Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Tuesday, May 26, 2020 , 0 bình luận

Tất cả lợi ích của Đảng ta đều vì dân và mọi quyết sách của Đảng cũng xuất phát từ nhân dân! Với quan điểm đó, trước thềm Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta trân trọng xin ý kiến của nhân dân để nghiên cứu, xây dựng chủ trương, đường lối lãnh đạo cho sát đúng với sự phát triển của thực tiễn. Song, lợi dụng việc này các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, chống phá quyết liệt quan điểm nhân văn đó. Bởi vậy, cảnh giác và đấu tranh vạch trần các thủ đoạn đó là nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay.

Sự kiện một chiếc ô-tô gắn cờ đỏ sao vàng đỗ trước một số trung tâm thương mại của hai thành phố Westminster: 'Dòng máu Việt Nam luôn chảy trong trái tim tôi'!


Lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cấp trong Đảng và mọi tầng lớp nhân dân vào các văn kiện trước khi đại hội Đảng vừa là nguyên tắc, vừa là truyền thống phát huy dân chủ trong Đảng; đồng thời, thể hiện sự gắn bó hữu cơ “giữa Đảng với Nhân dân”, “giữa lý luận với thực tiễn phong phú, sinh động”. Tuy nhiên, một số thế lực thù địch lại lợi dụng chủ trương đó để chống phá. Trên mạng xã hội - một kênh thông tin và tương tác tiện dụng với nhiều người đã được họ lợi dụng tấn công một cách ác ý vào văn kiện của Đảng, hòng làm mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và giá trị các văn kiện đại hội ĐảngCó thể thấy điều đó, trên mấy khía cạnh sau:
1- Tập trung chống phá đường lối, quan điểm Đại hội XIII của Đảng. Họ cho rằng, văn kiện Đại hội lần này cũng chỉ là sự sao chép và biến tấu từ văn bản các đại hội trước; nội dung không có giá trị gì với sự phát triển đất nước, mà ngược lại là nhân tố kìm hãm sự tiến bộ của dân tộc ta. Bởi vậy, cũng như trước đây, văn kiện Đại hội XIII cũng chỉ là những vấn đề sáo rỗng, giáo điều, bảo thủ; khư khư ôm giữ chủ nghĩa Mác - Lênin để duy trì quyền lực của Đảng mà thôi! Dưới hình thức: “Thư ngỏ”, “Thư góp ý”, “Trao đổi về Đại hội 13, Đảng Cộng sản Việt Nam”,… họ kiến nghị lấy lại tên Đảng, tên Nước trước đây cho “hợp với lòng dân” và để “quy tụ được ý chí của toàn dân tộc”, khởi động tinh thần Việt Nam, kết thành sức mạnh to lớn vượt qua mọi thách thức, chớp lấy thời cơ, đưa đất nước tiến lên! Và trước việc Đảng, Nhà nước ta xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên sai phạm, thì họ xuyên tạc là “thanh trừng nội bộ”, “trả thù cá nhân”, v.v. Từ đó, họ kích động các đối tượng bất mãn viết bài tung lên mạng xã hội, tạo dư luận đòi: Việt Nam phải “thay đổi toàn bộ khung, sườn”, tức là xóa bỏ chế độ “độc tài toàn trị của Đảng Cộng sản”, thực thi “đa nguyên, đa đảng”, “xã hội dân chủ”, đừng trông chờ vào đường lối Đại hội XIII.
.


Thực tiễn minh chứng: kể từ ngày thành lập đến nay, cùng với Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng (03/02/1930), Đảng ta đã có 12 kỳ đại hội đại biểu toàn quốc. Mặc dù, mỗi đại hội diễn ra trong những bối cảnh lịch sử khác nhau, nhưng các văn kiện đại hội Đảng đều chứa đựng những giá trị nội dung và ý nghĩa to lớn về cách mạng dân tộc, dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa của đất nước, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân - ý Đảng, lòng dân là một, tạo sức mạnh vô song chiến thắng kẻ thù xâm lược và từng bước vững chắc trong tiến trình bảo vệ, xây dựng đất nước. Cương lĩnh năm 1930 đã đưa đến cao trào cách mạng những năm 30, 40 của thế kỷ XX và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945; đồng thời, tạo cơ sở để Đảng đề ra đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” chống thực dân Pháp. Tại Đại hội II (02/1951), Đảng xác định quyết tâm lãnh đạo nhân dân ta giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đại hội III (9/1960), Đảng chủ trương tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, thống nhất Tổ quốc. Sau khi đất nước thống nhất, từ Đại hội IV đến Đại hội XII, Đảng vạch ra và ngày càng bổ sung, hoàn thiện con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt, trước những yêu cầu mới của sự phát triển đất nước, để khắc phục những bất cập của cơ chế cũ dẫn tới sự khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm sau chiến tranh, Đảng đã tiến hành đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và từng bước hình thành Đường lối đổi mới đất nước. Đại hội VI (12/1986), đã phân tích sâu sắc tình hình đất nước, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng đề ra Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển của dân tộc. Sau Đại hội VI, tại các kỳ đại hội, nhất là Đại hội VII (6/1991) và Đại hội XI (01/2011) Đảng đã hoàn thiện và cụ thể hóa một bước đường lối đổi mới, mà nội dung cốt lõi được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011). Tại Đại hội XII (01/2016), Đảng đã đề ra chủ trương: tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, v.v.
Quán triệt quan điểm của các đại hội, phát huy kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế, Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày càng giành được nhiều thắng lợi. Nhờ đó, đất nước đã vượt qua thách thức từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu cũng như sự bao vây, cấm vận của kẻ thù, tiếp tục vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau hơn ba thập kỷ tiến hành đổi mới, từ một đất nước nghèo, trình độ thấp, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển, có văn hóa, xã hội phát triển, đời sống mọi mặt của nhân dân được cải thiện; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao, v.v. Đặc biệt, trước sự tàn phá của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, nhiều nước trên thế giới bị động, lúng túng trong đối phó dẫn đến tỉ lệ nhiễm bệnh và tử vong cao, đang đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế, thì Đảng và Nhà nước ta đã chủ động đề ra nhiều giải pháp phòng, chống quyết liệt ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 xuất hiện, bùng phát tại Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc). Đồng thời, động viên toàn dân đoàn kết, phát huy cao độ vai trò của các lực lượng: Y tế, Quân đội, Công an; thực hiện nhiệm vụ “kép” phát triển kinh tế và chống dịch rất hiệu quả, v.v. Nhờ vậy, Việt Nam được thế giới đánh giá là nước khống chế dịch tốt nhất, có nền kinh tế tăng trưởng cao nhất ở châu Á hiện nay.
2- Lợi dụng việc chống tham nhũng để chống phá văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Tham nhũng vốn là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự hình thành giai cấp, đồng hành và tồn tại ở mọi nhà nước. Ở Việt Nam, những năm qua, vấn đề này cũng diễn ra hết sức nhức nhối; Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt phòng, chống rất hiệu quả tệ nạn đó. Cần khẳng định rằng, không phải đến bây giờ Đảng ta mới đề cập tới đấu tranh chống tham nhũng, mà vấn đề này Đảng đã nhận thức và cảnh báo từ rất sớm. Nhìn lại các kỳ đại hội Đảng từ sau đổi mới, các văn kiện Ðảng thường xuyên đề cập và nêu quyết tâm cao về phòng, chống nguy cơ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực. Ngay từ giữa nhiệm kỳ của Ðại hội VII, Ðảng ta đã xác định: tham nhũng và các tệ nạn xã hội, cùng với sự tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, là bốn nguy cơ của đất nước và chế độ. Tại Đại hội VIII, nhiệm vụ chống tham nhũng được đặt ra mạnh mẽ hơn (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) là minh chứng cụ thể). Các Ðại hội IX, X và nhất là nhiệm kỳ Đại hội XI, với Nghị quyết Trung ương 4, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng được đặt ra với quyết tâm chính trị rất cao. Đặc biệt, tại Đại hội XII, nhiệm vụ này được đặt ra rất quyết liệt, với: “cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng”1 và “cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng”2. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư, công tác này được tiến hành quyết liệt, bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời, hiệu quả. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 08 tổ chức đảng, 45 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên; trong đó, 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, gồm: 02 Ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương, 38 sĩ quan trong lực lượng Công an và Quân đội3, v.v. Nhờ đó, đã góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; đồng thời, bác bỏ luận điệu cho rằng: “Độc đảng lãnh đạo không thể chống được tham nhũng”!
3- Công kích, xuyên tạc về công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Để chuẩn bị cho Đại hội, công tác quy hoạch nguồn cán bộ được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chuẩn bị chặt chẽ, thống nhất. Căn cứ kế hoạch tổng thể, cán bộ trong diện quy hoạch được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển công tác để rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, với nhiều cương vị công tác từ thấp đến cao. Quá trình này được các cấp tiến hành chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; kiên quyết không để những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng,… vào cấp ủy khóa mới. Rõ ràng, đây là bước chuẩn bị nhân sự chủ động từ sớm, từ xa, khoa học và công khai của các cấp cho Đại hội XIII. Sự thực đó bác bỏ mọi xuyên tạc cho rằng: quy hoạch nguồn cán bộ của Đại hội là “thiếu minh bạch”, vì “lợi ích nhóm”; là “xóa bỏ quyền của các đại biểu dự đại hội”; là “tước đi quyền tự do, dân chủ trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử của các đại biểu dự Đại hội”!, v.v.
Đến nay, các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, được các tiểu Ban văn kiện chuẩn bị công phu, qua nhiều lần lấy ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, các bộ, ngành,… và đang tiến hành lấy ý kiến tham gia của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng các cấp và toàn dân. Quá trình đó, Trung ương sẽ “bình tĩnh lắng nghe, trân trọng, cân nhắc thật kỹ, tiếp thu tối đa mọi ý kiến”4 để hoàn thiện và trình Đại hội XIII xem xét quyết định. Chắc chắn văn kiện Đại hội XIII sẽ vạch ra được đường hướng đúng đắn để dân tộc ta vững bước trên con đường đi tới văn minh, hiện đại và giá trị các văn kiện sẽ là bằng chứng hùng hồn bác bỏ mọi sự xuyên tạc.
TS. NGUYỄN VIẾT HIỂN - TS. BÙI THỊ HOÀN (TCQPTD)
_______________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 213.
2 - Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, ngày 25/6/2018.
3 - Phát biểu của đồng chí Trần Quốc Vượng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, ngày 11/01/2020.
4 - Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện các Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, ngày 14/02/2020.

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X