Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Saturday, January 11, 2020 , 0 bình luận

Những năm gần đây, tình hình quốc tế luôn biến động, tiềm ẩn nhiều bất ổn, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Đây là minh chứng sống động, bác bỏ hoàn toàn những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về con đường phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những kẻ 'núp' sau vụ tấn công côn đồ đặc biệt nguy hiểm ở Đồng Tâm


Trước hết, cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc vẫn diễn ra gay gắt, chưa có dấu hiệu dừng lại, không chỉ tác động đến sự tăng trưởng nội tại của mỗi nước mà còn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của toàn cầu. Thứ hai, xung đột kéo dài ở Trung Đông chưa có hồi kết, làm biến động giá dầu thế giới. Thứ ba, sự kiện Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) làm xáo trộn dòng vốn đầu tư, thương mại chủ yếu giữa Anh và Liên minh này; đồng thời, còn lan ra thế giới, gây ảnh hưởng đối với những nền kinh tế mở. Thứ tư, diễn biến phức tạp ở Biển Đông đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự tăng trưởng, phát triển kinh tế không chỉ với các nước trong khu vực mà trên phạm vi toàn thế giới. Thứ năm, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế tăng. Trước những tác động trên, các tổ chức: Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đều hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Năm 2019, IMF hạ triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ xuống còn 2,4%; Trung Quốc xuống còn 6,1%; khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ở mức 1,2%, thấp hơn 0,1% so với dự báo trước đó. Đối với Đức, nền kinh tế đầu tầu của EU cũng bị điều chỉnh giảm xuống còn 0,5%; mức tăng trưởng của Anh chỉ đạt 1,2%1.




Đối với Việt Nam, ngoài việc chịu tác động xấu từ tình hình nêu trên, những năm qua, nhiều khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế trong nước và thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,... là những trở ngại lớn tới đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là ngành nông nghiệp. Song, với sự chỉ đạo, điều hành kịp thời và hiệu quả của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, trở thành một trong những điểm sáng của khu vực và thế giới2. Đánh giá của Ngân hàng thế giới, GDP theo danh nghĩa của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2018, Việt Nam đứng thứ 46 thế giới, thứ 14 châu Á và thứ 6 khu vực Đông Nam Á. Riêng năm 2019, trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu tăng chậm, nhưng với Việt Nam, được dự báo sẽ là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra (có 5 chỉ tiêu vượt). Trong đó, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 2,7% - 3%, kinh tế vĩ mô ổn định; tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%; năng suất lao động tăng 5,9%, v.v. Tính đến hết tháng 11 năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân ước đạt 17,6 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, vốn bổ sung của doanh nghiệp trong nước đạt trên ba triệu tỷ đồng. Nhiều công trình, như: đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển quan trọng, quy mô lớn được xây dựng, nâng cấp, góp phần làm tăng khả năng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và giao thương quốc tế.
Những thành tựu phát triển của đất nước nói chung, “điểm sáng” về kinh tế nói riêng trong những năm qua không chỉ được đánh giá bởi các chuyên gia và dư luận trong nước mà nhiều tổ chức, định chế tài chính quốc tế có uy tín đánh giá cao. Mới đây, Viện Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW) khẳng định, tăng trưởng của Việt Nam hiện cao nhất khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định, kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng cao trong năm 2019 và 2020. Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam (ông Eric Sidgwick) khẳng định: mặc dù tăng trưởng xuất khẩu bị chững lại do xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, kéo theo sự sụt giảm của thương mại toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh, v.v.
Sự thật là vậy, thế nhưng những người chuyên “theo đóm ăn tàn”, “chọc gậy bánh xe”, đi ngược lại lợi ích quốc gia - dân tộc, đã cố tình xuyên tạc, bóp méo tình hình Việt Nam nói chung, tình hình phát triển kinh tế của đất nước nói riêng. Chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”, họ chẳng những “không thấy được” những thành tựu kinh tế quan trọng mà Việt Nam đã đạt được, trái lại còn phủ nhận những thành tựu đó bằng việc đưa ra các luận điệu sai trái, xuyên tạc và phản động, như: Việt Nam kiên định theo đường lối, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã làm đất nước không phát triển, suy sụp đến tận cùng; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ngày càng lún sâu vào xu thế lụn bại, tụt dốc không phanh, đang lâm vào khủng hoảng toàn diện, v.v. Họ còn “vẽ” ra những chuyện gây “sốc”, như: khả năng thực tế về cạnh tranh quốc tế suy yếu, tăng trưởng chậm và bất ổn, kinh tế vĩ mô mà nền kinh tế Việt Nam đang phải hứng chịu là do kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mang lại. Họ xuyên tạc rằng: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ khiến cho nền kinh tế trở nên kém cạnh tranh, khu vực tư nhân thì bị chèn ép, không lớn lên được,… những yếu tố này gây ra nhiều hệ lụy khác, như: tham nhũng, lãng phí, đầu tư công tràn lan và kém hiệu quả, đến các vấn đề nợ xấu, v.v.
Rõ ràng những luận điệu trên chỉ là sự nhận định phiến diện, một chiều của một số người thiếu thiện chí, đang cố tìm mọi cách để “bẻ cong” sự thật về tình hình Việt Nam nói chung, về sự phát triển và những thành tựu của kinh tế nước ta nói riêng. Những luận điệu đó không chỉ là sự đánh tráo khái niệm, mà còn hàm chứa sự ác ý, thâm hiểm, gieo rắc sự hoài nghi, thiếu niềm tin của nhân dân vào đường lối phát triển kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được chứng minh hiệu quả trên thực tế. Từ đó, thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiến tới chuyển hóa Việt Nam theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản, hòng xóa bỏ chế độ chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.
Thực tế cho thấy, những thành tựu đạt được của Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là “điểm sáng” về kinh tế trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp tiếp tục khẳng định: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”3. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế,... trên cơ sở trung thành và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam của Đảng ta là đúng đắn, phù hợp. Đồng thời, là minh chứng phản bác những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta. Mặc dù vậy, trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ; sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông, internet và mạng xã hội; sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường; sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên; sự hạn chế về nhận thức và thiếu thông tin của một bộ phận người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo,… đã và đang bị các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để phục vụ cho mục tiêu chống phá của chúng.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng - một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Các thế lực thù địch đã, đang và sẽ triệt để lợi dụng không gian mạng và các diễn đàn để tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình đất nước; phủ nhận thành quả cách mạng, thành tựu phát triển kinh tế; phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, từ đó hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gây tâm lý hoang mang, dao động và hoài nghi trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ vào mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Bởi vậy, để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, trước hết, Đảng, Nhà nước cần thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá đúng tình hình trong nước và quốc tế, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện tốt tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Thứ hai, làm tốt công tác thông tin, truyền thông, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội; củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm minh những cá nhân sai phạm theo quy định của pháp luật, không có “vùng cấm”, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Thứ tư, tích cực ngăn chặn và kiên quyết đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tăng cường đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ động vạch trần và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta trong tình hình mới.
Đại tá, PGS, TS. PHẠM VĂN SƠN, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự (TCQPTD)
_______________
1 - Website Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - IMF điều chỉnh giảm dự báo kinh tế toàn cầu năm 2019 và 2020, ngày 24-7-2019.
2 - Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt bình quân 5,9%/năm, giai đoạn 2016 - 2020, ước đạt 6,8%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 18,6% năm 2011 xuống ổn định ở mức dưới 4%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Lạm phát cơ bản giảm từ 13,6% năm 2011 xuống dưới 2% năm 2020. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 3,5 lần, từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 548 tỷ USD năm 2020. Cán cân thương mại chuyển từ thâm hụt 12,6 tỷ USD năm 2010 sang cân bằng và có thặng dư; dự trữ ngoại hối tăng từ 12,4 tỷ USD năm 2010 lên 28 tỷ USD năm 2015 và đạt 71 tỷ USD năm 2019. Vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2020, dự kiến đạt trên 15 triệu tỷ đồng (tương đương 682 tỷ USD), tăng bình quân 11%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản trong GDP dự kiến giảm từ 18,9% năm 2010 xuống còn 13% năm 2020; các khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ước tăng tương ứng 81,1% lên 87%, v.v.
3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr.16 - 17.

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X