Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Saturday, November 09, 2019 , 0 bình luận

Là người có nhiều cống hiến cho Phật giáo, bậc cao tăng đức độ, khi viên tịch, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang càng khiến cho bao Phật tử xúc động về sự dung dị, ngay cả trong tang lễ.


Ngày 9.11, đông đảo chư tôn đức, các bậc hòa thượng, trưởng lão; tăng ni, phật tử và người dân đã đến chùa Từ Đàm (số 1, đường Liễu Quán, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) để hành lễ cầu nguyện, tiễn biệt Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang.
Các vị hòa thượng, chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế hành lễ tại lễ tang Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang (ĐÌNH TOÀN)

Linh cữu của Đại lão Hòa thượng được quàn tại Văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong khuôn viên chùa Từ Đàm.

Chư tôn đức, tăng ni hành lễ trong lễ tang Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang (ĐÌNH TOÀN)
Sau lễ khâm liệm được tổ chức vào sáng sớm cùng ngày, lễ tang của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang được tổ chức theo di huấn của ngài trước khi viên tịch.
Theo đó, lễ tang “không bàn thờ, bát nhang, báo tang, thành phục, đưa đám, phúng điếu”; “sau khi chuyển đến lò thiêu, thiêu rồi đem về chùa làm tuần, chung thất trăm ngày, tiểu tường và đại tường” và mỗi lễ “chỉ tụng một trong các kinh Địa tang, Kim cương, Bồ tát giới, Pháp hoa và Thủy sám; mỗi lễ đều không thông báo và mời ai dự cả”.
Phật tử cầu nguyện trong lễ tang Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang (ĐÌNH TOÀN)

Những nội dung của di huấn này cũng được môn đồ Pháp quyến niêm yết thông báo ở tiền sảnh ngôi nhà tổ chức tang lễ của ngài.
Đây cũng là điều khiến tang lễ của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang rất giản đơn, dung dị, không hoa, cờ phướn, phẩm vật phúng điếu thường thấy ở nhiều đám tang khác.
Khi đến viếng, tiễn biệt vị cố trưởng lão, phần lớn các vị chư tôn đức, tăng ni, phật tử đã dừng thật lâu để đọc thông báo cũng như di huấn của ngài về một lễ tang giản đơn, dung dị. Vẫn biết sinh tử vô thường, nhưng sự ra đi của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang khiến bao phật tử tiếc thương, xúc động.
Từ Quảng Trị, Đại đức Thích Trí Năng, một người con của Huế, khi hay tin vị Đại lão Hòa thượng viên tịch, thầy đã có bài văn tế cảm động, trong đó có đoạn: "Hỡi ôi! Cánh Hạc quy Tây/Thốn tâm kính cảm/Bậc thượng thừa xã bỏ báo thân/Lời di huấn rúng động/Không lại hoàn không/Có chi đâu mà phải thương sầu khóc tiễn/Một bát nhang cũng không/Thân tứ đại quay về tứ đại"... 

Một tu sĩ tụng niệm trong lễ cúng cơm (ĐÌNH TOÀN)

Theo thông tin từ Hòa thượng Thích Hải Ấn, trụ trì chùa Từ Đàm, mặc dù di huấn của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang thì sau chừng 6 giờ viên tịch, thi hài ngài sẽ được đưa lên xe tang để mang đi hỏa thiêu (tại Đà Nẵng - PV); sau đó đưa tro cốt trở về Huế, nhưng môn đồ pháp quyến vẫn để linh cữu của ngài quàn tại Văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế thêm 3 ngày để phật tử, người dân đến hành lễ tiễn biệt.

Một nữ Phật tử cầu nguyện trong lễ tang Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang (ĐÌNH TOÀN)

Như Thanh Niên đã thông tin, do niên cao, lạp trưởng Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang đã thuận thế vô thường an nhiên viên tịch vào lúc 21 giờ 45 phút tối 8.11.2019 (nhằm ngày 12.10 năm Kỷ Hợi), tại phương trượng chùa Từ Đàm, số 1 đường Sư Liễu Quán, P.Trường An, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế; trụ thế 97 năm, 72 hạ lạp (tuổi công đức tu hành).
Phật tử xem thông báo và di huấn về tang lễ giản đơn của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang (ĐÌNH TOÀN)

Kể từ lúc gắn bó các hoạt động Phật giáo ở Sài Gòn, sau ngày thống nhất đất nước, Đại lão Hòa thượng ở tại chùa Ấn Quang, rồi tu viện Quảng Hương Già Lam (TP.HCM) độc cư, chuyên tâm hành trì, viết sách, dịch và chú giải kinh, luật, luận… Tên tuổi của ngài cũng gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại, cũng như lịch sử đấu tranh, thống nhất đất nước.
Đình Toàn (Thanh niên)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X