Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, April 03, 2020 , 0 bình luận

Một người từ xa đến viếng đám tang tại Albany, bang Georgia, vô tình mang theo mầm bệnh. Sau một thời gian âm thầm lây lan, dịch bệnh bùng phát với tốc độ chóng mặt.

>>Những người Mỹ túng quẫn vì Covid-19

Tang lễ của Andrew Jerome Mitchell, người lao công về hưu ở Albany, Georgia, diễn ra đúng kiểu miền Nam cổ điển tại Mỹ. Thức ăn dọn đầy bàn. Những người từng quen biết ông cùng gặp gỡ, trò chuyện, trao nhau những cái ôm chia buồn, khóc, hát, cười và ngồi ôn lại kỷ niệm về người vừa khuất bóng.
Sự kiện có gần 200 người tham dự, ngồi kín chỗ, đến mức phải đứng cả ra khoảnh sân nhà nguyện. Dorothy Johnson, em gái Mitchell, đến giờ vẫn luôn tự hỏi ai trong số đó đã vô tình mang theo mầm bệnh để tai họa giáng xuống gia đình bà.
Đám tang của Andrew Jerome Mitchell vào ngày 29/2 được giới nghiên cứu dịch tễ học xếp vào loại "sự kiện siêu lây nhiễm", khi một nhóm nhỏ người mang mầm bệnh dẫn dến truyền nhiễm trên diện rộng. Thị trấn phía tây nam bang Georgia đã trở thành một trong những "ổ dịch" virus corona nghiêm trọng nhất tại Mỹ, theo New York Times.
Nhân viên y tế tại một điểm lấy mẫu xét nghiệm lưu động của bang Georgia. Ảnh: AP

10 ngày mới phát hiện ca nhiễm
Quận Dougherty, có dân số khoảng 90.000 người, tính đến cuối tháng 3 đã ghi nhận 24 ca tử vong. Giới chức y tế địa phương nghi ngờ còn 6 cái chết khác liên quan đến virus cororna chưa được xác nhận. Khoảng 90% ca tử vong là người Mỹ gốc Phi, theo nhân viên pháp y quận Michael Fowler.
Các bệnh viện vùng đang quá tải với số người nhiễm và ca bệnh nghiêm trọng. Khoảng 600 người dương tính với virus corona được ghi nhận trên toàn quận. Thống đốc Brian Kemp vào cuối tháng 3 phải điều động lực lượng Vệ binh Quốc gia đến điều phối giường bệnh và hỗ trợ y bác sĩ.
Virus từ người khách đã lây lan trong cộng đồng gần 10 ngày sau đám tang của Mitchell. Đến lúc những biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội được áp dụng vào ngày 22/3, bệnh dịch đã lây lan khắp nơi.
"Chúng tôi không đổ lỗi cho người khách đó, nhưng đôi khi chỉ cần một người là đủ để dịch bệnh bùng nổ như vậy", Scott Steiner, giám đốc điều hành Hệ thống Y tế Phoebe Putney, chia sẻ.
Đêm 29/2 sau đám tang của Andrew Jerrome Mitchell, một người đàn ông 67 tuổi, đến từ địa phương khác để tham dự buổi lễ, được cho nhập viện tại Phoebe Putney. Bệnh nhân có triệu chứng khó thở. Người này mắc bệnh phổi mạn tính, chưa từng đến nơi nào có rủi ro truyền nhiễm virus corona. Ông không được cách ly. Gần 50 nhân viên bệnh viện tiếp xúc với người này trong suốt một tuần sau.
Ngày 7/3, bệnh nhân được chuyển đến thành phố Atlanta và xét nghiệm dương tính với virus. Phải đến 3 ngày sau, bệnh viện ở Albany mới nhận được kết quả. Ông qua đời ngày 12/3, trở thành ca tử vong vì virus corona đầu tiên tại bang.
Đến thời điểm đó, virus đã lan khắp thị trấn. Dịch bắt đầu bùng phát. Hơn 20 người thân của Dorothy Johnson ngã bệnh, trong đó có 6 người là anh chị em của bà. Johnson và con gái cũng nhiễm virus.
Emell Murray, 75 tuổi, người chung sống với ông Mitchell khoảng 20 năm qua, bắt đầu sốt cao. Bà nhập viện với chẩn đoán viêm đường tiết niệu, nằm ở khu phòng thường. Cả 3 chị em của Murray sau thời gian đến thăm bà đều xét nghiệm dương tính với virus corona, trong đó một người đã tử vong.
Đường phố tại Albany trở nên vắng lặng sau khi các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội có hiệu lực. Ảnh: New York Times

Cơn sóng ập đến
Sau khi nhận tin có bệnh nhân dương tính với virus corona vào ngày 10/3, tình hình ở Albany vẫn yên ắng trong vài ngày sao đó, rồi dịch bệnh bùng phát "như bom nổ", theo lời kể của Fowler.
"Một số trường hợp có thể đã dự tang lễ. Một số có thể là thành viên gia đình những người đến viếng đám tang. Mỗi ngày sau đó, luôn có một ai đó qua đời", ông chia sẻ.
Chỉ trong vòng 7 ngày, lượng trang thiết bị bảo hộ được dự trữ cho 6 tháng tại Phoebe Putney được dùng sạch. Nhiều người trẻ tuổi, trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, đến khám vì sốt và ho. Trong những ngày sau, số người cần hỗ trợ thở oxy tăng đột biến. Các bệnh nhân rơi vào tình trạng suy hô hấp nặng, phổi xuất hiện dịch, theo lời kể của bác sĩ Enrique Lopez.
"Mọi đơn vị điều trị đều chật kín. Có những ngày chúng tôi phải đặt ống thở cho cùng lúc 5 bệnh nhân, nháo nhào từ phòng này sang phòng khác. Chỉ một vài lần trong nghề tôi cảm thấy thật sự quá tải như vậy", người bác sĩ phẫu thuật 41 tuổi, chuyên điều trị các ca bệnh nguy kịch, chia sẻ.
Ca bệnh mới liên tiếp xuất hiện như sóng tràn bờ. Chỉ trong 2 ngày của "đợt sóng" bệnh nhân Covid-19 đầu tiên, 14 giường hồi sức tích cực được lấp đầy. Thêm 12 giường huy động từ khoa tim mạch cũng kín người trong 2 ngày sau. Rồi 12 giường khác dành cho bệnh nhân phẫu thuật được tăng viện, nhưng cũng chỉ cầm cự thêm được 3 ngày. Steiner cho biết bệnh viện quá tải đến mức những nhân viên đã dương tính với virus corona nhưng chưa xuất hiện triệu chứng vẫn phải tiếp tục làm việc.
Bang Georgia vừa qua phải điều chỉnh quy định y tế, buộc nhân viên trong ngành nếu xét nghiệm dương tính với virus corona phải cách ly trong 1 tuần. Bác sĩ phẫu thuật Enrique Lopez nói ông đã tránh tiếp xúc với gia đình suốt 2 tuần qua.
"Tôi phải ngủ trong gara. Mỗi ngày, sau khi đậu xe, tôi thay đồ ngay trong gara rồi tắm rửa. Vợ tôi sẽ đặt sẵn một đĩa thức ăn. Tôi dùng bữa xong lại quay trở vào đó", ông kể.
Điều tra dịch tễ học cho thấy có 2 đám tang ở Albany được xem là nguồn lây nhiễm, gồm buổi lễ tiễn đưa Andrew Jerome Mitchell và một đám tang khác diễn ra tại cùng nhà nguyện trong một tuần sau. Với 23 bệnh nhân đầu tiên dương tính với virus corona nhập viện tại Phoebe Putney, tất cả đều tham dự ít nhất một trong hai sự kiện.
Theo Chủ tịch Hội đồng Ủy viên Quận Dougherty Chris Cohilas, ngay sau khi phát hiện nơi khởi phát dịch, giới chức y tế đã quyết liệt kêu gọi những người từng có mặt chủ động xét nghiệm. Tuy nhiên, mọi nỗ lực khi đó đã quá muộn. Một trường hợp nhiễm được mời dự bồi thẩm đoàn xét xử nghi phạm sát nhân vào ngày 12/3, châm ngòi chuỗi lây nhiễm mới tại tòa án và văn phòng cảnh sát trưởng địa phương.
Nhân viên tại một nhà thờ bang Georgia đo nhiệt độ cho người đến dự thánh lễ bất chấp bùng phát dịch virus corona. Ảnh: Brunswick News

Bi kịch nối tiếp
Bà Emell Murray, người bạn đời của Andrew Jerome Mitchell, nhập viện rồi được cho ra viện đã 2 lần, bất chấp những phản đối từ cô con gái Alice Bell.
"Tôi cầu xin họ đừng trả bà về", Bell nói mẹ mình thậm chí không đủ sức để xoay trở trên giường. "Tôi cầu xin họ giúp đỡ. Tôi còn hai đứa con và không biết liệu mình đã nhiễm bệnh hay chưa. Cứ như thể họ gửi mẹ tôi về nhà chờ chết".
Ông Steiner cho biết bệnh viện Phoebe Putney quá tải đến mức họ phải chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế khác trong Georgia với tỷ lệ cao chưa từng thấy. Trong vòng 72 tiếng, khoảng 40 ca bệnh được chuyển viện. Ông phủ nhận cáo buộc bệnh nhân nguy kịch bị trả về nhà có chủ đích.
Johnson, em gái của Mitchell, nhiễm virus gần như cùng lúc với cô con gái Tonya Thomas. Trong khi bà dần bình phục sau thời gian cách ly, cô con gái 51 tuổi rơi vào tình trạng nguy kịch vì viêm phổi đa thùy.
"Tôi đã cố khỏe lại thật nhanh để đến đây và chăm sóc đứa con của mình. Nếu như tôi không bị cách ly trong viện, có lẽ tôi đã giúp nó được quan tâm chăm sóc hơn", bà chia sẻ.
Bà chỉ kịp đến viện thăm Tonya vào chiều 28/3, ở cạnh bên con mình vào những phút cuối đời. Johnson nói cô con gái là "một linh hồn đẹp", là hạt nhân của gia đình và người bạn tốt nhất của bà. Johnson, từng là một y tá chuyên khoa ung thư, đã tự tay gỡ ống thở và ống truyền dịch cho Tonya.
"Tôi thấy đau lắm. Tôi không thể hiểu nổi. Chúng tôi chỉ tụ họp tại tang lễ của một người thân yêu, rồi tất cả đều nhiễm bệnh", Johnson nói đám tang của con gái bà sau đó sẽ được tổ chức ngay tại nghĩa trang, với số người tham dự không quá 10 người.
Thanh Danh (zingnews)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X