Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Sunday, November 10, 2019 , 0 bình luận

Đối tượng lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi khi dàn dựng những kịch bản hoàn hảo để đưa nạn nhân vào bẫy rồi chiếm đoạt tài sản số lượng ngày càng lớn.


Chúng dùng những mỹ từ dành cho nạn nhân khi bắt chuyện trên mạng xã hội sau đó dẫn dắt nạn nhân vào tròng bằng việc đánh vào "lòng tham" của họ. Nạn nhân khi rơi vào bẫy trở nên mê muội, sẵn sàng vay mượn, có khi là mượn nóng với lãi suất cao để gửi tiền cho chúng...
"Nữ hoàng" cay đắng mất 1,3 tỷ đồng
Nạn nhân mới nhất trên facebook là chị N.T.L. (sinh năm 1963, ngụ huyện Krông Ana, Đắk Lắk). Là nông dân chân chất, có chồng với 3 người con, dâu rể đề huề, cuộc sống sẽ êm đềm trôi qua nếu như chị L không tập tành tiếp cận công nghệ buổi nông nhàn. Mạng xã hội bao la khiến chị L. bị cuốn vào đó với những câu chuyện thú vị, những người bạn mới.

Những đoạn chat qua mạng xã hội của chị L. với người đàn ông ngoại quốc gọi chị là "nữ hoàng" để rồi chị bị lừa hơn 1,3 tỷ đồng


Tiếp xúc với phóng viên ANTG, chị L. vẫn còn lộ gương mặt bàng hoàng, lo lắng. Gia đình chị bị xáo trộn chỉ vì chị trót tin một đối tượng trên mạng xã hội hứa hẹn gởi về cho chị một số tiền khổng lồ, làm cả mấy đời chị cũng không có. 
Ngày 9-9-2019, qua mạng xã hội chị kết bạn với một người đàn ông tên Solomon Anthony, gốc Hoa Kỳ, biết nói tiếng Việt. Sau nhiều lần trò chuyện trên mạng xã hội, chị L. được người đàn ông này giới thiệu đang là Trung tá quân đội Hoa Kỳ, đang chiến đấu tại Afghanistan. Salomon tâm sự cha mẹ đã mất hết, có em trai, vợ bị tai nạn qua đời. Trong những đoạn chat tâm sự trên mạng, Salomon thường gọi chị L bằng mỹ từ trìu mến là "nữ hoàng của tôi". 
Chị L. bị cuốn hút vào các đoạn chát ngọt ngào. Salomon cho biết, sau khi vợ chết, ông  ta bán siêu thị và qua Afghanistan đầu tư.  Nhưng nơi này đang có chiến tranh nên ông ta có ý định sang Việt Nam đầu tư mà không có ai thân thuộc. Số tiền 680 ngàn USD (hơn 15 tỷ đồng) dành dụm để đầu tư, Salomon muốn chị L. giữ dùm vì không thể để ở Afghanistan. 

Đơn tố cáo của nạn nhân bị lừa đảo

Salomon chụp hình các kiện hàng hóa nói là quà tặng cho chị L., và số tiền 680 ngàn USD gởi qua đường chuyển phát nhanh kèm biên nhận gởi hàng và tiền. Chị L. tin, đồng ý giữ dùm tiền cho Salomon. Salomon còn dặn chị L. làm theo hướng dẫn của nhân viên giao hàng.
Sau đó chị L. nhận được cuộc điện thoại của một cô gái xưng là nhân viên giao hàng, cho biết hải quan yêu cầu chị đóng phí nhận hàng. Không có sẵn tiền, chị L. đã vay mượn tiền của bà con dòng họ, của các con sau đó vay cả tiền bên ngoài với lãi suất cao lần lượt là số tiền hơn 1,3 tỷ gởi cho tài khoản mang tên Huỳnh Đức Thanh. 
Dù đã gởi tiền nhiều lần nhưng các kiện hàng và tiền từ Salomon gởi về chưa nhận được, chị sốt ruột gọi điện cho các số máy từng liên hệ với mình thì những người này cho biết phải nộp tiếp 800 triệu mới hoàn tất các thủ tục. 

Các chứng từ mà chị L. chuyển tiền cho những đối tượng lừa đảo

Tin là lần này sẽ thành công, chị L. bấm bụng gọi điện cho con rể đang làm ở ngân hàng vay tiếp 800 triệu. Thấy mẹ hỏi mượn tiền nhiều nơi với số tiền lớn, các người con trong gia đình gặng hỏi thì chị L. mới nói sự thật. Lúc này mọi người mới hoảng hốt biết bị lừa nên gởi đơn trình báo Công an.
"Một ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh phát hiện một người đàn ông dùng số tài khoản mang tên Huỳnh Đức Thanh rút tiền tại một ngân hàng, có ghi nhận lại hình ảnh. Tuy nhiên ngân hàng này yêu cầu Công an huyện Krông Ana làm việc với họ thì họ mới cung cấp thông tin. Tôi mong Công an huyện nhanh chóng xác minh đưa đối tượng lừa đảo ra ánh sáng để không nhiều người bị lừa như tôi. Đến giờ khi tôi biết sự thật, đã nộp đơn lên Công an nhưng các đối tượng lừa đảo vẫn không buông tha, vẫn gọi điện yêu cầu gởi tiền" - Chị L. chua xót.
Mê hồn trận thủ đoạn giả danh
Hình thức lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội, lừa đảo bằng thiết bị công nghệ cao như giả danh Công an nói các nạn nhân dính líu đến các vụ án nghiêm trọng như rửa tiền, buôn ma túy liên tục xảy ra, nhiều đối tượng bị bắt, nhiều chuyên án được khám phá thành công, thông tin cảnh giác được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên nhiều người vẫn bị mắc bẫy.

Chị L. đau khổ trình bày vụ việc với phóng viên

Bà N.V. (ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh). Ngày 3-10, bà V. nhận được cuộc điện thoại của một số máy lạ, đầu dây bên kia một người đàn ông xưng đang công tác tại một ngân hàng có chi nhánh ở Hà Nội. Người đàn ông này thông tin cho bà V. biết bà V. có hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" với số tiền 36 triệu đồng. 
Hồ sơ của bà V. đã được chuyển cho Công an Hà Nội điều tra, bà V sẽ nhanh chóng bị khởi tố, bị bắt. Bà V hoang mang, lòng rối bời và đoán có sự hiểu lầm nên gọi điện lại. Người đàn ông này khẳng định thông tin trên là sự thật và chuyển cuộc gọi của bà V. cho một người xưng là điều tra viên. 
Để thanh minh mình vô tội, bà V. đã lộ ra các bí mật cá nhân qua phần "gợi ý" của điều tra viên, cung cấp toàn bộ số tài khoản cá nhân trong đó có các tài khoản tiền gửi cá nhân tại ngân hàng.
Biết "con mồi" đã đuối sau một lúc bị đe dọa về tinh thần, kẻ giả danh điều tra viên đề nghị bà cung cấp số tài khoản cá nhân để cơ quan điều tra "giám định".
Trong lúc rối trí, bà V. nghĩ đơn giản nếu chỉ cung cấp số tài khoản thì chắc không ảnh hưởng gì nên tự nguyện làm theo. Kết quả thật tồi tệ khi đến ngày 7-10, do linh tính có gì đó bất thường, bà đi kiểm tra thì thấy 11 tỷ đồng trong 2 tài khoản đã bị rút sạch.

Những hình ảnh mà các đối tượng lừa đảo gửi cho các nạn nhân để tạo niềm tin

Cũng như bà V., ông T.A. (sinh năm 1964, ngụ Gò Vấp) đang lo lắng mất trắng số tiền 4 tỷ đồng dành dụm cả đời vì bị các đối tượng gọi điện "thanh tra tài chính". Các đối tượng xưng là Công an đang điều tra ông A liên quan đến một đường dây tội phạm. 
Để chứng minh sự trong sạch của mình, ông A đã làm theo hướng dẫn của những người xưng là cán bộ điều tra. Ông A đến ngân hàng mở tài khoản rồi gởi 4 tỷ đồng vào, sau đó gởi thông tin cho "Công an" kiểm tra chứng minh sự trong sạch của mình. Gởi tiền xong ông A mới nghi ngờ mình bị lừa đảo và đến Công an trình báo.
Một cán bộ Công an quận 3, TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ 9 tháng đầu năm, Công an quận 3 đã tiếp nhận 39 vụ liên quan đến lừa đảo trên mạng, số tiền nạn nhân bị mất lên đến con số hàng chục tỷ đồng. Công an TP Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận rất nhiều nạn nhân đến trình báo và trực tiếp khám phá nhiều vụ lừa đảo.
Bắt nhiều đối tượng lừa đảo bằng công nghệ
Ngày 7-6, Trung tâm giám sát An ninh Công ty cổ phần Dịch vụ Bảo vệ Ngân hàng Á Châu tiếp nhận thông tin từ Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia về các khiếu nại của nhiều chủ thẻ ngân hàng bị mất tiền, mặc dù không thực hiện bất kỳ cuộc giao dịch nào.
Triển khai phương án giám sát đối tượng qua camera an ninh và tuần tra tại các điểm ATM, ngày 9-6, lực lượng bảo vệ ngân hàng phát hiện đối tượng đang thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền bằng thiết bị điện tử tại trụ máy ATM trên đường 3-2 phường 14, quận 10 nên bắt giữ và bàn giao cho Công an quận 10.

Thiết bị công nghệ cao các đối tượng dùng để lừa đảo

Ngày 24-8, nhân viên bảo vệ ngân hàng Sacombank (Chi nhánh Bình Trưng Tây, quận 2) phát hiện một người đàn ông nước ngoài đến trụ ATM đặt trước trụ sở ngân hàng và gắn thiết bị công nghệ (01 thanh card kim loại, kích thước 13cm x 05cm, gắn mạch điện kèm thẻ nhớ hiệu SanDisk Ultra 16G) nên theo dõi và bắt được đối tượng này giao Công an thành phố.
Chiều 10-9, Phòng giao dịch của Ngân hàng V trên đường Nguyễn Duy Trinh quận 2 tiếp nhận khách hàng tên N.L.Đ đăng ký mở tài khoản và chuyển 740 triệu đồng tiền tiết kiệm vào tài khoản này. Thấy ông Đ. có biểu hiện lo lắng, liên tục gọi điện thoại nên nhân viên ngân hàng nghi ngờ ông Đ. đang bị các đối tượng công nghệ cao lừa đảo nên ngưng việc chuyển tiền và tiếp cận ông Đ..
Sau khi bình tĩnh, ông Đ. cho hay những ngày qua nhận được nhiều cuộc điện thoại của những người xưng là Công an, yêu cầu ông chứng minh số tiền của mình là trong sạch. Sau khi được mời về Công an làm việc, được giải thích, ông Đ. cảm ơn những người đã giúp mình kịp thời ngăn chặn để ông Đ. không rơi vào bẫy của các đối tượng.
Một cán bộ điều tra Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, các đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao trong thời điểm hiện nay sử dụng rất nhiều chiêu thức như giả mạo cơ quan điều tra để nạn nhân tự chuyển tiền, giả bộ thông tin trúng thưởng với số tiền thưởng lớn sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển phí thông quan, giả bộ người thân, bạn bè nhờ chuyển hộ tiền, mua thẻ điện thoại. 
Ngoài các chiêu thức này các đối tượng còn sử dụng công nghệ cao đánh cắp thông tin, mật khẩu tài khoản của nạn nhân bằng gởi email, tin nhắn chứa đường link truy cập vào các webiste dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài. Sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP- ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiển thị trên màn hình,…) thực hiện các cuộc gọi đến có số điện thoại hiển thị trên màn hình điện thoại người nhận các số giống với số trực ban Công an… sau đó tự xưng cán bộ Công an đe dọa, tống tiền người dân.
Chiêu trò không mới nhưng vẫn có nhiều nạn nhân sập bẫy. Công an TP Hồ Chí Minh đã khuyến cáo người dân, khi nhận được những cuộc gọi lạ yêu cầu điều tra về các đường dây tội phạm không nên nghe theo, nếu nhận được các thông tin này cần báo với cơ quan Công an gần nhất, tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản cá nhân cho các đối tượng để tránh rơi vào bẫy của chúng.
Những đoạn chat qua mạng xã hội của chị L. với người đàn ông ngoại quốc gọi chị là "nữ hoàng" để rồi chị bị lừa hơn 1,3 tỷ đồng.
Mạnh Đức (Công an nhân dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X