Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Tuesday, August 27, 2019 , 0 bình luận

Thực tiễn luôn vận động biến đổi không ngừng, sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay đang đòi hỏi lý luận thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) cần phải được nghiên cứu, nhận thức sâu sắc hơn, nhằm khẳng định những giá trị của nó, đồng thời bổ sung, phát triển cho phù hợp.

Đại lộ Thăng Long - phía Tây Nam Thủ đô Hà Nội. (Ảnh minh họa)



1. Nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thời kỳ quá ddoooj lên CNXH ở Việt Nam


Kế thừa những quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng không ngừng và thời kỳ quá độ lên CNXH; xuất phát từ đặc điểm, điều kiện của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Thời kỳ quá độ “là thời kỳ dân chủ mới”, tiến dần lên CNXH. Ở Việt Nam là hình thái quá độ gián tiếp với: “Đặc điểm to nhất là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(1). Đặc điểm này chi phối tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm từng bước xóa bỏ triệt để các tàn tích của chế độ thực dân, phong kiến, đồng thời từng bước gây dựng các mầm mống cho CNXH phát triển, đó là một tất yếu.
Theo đó, quá độ lên CNXH là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và  lâu dài chứ “không thể một sớm một chiều”(2). Bởi vì, “chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ hàng ngàn năm... biến nước ta từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp”(3). Tuy nhiên, muốn “tiến lên chủ nghĩa xã hội” thì không phải “cứ ngồi mà chờ” là sẽ có được chủ nghĩa xã hội. Nếu nhân dân ta mọi người cố gắng, phấn khởi thi đua xây dựng, thì thời kỳ quá độ có thể rút ngắn hơn.
Về nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên CNXH. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Phải tạo ra những điều kiện cần và đủ về cơ sở vật chất; đồng thời, Đảng phải “lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(4). Trong đó, “nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội,... tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”(5).

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, mối quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh là làm sao cho Đảng không mắc các bệnh quan liêu, xa dân, thoái hoá biến chất, làm mất lòng tin của dân, suy giảm năng lực lãnh đạo của Đảng. Đồng thời phải chú trọng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng trong sạch, vững mạnh và hoạt động hiệu quả, thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nội dung nhiệm vụ cụ thể trong thời kỳ quá độ lên CNXH rất toàn diện. Trên lĩnh vực kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất là vấn đề mấu chốt, tăng năng suất lao động trên cơ sở công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, cùng với thiết lập quan hệ sản xuất, cơ chế quản lý kinh tế, cơ cấu thành phần kinh tế, ngành, vùng, lãnh thổ trong thời kỳ quá độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng quan hệ phân phối và quản lý kinh tế. Theo Người, quản lý kinh tế phải dựa trên cơ sở hạch toán, đem lại hiệu quả cao, sử dụng tốt các đòn bẩy để phát triển sản xuất.
Trên lĩnh vực chính trị, nội dung quan trọng nhất là phải giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng; quan tâm củng cố mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, nòng cốt là liên minh công nhân - nông dân - trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc vì sự nghiệp xây dựng CNXH.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, xây dựng nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng và mấu chốt của văn hóa là xây dựng con người có đạo đức cách mạng, con người mới xã hội chủ nghĩa với đức - tài gắn bó hữu cơ với nhau, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, trung thành với sự nghiệp cách mạng xây dựng nền văn hóa mới, lối sống mới. Về xã hội, thực hiện sự phân phối theo lao động, thi hành chính sách xã hội vì toàn dân, bình đẳng.
Mấu chốt của vấn đề xã hội là đảm bảo công bằng xã hội hướng vào phát triển con người, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài, vừa là mục tiêu, vừa là động của sự phát triển xã hội.
Về bước đi, biện pháp trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Hồ Chí Minh đã xác định bước đi, cách làm phù hợp, Người khẳng định: Chúng ta cũng phải có phương pháp xây dựng CNXH của riêng mình, gắn với thực tiễn và lịch sử của Việt Nam. Bước đi trong xây dựng XHCN ở nước ta là “phải làm dần dần”, ai nói dễ là chủ quan và sẽ thất bại, phải thực hiện “đi bước nào vững chắc bước ấy”.
Hồ Chí Minh còn chỉ ra những biện pháp hết sức quan trọng để xây dựng CNXH, đó là: Cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, kết hợp cải tạo với xây dựng, lấy xây dựng làm chính; kết hợp thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ, đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng; xây dựng CNXH phải có kế hoạch, biện pháp và quyết tâm. Đặc biệt, Người xác định biện pháp cơ bản, lâu dài quyết định nhất trong xây dựng CNXH ở nước ta là phát huy sức mạnh toàn dân, đem của dân, tài dân, sức dân dưới sự lãnh đạo của Đảng để làm lợi cho dân.
2. Giá trị và những luận điểm cần bổ sung, phát triển hiện nay
Những nội dung tư tưởng về thời kỳ quá độ lên CNXH của Hồ Chí Minh không chỉ là sự tiếp thu, kế thừa những giá trị trong hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ, mà còn được bổ sung, phát triển trong điều kiện lịch sử mới; qua đó, tiếp tục khẳng định và làm sáng rõ bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Có thể nói, thực tiễn hơn 30 năm đổi mới càng làm sáng tỏ lý luận về thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Đó là những tiêu chí đánh giá đúng sự kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ của Đảng ta, đồng thời là những cơ sở, điều kiện đảm bảo cho sự nghiệp xây dựng CNXH đi tới thành công.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ nhằm thực hiện 4 mục tiêu: Công tư đều lợi, chủ thợ đều lợi, công nông giúp nhau, lưu thông trong ngoài, “Bốn chính sách ấy là mấu chốt để phát triển kinh tế nước ta”(6).

Cho đến nay đã có nhiều nghiên cứu nêu ra các quan niệm về thời kỳ quá độ lên CNXH theo cách tiếp cận khác nhau, song đều có chung một cách hiểu là thời kỳ độc lập tương đối, một xã hội mà ở đó các lĩnh vực cơ bản chưa hoàn toàn là xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, trong xã hội của thời kỳ quá độ lên CNXH, cái cũ và cái mới còn tồn tại đan xen, vừa chi phối ảnh hưởng lẫn nhau, vừa đấu tranh với nhau để từng bước cho ra đời một thực thể xã hội mới, đúng nghĩa là xã hội xã hội chủ nghĩa. Theo cách hiểu như vậy là đã có sự bổ sung, phát triển quan niệm về thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và bổ sung trong tình hình hiện nay.
Thứ nhất, nhận thức sâu sắc hơn những khó khăn còn tồn tại lâu dài trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Trong thời kỳ quá độ, chúng ta dễ có những nhận thức không toàn diện, lệch lạc: Một là, xem nhẹ, không tính đến đầy đủ chiều hướng suy tàn, tiêu vong của hình thái kinh tế - xã hội cũ, từ đó không thấy hết tính chất khó khăn, phức tạp của sự đan xen và đấu tranh giữa cái cũ, lỗi thời, lạc hậu với những cái mới đang hình thành, có xu hướng tiến bộ và phải trải qua một quá trình lâu dài, cái mới tiến bộ khẳng định xu hướng phát triển hợp với điều kiện mới. Hai là, ngộ nhận về thắng lợi, chỉ có phát triển đi lên của những nhân tố mới, nhất là khi nó đang trong giai đoạn hình thành, đang phải trải qua những bước “quá độ”, không thấy những khó khăn, thoái trào, thậm chí có thể thụt lùi tạm thời để củng cố và phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội.
Thứ hai, nhận thức đúng đắn, cụ thể hơn về “con người mới xã hội chủ nghĩa” trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ, con người Việt Nam, dù ở địa vị nào cũng còn mang dấu vết của thời kỳ quá độ. Vì thế, không thể đưa ra yêu cầu quá cao đối với họ, nhưng những yếu tố vượt trước và với vai trò là chủ thể của lịch sử, thì cần phải tạo lập những yêu cầu, tiêu chí phù hợp với sự nghiệp đổi mới và thời đại. Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người mới xã hội chủ nghĩa”.
Trên thực tế, với nhiều nước trên thế giới và cả ở khu vực Đông Nam Á, con người và lao động Việt Nam hiện tại còn thấp về nhiều chỉ số: thể chất, sức khỏe, tay nghề, trình độ đào tạo, khả năng hội nhập, ý thức pháp luật.... Nguồn nhân lực chất lượng cao nước ta hiện nay đang thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng và bất cập về cơ cấu. Cơ cấu “dân số vàng” nếu không được sử dụng, phát huy tốt sẽ là gánh nặng cho kinh tế và xã hội. Vì thế, con người mới trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam cần phải được nhìn nhận một cách toàn diện, cụ thể hơn. Đó là những con người đang trong quá trình hoàn thiện từng bước, từng mặt, đáp ứng yêu cầu từng lĩnh vực, địa vị xã hội từng người. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng khẳng định: “con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể của phát triển(7). Đảng và Nhà nước ta cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách về giáo dục đào tạo; chăm sóc sức khỏe; phát triển văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khoa học công nghệ; xây dựng đội ngũ cán bộ... nhằm hướng tới mục tiêu: “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”(8).
Thứ ba, nhận thức bổ sung về thực hiện công bằng, bình đẳng trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Công bằng xã hội và bình đẳng xã hội là hai khái niệm có nội hàm quan hệ chặt chẽ với nhau, nhưng không thể đồng nhất là một. Trong CNXH, nhất là thời kỳ quá độ, bình đẳng xã hội hoàn toàn là chưa thể thực hiện được; cái mà xã hội có thể đạt được là công bằng xã hội. Tuy nhiên, dù có diễn đạt cụm từ “công bằng” hay “bình đẳng” một cách độc lập, hoặc nối tiếp nhau, cũng đều thể hiện hàm ý, đó là sự ngang nhau giữa người và người trên các phương diện của xã hội XHCN, hoặc ngang nhau trong phân phối sản phẩm, đảm bảo sự tương xứng giữa cống hiến và hưởng thụ, lao động và trả công, trách nhiệm, nghĩa vụ với quyền lợi. Hồ Chí Minh chỉ ra “CNXH là bình đẳng”, “CNXH là công bằng, ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm, không hưởng”. Tuy nhiên, trong thời kỳ quá độ, những người thuộc nhóm xã hội yếu thế, người không còn khả năng lao động, hay bị bệnh tật bẩm sinh, tai nạn không thể lao động để nuôi sống bản thân, thì xã hội phải có trách nhiệm đảm bảo lợi ích thiết thân cho họ, đó mới là CNXH. Vì thế, “bình đẳng” theo nghĩa “sự ngang nhau hoàn toàn” trên mọi phương diện trong thời kỳ quá độ là chưa thể thực hiện được.
Thứ tư, nhận thức bổ sung, phát triển luận điểm “dân chủ mới” trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Luận điểm “dân chủ mới” được Hồ Chí Minh sử dụng 120 lần trong các tác phẩm của mình. Trong đó, nhiều lần Người sử dụng các cụm từ: “thời kỳ dân chủ mới”, “tinh thần dân chủ mới”, “chế độ dân chủ mới”, “nền nếp dân chủ mới”, “chúng ta phải thực hiện dân chủ mới để chuẩn bị đi đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản”(9)... Theo đó, cần nhận thức sâu sắc hơn về “Dân chủ mới” trong thời kỳ quá độ với tính cách là một chế độ chính trị - xã hội đang được xây dựng theo những nguyên tắc và mục tiêu xã hội chủ nghĩa. “dân chủ mới” có sự ẩn chứa những thuộc tính xã hội chủ nghĩa đang được hình thành, khẳng định, trên cơ sở kế thừa những giá trị của “dân chủ cũ”, đồng thời từng bước bồi đắp những giá trị dân chủ mới ưu việt, tạo tiền đề để đi đến CNXH.
Hơn nữa, “dân chủ mới” cần được hiểu là dân chủ xã hội chủ nghĩa trong điều kiện quá độ lên CNXH, để tránh nhầm lẫn hoặc đánh tráo sang những giá trị dân chủ mới của phương Tây, của chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa, học thuyết phi vô sản khác hiện nay.
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam đã thể hiện những nội dung đặc sắc, trên cơ sở kế thừa và phát triển sáng tạo những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin vào đặc điểm, tình hình xã hội Việt Nam. Thực tiễn luôn vận động biến đổi và đang đặt ra nhiều vấn đề mới, những nội dung tư tưởng về thời kỳ quá độ của Người vẫn giữ nguyên giá trị, cần tiếp tục bổ sung, phát triển trong điều kiện mới./.
_________________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.12, tr. 411.
(2) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.10, tr. 324, 329.
(4) (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.8, tr. 174, tr. 267.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.13, tr. 13.
(7) (8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 76, 70.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.6, tr. 13.
Đại tá, PGS. TS. Lê Xuân Thủy
Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng  (Tạp chí Tuyên giáo)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X