hướng thanh niên Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống nô dịch, áp bức, bóc lột… Nói tóm lại, dân ta phải chịu cảnh nô lệ, thực dân phong kiến không cọi trọng những giá trị người trong xã hội với nhân dân ta.
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, chế độ Cộng hòa dân chủ ra đời đã đập tan gông xiềng của chủ nghĩa thực dân, cứu giống nòi Việt Nam thoát khỏi hiểm họa tàn lụi vì đói khổ và đầu độc, ngu dân. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, chủ xã hội, làm chủ vận mệnh của mình.
Nhân dân ta được trở lại với cuộc sống đúng nghĩa làm người, những giá trị người được tôn trọng và phát huy trong xã hội mới. Những giá trị văn hóa truyền thống của một dân tộc văn hiến được bổ sung và nâng cao. Trên cơ sở đó, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được phát triển, phát huy lên tầm cao mới không chỉ trong Cách mạng Tháng Tám mà trên các chặng đường chống giặc ngoại xâm vô cùng quyết liệt và xây dựng đất nước trong muôn vàn gian lao thử thách.
Nói theo tinh thần của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Sự nghiệp văn hóa lớn lao nhất, quan trọng nhất của Hồ Chí Minh và Đảng ta là đã huy động sức mạnh hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc kết hợp với tinh hoa văn hóa của thời đại, lãnh đạo thành công sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành lại cho nhân dân ta quyền làm người, quyền được sống một cuộc sống xứng đáng với con người. Sự nghiệp đó trả lại địa vị xứng đáng cho nền văn hóa Việt Nam cũng là một sự nghiệp văn hóa to lớn đối với nền văn hóa thế giới, góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử và nền văn hóa của loài người.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám mở đường xây dựng nền văn hóa mới làm cho văn hóa Việt Nam tiếp tục phát triển. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là thắng lợi đầu tiên của cách mạng ở những nước thuộc địa, nửa thuộc địa do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Nó như một tiếng sét lớn đánh vào mảng quan thành trì chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, là ánh sáng bình minh làm thức tỉnh các dân tộc bị áp bức bóc lột vùng dậy, báo hiệu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Đây là lần đâu tiên trong lịch sử cách mạng, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc…
Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Ðó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”[1]. Như vậy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là ánh bình minh của dân tộc, mở ra một trang mới của lịch sử Việt Nam, mở đường cho văn hóa phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhân dân ta bắt tay vào xây dựng một nền văn hóa mới. Nền văn hóa theo phương châm Dận tộc – Khoa học - Đại chúng.
Cách mạng tháng Tám thắng lợi đã đặt một hòn đá tảng để chúng ta xây dựng một nền văn hóa mới - văn hóa xã hội chủ nghĩa. Từ đây, những giá trị của văn hóa Việt Nam tiếp tục được bổ sung phát triển nhưng giá trị mới phù hợp với tiến trình giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Khí thế quần chúng nhân dân

Sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, với vị trí “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát huy sức mạnh vĩ đại của nền văn hóa mới Việt Nam đánh thắng hai tên hung nô của thế kỷ XX là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Đảng ta rất chú trọng đến xây dựng văn hóa Đảng, văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong chính trị; kết hợp giữa bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, coi văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa đã thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng chỉ ra nhiều hạn chế, đó là so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân không được ngăn chặn đẩy lùi mà lại nghiêm trọng hơn, nhất là tệ quan liêu, tham nhũng và lãng phí. Tình hình đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
[1] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG – ST, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 25-26.

>>Mời bạn đọc tiếp: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám từ góc độ văn hóa (phần III)
Nguyễn Hồng Điệp (Tầm nhìn)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X