Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Sunday, September 15, 2019 , 0 bình luận

Một cái like, một chia sẻ thông tin, hay một vài lời bình, đối với một người có thể đó là sự thỏa tò mò, thú vui trên mạng, nhưng thực tế, từ những cú click chuột ấy đã có thể trở thành một cơn bão mạng đầy nguy hiểm. Thế nhưng đáng buồn là, những “anh hùng tay nhanh hơn não” vô trách nhiệm với hành động của mình vẫn rất nhiều.

>>Vì sao báo BVPL lại gỡ bỏ bài viết: “DÌ” A. CÓ TỚI 2 NĂM SINH?
>>Vụ dựng chuyện con bị hiếp dâm: Cô gái 16 tuổi tố cáo về việc bị bôi nhọ trên mạng xã hội


Những thêu dệt thương tâm
Vụ việc gây nhiều ồn ào và thêu dệt nhất, phải kể đến vụ án cháu bé bị bỏ quên trong xe bus ở trường Gate Way. Chưa bàn đến đúng sai hay chuyện ai là thủ phạm chính gây nên cái chết thương tâm của cháu bé, nhưng những đồn thổi, thông tin giả mạo xung quanh đó khiến sự việc càng bị đào xới, gây hoang mang và đau lòng.
Có lẽ, đây cũng là vụ việc có nhiều tin đồn thất thiệt nhất trong số những vụ án xảy ra gần đây. Khi thông tin tài xế lái xe hôm đưa cháu bé đến trường bị tung ra từ một Facebooker không đáng tin cậy, hàng loạt trang mạng lá cải, không chính thống đã chia sẻ thông tin.

Bố dựng lên câu chuyện con gái bị xâm hại gây bức xúc dư luận

Và từ đó, hàng ngàn người, chưa kịp kiểm chứng thông tin đã lao vào chia sẻ, bình luận, chửi bới và đặt ra hàng loạt những nghi vấn xung quanh cái chết của ông này. Chỉ đến khi các báo chính thống đến tận nhà, chụp hình, cơ quan điều tra lên tiếng thì sự việc mới tạm ổn. Chưa dừng lại ở đó, tiếp sau lại có thông tin sau khi cháu bé đùa nghịch bị ngã, vào bệnh viện thì y tá tắc trách khiến cháu bé tử vong.
Các “anh hùng bàn phím” lại một phen xôn xao, ồ ạt chia sẻ, bàn tán, chửi rủa. Đáng trách nhất là một tài khoản vô danh đã dùng một clip đưa đón học sinh của trường GateWay, dùng phần mềm để thay mặt một đứa trẻ bằng mặt bé Long và đưa ra thông tin “chúng tôi có clip bằng chứng bé Long vẫn đi vào trường ngày hôm ấy”, khiến cộng đồng mạng một phen xôn xao ầm ĩ, lên tiếng đòi công bằng cho cháu bé.
Không chỉ có thế, một số group, hội nhóm chuyên về tâm linh cũng “ăn theo” bằng cách bói toán, gieo quẻ, đưa ra những lời “đoán mệnh” đầy huyền bí rằng cháu bé bị ngã xuống, đập đầu vào ghế, bị bạn đánh, hay chi tiết chiếc bóng bay trên xe cũng được phân tích đây là “thuật nhốt hồn” của những người giết hại cháu bé làm ra. Ngoài ra còn rất nhiều những đồn đoán của các nhà “trinh thám nửa mùa”, “điều tra viên mạng xã hội”…
Nhưng thông tin cực kì thiếu căn cứ, thiếu logic, nhảm nhí, thế nhưng lại “dắt mũi” không ít người, khiến họ tin răm rắp, sôi nổi bàn tán, kêu gào đòi công bằng. Có không ít cư dân mạng, hôm nay chia sẻ tin này, ngày mai chia sẻ tin khác, dường như bất cứ tin giả nào cũng có thể làm cho họ tin và ủng hộ, hơn là chờ đợi một sự thật rõ ràng
Hay như một vụ án gây phẫn nộ dư luận, là vụ nữ sinh giao gà. Không hiểu sao, trong quá trình điều tra lại xuất hiện cả những tin đồn được chia sẻ trên mạng như nạn nhân đang có thai, bị giết hại với cái thai trong bụng, cần điều tra cha đứa bé là ai… Có một dạo, thông tin này được nhiều người chia sẻ, bàn tán đến mức gia đình nữ sinh phải cầu xin cộng đồng mạng đừng tung tin đồn thất thiệt, để cô gái trẻ được yên nghỉ.
Vụ án mới đây là sự việc người cha lên mạng làm ầm ĩ việc con mình bị một cô gái trẻ cùng bạn bè xâm hại. Vụ việc mới thông tin một chiều, chưa rõ ràng, thế nhưng hàng ngàn người đã ầm ĩ chửi rủa, than thở, kêu gọi ủng hộ người cha khốn khổ, vào tấn công cá nhân cô gái trẻ nói trên.
Cho đến lúc cơ quan điều tra trưng ra những bằng chứng không thể chối cãi về sự lừa đảo, tung tin thất thiệt của người cha, vốn là một con nghiện thì nhiều người mới phát hiện mình ngây thơ. Có nhiều thông tin giả là nhằm mua vui cho dư luận, lấy chuyện lạ làm vui. Có những tin, tuy giả nhưng vô thưởng vô phạt, tạo sóng dư luận chút rồi thôi.

Thông tin thất thiệt được một số tài khoản facebook đăng tải gây hoang mang dư luận

Nhưng, với những vụ việc thương tâm, đáng buồn, thì những kẻ tung tin giả, dù là lý do gì đi nữa, cũng đã tạo thêm những nhát dao cắt vào nạn nhân, vào gia đình họ. Và những “anh hùng tay nhanh hơn não” và cộng đồng mạng góp phần vào lan truyền các thông tin thất thiệt và vô lương tâm như thế, ắt cũng không thể vô can.
Nhìn thế nhưng không phải thế
Tất nhiên, những kẻ tung tin giả, nhiều cả góp tay lan truyền tin giả, không hẳn là “gây chuyện cho vui”, hay rảnh quá, muốn gây tò mò, tạo sóng gió chơi. Trong số đó, có không ít người là nhằm trục lợi hoặc những mục đích đen tối khác. Có người, vì muốn tăng tương tác cho trang bán hàng, cho sản phẩm của mình, đã nương theo những sự việc đang nổi để ném thông tin bậy bạ ra dư luận.
Đã không ít trường hợp những chủ shop, chủ nhà hàng… bị xử phạt vì tung tin giả mạo về dịch tả lợn khiến người chăn nuôi điêu đứng. Hay như người cha bịa chuyện con bị xâm hại nói trên, cũng vì muốn trả thù bạn gái và lợi dụng tiền bạc của người hảo tâm. Có những tin đồn khác, được lan truyền với mục đích đen tối hơn, cạnh tranh không lành mạnh, giết chết thương hiệu. Nghiêm trọng hơn là chống phá Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc…
Bịa đặt, tung tin giả là một chuyện, nhưng để những tin đồn ấy ầm ĩ lan xa, tất nhiên phải kể đến sự khát tin sốc và ngây thơ dễ lừa của cộng đồng mạng. Trên thực tế, chỉ cần có một chút tỉnh táo, một chút sáng suốt phân biệt đúng sai, người dùng có thể phân biệt được ngay tin nào là thật, giả.
Ví như xét từ nguồn gốc người tung tin, độ tin cậy của trang tin, tính chân thực của bản thân thông tin… Thế nhưng, hoặc ngây thơ dễ dắt mũi, hoặc cố tình muốn tin vào điều giật gân, rất nhiều cư dân mạng đã bị biến thành công cụ cho bọn lừa đảo, vui vẻ vô tư đi tung tin đồn thất thiệt, gây ra một cục diện đầy nhiễu loạn trên mạng xã hội.
Đáng nói, trong số những cư dân mạng ấy, có cả những thành phần trí thức, người nổi tiếng, thậm chí cả KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội). Không biết vô tình hay cố ý, nhiều người nổi tiếng trên mạng, có lượng fan hâm mộ đang kể cũng không ít lần tham gia tích cực vào việc tung tin đồn nhảm.
Nhiều người trong số họ, thoải mái chia sẻ thông tin không phân biệt thật giả, chỉ đến khi sự việc rõ mười mươi mới âm thầm hạ bài xuống, hoặc nói vài lời xin lỗi chống chế. Một KOL khá nổi tiếng với những bài chửi trên mạng xã hội là H.N.V, trong đó không ít bài dắt mũi dư luận với thông tin chưa kiểm chứng.
Trong sự việc của nữ sinh giao gà, chính anh này lên tiếng mạnh viết hàng loạt bài chửi bới cơ quan điều tra tắc trách, gian dối. Chỉ đến khi, cơ quan điều tra vẫn âm thầm tiến hành việc điều tra, đưa vụ việc ra ánh sáng, trước phản ứng mạnh của người đọc, anh này mới hạ bài và viết lời xin lỗi.
Người thỏa mãn trí tò mò và tâm lý ham muốn tin giật gân, người muốn thỏa mãn cái tôi, người muốn tạo dựng danh tiếng, người muốn trục lợi, người mang tâm lý anh hùng bàn phím thể hiện trên mạng… bằng ấy những kiểu người đã góp phần biến mạng xã hội thành một cộng đồng hổ lốn thật giả lẫn lộn.
Chỉ tính riêng Facebook, Việt Nam có trên 58 triệu người dùng. Chưa kể đến con số các mạng khác như Youtube, Instagram… Mỗi một tin đồn sai được lan truyền, có thể thiệt hại hàng chục tỉ cho một doanh nghiệp, hàng trăm tỉ cho một ngành nghề, thiệt hại đến sinh mạng, đến sức khỏe, đến cuộc sống của nhiều người, và cả uy tín của nhà nước…
Việt Nam đã có hành lang pháp lý cho hành vi phát tán tin giả, được quy định trong Luật An ninh mạng và Bộ luật Hình sự. Theo đó, tùy theo mức độ sẽ có xử phạt hành chính thế nào. Trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tung tin có thể bị truy cứu hình sự và phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội vu khống. Facebook, Google hay Youtube từ đầu năm nay cũng đã tiến hành những chiến dịch thanh lọc thông tin giả. Tuy nhiên, dường như bấy nhiêu vẫn chưa làm chùn tay những kẻ thích tung “fake news”.
Và, kể cả luật hay các trang mạng cũng chỉ hướng đến xử lý những “đầu trò”, tức kẻ tung tin. Còn những người góp phần đưa tin đi mạnh, đi xa, bình luận ác ý thì có lẽ rất khó.
Có một câu chuyện kể rằng, người nọ có nuôi một con chó. Khi ra ngoài, anh để con chó ở nhà trông con trai nhỏ của mình. Khi trở về, anh nhìn thấy con chó miệng đầy máu, con trai nhỏ không thấy đâu. Nghĩ rằng chó đã ăn thịt con trai, anh rút súng bắn chết chó.
Nhưng bước sâu vào nhà, anh mới thấy xác một con chó sói nằm đó, còn con trai run rẩy núp dưới gầm bàn. Con chó trung thành đã chết oan trong khi bảo vệ đứa con trai nhỏ của anh. Ở đời, có những chuyện mắt thấy còn chưa phải là sự thật, huống chi là truyền miệng, là nghe phong thanh. Tiếp nhận một thông tin, điều cần làm không phải là tin ngay, mà là suy xét, là cảm nhận bằng lý trí, thậm chí bằng trái tim. Có thể chậm một chút hơn người, nhưng đừng để “tay nhanh hơn não”.
Mỗi một người có trách nhiệm hơn với cú click chuột của mình, đừng để bị xỏ mũi dắt đi bởi bất cứ một kẻ nào. Thay vì tin vào những điều xấu xa, thất thiệt, mỗi người hãy chia sẻ nhiều hơn những điều tốt đẹp. Điều đó sẽ góp phần tạo mạng xã hội trong lành hơn, thôi gây ra những bi kịch cho người dùng.
Ngọc Mai (Pháp luật Việt Nam)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X