Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Monday, June 08, 2020 , 0 bình luận

Cảnh sát đã từng sử dụng vũ lực quá mức đều có khuynh hướng hành động như vậy trong tương lai. Tiến sĩ Jill McCorkel ghi nhận như trên trong bài phân tích đăng trên trang web The Conversation.



Tiến sĩ Jill McCorkel - giáo sư Đại học Villanova (Mỹ), ghi nhận các nghiên cứu về các vụ xả súng và bạo lực cảnh sát đã chứng minh cảnh sát nào trước đây từng nổ súng bắn dân thường sẽ có khả năng làm điều đó trong tương lai nhiều hơn so với các đồng nghiệp.
Vấn đề tố cáo hành vi sai trái của cảnh sát cũng vậy. Cảnh sát nào trước đây từng bị dân tố cáo sử dụng vũ lực quá mức hay khám xét bất hợp pháp sẽ có nguy cơ thực hiện hành vi sai trái nghiêm trọng nhiều hơn trong tương lai.
Bị tố cáo làm sai mà không bị kỷ luật
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí American Economic Journal (Mỹ) năm 2019, hai giáo sư Kyle Rozema và Max Schanzenbach ở Trường Luật Đại học Chicago đã khảo sát 50.000 cáo buộc về hành vi sai trái của cảnh sát Chicago.
Họ nhận thấy cảnh sát nào từng bị dân tố cáo nhiều sẽ có khả năng xâm phạm quyền công dân nhiều hơn.
Trong khi đó, không phải cơ quan cảnh sát nào cũng điều tra cảnh sát sai trái và hiếm khi trả lời tố cáo của dân. Các vụ kỷ luật chỉ được thực hiện đối với trường hợp quá nghiêm trọng.
Liên quan đến cái chết của George Floyd hôm 25-5 ở Minneapolis, cảnh sát Derek Chauvin từng dính líu đến nhiều vụ sử dụng vũ lực.
Cảnh sát Tou Thao từng bị tố cáo trong vụ vô cớ bắt giữ và đánh đập Lamar Ferguson năm 2017 - Ảnh: NYP

Năm 2006, Chauvin là một trong sáu cảnh sát đã bắn 43 phát đạn trong bốn giây vào xe tải do Wayne Reyes cầm lái trong lúc người này đang bị truy nã vì tấn công bằng dao. Wayne Reyes chết tại chỗ.
Cơ quan cảnh sát không xác định cảnh sát nào nổ súng. Bồi thẩm đoàn do cơ quan công tố triệu tập không đưa ra lời buộc tội nào.
Chauvin còn là đối tượng của 18 vụ tố cáo về hành vi sai trái gồm hai vụ nổ súng. 16 vụ bị bác, Chauvin chỉ bị khiển trách hai vụ.
Tou Thao - một trong ba cảnh sát có mặt tại hiện trường trong cái chết của George Floyd từng bị tố cáo vì xâm phạm quyền công dân năm 2017.
Người tố cáo Lamar Ferguson cho biết anh đang đi bộ về nhà cùng bạn gái đang mang thai, Tou Thao và một cảnh sát khác bắt giữ anh vô cớ rồi còng tay, đấm đá và dùng đầu gối đè đến mức anh bị gãy răng.
Vụ này được giải quyết với mức bồi thường 25.000 USD nhưng thành phố và các cảnh sát không thừa nhận trách nhiệm.
Biểu tình vào tháng 11-2014 sau khi bồi thẩm đoàn không buộc tội cảnh sát Timothy Loehmann - Ảnh: AFP

Cảnh sát bị sa thải vẫn có chỗ dung thân
Trong quá trình nghiên cứu các vụ án  ở Philadelphia, Tiến sĩ Jill McCorkel phát hiện nhiều vụ sai trái của cảnh sát, đặc biệt là hăm dọa nhân chứng, giả mạo chứng cứ và cưỡng chế. Các hành vi sai trái và sử dụng bạo lực được thực hiện giống nhau trong nhiều vụ.
Văn phòng Thống kê tư pháp (Bộ Tư pháp Mỹ) ghi nhận tỉ lệ chưa tới một vụ trong 12 vụ khiếu nại về hành vi sai trái của cảnh sát dẫn đến hình thức xử lý kỷ luật.
Ngoài ra còn có vấn đề "cảnh sát du mục", từ ngữ được ngành cảnh sát sử dụng để chỉ cảnh sát bị sa thải khỏi cơ quan này lại được cơ quan cảnh sát khác tuyển dụng.
Tiêu biểu như cảnh sát Timothy Loehmann ở Cleveland, người đã bắn chết em Tamir Rice 12 tuổi và đã từ chức trước khi bị sa thải.
Bồi thẩm đoàn không buộc tội Loehmann còn Sở Cảnh sát Cleveland sa thải anh ta vì nói dối về động cơ gia nhập cảnh sát chứ không phải vụ bắn chết người.
Theo công trình nghiên cứu quy mô nhất về tuyển dụng cảnh sát do hai giáo sư phụ tá người Mỹ (Ben Grunwald ở Trường Luật Đại học Duke và John Rappaport ở Trường Luật Đại học Chicago) công bố vào tháng 4-2020, các cảnh sát được tuyển dụng lại chiếm 3% lực lượng là mối đe dọa nghiêm trọng vì khuynh hướng tái phạm hành vi sai trái trước đó.
Các tác giả nghiên cứu khẳng định trong công việc mới, các cảnh sát này có nhiều khả năng tiếp tục bị sa thải hoặc bị tố cáo.
Một cuộc họp của Ban xem xét quyền công dân ở Baltimore - Ảnh: WBAL-TV 11
Mô hình Ban xem xét quyền công dân
Nhóm nghiên cứu về cảnh sát thế kỷ 21 ra đời dưới thời Tổng thống Obama đã đề nghị thành lập cơ sở dữ liệu quốc gia để khoanh vùng các cảnh sát làm sai bị thu hồi giấy phép. .
Cơ sở dữ liệu này có tên Dữ liệu Thu hồi giấy phép quốc gia (NDI) hoạt động rất hạn chế do có khác biệt giữa các bang trong yêu cầu báo cáo và quy trình thu hồi.
Các nhà phân tích đánh giá đây là giải pháp hữu ích nhưng không đánh thẳng vào nguồn gốc về tổ chức và cơ chế của bạo lực, thái độ phân biệt đối xử và hành vi sai trái.
Sau vụ nạn nhân Michael Brown bị cảnh sát bắn chết ở Ferguson (bang Missouri) năm 2014, Bộ Tư pháp Mỹ phát hiện cơ quan cảnh sát liên quan đã nhiều lần sử dụng vũ lực quá mức, bắt giữ và khám xét trái pháp luật, có định kiến ​​và phân biệt chủng tộc.
Bộ ghi nhận các vụ sử dụng vũ lực thường mang tính trừng phạt và trấn áp và gần 90% số vụ được áp dụng đối với người Mỹ gốc Phi.
Theo Tiến sĩ Jill McCorkel, một giải pháp hứa hẹn là thành lập Ban xem xét quyền công dân hoạt động độc lập được quyền điều tra riêng và đề nghị hình thức kỷ luật.
Tại Newark (bang New Jersey), ban này có thể đưa trát hầu tòa, tổ chức điều trần và điều tra hành vi sai trái.
Dù vậy, cảnh sát không ưa gì Ban xem xét quyền công dân với lý do biện pháp kỷ luật nội bộ đã bị xem nhẹ. Ở nhiều nơi ban này còn bị các tổ chức nghiệp đoàn cảnh sát kiện ra tòa về tội quấy rối.
Tiến sĩ Jill McCorkel là giáo sư xã hội học và tội phạm học tại Đại học Villanova ở Radnor Township (bang Pennsylvania) và là giám đốc sáng lập Dự án Công lý cho phụ nữ và trẻ em gái Philadelphia.
Hoàng Duy Long (Báo Tuổi trẻ)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X