Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Wednesday, January 01, 2020 , 0 bình luận

Một năm làm nhiệm vụ ở Bentiu, các cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến (BVDC) 2.1 của Việt Nam đã nhanh chóng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt để thực hiện nhiệm vụ của người thầy thuốc. Họ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các nhân viên LHQ và người dân nơi đây, để lại những ấn tượng đẹp với bạn bè quốc tế.

>>Trở về từ vùng chiến sự (Kỳ 1)



Đại úy Nguyễn Hồng Hải (bên phải), Điều dưỡng Trưởng Bệnh viện dã chiến 2.1, cùng đồng đội chụp ảnh bên ngoài bệnh viện. Ảnh: Mỹ Hạnh




Những “sứ giả hòa bình” ham học hỏi, sáng tạo và hòa đồng
Lúc mới sang, doanh trại đơn vị trơ trọi không một bóng cây. Chỉ sau một thời gian ngắn, Bệnh viện dã chiến (BVDC) 2.1 ở căn cứ Bentiu đã hoàn toàn đổi thay và khác biệt bởi cảnh quan đơn vị ngăn nắp, gọn gàng và phủ một màu xanh tươi mát. Sự khác biệt ấn tượng tới mức các đơn vị bạn tới thăm đều trầm trồ khen ngợi.
BVDC của Việt Nam trở thành mô hình kiểu mẫu để các đơn vị bạn tới học tập. Họ còn xin các bông hoa về để lấy hạt, cây con về trồng ở đơn vị để cải tạo cảnh quan ở đơn vị mình. Thời tiết nắng nóng, khô cằn ở châu Phi đã gần như bị khuất phục bởi bàn tay của các quân nhân Việt Nam luôn biết cách thích nghi mọi hoàn cảnh, vượt mọi khó khăn để thực hiện nhiệm vụ.


Những bông hoa sen được trồng ngay bên ngoài Bệnh viện dã chiến 2.1
Phong trào trồng cây, tăng gia rau xanh được anh em nhiệt tình hưởng ứng. Tưới cây, chăm sóc những luống hoa, vườn rau là công việc yêu thích hàng ngày không chỉ của đội Hậu cần mà của cả các các y bác sĩ, vốn chỉ quen tay cầm ống nghe, kim tiêm, dao mổ… Thỉnh thoảng, đội Hậu cần có dịp đi mua thịt tươi cải thiện bữa ăn cho đơn vị, còn tìm được chỗ bán phân bò khô bên ngoài căn cứ và mua về chăm bón cho từng gốc cây nảy mầm. Nhờ đó mà chẳng mấy chốc, cây đã cao lớn bằng đầu người trong khuôn viên đơn vị.
Lần đầu tham gia nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ trong một môi trường mới, lại không có kinh nghiệm từ những người đi trước, những người lính Việt Nam đã phải tự tìm cách học hỏi, sáng tạo để thích nghi với cuộc sống và công việc mới.


Dưới bàn tay chăm sóc của những người lính Việt Nam, cây cối trở lên xanh tốt trong khuôn viên BVDC 2.1
Đại úy Nguyễn Hồng Hải, Điều dưỡng Trưởng BVDC 2.1 chia sẻ, ở cương vị công tác của mình, anh đã phải tự mày mò rất nhiều, nhưng điều quan trọng là cần không ngừng học hỏi, chưa biết thì phải hỏi các đơn vị bạn chung quanh, không ngại va chạm và tiếp xúc. Làm việc trong môi trường quốc tế, các đơn vị họ có kinh nghiệm triển khai trước mình nên cần tích cực giao lưu và hỏi kinh nghiệm từ họ khi thực hiện nhiệm vụ theo quy trình chuẩn LHQ.
Đại úy Hồng Hải kể về trường hợp phải xử lý một ca tử vong bên ngoài được đưa vào bệnh viện. Lúc đó bệnh viện chưa có kinh nghiệm xử lý theo quy trình những trường hợp như vậy nên ngoài xin ý kiến của phòng Y tế Phái bộ, phải hỏi thêm cách xử lý ở đơn vị bạn. Cuối cùng bệnh viện dã chiến Việt Nam được đánh giá là xử lý phù hợp và đúng theo quy trình. Làm việc trong môi trường LHQ, bệnh viện phải tuân thủ rất nhiều quy trình khác nhau. Người làm nhiệm vụ ngoài nắm quy trình của khoa mình còn phải nắm quy trình ở khoa khác để bảo đảm thực hiện đúng thủ tục giấy tờ hành chính mà LHQ đặt ra.


Y tá Tô Thị Kiều Chinh huấn luyện tình huống tiếp nhận bệnh nhân tại BVDC 2.1
Anh Đinh Minh Kỳ chia sẻ niềm vui của một bếp trưởng đã góp phần để lại những tình cảm tốt đẹp của bạn bè quốc tế đối với BVDC Việt Nam, thông qua nét đẹp của văn hoá ẩm thực của Việt. Bệnh viện thỉnh thoảng được tiếp đón những đoàn khách quan trọng tới thăm và nhiều lần bếp trưởng phải chịu trách nhiệm cùng với đội hậu cần lên thực đơn cho bữa tiệc đãi khách quý.
Những món được các bạn yêu thích nhất là nem rán, xôi chè, gỏi… Có lần, anh và đồng đội phải dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị chế biến các món cho bữa tiệc. Vất vả, thử thách vì trong điều kiện thực phẩm thì hạn chế nhưng lại phải bảo đảm đủ thực đơn cho bữa tiệc có khi lên tới cả trăm người. Nhưng đổi lại, sau mỗi lần như vậy, anh Kỳ lại có niềm vui nhận được những lời khen ngợi món ăn Việt Nam từ các vị khách quốc tế. Họ gửi email tới bệnh viện cảm ơn sự chu đáo của chủ nhà và khen món ăn của Việt Nam rất ngon.
Những người lính mũ nồi xanh Việt Nam ở BVDC 2.1 ngoài nhiệm vụ của người chiến sĩ quân y, họ luôn ý thức mình là những “sứ giả hòa bình” từ Việt Nam. Không chỉ thực hiện tốt sứ mệnh của những người lính mũ nồi xanh mà còn mang tới tình hữu nghị, luôn sẵn sàng giúp đỡ không chỉ người dân Nam Sudan mà cả những đơn vị bạn chung quanh.


Các thành viên BVDC 2.1 thi nấu ăn với các đơn vị bạn tại căn cứ.
Bệnh viện Việt Nam thường có những hoạt động hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện cấp 1 ở tuyến dưới, hỗ trợ họ xử lý rác thải y tế, vệ sinh phòng dịch. Bệnh viện Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ cả khí ô-xy cho các bệnh viện bạn trong khả năng có thể. Đáp lại, các đơn vị bạn chung quanh như Ấn Độ, Mông Cổ… cũng luôn sẵn sàng cử người và thiết bị để hỗ trợ ta trong những công việc cần thiết như sửa sang đường đi quanh doanh trại.
Ở căn cứ Bentiu, tinh thần đồng đội tương trợ lẫn nhau giữa mỗi thành viên trong “gia đình Bentiu” theo cách gọi của bà Hiroko Hirahara, Trưởng Căn cứ tiền phương Bentiu, là rất quan trọng. Bà có sáng kiến phát động phong trào cắt cỏ, dọn vệ sinh ở căn cứ Bentiu vào mỗi thứ bảy hàng tuần để tăng cường tình đoàn kết và ‎tinh thần tương trợ, cộng đồng trách nhiệm giữa các đơn vị ở Bentiu.


Bà Hiroko Hirahara, Trưởng Căn cứ tiền phương Bentiu.
Dấu ấn Việt Nam
Đến Bentiu, cán bộ, nhân viên bệnh viện đã phát huy tinh thần “lương y như từ mẫu”, mang lại cho các bệnh nhân sự yên tâm và tin tưởng. Có những trường hợp bệnh nhân được đưa tới không thuộc diện được phép tiếp nhận, nhưng bệnh viện vẫn linh hoạt vận dụng và xin phép phòng Y tế Phái bộ để được phép điều trị cho bệnh nhân.
Các chiến sĩ quân y mũ nồi xanh Việt Nam làm nhiệm vụ ở Bentiu luôn đề cao tinh thần đã là bác sĩ thì “không từ chối chữa bệnh cho bất kỳ bệnh nhân nào” được đưa vào bệnh viện. Hằng tháng, BVDC 2.1 đều đánh giá mức độ hài lòng của bệnh nhân qua phiếu tín nhiệm, với kết quả mức độ hài lòng đạt tỷ lệ cao (trung bình 94-100% hằng tháng). BVDC 2.1 luôn bảo đảm về chất lượng điều trị cho các bệnh nhân đến khám và điều trị, không xảy ra sự cố nào đáng tiếc.
Chỉ huy y tế Phái bộ, Chỉ huy trưởng Căn cứ Bentiu và các đơn vị tại địa bàn đánh giá cao về trình độ chuyên môn, chất lượng điều trị, thái độ tiếp xúc với bệnh nhân. Còn nhớ, khi mới ở giai đoạn tiền triển khai, trong chuyến thăm Việt Nam nhằm kiểm tra, đánh giá năng lực của Việt Nam trong việc triển khai 1 BVDC tại Nam Sudan, ngài Iqbal Mohd, Trưởng Phòng Y tế Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan đã bị thuyết phục bởi năng lực của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.


Ngài Iqbal Mohd, Trưởng Phòng Y tế Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan.
Ông cho biết trước khi tới Bệnh viện Quân y 175 - đơn vị chịu trách nhiệm chính thành lập BVDC 2.1, ông đã có các cuộc thảo luận qua video với các bác sĩ và kiểm tra chất lượng tiêu chuẩn điều trị của Bệnh viện Quân y 175. Những gì các y, bác sĩ quân y Việt Nam thể hiện ở địa bàn đóng quân đã rất xứng đáng với sự tin cậy và hài lòng của ngài Iqbal Mohd về chất lượng chuyên môn trong những lần kiểm tra trình độ đầu tiên, do đích thân ông thực hiện.
Nữ bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngân kể về một ca bệnh đặc biệt là vợ của Thống đốc Bentiu. Bệnh nhân “VIP” này đến viện trong tình trạng nguy kịch vì không may bị sốt rét và thương hàn khi mang thai, nguy cơ sảy thai cao. Tuy nhiên, các bác sĩ ở BVDC Việt Nam đã cấp cứu thành công bệnh nhân, vượt qua giai đoạn nguy hiểm và vận chuyển an toàn lên bệnh viện tuyến trên. Cuối cùng thì ca VIP này cũng mẹ tròn con vuông.
Trong một năm làm nhiệm vụ, có bảy trường hợp bệnh nhân nặng được đội cấp cứu vận chuyển đường không của BVDC 2.1 đưa thành công bằng máy bay và an toàn lên bệnh viện tuyến trên ở thủ đô Juba. Điều này đã góp phần khẳng định năng lực chuyên môn cùng các kỹ năng nghiệp vụ của các y, bác sĩ Việt Nam.


Một ca vận chuyển bệnh nhân bằng đường không. Ảnh: BVDC 2.1
Vận chuyển bệnh nhân bằng đường không là một nhiệm vụ đặc biệt với nhiều thử thách, vì phải vận chuyển người bệnh đang nguy kịch. Điều kiện trang thiết bị y tế mang theo lên máy bay phải bảo đảm để duy trì sự sống và tình trạng sức khoẻ cho bệnh nhân cho đến khi bàn giao cho bệnh viện ở Juba. Chỉ một phút lơ là, bệnh nhân có thể tử vong bất kỳ vì điều kiện trên máy bay trực thăng rung lắc cao, tiếng ồn lớn, không tập trung cao độ thì sẽ không nhận biết kịp thời những dấu hiệu chuyển biến xấu của bệnh nhân khi ở trên máy bay.
Theo Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, sau hơn 12 tháng chính thức tiếp quản BVDC cấp 2 của Vương quốc Anh, BVDC 2.1 đã thu dung và điều trị cho tổng số 2.022 lượt bệnh nhân. Trong đó, ngoại trú là 1.958 ca, nội trú 64 ca, và phẫu thuật 62 ca gồm 21 ca trung - đại phẫu và 41 ca tiểu phẫu. Các cán bộ y tế BVDC 2.1 đã tuân thủ nghiêm các quy định về khám chữa bệnh và báo cáo chuyên môn của LHQ, và duy trì đầy đủ các chế độ chuyên môn: trực, giao ban, điểm bệnh, kiểm kê bảo quản thuốc và trang thiết bị y tế…


Bằng khen của Tư lệnh các lực lượng quân sự tại Phái bộ Liên hợp quốc ở Nam Sudan (UNMISS), Trung tướng Shailesh Tinaikar dành cho BVDC 2.1 của Việt Nam, nhân dịp tròn một năm triển khai. Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình.
Trung tướng Shailesh Tinaika, Chỉ huy Lực lượng quân sự Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan đánh giá: “Tôi nghĩ rằng các bạn là những người đã làm tốt nhất trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân viên LHQ cũng như người dân địa phương khi được yêu cầu”.
Về phần mình, bà Hiroko Hirahara, Trưởng Căn cứ tiền phương Bentiu đã không ít lần bày tỏ sự hoan nghênh và cảm ơn BVDC Việt Nam vì những đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân viên LHQ và người dân địa phương.
BÀI VÀ ẢNH: MỸ HẠNH (Nhân dân )

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X