Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Monday, May 11, 2020 , 0 bình luận

Trường Sa là đất thiêng nước Việt trên Biển Đông. Canh giữ miền đất thiêng ấy luôn có những người lính Phòng không - Không quân.


Khi tôi cùng trung tá Bùi Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn ra đa 292, chạy từ TP.Cam Ranh vào gặp, đại tá Vũ Quang Đồng, nguyên Chính ủy Sư đoàn Phòng không 377, hiện đang nghỉ hưu tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), cứ nghẹn lại: “32 năm rồi đấy. Hồi chúng tớ hành quân ra đảo, đơn vị phải giữ bí mật tuyệt đối”.
Bộ đội Trạm ra đa 11 và lực lượng hải quân trên đảo Trường Sa dùng ghi lỗ làm cầu bắc trên vai để đưa khí tài ra đa từ tàu 503 lên đảo, ngày 24.6.1988 (ẢNH: TƯ LIỆU)

Hành quân bằng… võng

Ngày 14.3.1988, phía Trung Quốc dùng vũ lực bắn chìm 3 tàu vận tải quân sự của Lữ đoàn 125 Hải quân tại vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma, làm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh, bắt đi 9 người và chiếm đóng trái phép bãi đá Gạc Ma (Trường Sa, Khánh Hòa). Thời điểm này, đại úy Vũ Quang Đồng đang công tác tại Trạm ra đa 20 (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Đầu tháng 5.1988, khi vừa gửi đơn xin đưa vợ con từ Bắc vào Nam thì đại úy Đồng nhận lệnh bàn giao công việc về Tiểu đoàn ra đa 297 thuộc Lữ đoàn Phòng không 378, Quân chủng Phòng không - Không quân (năm 1993, nâng cấp thành Sư đoàn 378 và 1997 được đổi phiên hiệu thành Sư đoàn Phòng không 377 cho đến nay; đang đóng quân ở Cam Ranh, Khánh Hòa).

Mới đặt chân đến doanh trại, đại úy Đồng được gọi lên ngay phòng làm việc của trung tá Đinh Văn Truy, Phó lữ đoàn trưởng Chính trị (nay là Chính ủy) nhận quyết định Trạm trưởng Trạm ra đa 11 đi làm nhiệm vụ ngoài đảo Trường Sa. Cán bộ của trạm, ngoài đại úy Đồng, còn có thượng úy Lê Ngọc Phú, Trạm phó Chính trị (nay là Chính trị viên); thượng úy Trịnh Năng Vinh, Trạm phó Quân sự; trung úy Trần Đình Đàn, Đài trưởng ra đa; trung úy Phan Đình Thuần, Trung đội trưởng Thông tin, và chuẩn úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Bảy làm y sĩ. Chiến sĩ của trạm là 21 người, chủ yếu quê Nghệ An, Hà Tĩnh.
Trong thời gian làm công tác chuẩn bị, ổn định biên chế tổ chức và động viên tư tưởng bộ đội, trạm liên tục được cơ quan cấp trên, các đơn vị bạn và chính quyền địa phương đến thăm hỏi, tặng quà. “Mới sau sự kiện 14.3.1988, ta và Trung Quốc còn đang đối đầu nhau ngoài Trường Sa nên căn cứ Cam Ranh chật ních bộ đội, tăng pháo, súng đạn chuẩn bị ra tăng cường cho các đảo. Lúc ấy ai cũng mang tâm thế: ra Trường Sa sẽ tiếp tục đụng độ với Trung Quốc”, ông Đồng nhớ lại.
Trước khi làm lễ ra mắt Trạm ra đa 11, đại úy Đồng bị kiết lỵ rất nặng nhưng vẫn cương quyết ra đảo. Chỉ huy Lữ đoàn Phòng không 378 khi đó phải cử bác sĩ xuống trực tiếp điều trị; và khi xuống tàu ra đảo, anh em phải dùng võng khiêng đại úy Đồng vào Vùng 4 Hải quân và bế xuống tàu, chăm sóc đặc biệt.
Chỉ huy Lữ đoàn Phòng không 378 ra Trường Sa kiểm tra công tác, thăm động viên bộ đội và chụp hình lưu niệm với chỉ huy Trạm ra đa 11, tháng 5.1991 (ẢNH: TƯ LIỆU)

Lên đảo bằng… vai
Ngày 15.6.1988, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức lễ tái thành lập Trạm ra đa 11 (sau 1975, Trạm ra đa 11 đóng quân tại sân bay Tuy Hòa, Phú Yên và giải thể năm 1980) và được trung tá Lữ đoàn trưởng 378 Nguyễn Văn Thân (sau lên trung tướng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân), trung tá Lữ đoàn phó Chính trị Đinh Văn Truy (sau là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân) trực tiếp giao nhiệm vụ. Ngày 16.6.1988, bộ đội Trạm ra đa 11 và lực lượng của Tiểu đoàn 297 tập kết khí tài (4 xe chuyên dụng), các trang bị, vật liệu làm nhà xuống bến Nghiêng trong Vùng 4 Hải quân để đưa lên tàu vận tải đổ bộ 503 của Lữ đoàn 125 Hải quân.
Khí tài ra đa P.12 đổ bộ lên đảo Trường Sa, ngày 24.6.1988 (ẢNH: TƯ LIỆU)

17 giờ ngày 16.6.1988, toàn bộ quân số Trạm ra đa 11 hành quân xuống tàu 503 (cùng đi có Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân và chủ nhiệm thông tin, hậu cần). Đúng 3 giờ ngày 20.6, tàu nhổ neo rời cảng Cam Ranh. Sau 3 ngày đêm hành quân trên biển, trưa 23.6.1988, tàu 503 đến đảo Trường Sa.
“Sóng to gió lớn nên tàu không ủi bãi lên được, trong khi nhiệm vụ nối thông tin liên lạc với sở chỉ huy trong bờ rất cấp thiết. Là trạm trưởng, tôi phải bơi vào đảo dưới sự hỗ trợ của 4 anh em. Chiều hôm ấy, chúng tôi lên được đảo và liên lạc thành công”, ông Đồng kể lại và trầm ngâm: Ngày 24.6, sóng gió lặng hơn nên tàu 503 quyết định ủi bãi. Tuy nhiên, do luồng vào bị cát vùi lấp nên tàu bị mắc cạn cách bờ khoảng 15 m. Khoảng cách này với người và trang bị cá nhân là bình thường, nhưng với bộ đội ra đa thì quá bất thường bởi 2 xe ra đa P.12, P.18 và 2 xe chuyên dụng đi kèm, không thể lội nước rẽ cát lên bờ. Bàn bạc với chỉ huy đảo, Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân quyết định phương án “bắc cầu” và mượn thêm 30 bộ đội đảo, cùng với lực lượng ra đa vừa khênh ghi sắt trên vai, vừa làm cọc tiêu cho từng chiếc xe cẩn thận bò lên. “Chiều tối, chiếc xe cuối cùng vọt lên đảo Trường Sa. Lúc ấy mới thấy vai anh em rớm máu và ai nấy đều nằm soài ra bãi cát, thở”, ông Đồng nhớ lại.
Đại tá Vũ Quang Đồng (ẢNH: M.T.H)

Sau 2 ngày triển khai khí tài vào sở chỉ huy, chiều 26.6.1988, các đài ra đa P.12 và P.18 sẵn sàng chiến đấu. Đúng 8 giờ ngày 27.6.1988, Trạm ra đa 11 mở phiên trực ban đầu tiên và cánh sóng ra đa lần đầu tiên được phát lên không trung vùng trời quần đảo Trường Sa. 8 giờ 30, Đài ra đa P.18 đã phát hiện và quản lý 2 tốp máy bay Su-22 của Không quân nhân dân Việt Nam bay tuần tiễu ở Trường Sa, cùng canh giữ biển trời của Tổ quốc Việt Nam.
Sự kiện ngày 27.6.1988 khẳng định sự có mặt của bộ đội ra đa ở Trường Sa và từ đó đến nay, cùng với Trạm ra đa 55 ở đảo Phú Quý (triển khai năm 1995) và các trạm ra đa trong cả nước, Trạm ra đa 11 liên tục phát sóng khép kín trường ra đa giữa Trường Sa với đất liền, bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. 
Mai Thanh Hải (Thanh niên)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X