Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Sunday, October 06, 2019 , 0 bình luận

Vấn đề đang gây tranh cãi là Công an quận 1 có thẩm quyền điều tra, khởi tố, bắt giam, khám xét trong vụ thẩm phán, giảng viên chiếm giữ nhà dân hay không?




3 ngày sau khi khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hải Nam và Lâm Hoàng Tùng về tội Xâm phạm chỗ ở của người khác, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1 cùng cán bộ Viện kiểm sát (VKS) tiến hành thực nghiệm hiện trường.
Chỉ trong vòng một tuần từ khi khởi tố vụ án, Công an quận 1 từng bước hoàn thiện hồ sơ để chuyển cho Công an TP.HCM. Song, vấn đề đang gây tranh cãi là Công an quận 1 có thẩm quyền điều tra, khởi tố, bắt giam, khám xét trong vụ án này hay không?
Có vi phạm tố tụng?
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết hoạt động điều tra vụ án hình sự hiện nay chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật; liên quan đến thẩm quyền điều tra thì chịu sự điều chỉnh của 3 văn bản: Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT ngày 29/12/2017.
Theo các văn bản nêu trên, nguyên tắc chung về thẩm quyền là: Thẩm quyền điều tra phụ thuộc vào thẩm quyền xét xử; thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác tội phạm lại phụ thuộc vào thẩm quyền điều tra.
Điều này có nghĩa là vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của tòa nào thì sẽ do cơ quan điều tra cùng cấp thụ lý giải quyết.

 Bị can Nguyễn Hải Nam, Phó chánh án quận 4, bị còng tay đưa đến thực nghiệm hiện trường. (Ảnh: Quỳnh Danh)



Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết, căn cứ theo điểm a khoản 5 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra cấp huyện điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện.
Tuy nhiên, đối chiếu thêm điểm c khoản 2 Điều 268 luật này thì TAND cấp tỉnh (thành phố) sẽ có thẩm quyền xét xử vụ án của cấp huyện nếu vụ án "có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người".
Quay lại vụ Xâm chiếm chỗ ở của người khác, theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM), ông Nam và Tùng bị bắt và điều tra theo khoản 2 Điều 158 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt của khoản này từ 1-5 năm. Do vậy, theo khoản 1 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự thì thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện.
Tuy nhiên, ông Nam ngoài là công dân bình thường thì bản thân còn là thẩm phán. Do đó, đối chiếu theo điểm c khoản 2 Điều 268 nêu trên, hai luật sư cho rằng vụ án này sẽ thuộc thẩm quyền của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, VKSND TP.HCM giữ quyền truy tố.
Bên cạnh đó, theo luật sư Thế Trạch, trong vụ án này, ngoài xử lý hành vi Xâm phạm chỗ ở của người khác, cơ quan công an có thể xem xét xử lý đối với một số hành vi trái pháp luật khác như: Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản... Do đó, Công an quận 1 chỉ có thể thực hiện các hoạt động điều tra ban đầu theo thẩm quyền chứ không được khởi tố bị can và bắt tạm giam.
"Công an quận 1 có quyền xử lý tin báo tội phạm, thực hiện các hoạt động điều tra ban đầu. Sau đó phải sơ kết điều tra và chuyển cho Công an TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Đây là điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi bị cáo là thẩm phán, kiểm sát viên", luật sư Thế Trạch nhận định.
Theo diễn biến vụ việc, vào ngày 27/9, Công an quận 1 đã khởi tố vụ án. Đến ngày 1/10, công an quận này khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam với ông Nam và Tùng. Ngày 3/10, Công an quận 1 khám xét trụ sở TAND quận 4 - nơi làm việc của ông Nam. Chiều 4/10, nhà chức trách quận 1 tiến hành thực nghiệm điều tra vụ án.
Chuỗi hành động này của Công an quận 1 tiến hành không phải là hoạt động tiền tố tụng. Vậy Công an quận 1 có đang vi phạm khi bắt giam người không đúng thẩm quyền?
Có căn cứ thụ lý
Luật sư Lê Văn Hoan cho rằng bước đầu Công an quận 1 khởi tố, sau đó hoàn thiện hồ sơ chuyển cho Công an TP.HCM tiếp tục điều tra thì không sai thẩm quyền.
Phân tích về quy định tại khoản 2 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự, luật sư Dũ giả định trong vụ án vừa có những người thuộc chức danh nêu trên, vừa có người không thuộc chức danh nêu trên thì thẩm quyền sẽ thuộc cấp nào?
Theo luật sư, nếu quy định “vụ án có bị cáo là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên” thì dễ hiểu, dễ áp dụng hơn, chỉ cần có một bị cáo thuộc chức danh nêu trên thì thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh (thành phố). Song, theo đơn tố giác, clip ghi nhận tại hiện trường, không chỉ có ông Nam và ông Tùng mà còn nhiều người khác không phải là thẩm phán, kiểm sát viên.
"Như vậy, đối với hành vi của ông Nam và ông Tùng thì thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, còn đối với hành vi của người khác thì thuộc thẩm quyền của cấp nào, cấp tỉnh hay cấp quận, huyện?", luật sư Dũ đặt vấn đề.

 Bị can Lâm Hoàng Tùng, giảng viên Trường đào tạo bồi dưỡng kiểm sát TP.HCM (sơ mi xám), cũng có mặt tại buổi thực nghiệm hiện trường. (Ảnh: Quỳnh Danh).
Luật sư Dũ cho rằng để xác định được ông Nam, ông Tùng là thẩm phán, kiểm sát viên thì cần phải thu thập tài liệu, chứng cứ như quyết định bổ nhiệm hợp lệ, kết quả xác minh tại đơn vị hai người này làm việc. Hoặc lúc đầu có thể đủ tài liệu chứng minh họ là thẩm phán, kiểm sát viên nhưng hành vi của họ có vi phạm pháp luật hay không, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không, đủ căn cứ khởi tố bị can hay không?
Trong khi đó, điểm b khoản 3 Điều 12 Thông tư liên tịch số 01/2017 quy định trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cùng một nội dung được gửi đến nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền giải quyết thì trong trường hợp cơ quan điều tra cấp trên và cơ quan điều tra cấp dưới cùng có thẩm quyền giải quyết thì thủ trưởng cơ quan điều tra cấp trên quyết định.
Và khoản 4 Điều 40 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định đối với sự việc có dấu hiệu phạm tội mà chưa xác định rõ thẩm quyền điều tra thì cơ quan điều tra nào phát hiện trước phải áp dụng ngay các hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và luật này. Khi đã xác định được thẩm quyền điều tra thì chuyển vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
"Từ những quy định nêu trên và thực tế vụ án, tôi cho rằng Cơ quan CSĐT Công an quận 1 thụ lý, điều tra lúc đầu là có căn cứ pháp lý. Có thể hiểu là vụ này ban đầu chưa đủ cơ sở xác định rõ thẩm quyền điều tra", luật sư Dũ nêu quan điểm.
Theo zingnews

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X