Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Tuesday, August 18, 2020 , 1 comment

(Tindautruongdanchu)-Bảy mươi lăm năm đã qua - Một trong mốc son chói lọi nhất của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là thắng lợi của Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là kết quả của “Ý Đảng lòng dân” sau 15 đấu tranh gian khổ, hy sinh, đưa dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, chủ vận mệnh dân tộc, tìm lại hình ảnh Việt Nam trên bản đồ thế giới. 

Cách mạng Tháng Tám qua cảm nhận của một người Mỹ gốc Việt


Video bài viết:




Mốc son ấy đến nay vẫn song hành cùng sự phát triển của dân tộc, là bệ phóng vững chắc để Đảng và nhân dân ta tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vậy mà, mỗi năm, cứ đến ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc kháng 2 - 9, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách “bóp méo” sự thật về tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, cho rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam nổ ra và thành công là “một sự ăn may”, hoặc cho rằng đây chỉ là kết quả của cuộc “chuyển giao quyền lực”, hay “khoảng trống quyền lực”… nhằm phủ nhận “trắng trợn” những thành quả, ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại, sức sống mãnh liệt của cuộc cách mạng và vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc...



Lật tẩy âm mưu, làm rõ bản chất của luận điệu ấy là việc làm quan trọng, cấp thiết để chúng ta đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch, đồng thời, tiếp tục khẳng định tinh thần bất diệt, sự trường tồn của Cách mạng Tháng Tám trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Điều đó chỉ được khẳng định, chứng minh bằng quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tập hợp quần chúng nhân dân dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng.

Trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân nô lệ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc lên tầm cao mới, nhận trách nhiệm lịch sử, quyết tâm ra đi tìm kiếm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã đén với chủ nghĩa Mác-Lênin, chiếc cẩm nang thần kỳ cứu nước, cứu dân mà bấy lâu Người đang tìm kiếm. Chủ nghĩa Mác – Lênin đã theo Người về đất Việt, chuẩn bị mọi tiền đề cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam – Nơi quy tụ sức mạnh toàn dân bằng quan điểm, đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng suốt trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng tiến tới xã hội cộng sản”. Với đường lối cách mạng đúng đắn ngay từ đầu và những khẩu hiệu đáp ứng nguyện vọng của đại đa số nhân dân, như “Độc lập dân tộc”, “Ruộng đất về tay dân cày”, “Thành lập nhà nước công - nông - binh”... Đảng ta đã tập hợp, quy tụ được sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân dưới ngọn cờ của mình và được thử nghiệm qua cuộc tổng diễn tập đầu tiên bằng phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.

Năm 1939, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, với nhãn quan chính trị sâu sắc, Đảng ta đã nhận định và thống nhất nhận thức: “Tình hình Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn đề dân tộc giải phóng, vấn đề ấy hoàn toàn mau hay chậm là tùy tình hình thế giới và năng lực của các đồng chí”. Từ đó, thống nhất ý chí và hành động của Đảng hợp với ý nguyện dân chúng và phù hợp với tình hình đất nước: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”. Mọi vấn đề của cuộc cách mạng, kể cả vấn đề ruộng đất, cũng phải nhằm mục đích ấy mà giải quyết. Khẩu hiệu cách mạng ruộng đất phải tạm gác lại và thay vào đó là khẩu hiệu chống địa tô cao, chống cho vay nặng lãi, tịch thu ruộng đất của thực dân, đế quốc và địa chủ phản lại quyền lợi dân tộc chia cho dân cày nghèo. Để thực hiện nhiệm vụ chính trị ấy, Đảng ta chủ trương thành lập Mặt trận phản đế Đông Dương, thu hút tất cả các dân tộc, giai cấp, đảng phái và cá nhân yêu nước ở Đông Dương nhằm chống chiến tranh đế quốc, chống phát-xít, đánh đổ đế quốc Pháp và bè lũ tay sai, giành lại độc lập hoàn toàn cho các dân tộc ở Đông Dương.

Cùng với xu thế phát triển mạnh mẽ của cách mạng trong nước, tháng 1 - 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Tháng 5 - 1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I) được tổ chức ở Pắc Bó, Cao Bằng, dưới sự chủ trì của Người. Hội nghị đã thảo luận và đi đến thống nhất chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng. Nội dung này, một lần nữa khẳng định nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết, được đặt lên hàng đầu: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Hội nghị cũng chỉ rõ lực lượng cách mạng bao gồm: tất cả những ai có lòng yêu nước thương nòi, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư sản bản xứ. Để tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đứng lên đánh Pháp - Nhật, Hội nghị quyết định thành lập “Việt Nam độc lập đồng minh” gọi tắt là Việt Minh. Ngày 19 - 5 - 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời, đưa ra chương trình cứu nước với mục tiêu: làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do.

Nhờ chiến lược đúng đắn, sát hợp này, Đảng ta đã tập hợp được khối đại đoàn kết toàn dân rộng rãi và mạnh mẽ, mà hạt nhân của nó là Mặt trận Việt Minh với một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ các làng xã lên đến Tổng bộ. Quan điểm bạo lực cách mạng để giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng 8 - 1945 luôn được coi trọng. Từ căn cứ cách mạng đến chiến khu, khu giải phóng; từ tuyên truyền vũ trang đến vũ trang tuyên truyền; từ đội quân chủ lực của cách mạng đến vũ trang toàn dân; từ khởi nghĩa từng phần, từng địa phương đến tổng khởi nghĩa trên cả nước; những biểu hiện đó của lịch sử đều nằm trong quá trình vận động cách mạng, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa do Đảng ta lãnh đạo.

Vì vậy, trong những ngày tiến hành Cách mạng Tháng 8 - 1945, đại bộ phận các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ đường lối cách mạng và kiên quyết đi theo ngọn cờ quang vinh của Đảng, đánh đổ đế quốc, phong kiến, giải phóng dân tộc. Sức mạnh “dời non, lấp biển” mà Đảng ta có được trong Tổng khởi nghĩa Tháng 8 - 1945 chính là từ sức mạnh của nhân dân và cũng chính điều này đã khiến cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi mau chóng trên cả nước. Hoạt động trong vòng bí mật, cán bộ, đảng viên các cấp của Đảng từ Trung ương xuống đến các tỉnh, huyện, xã đều nhận được sự đùm bọc, che chở của nhân dân. Những lúc bình thường, dân nuôi, dân giấu, dân canh gác cho cán bộ cách mạng họp hành, làm việc. Khi quân thù vây ráp, bà con chỉ lối cho cán bộ thoát vòng vây hoặc tìm cách đánh lừa địch. Vùng an toàn khu của Trung ương ở Phúc Yên, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Đông, Đông Anh, Chèm, Mai Lĩnh, mặc dù ngay sát trung tâm đầu não hoặc đồn bốt của địch, nhưng vẫn được an toàn; đó là do nhân dân hết lòng bảo vệ. Các gia đình cơ sở cách mạng từ Bắc vào Nam, từ miền núi xuống miền xuôi, nông thôn đến thành thị đều hết lòng nuôi, giấu và  bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng. Cũng chính từ các “cơ sở trong lòng dân” đó, những nghị quyết, chỉ thị quan trọng của Trung ương và các cấp cơ sở ra đời. Trong buổi đầu thành lập, hầu hết các đội vũ trang cách mạng từ núi rừng Việt Bắc đến đồng bằng Bắc Bộ, từ núi rừng Ba Tơ ở miền Trung Nam Bộ đến Đồng Tháp, Cà Mau... đều được nhân dân giúp đỡ: vũ khí do dân trang bị, quần áo do dân sắm, lương thực nuôi quân do dân cung cấp.  Quần chúng không chỉ ủng hộ, mà còn trực tiếp tham gia Tổng khởi nghĩa. Những biểu hiện của lực lượng chính trị, đấu tranh chính trị trong Cách mạng Tháng 8 - 1945 cho chúng ta thấy rõ điều đó. Ngày 19 - 8, hàng chục vạn nhân dân Hà Nội đã xuống đường khởi nghĩa và giành chính quyền ở thủ đô Hà Nội. Ngày 23 - 8, tại Huế, hàng chục vạn nhân dân xuống đường mít tinh, tuần hành, buộc chính quyền Trung ương của địch phải đầu hàng, vua Bảo Đại thoái vị, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền phong kiến ở Việt Nam. Tại Sài Gòn, ngày 25 - 8, hàng triệu nhân dân khởi nghĩa, lật đổ chính quyền tay sai Nhật, lập chính quyền cách mạng.

Thực tế lịch sử đã chứng minh diễn biến tình hình cả trước và trong Cách mạng Tháng Tám đều đã được Đảng ta dự báo và chủ động có các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp. Vậy, nếu không có tầm nhìn và tư duy chiến lược sắc bén, nếu không có sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Cách mạng Tháng Tám có nổ ra đúng thời cơ và giành thắng lợi? Nếu không có sự chủ động tập dượt, chuẩn bị về tổ chức và lực lượng thì khi thời cơ đến, Việt Nam có chớp thời cơ để tiến hành tổng khởi nghĩa được không? Chắc chắn là không! Vậy nên khẳng định: Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thành công không phải “là một sự ăn may”! Thêm nữa, nếu không dự đoán thời cơ chính xác, không chớp thời cơ kịp thời thì Đảng ta có thể phát huy được sức mạnh tổng hợp để phát động tổng khởi nghĩa thành công hay không? Chắc chắn là không thể! Vậy không có căn cứ để cho rằng thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “là một sự ăn may”!

Công thêm vào đó, có ý kiến cho rằng, khi Nhật đã hất cẳng Pháp, việc Liên Xô và quân Đồng minh đánh bại phát xít Nhật đã tạo ra “khoảng trống quyền lực” ở Việt Nam. Thật là một sự kiện xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn. Thực tế chứng minh, khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, quân Nhật vẫn rất mạnh. Bằng chứng là khi nhân dân ta tiến hành Tổng khởi nghĩa, quân Nhật vẫn chống cự quyết liệt, tiếng súng vẫn nổ và giao tranh vẫn diễn ra, máu vẫn đổ ở nhiều nơi. Mặt khác, quân Nhật còn toan tính xâm chiếm Việt Nam để làm bàn đạp tiến xuống Đông Nam Á... thì chẳng dễ gì họ buông súng bàn giao chính quyền cho nhân dân Việt Nam. Cho nên Cách mạng Tháng Tám thành công là kết quả đấu tranh gian khổ, hy sinh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, giành chính quyền từ tay Nhật chứ không phải là sự chuyển giao quyền lực hay “khoảng trống quyền lực” nào cả! Ý Đảng lòng dân, nhân tố quyết định trực tiếp, cộng với sự tấn công của Liên Xô và quân Đồng minh làm cho quân Nhật suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi.

Có thể nói Cách mạng Tháng Tám thành công là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Ngoài bối cảnh thế giới có những chuyển biến mau lẹ, thuận lợi thì yếu tố chủ quan vẫn là cơ bản, quyết định. Đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thành công là minh chứng hùng hồn khẳng định, Đảng ta đã nghiên cứu và vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin một cách linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể đất nước, tình thế cách mạng để đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, lựa chọn phương pháp cách mạng phù hợp.

Từ những nguyên nhân làm nên sự thành công của Cách mạng Tháng Tám, chúng ta có thể khẳng định rõ rằng: Cách mạng Tháng Tám thành công hoàn toàn không phải là “một sự ăn may”, không phải là “sự chuyển giao quyền lực” hay “khoảng trống quyền lực” mà là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài và đầy gian khổ, hy sinh của nhân dân Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể dân tộc Việt Nam xứng đáng được hưởng thành quả trọng đại đó.

Thực chất của luận điệu cho rằng: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam nổ ra và thành công là “một sự ăn may” hay “khoảng trống quyền lực” không gì khác vẫn là nhằm phủ nhận những thành quả, ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại, sức sống mãnh liệt, trường tồn của cuộc cách mạng và xa hơn là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó, phủ nhận toàn bộ sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta là hoàn toàn sai trái, là sự chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta. Trách nhiệm của những người Việt Nam yêu nước chân chính trước hết là hiểu đúng, nhận thức rõ về ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Tám. Mặt khác, mỗi người, mỗi tập thể phải biết phát huy truyền thống, tinh thần, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời phải luôn tỉnh táo, đề cao cảnh giác, nhận rõ những âm mưu và hành động thâm hiểm của các thế lực thù địch, phản động để kiên quyết vạch trần, đấu tranh phản bác. Thời gian càng lùi xa thì ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại, sức sống mãnh liệt của Cách mạng Tháng Tám càng lan tỏa, cơ sở tiền đề để dân tộc Việt Nam tiến hành thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Phạm Nhung

Tags:
  1. Đã 75 năm trôi qua, mỗi khi giảng dạy bài "Cuộc đấu tranh giành chính quyền cách mạng 1930 - 1945", chúng tôi lại trào dâng miền tự hào về mốc son lịch sử chói lọi, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh dân tộc. Đó là kết quả của ý Đảng lòng dân, trải qua 3 cuộc Tổng diễn tập với sự hy sinh gian khổ, từng bước tập hợp lực lượng, tạo thời cơ và chớp thời cơ "ngàn năm có một" để làm nên cuộc cách mạng "Long trời lở đất" sau 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết của cả dân tộc chứ không phải sự ăn may, hay sự chuyển giao quyền lực hoặc khoảng trống quyền lực. Đây cũng chính là mắt xích, mấu chốt đặt ra và giải quyết thấu đáo đến người học. Từ đó giúp thế hệ tương lai của đất nước hiểu rõ, đúng giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đối với dân tộc, giúp học kế thừa và phát huy thành tựu đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời trang bị cho họ đầy đủ kiến thức, bản lĩnh, niềm tin để đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta, như luận điểm được đề cập trong bài viết này.

    ReplyDelete

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X