Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Tuesday, January 21, 2020 , 0 bình luận

Nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với nước ta, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng xuất bản, tán phát các ấn phẩm, tài liệu có nội dung xuyên tạc tình hình trong nước, bóp méo sự thật về chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì thế, nhận thức rõ để có cách thức phòng, chống hoạt động này là vấn đề rất quan trọng.

Bác bỏ luận điệu kêu gọi 'Việt Nam liên minh quân sự' để bảo vệ Tổ quốc


Để chống phá Đảng và cách mạng nước ta, những năm qua, các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi khác nhau để xuất bản, tán phát các ấn phẩm, tài liệu vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo, v.v. Chúng coi đó là một mũi tấn công quan trọng nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội ở nước ta, đưa Việt Nam theo quỹ đạo của Mỹ và phương Tây. Qua nghiên cứu, có thể phân ra thành các loại ấn phẩm, tài liệu cơ bản như sau:
1. Các báo cáo, nghị quyết, dự luật... của Nghị viện, Quốc hội Mỹ, Úc và các nước phương Tây, như: Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; Báo cáo, nghị quyết thường niên của Quốc hội châu Âu về tình hình nhân quyền thế giới, v.v. Các văn bản này thường đưa ra nhận xét sai lệch, thiếu khách quan về tình hình dân chủ, nhân quyền ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm gây sức ép, đưa ra yêu sách trong quan hệ ngoại giao song phương với Việt Nam.

RFA cố tình loan tải thông điệp sai trái, quy chụp của kẻ chống phá Phạm Đoan Trang

2. Các văn bản pháp lý của một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, như: Báo cáo thường niên, nghị quyết, thông cáo báo chí, kháng thư của tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW)... gửi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam có nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, bóp méo thực tế các vụ việc xảy ra trong nước, vu cáo Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế về nhân quyền; qua đó, đưa ra yêu sách đòi thả các đối tượng vi phạm pháp luật bị ta bắt giữ, xử lý.
3. Các ấn phẩm xuất bản, như: sách báo, tạp chí, tờ rơi, truyền đơn... của các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong, số đối tượng cơ hội chính trị gửi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài có nội dung bôi nhọ đời tư lãnh đạo, xuyên tạc lịch sử dân tộc, bóp méo, xuyên tạc tình hình, vụ việc trong nước hòng hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
4. Các chương trình phát thanh, phát hình bằng tiếng Việt của các hãng VOA, RFA, RFI... có nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, tô đậm hoặc bóp méo những yếu kém, vi phạm của chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo, dân tộc hoặc xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật trong nước, v.v.
Để chuyển tải các ấn phẩm, tài liệu xuyên tạc, phản động vào trong nước, các thế lực thù địch đã lập ra hàng nghìn trang web, blog, hàng trăm cơ quan báo, tạp chí, đài phát thanh, phát hình ở các quốc gia: Mỹ, Úc, Philippines... có chương trình tiếng Việt; thông qua hợp tác trên các lĩnh vực bưu chính viễn thông, báo chí, xuất bản trong nước; qua các chương trình hợp tác quốc tế, dự án đào tạo báo chí, các hội thảo; qua nhân viên ngoại giao, đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam để chuyển tải ấn phẩm, báo cáo, tài liệu vào nước ta. Họ triệt để lợi dụng thời điểm trong nước diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, như: Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; hoặc khi có các vụ việc phức tạp xảy ra, như: vụ biểu tình phản đối Công ty Formosa tại miền Trung, giải tỏa chùa Liên Trì tại thành phố Hồ Chí Minh hay mới đây là vụ việc ở Đồng Tâm, v.v. Hoặc thời điểm đoàn Việt Nam tham gia các hoạt động của Liên hợp quốc để đẩy mạnh tán phát các ấn phẩm, tài liệu phản động vào trong nước nhằm hạ thấp uy tín Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, làm cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ xa rời mục tiêu, lý tưởng, mất lòng tin vào Đảng, từng bước hình thành xu hướng ly khai, dựng lên “ngọn cờ”, tập hợp lực lượng phản động, hình thành đảng đối lập ở Việt Nam; thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta; cổ súy cho số đối tượng chống đối hoạt động tích cực, quyết liệt hơn.
Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa hoạt động này, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, như: Nghị quyết 16/NQ-TW, ngày 18-3-2007 của Trung ương Đảng (khóa X) về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước tình hình mới; Chỉ thị 34-CT/TW, ngày 17-4-2009 của Ban Bí thư (khóa X) về tăng cường công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; Luật Xuất bản năm 2012, Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, v.v. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng đã chủ động triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động xuất bản, tán phát các ấn phẩm, tài liệu phản động. Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo tăng cường quản lý báo chí, internet, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong đấu tranh phản bác các thông tin và luận điệu sai trái; các hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để tán phát tài liệu, ấn phẩm phản động. Bộ Công an đã cung cấp cho người dân thông tin về âm mưu, thủ đoạn tán phát ấn phẩm, tài liệu phản động, tăng cường công tác quản lý an ninh thông tin mạng; yêu cầu các tập đoàn truyền thông như: Google, Youtube... bóc gỡ các clip, tài khoản có nội dung xấu, độc hại, triển khai biện pháp phát hiện, đấu tranh vô hiệu hóa nhiều blog, website và xử lý nghiêm minh nhiều đối tượng vi phạm trước pháp luật. Thông qua các kênh hợp tác song phương, đa phương, các cơ quan chức năng đã chuyển tải chính sách, thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quyền của người dân tới cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài, góp phần đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc tình hình thực tế trong nước. Đặc biệt, việc Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia định kỳ của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (chu kỳ III) về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 04-7-2019 đã thể hiện vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động xuất bản, tán phát các ấn phẩm, tài liệu phản động còn tồn tại nhất định. Đó là sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành còn hạn chế, chưa phát huy sức mạnh tổng hợp, nhất là trong tuyên truyền và đấu tranh phản bác nội dung của các ấn phẩm, tài liệu phản động. Công tác phòng ngừa, đấu tranh chưa đi vào chiều sâu, có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, thụ động. Một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ, còn coi nhẹ công tác này. Công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, internet... tồn tại nhiều bất cập; tình trạng vi phạm các quy định pháp luật trong việc viết, đăng tin, bài viết có nội dung phản động, xuyên tạc có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Công tác tuyên truyền, định hướng thông tin và đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch còn thụ động, thiếu sắc bén.
TIN LIÊN QUAN:
Những năm tới, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” với nước ta, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh xuất bản, tán phát ấn phẩm, tài liệu phản động với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Nhằm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả đối với hoạt động này, cần tập trung thực hiện tốt mấy vấn đề cơ bản sau:
Một là, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hoạt động xuất bản, tán phát ấn phẩm, tài liệu phản động chống phá Việt Nam luôn được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị lớn, sức thuyết phục cao, sức lan tỏa sâu rộng. Đặc biệt, cần huy động được rộng rãi trí tuệ, tâm huyết của các nhân sĩ, trí thức và kiều bào ta ở nước ngoài tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh.
Hai là, tăng cường công tác nắm tình hình, nghiên cứu dự báo, phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn, đặc biệt là phương thức hoạt động mới của các thế lực thù địch để tán phát các loại văn bản, tài liệu, ấn phẩm... và thời điểm đẩy mạnh các chiến dịch tán phát tài liệu phản động để kịp thời triển khai biện pháp đấu tranh ngăn chặn. Trong đó, đặc biệt chú trọng nắm tình hình từ xa, ngay từ trung tâm phá hoại tư tưởng ở bên ngoài để chủ động triển khai công tác phòng ngừa. Chú trọng xây dựng, triển khai mạng lưới bí mật vào các trung tâm phá hoại tư tưởng có trụ sở ở ngoài nước, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ thường có hoạt động xuất bản, tán phát các ấn phẩm, tài liệu chống phá ta.
Ba là, xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, báo chí, quản lý internet, v.v. Chủ động rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành, xác định những quan hệ xã hội nảy sinh trên lĩnh vực này chưa được pháp luật điều chỉnh để kiến nghị Đảng, Nhà nước xây dựng, ban hành văn bản pháp luật mới, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động xuất bản, tán phát ấn phẩm, tài liệu phản động.
Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, tính chất công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động xuất bản, tán phát ấn phẩm, tài liệu phản động chống phá nước ta, làm cho cán bộ, đảng viên và người dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên, thấy rõ tác hại của các tài liệu, thông tin phản động; có khả năng nhận diện và “miễn dịch” các nội dung thông tin xấu độc, nguy hại đối với xã hội; kịp thời tố giác với các cơ quan chức năng các tài liệu, ấn phẩm phản động để xử lý kịp thời. Chú trọng xây dựng ý thức và phong cách văn hóa khi tham gia mạng xã hội, internet cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Năm là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền đối nội và tuyên truyền đối ngoại; tận dụng thế mạnh của các kênh ngoại giao, đối thoại, hợp tác; phát huy tính ưu việt của internet, các blog, diễn đàn trên mạng xã hội để đăng tải các tin, bài viết phong phú, đa dạng làm cho cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, vu cáo tình hình thực tế ở nước ta.
Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, trang bị các phương tiện thiết bị hiện đại nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, kiểm duyệt, kiểm tra trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, internet... đáp ứng kịp thời yêu cầu trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng khoa học công nghệ để xuất bản, tán phát tài liệu, ấn phẩm chống phá Việt Nam. Thường xuyên bổ sung, củng cố tổ chức nhân sự, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng kịp thời yêu cầu do tình hình công tác đặt ra. Tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động kinh doanh, kiểm tra, phát hiện các trang web, blog... có nội dung xấu, độc hại để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Bảy là, đẩy mạnh thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, các chương trình, đề án của Chính phủ đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Chủ động nắm tình hình, giải quyết kịp thời và dứt điểm các vụ việc tranh chấp khiếu kiện đất đai, các vụ đình công, lãn công... ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”, tạo cớ để các thế lực bên ngoài, các đối tượng trong nước lợi dụng thổi phồng, xuyên tạc tình hình,  lợi dụng can thiệp, đưa yêu sách hoặc tác động làm phức tạp tình hình an ninh chính trị tại địa phương.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chúng ta tin tưởng rằng, các cơ quan chức năng và cả hệ thống chính trị tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động xuất bản, tán phát các ấn phẩm, tài liệu phản động chống phá nước ta.
ĐỨC QUỲNH (tcqptd)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X