Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Saturday, June 06, 2020 , 0 bình luận

Vòng an ninh xung quanh Nhà Trắng ngày càng mở rộng, với hàng rào cao dựng lên mỗi giờ. Lính bắn tỉa, và an ninh có vũ trang hiện diện khắp nơi. Nhà Trắng không còn "mở" như trước.


Sau các vụ đụng độ ngày 1/6 ở Quảng trường Lafayette gần Nhà Trắng, tòa bạch ốc đã biến thành một thành trì - hiện thân của “luật lệ và trật tự” mà Tổng thống Trump đã tuyên bố, cũng như sự “áp đảo” đối với hàng triệu người Mỹ đã xuống đường phản đối sự bất công chủng tộc.
Nhà Trắng được coi là nơi “công cộng nhất trong các tòa nhà riêng tư” (là nơi ở của tổng thống Mỹ nhưng cũng có người ra vào làm việc, tham quan liên tục), đồng thời cũng là nơi “riêng tư nhất trong các tòa nhà công cộng” (Nhà Trắng là tòa nhà công, nhưng được canh phòng cẩn mật nhất để bảo vệ tổng thống).
Nhưng giờ đây, Nhà Trắng được thắt chặt an ninh, gần giống một cung điện hay dinh thự ở các vùng đất xa xôi, chứ không phải nước Mỹ - khác hẳn so với vai trò lịch sử của Nhà Trắng. Tòa nhà 1600 Đại lộ Pennsylvania NW từ khi xây dựng đã luôn được thiết kế để “thuộc về người dân Mỹ” và là biểu tượng của nền dân chủ Mỹ, theo Washington Post.
Người biểu tình nhìn về Nhà Trắng qua hàng rào. Ảnh: Washington Post

Gia cố an ninh
Việc thắt chặt an ninh quanh Nhà Trắng không chỉ diễn ra ở thời Tổng thống Trump, nhưng trong bối cảnh này, điều này lại mang ý nghĩa biểu tượng và gây tranh cãi. Người ủng hộ ông Trump coi điều này thể hiện quyền lực tuyệt đối, kiểm soát đường phố để bảo vệ người dân. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng động thái này là một sự né tránh người dân.
Bản thân ông Trump tin rằng hình ảnh cảnh sát và quân lính thiết lập trật tự là biểu trưng cho sự cứng rắn, mạnh mẽ - hình ảnh mà ông vẫn luôn yêu thích. Ông cũng thường ngợi ca các lãnh đạo cứng rắn trên thế giới, và muốn gắn mình với hình ảnh quân đội, thích tổ chức duyệt binh.
Deborah Berke, lãnh đạo Trường Kiến trúc Yale, nói Nhà Trắng lập nhiều lớp hàng rào đen gửi đi thông điệp khác.
“Tôi nghĩ việc phải gia cố ngôi nhà của mình cho thấy sự yếu thế - mà cũng không phải nhà của ông ấy, là nhà của chúng ta”, bà nói. “Tổng thống Mỹ không nên cảm thấy bị đe dọa bởi chính người dân của mình”.
“Bắn hơi cay và đạn cao su vào người biểu tình ôn hòa bên ngoài ngôi nhà của người dân không làm ông Donald Trump mạnh mẽ hơn, và chắc chắn không giải quyết được sự phân biệt mang tính hệ thống và sự bất công đã gây hại cho đất nước chúng ta nhiều thế hệ nay”, người phát ngôn của ứng viên tranh cử tổng thống 2020 Joe Biden viết trong một email.
An ninh quanh Nhà Trắng đã được thắt chặt dần trong nhiều năm qua, sau các vụ đánh bom Oklahoma City năm 1995, và các vụ đột nhập thời Obama.
Tuy nhiên, tuần này, vòng an ninh lại được nới rộng. Hai lối vào phía bắc dọc Đại lộ Pennsylvania NW bị đóng, và nhân viên ra vào phải đi cổng tây nam ở Phố 17 NW. Ngày 3/6, mật vụ đứng canh cổng đó, kiểm tra danh tính và thân nhiệt.
An ninh đứng gác ở Quảng trường Lafayette, cách Nhà Trắng một khoảng xa. Ảnh: Washington Post

Hàng rào an ninh tạm thời hay vĩnh viễn?
Thị trưởng của thủ đô Washington, D.C. Muriel Bowser (đảng Dân chủ) nói với các phóng viên rằng bà “lo ngại các biện pháp thắt chặt an ninh sẽ không chỉ là tạm thời”.
“Việc phải dựng tường bao quanh tòa nhà và những người bên trong là đáng buồn”, bà nói với Washington Post. “Chúng ta muốn Nhà Trắng mở đối với mọi người, để họ có thể đi đến Nhà Trắng từ mọi phía”.
Alyssa Mastromonaco, một cố vấn cao cấp của Nhà Trắng dưới thời Obama, phụ trách hoạt động, gọi tuần vừa qua là “một sự chuyển biến rất buồn” đối với Nhà Trắng.
“(Cựu đệ nhất phu nhân) Laura Bush tin rằng Nhà Trắng nên được mở cho công chúng”, bà Mastromonaco nói với Washington Post. “Bà Michelle Obama cũng có chung quan điểm đó và biến Nhà Trắng thành ngôi nhà của người dân - không phải thuộc về (gia đình Obama) mà thuộc về người Mỹ”.
Các quan chức của ông Trump đều nói muốn sớm gỡ bỏ các rào chắn và thu hẹp vòng an ninh. Mục đích hiện tại của họ là khiến người biểu tình tản bớt ra và không tập trung quá đông một chỗ. Họ cho biết vòng an ninh phía bắc đã được thu hẹp.
Nhưng các hàng rào an ninh phía đông và tây vẫn được Cơ quan Mật vụ Mỹ dựng lên, chuẩn bị cho khả năng hàng chục nghìn người biểu tình cuối tuần này.
Mục đích hiện tại của chính quyền là khiến người biểu tình tản bớt ra và không tập trung quá đông một chỗ. Ảnh: Washington Pos

Trong thông cáo, Cơ quan Mật vụ Mỹ cho biết các chốt chặn sẽ duy trì đến ngày 10/6 “trong nỗ lực duy trì các biện pháp an ninh cần thiết quanh khu Nhà Trắng, đồng thời cho phép biểu tình ôn hòa”.
Theo một cố vấn, Tổng thống Trump cũng nhận được cập nhật thường xuyên về các vòng an ninh.
Tổng thống Trump khá nhạy cảm đối với các chỉ trích nói ông đang ẩn náu trong hầm. Theo các cố vấn, ông Trump đã nổi giận khi truyền thông Mỹ phát hiện ông được đưa xuống hầm an ninh ngày 29/5. Sau đó, ông giải thích là mình vào hầm để “kiểm tra”.
Nhà Trắng không còn gần gũi như dụng ý ban đầu
Các cố vấn của ông Trump có quan điểm trái chiều về ảnh hưởng chính trị của các sự kiện gần đây.
Kevin Madden, cố vấn cao cấp của chiến dịch tranh cử Mitt Romney 2012 cảnh báo rằng những hình ảnh gần đây có thể ảnh hưởng đến điều mà ông Trump luôn khẳng định: là ông vẫn luôn kiểm soát được tình hình.
“Ông Trump là lãnh đạo đã tuyên bố ‘luật lệ và trật tự’, nhưng bên ngoài các hình ảnh lại cho thấy bất ổn, rồi lại có các hình ảnh hàng rào an ninh dựng lên xung quanh các tòa nhà mà người Mỹ vốn có thể tự do tiếp cận”, ông Madden nói với Washington Post.
Vệ binh Quốc gia đứng gác bên ngoài Nhà Trắng. Ảnh: Washington Post

Nhưng các cố vấn khác cho rằng tổng thống sẽ được lợi, khi chứng tỏ được mình là tổng thống “luật lệ và trật tự”, đã bảo vệ được an ninh và an toàn của công chúng.
Các tổng thống trước đã từ chối các đề nghị thắt chặt an ninh quanh Nhà Trắng, để xua tan đi hình ảnh Nhà Trắng bị đe dọa.
Thậm chí sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng năm 1941, Tổng thống Franklin D. Roosevelt còn từ chối các ý tưởng gia cố Nhà Trắng, như ngụy trang, sơn cửa sổ đen, xây hầm trú bom hay lập chốt đặt súng máy. Cuối cùng ông chỉ cho xây một nơi trú ẩn ở khu Bộ Tài chính.
Bà Berke của Trường Kiến trúc Yale nói Nhà Trắng luôn biểu trưng cho việc chính phủ tồn tại giữa đô thị, tức là giữa đời sống dân sự, gần với người dân. Nhưng giờ đây Nhà Trắng trông như một pháo đài.
“Chúng ta đều muốn tin vào hình tượng Nhà Trắng thường hiện lên trong bưu thiếp, là bạn có thể đến gần và nhìn thấy Nhà Trắng, là bãi cỏ xanh, sự rộng rãi, nét tinh tế của Nhà Trắng là rất gần gũi với mọi công dân như bạn, và dù tổng thống Mỹ ở đó nhưng ông cũng là công dân như tất cả chúng ta”, bà nói.
“Nhưng tất cả đang bị phủ nhận bởi các tường rào bao quanh”.
Video cụ ông 75 tuổi bị cảnh sát Mỹ đập đầu xuống đất (Nguồn facebook) 
Trọng Thuấn (Zingnews)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X