Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Saturday, November 09, 2019 , 0 bình luận

Ngày 5-11-2019 vừa qua, như thường lệ, tổ chức Freedom House (FH) có trụ sở chính của FH đặt ở Mỹ, lại công bố cái gọi là “Báo cáo về tự do Internet năm 2019”.

Lùm xùm quanh việc luật sư dân chủ Trần Vũ Hải được 'vinh danh'


Cũng như những năm trước, báo cáo tiếp tục vu cáo Nhà nước Việt Nam “hạn chế quyền của người sử dụng Internet, kiểm soát nội dung trên mạng xã hội”; xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia “không có tự do Internet”. Đó thực chất vẫn là những luận điệu xuyên tạc cũ rích, vô giá trị về tình hình tự do Internet ở Việt Nam.  

Với nhan đề: “Khủng hoảng mạng xã hội”, trên cơ sở đánh giá tình hình tự do Internet ở 65 quốc gia trên thế giới từ tháng 6-2018 – 5-2019, báo cáo của FH cho biết từ tháng 6-2018, có 33 quốc gia giảm giá trị về tự do Internet; trong đó có một số nước bị xếp hạng liên tục không có tự do Internet trong 9 năm liền bao gồm Brazil, Bangladesh, Zimbabwe, Sudan và Kazakhstan. 

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nêu rõ: “Tôi hoàn toàn bác bỏ những đánh giá thiếu khách quan, không đúng sự thật về Việt Nam trong báo cáo ngày 5/11/2019 của Freedom House.". (Ảnh: vietnamnet)

Trong phần đánh giá về Việt Nam, báo cáo của tổ chức FH đã đánh giá Việt Nam chỉ được 24/100 điểm, cụ thể, ở phần trở ngại để truy cập, Việt Nam được 12/25 điểm, phần giới hạn đối với nội dung được 7/35 điểm, phần vi phạm quyền người dùng được 5/40 điểm. Họ cho rằng, Nhà nước Việt Nam đã thiết lập nhiều công cụ để kiểm soát Internet, trong đó có Luật An ninh mạng năm 2018. 


Từ tháng 7 – 12-2018, Chính phủ Việt Nam đã xóa hơn 1.500 nội dung đăng trên mạng xã hội, trong đó có thông tin do các “nhà hoạt động xã hội dân sự” đăng. Báo cáo này quy chụp, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia “không có tự do Internet”.

Ngày 7-11, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc tổ chức FH công bố báo cáo tự do Internet vào ngày 5-11-2019, trong đó xếp Việt Nam vào danh sách các nước không có tự do Internet, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nêu rõ: “Tôi hoàn toàn bác bỏ những đánh giá thiếu khách quan, không đúng sự thật về Việt Nam trong báo cáo ngày 5-11-2019 của Freedom House. Việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy sự phát triển của Internet nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như đáp ứng những nhu cầu trao đổi thông tin, học tập, làm việc của người dân”. Thực tiễn tình hình đảm bảo quyền tự do Internet ở nước ta trong những năm qua đã chứng minh sinh động quan điểm đó.

Ngày 19-11-1997, là ngày đầu tiên đánh dấu sự kiện quan trọng Việt Nam hòa mạng Internet toàn cầu. Theo thống kê sơ bộ vào thời điểm đó, số người sử dụng mạng Internet chỉ hơn 200.000 người, thì đến năm 2018, con số này đã tăng lên hơn 60 triệu người dùng, chiếm 67% dân số, trong đó có 55 triệu người dùng mạng xã hội, đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet. 

Theo Tổ chức quản lý tên và địa chỉ mạng quốc tế (ICANN) và Công ty DAMMIO–We Are Social (Anh), tính đến 7-2019, có 64 triệu người Việt Nam đang dùng Internet chiếm 66% dân số (tăng 28% so với cùng kỳ năm 2017); có 62 triệu người dùng sử dụng mạng xã hội (Facebook, Twitter, Zalo…), mỗi người sử dụng Internet ở Việt Nam dành trung bình hơn 6 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet; 94% là tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày. 

Còn theo kết quả nghiên cứu của Báo Nikkei (Nhật Bản) về tốc độ internet của các nước châu Á - Thái Bình Dương thì khẳng định: “Ấn Độ và Việt Nam vượt xa các nước phát triển”, tốc độ sẽ tiếp tục tăng khi Chính phủ Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế số. Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet cao nhất châu Á, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam liên tục đứng trong nhóm 20 quốc gia có số người sử dụng Internet lớn nhất thế giới…
Nhận xét về vấn đề tự do Internet ở Việt Nam, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam P.Hogberg đã khẳng định, Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội từ Internet, là một trong những nước đi đầu ở Đông Nam Á về kết nối và phát triển Internet. Điều đó thể hiện nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc tận dụng thế mạnh của Internet trong xây dựng và phát triển đất nước. 

Ông Denis Brunetti, Tổng Giám đốc Công ty Ericsson Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia đã khẳng định, hiện nay, việc tiếp cận Internet ở Việt Nam rất dễ dàng và giá cả phù hợp, Chính phủ và các doanh nghiệp viễn thông đang có những hướng đi đúng đắn và bền vững. Có thể khẳng định rằng, Internet, mạng xã hội đã góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước; đã trở thành công cụ rất quen thuộc và là "một phần tất yếu" của các tầng lớp xã hội ở nước ta.

 Người dân có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua internet, nhất là qua các trang web, mạng xã hội; nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương sử dụng Internet, mạng xã hội để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính và liên hệ trực tiếp với người dân… Tất cả những điều đó cho thấy đảm bảo tự do Internet luôn là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước và được đảm bảo thực hiện trong đời sống xã hội của nước ta. 

Thực tiễn ở nhiều quốc gia cho thấy, việc thực hiện quyền tự do Internet luôn được đặt trong khuôn khổ pháp luật. Điển hình như: Ở Mỹ, Quốc hội nước này đã ban hành nhiều văn bản luật nhằm xử lý, ngăn chặn việc lợi dụng internet, mạng xã hội để khủng bố, kích động bạo lực, khiêu dâm trẻ em hay là vi phạm sở hữu trí tuệ. 

Ở châu Âu, Ủy ban châu Âu (EU) đã ban hành luật về bảo vệ sự riêng tư toàn cầu nhằm hạn chế hoạt động của Internet, mạng xã hội vi phạm quyền riêng tư của công dân của các nước thành viên. Năm 2017, EU cũng đã yêu cầu Facebook, Google, Twitter phải điều chỉnh ngay các điều khoản sử dụng dịch vụ, truy quét thông tin xấu, gồm cả tin xuyên tạc, sai sự thật, nếu không sẽ phải chịu chế tài xử lý nghiêm khắc. 

Ở Trung Quốc, Chính phủ nước này đã chặn toàn bộ các mạng xã hội, trong đó có Facebook, Google, Twitter nhằm ngăn chặn người dùng truy cập các trang web đồi trụy hoặc có nội dung nhằm mục đích chính trị. Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố chặn các trang web có nội dung vi phạm luật an ninh, hoặc có nội dung khiêu dâm. Ở Thái Lan, Chính phủ nước này đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải kiểm duyệt, ngăn chặn các tài khoản, clip có “nội dung không phù hợp” trên các mạng xã hội như Youtube, Facebook, Line và Twitter. 

Dù là nước có tốc độ phát triển internet mạnh mẽ, nhưng trong những năm qua, Việt Nam luôn là quốc gia xảy ra các hành vi tội phạm mạng cao nhất thế giới. Nguyên nhân cơ bản là do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ; lực lượng chuyên trách làm công tác bảo vệ an ninh mạng còn thiếu, trình độ chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ bảo vệ an toàn thông tin, an ninh mạng còn lạc hậu, chưa theo kịp với trình độ phát triển của thế giới…

Nhằm đảm bảo an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng mạng xã hội, Internet để vi phạm pháp luật Việt Nam, trong thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đã ban hành nhiều văn bản pháp luật như: Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Công nghệ thông tin, Luật an toàn thông tin mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, bổ sung điều kiện về quản lý nội dung các trang thông tin điện tử, mạng xã hội... Trong đó, Nghị định số 27/2018/NĐ-CP đã quy định rõ cơ chế phối hợp loại bỏ các tin, bài đăng tải trên Internet, mạng xã hội có nội dung chống lại Nhà nước, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; tiết lộ bí mật nhà nước; phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật…

Đặc biệt, việc ban hành Luật An ninh mạng năm 2018 là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng Internet vi phạm quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân, điều này không chỉ phù hợp với luật pháp quốc tế quy định trên lĩnh vực này; mà còn góp phần tích cực nhằm thúc đẩy sự phát triển của Internet và nền kinh tế số tại Việt Nam; xây dựng một môi trường mạng lành mạnh nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của công dân.

Ngoài việc ban hành các văn bản pháp luật, các bộ, ngành chức năng đã tăng cường mở rộng hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế có trình độ phát triển cao về an ninh mạng để học tập, tiếp thu công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ…; yêu cầu các tập đoàn truyền thông như: Google, Facebook, Yahoo… gỡ bỏ các clip, tài khoản có nội dung xấu, độc hại, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc và xâm phạm an ninh quốc gia nước ta, cam kết chấp hành pháp luật trong quá trình hoạt động ở Việt Nam. Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã bắt giữ, xử lý một số đối tượng sử dụng Internet, mạng xã hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: Tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, vu cáo, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở trong nước… chứ không hề có chuyện “đàn áp”,“bắt giữ” trái pháp luật bất kỳ công dân nào như Báo cáo của FH đã rêu rao, xuyên tạc. Điều đó hoàn toàn bình thường, và cũng như các quyền tự do cơ bản khác, việc thực hiện quyền tự do Internet cũng phải trên cơ sở thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người khác, của xã hội.

Với chính sách nhất quán Việt Nam muốn là bạn của tất cả các quốc gia trên thế giới, nhằm mục tiêu mở rộng quan hệ hợp tác, thúc đẩy công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, Nhà nước Việt Nam mong muốn các cá nhân và tổ chức quốc tế vào thăm, tìm hiểu tình hình thực tế đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, trong đó quyền tự do Internet để chấm dứt việc đưa thông tin lệch lạc, sai sự thật về vấn đề này, ảnh hưởng đến uy thế, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.

Quốc An (Công an nhân dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X