Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Tuesday, April 28, 2020 , 0 bình luận

Hòa hợp dân tộc để khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Kỷ niệm 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2020) cũng là lúc tròn 16 năm thực hiện Nghị quyết số 36–NQ/TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Nhân dịp này, Báo Quân đội nhân dân Điện tử trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài “45 năm non sông liền một dải và câu chuyện hòa hợp dân tộc”...



Từ đại nghĩa dân tộc đến tư tưởng Hồ Chí Minh
Không phải đến tận sau ngày 30-4-1975, vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc mới được đặt ra. Trong bài thơ Việt Nam – máu và hoa viết năm 1973, nhà thơ Tố Hữu viết có đoạn phần nào nói lên khát vọng hòa hợp dân tộc: “Ta lại về ta, những đứa con/Máu hòa trong máu, đỏ như son/Sài Gòn ơi, Huế ơi! Xin đợi/Tái hợp, huy hoàng, cả Nước non!”.
Trước đó, năm 1972, khi về thăm Vĩnh Linh – Quảng Trị, trong bữa cơm với đồng bào đồng chí, đồng chí Lê Duẩn đã đặt câu hỏi sau khi thống nhất đất nước, việc gì là lớn nhất? Mỗi người trong bữa cơm trả lời một ý nhưng đồng chí Lê Duẩn nói rằng: “Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm là hòa hợp dân tộc”. Như vậy, có thể thấy hòa hợp dân tộc đã được người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhận thức, trăn trở từ trước ngày toàn thắng.
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ trước khi sang Pháp đàm phán, năm 1946

Tư duy đó cũng phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng sau này. Trả lời phỏng vấn Báo Thanh niên năm 2015, nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ, thành viên đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại cuộc đàm phán Hiệp định Paris cho biết: Thời kỳ đầu, ta chưa có chủ trương hòa hợp dân tộc mà đấu tranh ở cả 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Năm 1972, tình hình nhiệm vụ đòi hỏi phải liên kết các lực lượng miền Nam thì vấn đề hòa hợp dân tộc được đặt ra, đưa vào dự thảo Hiệp định Paris sau đó thậm chí ta đã chấp nhận phương án "một chính quyền hòa hợp dân tộc" để khi Mỹ rút, sẽ thực hiện hòa hợp, hòa giải để tổ chức tổng tuyển cử. 
Giở lại văn bản Hiệp định Paris năm 1973, chúng ta có thể thấy ngay, bản Hiệp định gồm 23 điều thì có tới 3 điều (11,12,13) về hòa giải, hòa hợp dân tộc. Theo đó, ngay sau khi ngừng bắn hai bên miền Nam Việt Nam sẽ: Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia; hiệp thương trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau để thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc. Hội đồng sẽ đôn đốc hai bên miền Việt thi hành Hiệp định này, thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc và tổ chức tổng tuyển cử…
Tuy nhiên, “ta đã chân thành đấu tranh thi hành Hiệp định Paris 1973, thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc. Ta đã làm việc rất tích cực với các lực lượng thứ ba. Nhưng kết quả rất hạn chế. Ngay đêm Hiệp định có hiệu lực (27-1-1973), chính quyền Thiệu đã cho chiếm Cửa Việt, sau đó ta phản kích lấy lại. Có thể nói là không có lấy một ngày hòa bình. Đã không có hòa bình thì không có điều kiện cho hòa hợp” – ông Nguyễn Khắc Huỳnh kể.
Dẫu như vậy nhưng sau này, trong các chiến dịch giải phóng miền Nam, chúng ta đều thực hiện nghiêm túc chính sách nhân đạo đối với tù, hàng binh. Ngay sau ngày toàn thắng 30-4, tối 2-5-1975, ta đã trả tự do cho ông Dương Văn Minh và nội các chế độ Sài Gòn tại Dinh Độc Lập. Theo lời kể của ông Nguyễn Khắc Huỳnh, những nhân vật cao cấp thuộc chính quyền cũ đầu hàng ở dinh Độc Lập ta đều tôn trọng, không bắt bớ gì mà để họ được tự do.
Nhìn lại sự kiện này, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đánh giá: “Chúng ta giành thắng lợi hoàn toàn ngày 30-4 với kết quả một thành phố Sài Gòn nguyên vẹn và sau giải phóng Miền Nam, không hề có "tắm máu" chính là nhờ chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Hòa giải, hòa hợp dân tộc xuất phát từ truyền thống khoan dung, nghĩa tình của dân tộc ta từ xưa”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời nhiều vị trong chế độ cũ tham gia Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 1946. Ảnh tư liệu

Truyền thống khoan dung ấy, có một ví dụ tiêu biểu được Ðại Việt sử ký toàn thư ghi lại: "Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Ðến khi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc. Chỉ có kẻ nào đầu hàng trước đây, thì dẫu bản thân ở triều đình giặc, cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tính. Như Trần Kiện, con của Tĩnh Quốc, thì đổi làm họ Mai. Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy".
Cha ông ta có câu "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Đối với kẻ thù đã quy hàng: "Lấy khoan hồng để bụng hiếu sinh" là tư tưởng lớn được Nguyễn Trãi căn dặn đời sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này luôn đề cao tinh thần hòa hợp dân tộc song với Người, không phải hòa hợp theo kiểu cào bằng, dân túy. Trong bài báo Khoan hồng mà không nhu nhược, ký bút danh Chiến Thắng, Người viết: “Đối với quan lại cũ, trừ những bọn đại gian, đại ác, Chính phủ Cộng hòa ta cũng tỏ ra một lượng không để tâm moi ra những tội cũ đem làm án mới làm”. Năm 1946, khi thành lập Chính phủ lâm thời, Bác đã mời những quan chức trong chế độ cũ tham gia điều hành công việc quốc gia, trong đó có cả cựu hoàng Bảo Đại. Người đã chấp nhận 70 đại biểu của các tổ chức đối lập trong Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thông qua bầu cử. Ngày 31-5-1946, trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ trước khi lên đường sang thăm nước Pháp và dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, Người viết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.
Có thể nói, nội dung trên đã toát lên tư tưởng hòa hợp dân tộc rất nhân văn và cao cả của Hồ Chí Minh. Tinh thần ấy cũng thấm sâu vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta sau này khi giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc.


Nội dung Hiệp định Paris có đề cập hòa giải hòa hợp dân tộc, nhưng sau đó bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đơn phương phá bỏ

45 năm nối vòng tay hòa hợp dân tộc
Nhiều người thường lấy dẫn chứng về câu chuyện nước Mỹ xử lý vấn đề hòa hợp dân tộc sau nội chiến, người Đức hàn gắn vấn đề dân tộc sau khi xóa bỏ bức tường Béc-lin để rồi chê bai, phê phán đất nước mình. Sau 45 năm, phải khẳng định đó là hành trình không ngừng nghỉ của Đảng, Nhà nước ta nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, dựng xây đất nước, hết sức chăm lo giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc. Nhưng cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm với những đặc điểm riêng biệt không giống ở Mỹ, ở Đức, đã để lại nhiều hậu quả nặng nề mà để khắc phục nó, không thể một sớm một chiều. Nói như nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: Không thể có thứ thuốc nào bôi xong có thể xoa dịu ngay nỗi đau đớn, cay đắng mà chiến tranh để lại.
Biểu diễn văn nghệ tại một điểm "hòa hợp dân tộc" được phát thanh trực tiếp. Ảnh tư liệu

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử VietNamNet năm 2016 cũng nhận xét: “Hai mươi năm chiến tranh là một thời gian rất dài với biết bao đau thương, tang tóc do cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của Mỹ và đặc biệt do chính sách "Việt Nam hóa" chiến tranh thâm độc của chúng. Sự mất mát, đau khổ ở cả hai phía, trong nhiều gia đình Việt Nam. Có những vết thương lòng rất sâu nên sự hàn gắn không dễ dàng, đòi hỏi thời gian...”.
Do “lưỡi gươm cắt đất ngăn miền” để lại nhiều hậu quả nặng nề và có cả do hạn chế khách quan, chủ quan mang tính lịch sử, hòa hợp dân tộc có mặt còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn toàn cục, hòa hợp dân tộc vẫn là chủ trương lớn và nhất quán được Đảng, Nhà nước ta thực hiện tốt suốt 45 năm qua.
Một sự kiện quan trọng đánh dấu bước đổi mới về tư duy trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài là việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 29-11-1993 về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Lần đầu tiên, quan điểm “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” được khẳng định trong văn kiện của Đảng.
Đặc biệt, ngày 26-3-2004, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW. Lần đầu tiên, một nghị quyết về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài được phổ biến công khai đến người Việt Nam trên toàn cầu, tới toàn bộ hệ thống chính trị. Đây là nghị quyết có ý nghĩa chiến lược hết sức to lớn, tạo ra con đường rộng mở cho thực hiện tốt hơn chủ trương lớn hòa hợp dân tộc. Nghị quyết khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”.
Gần 100 nhà văn từ trong và ngoài nước đã tham dự hội nghị "Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc" tại Hà Nội năm 2017- một ví dụ về hòa hợp dân tộc

Ông Đặng Minh Khôi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đánh giá: “Nghị quyết là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử, có giá trị cơ bản, to lớn, toàn diện và lâu dài thể hiện sâu sắc tư duy đổi mới của Đảng ta, được phổ biến rộng rãi trong toàn quốc, với kiều bào và tới tất cả các quốc gia trên thế giới. Thực tiễn sinh động “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước” được phản ánh rõ nét trong Nghị quyết, trở thành nhận thức chung của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị và của toàn dân. Quan điểm chỉ đạo đó của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa thành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp năm 2013. Ngày 19-5-2015, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW, về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, kế thừa những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 36, đồng thời nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thời gian tới, đặc biệt tập trung tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang bước vào giai đoạn mới, được triển khai mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các mặt”.
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định: “Ðại đoàn kết toàn dân tộc lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”. Phát biểu tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc…”.
Đại hội lần thứ XII của Đảng một lần nữa khẳng định quan điểm về đoàn kết, hòa hợp dân tộc: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước”.
Đoàn đại biểu kiều bào chụp ảnh lưu niệm tại đảo Sơn Ca trong chuyến thăm Trường Sa năm 2014

Vẫn theo ông Đặng Minh Khôi, chủ trương của Đảng đã ngày càng được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách thiết thực như: Xuất nhập cảnh, cư trú, hồi hương, quốc tịch, hộ tịch, về đầu tư kinh doanh; về quyền được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài; Luật Quốc tịch sửa đổi, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở… Vừa qua đã có thêm nhiều chương trình, cách làm thiết thực giúp nối vòng tay lớn với kiều bào như: Xuân quê hương, người Việt ở nước ngoài với chủ quyền biển đảo; dân sự hóa nghĩa trang Biên Hòa, tổ chức đại lễ cầu siêu… Các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước làm ăn đã tạo ra những doanh nghiệp bản địa mạnh, hàng đầu của đất nước như Vingroup, Sun Group, Techcombank, VPbank, Eurowindow, Masan... Hằng năm, có khoảng 400-500 lượt chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học-công nghệ trong nước. Hiện có 4 trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong 15 thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Không để những định kiến, hận thù và bất đồng cản trở
45 năm đã trôi qua nhưng cứ đến dịp 30-4 hằng năm, một số ít người Việt Nam từng sống trong chế độ cũ nay ở nước ngoài vẫn giữ định kiến, nuôi giữ hận thù, kêu gọi kỷ niệm những cái gọi là “30-4: Ngày Quốc hận”, “Tháng tư Đen”. Năm nay, dù đại dịch Covid-19 đang lan tràn toàn cầu, đồng bào cả nước chung sức chung lòng cùng Đảng, Nhà nước đẩy lùi dịch bệnh thì ở hải ngoại, vẫn có những cá nhân, tổ chức kêu gọi tổ chức Ngày Quốc hận bằng cách tưởng niệm trên mạng xã hội, tán phát những ấn phẩm với nội dung kích động, nuôi dưỡng thù hằn.
Đối tượng âm mưu khủng bố của tổ chức Việt Tân bị cơ quan chức năng bắt giữ đầu năm 2019

Từ đầu năm 2020 đến nay, Đỗ Hoàng Điềm, đối tượng cầm đầu tổ chức khủng bố Việt Tân đã nhiều lần kêu gọi phản bác hòa hợp dân tộc, xuyên tạc, bôi nhọ ý nghĩa lịch sử của ngày toàn thắng 30-4. Từ tháng 8-2019, Bộ Công an đã công bố danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố. Trong đó, có Việt Tân. Việt Tân đã thể hiện rõ bộ mặt là kẻ thù của hòa hợp dân tộc khi nhiều năm nay nuôi dưỡng các hoạt động chống phá đất nước. Theo điều tra của Bộ Công an, tổ chức này đã cầm đầu nhiều cuộc đưa người mang tiền, vũ khí về Việt Nam tiến hành các hoạt động khủng bố. Năm 2019, chúng còn chủ trương tiến hành rải truyền đơn, đặt bom phá hoại ở một số thành phố lớn dịp lễ 30-4 nhưng đã bị cơ quan chức năng ngăn chặn. Việt Tân cũng từng soạn thảo và tán phát vào trong nước dịp 30-4 nhiều phim, tài liệu có nội xung xuyên tạc, phủ nhận vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tổ chức VOICE (ngoại vi của Việt Tân) cũng có rất nhiều hoạt động xuyên tạc, chia rẽ, lôi kéo giới trẻ nhìn nhận lệch lạc về cuộc kháng chiến chống Mỹ, khoét sâu những bất đồng, định kiến trong cộng đồng Việt.     
Vẫn còn những người hẹp hòi, định kiến, cho rằng để hòa hợp dân tộc thì phải thực hiện những đòi hỏi phi lý như: Phải hòa giải với người dân trong nước trước, đòi phải không kỷ niệm chiến thắng 30-4, không dùng các cụm từ “cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” hay “giải phóng miền Nam” mà phải gọi là “nội chiến Nam Bắc”, “chiến tranh ủy nhiệm”, không dùng những cụm từ “đế quốc Mỹ và tay sai”, “ngụy quân ngụy quyền”; thậm chí đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải “xin lỗi”… Họ cũng đưa ra quan điểm, còn chế độ một đảng thì không thể có hòa hợp dân tộc, phải đa nguyên đa đảng, phải lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam.
Rõ ràng, để thực hiện hòa hợp dân tộc, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm và không thể có hòa hợp dân tộc trọn vẹn nếu vẫn còn định kiến, thù hận!
Nhà nghiên cứu, doanh nhân, luật sư Nguyễn Trần Bạt: “Vấn đề hòa giải nên xem lại, bởi vì bài toán xung đột của chiến tranh đã được giải xong rồi, người thắng kẻ thua cũng rõ rồi. Hòa giải là phải có hai bên, vì thế tôi nghĩ bây giờ không có cơ sở nào để đặt ra vấn đề hòa giải. Hòa giải là kết quả của sự thương lượng chính trị của các phe chính thống giai đoạn trước 30-4-1975. Còn hòa hợp là công việc mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm từ năm 1946 đến giờ, là một trong những thành tựu chính trị quan trọng nhất của Đảng cộng sản Việt Nam”. 
Ngày 19-5-2015, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW nêu rõ: “Tiếp tục quan tâm, sớm có giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên tinh thần cởi mở, chân thành, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Kiên trì vận động, thuyết phục những người còn giữ định kiến, mặc cảm”.

>>Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Đòi hỏi hòa hợp như nước ngoài - cái nhìn thiếu biện chứng về lịch sử (Bài 2)
CÔNG MINH (QĐND)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X