Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Tuesday, February 11, 2020 , 0 bình luận

Gabriel Leung, nhà dịch tễ học hàng đầu Hong Kong, cho rằng virus corona có thể lây sang khoảng 60% dân số thế giới nếu không bị ngăn chặn.

Sau đánh giá của người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng bệnh nhân nhiễm chủng mới virus corona (nCoV) dù chưa từng đến Trung Quốc có thể là "phần nổi của tảng băng chìm", giáo sư Gabriel Leung tại khoa y tế công cộng, Đại học Hong Kong, cho biết câu hỏi quan trọng nhất là tìm ra kích thước và hình dạng của tảng băng trôi đó.
Phần lớn các chuyên gia nghĩ rằng mỗi người bị nhiễm sẽ tiếp tục truyền virus cho khoảng 2,5 người khác, dẫn đến "tỷ lệ tấn công" khoảng 60-80%. "60% dân số thế giới là một con số cực kỳ lớn", Leung nói trên đường đến một cuộc họp chuyên môn tại trụ sở WHO ở Geneva.
Ngay cả khi tỷ lệ tử vong chung dưới 1%, Leung cho rằng một khi các trường hợp nhẹ hơn được tính đến, số người chết sẽ rất lớn.
Ông sẽ nói với cuộc họp chuyên môn WHO rằng vấn đề chính là quy mô của dịch bệnh đang gia tăng trên toàn thế giới và ưu tiên thứ hai là tìm hiểu xem liệu các biện pháp quyết liệt của Trung Quốc có ngăn chặn hiệu quả sự lây lan. Nếu thực sự hiệu quả, các nước khác nên nghĩ đến việc làm theo.
Người dân được phun khử trùng tại một khu dân cư ở Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo số liệu được công bố hôm nay, số người chết vì dịch viêm phổi ở Trung Quốc là 1.016 với 108 trường hợp mới được ghi nhận. Đây là lần đầu tiên số ca tử vong đạt đến ba chữ số kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 12.
Leung, một trong những chuyên gia thế giới về dịch virus corona, đóng vai trò nòng cốt khi dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) bùng phát năm 2002-2003, đang làm việc chặt chẽ với các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London và Đại học Oxford của Anh.
Hồi cuối tháng một, ông cảnh báo trong bài báo trên tạp chí Lancet rằng dịch bệnh có khả năng bùng phát theo cấp số nhân tại các thành phố của Trung Quốc, sau Vũ Hán chỉ khoảng một đến hai tuần. Ở những nơi khác, "dịch bệnh tự phát độc lập ở những thành phố lớn trên toàn cầu có thể trở thành không thể tránh khỏi" vì sự di chuyển đáng kể của những người nhiễm bệnh nhưng chưa phát triển triệu chứng, và do không có các biện pháp y tế công cộng để ngăn lây lan.
Các nhà dịch tễ học và nuôi cấy mẫu vật đang cố tìm hiểu những gì có thể xảy ra. "Liệu có phải 60-80% dân số toàn cầu sẽ bị nhiễm? Có thể không. Có thể điều này sẽ đến rất nhanh. Có thể virus sẽ giảm khả năng gây tử vong vì chắc chắn không ích gì nếu nó giết tất cả mọi người trên đường đi, bởi nó cũng sẽ bị giết", Leung nói.
Các chuyên gia cũng cần biết liệu những hạn chế ở Vũ Hán và các thành phố khác có làm giảm lây nhiễm. "Những can thiệp y tế công cộng khổng lồ, cô lập xã hội và hạn chế di chuyển có hiệu quả ở Trung Quốc không? Nếu có, làm thế nào chúng ta có thể triển khai", ông đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó cũng có những khó khăn. "Cứ cho là chúng đã hiệu quả. Nhưng bạn có thể đóng cửa trường học, phong tỏa toàn bộ thành phố, yêu cầu người dân tránh xa các trung tâm mua sắm trong bao lâu? Và nếu dỡ bỏ những hạn chế đó, liệu dịch bệnh có tái bùng phát? Thế nên đó là những câu hỏi rất thực tế", giáo sư cho hay.
Nếu việc phong tỏa của Trung Quốc không hiệu quả, có một sự thật khó chịu khác phải đối mặt, đó là virus corona có thể không bị ngăn chặn. Khi đó thế giới sẽ phải thay đổi phương pháp: thay vì cố ngăn chặn virus, họ sẽ phải nỗ lực giảm thiểu tác động của nó.
Hiện tại, các biện pháp ngăn chặn là cần thiết. Theo Leung, khoảng thời gian mọi người bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng vẫn là vấn đề lớn. Việc kiểm dịch là cần thiết, nhưng để đảm bảo mọi người không mang theo virus khi rời đi, họ nên được kiểm tra một cách kỹ lưỡng vài ngày một lần. Nếu bất cứ ai trong khu vực cách ly hoặc trên tàu du lịch dương tính với virus, đồng hồ sẽ được đặt lại thêm 14 ngày cho tất cả những người khác.
Một số nước có nguy cơ lây lan vì sự di chuyển của người dân đến và rời Trung Quốc đã có các biện pháp phòng ngừa. Trong chuyến thăm Thái Lan ba tuần trước, Leung đã nói chuyện với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế và khuyên nên thành lập các trung tâm kiểm dịch. Chính phủ Thái Lan đã thực hiện biện pháp này.
Tuy nhiên, có những nước liên quan đến Trung Quốc lại không có trường hợp nhiễm bệnh nào, như Indonesia. Leung cho rằng điều này thật khó giải thích. "Vậy họ ở đâu", ông nói, đề cập đến những người có thể nhiễm bệnh.
Các nhà khoa học vẫn không biết chắc chắn liệu virus truyền qua các giọt nhỏ khi người bệnh ho hay các hạt phát tán trong không khí. "Thật khó để đánh giá chi tiết khi dịch bệnh đanh hoàng hành. Khi dịch SARS xảy ra, chúng tôi chưa bao giờ có cơ hội thực hiện những nghiên cứu kiểu này", Leung nhận định.
Cảnh sát mặc đồ bảo hộ phong tỏa một khu dân cư ở Hong Kong hồi cuối tháng một. Ảnh: AFP

Hong Kong, nơi có 36 trường hợp nhiễm nCoV, đang trong tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra để chiến đấu với dịch bệnh.
"Bạn cần thêm niềm tin, tinh thần đoàn kết, thiện chí, tất cả những thứ đó đã bị sử dụng hết. Mỗi giọt cuối cùng trong thùng nhiên liệu thiết yếu xã hội đó đã cạn kiệt sau 8 tháng bất ổn xã hội, thế nên dịch bệnh xảy đến vào thời điểm không thể tồi tệ hơn", Leung nói. "Mọi người phải có niềm tin vào chính phủ trong lúc những điều chưa rõ ràng về đợt bùng phát mới đã được cộng đồng khoa học giải quyết. Khi bạn có mạng xã hội, tin tức thật giả lẫn lộn dẫn tới mất niềm tin, làm sao bạn có thể chống lại dịch bệnh đây".
Leung hồi tháng một viết hai bài cho Lancet. Bài đầu tiên đánh giá thiệt hại do bất ổn xã hội đối với tinh thần của người dân Hong Kong và bài thứ hai về sự lây lan của virus corona. "Điều đầu tiên khiến điều thứ hai không thể đối phó. Ý tôi là làm thế nào bạn đoàn kết người dân của mình khi có hố ngăn lớn trong xã hội?", chuyên gia này cho hay.

Huyền Lê (Theo Guardian)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X