Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Wednesday, April 28, 2021 , 0 bình luận

Lương Thế Huy, người hoạt động vì cộng đồng LGBT đã vượt qua ba vòng hiệp thương, vào danh sách ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV.

VnExpress phỏng vấn ông Lương Thế Huy, Viện trưởng Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE, tổ chức phi chính phủ làm việc vì quyền của các nhóm thiểu số trong xã hội), về quá trình trở thành một trong 9 người tự ứng cử vượt qua ba vòng hiệp thương.

Động lực nào thúc đẩy ông làm hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội?

- Vào đầu tháng 3, tôi đọc được bài báo với tiêu đề "Rộng cửa cho những người tự ứng cử". Tôi đã dừng lại ở bài báo đó khá lâu và suy nghĩ rất nhiều, đọc đi đọc lại những đoạn như: "Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tất cả những người từ 18 tuổi có quyền bầu cử và từ 21 tuổi có quyền ứng cử"...

Bài báo cũng nêu rõ người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp; phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ văn hóa, chuyên môn và đủ năng lực, sức khỏe, uy tín để thực hiện nhiệm vụ... Thời hạn nộp hồ sơ là đến hết ngày 14/3.

Tôi nghĩ, mình đáp ứng các yêu cầu chung, đồng thời có kinh nghiệm làm việc liên quan đến các vấn đề về giới, chính sách và pháp luật. Và tôi tự hỏi, tại sao mình không ứng cử làm đại biểu Quốc hội khi vẫn còn thời gian chuẩn bị?

Nghĩ là làm, tôi bắt tay tìm hiểu kỹ hơn quy trình, thủ tục và làm hồ sơ tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội. Tôi nghĩ, với chuyên môn về ngành Luật cũng như các hiểu biết, kinh nghiệm công tác thời gian qua, tôi có thể đóng góp tốt hơn cho thủ đô và đất nước nếu được chọn làm người đại diện cho cử tri.

Vì vậy, tôi tự ứng cử cả hai cấp là Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và đại biểu Quốc hội. Địa phương thì tôi có thể sâu sát với các vấn đề thường nhật, dân sinh; còn Quốc hội sẽ được đóng góp, giải quyết những vấn đề liên quan đến sự phát triển chung của đất nước. Rất vinh dự và nhiều cảm xúc khi tôi được thông báo mình đủ tiêu chuẩn ứng cử cả hai cấp.

Ông Lương Thế Huy, Viện trưởng Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường. Ảnh: Võ Hải

- Để có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, ông phải vượt qua những "chặng đường" nào?

- Từ khi bắt đầu làm hồ sơ ứng cử, tôi rất vui vì được các đơn vị liên quan hướng dẫn tận tình. Bước đầu tiên là tôi hoàn thiện đúng hồ sơ theo yêu cầu, nộp hồ sơ ngày 12/3, sau đó làm việc rất tích cực với các cơ quan chính quyền, đoàn thể từ thành phố, quận, phường, và đặc biệt là khu phố. Tôi đã học được rất nhiều điều trong thời gian này và nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình.

Tôi thấy cán bộ phục vụ công tác bầu cử làm việc không có cuối tuần hay giờ hành chính để đảm bảo quá trình xác minh, chuẩn bị hồ sơ cho tôi và các ứng viên được tốt nhất. Không có sự cản trở, gây bất lợi từ cá nhân, tổ chức nào với tôi trong quá trình ứng cử mà ngược lại, tôi nhận được sự chỉ bảo rất nhiều từ các cô chú, anh chị.

Nhưng khó khăn chủ quan thì có. Dù là người học Luật, tôi chưa có sự hiểu biết cần thiết trong nhiều vấn đề. Tôi chọn cách bù đắp những lỗ hổng đó bằng sự cần cù. Tôi làm việc nhiều hơn bình thường, tận dụng quỹ thời gian ít ỏi để bắt kịp tiến trình bầu cử gấp rút, làm sao cho bài bản và đúng quy định của pháp luật.

Ngày 11/4, tôi được lấy tín nhiệm của cử tri nơi cư trú tại phường Kim Mã, quận Ba Đình. Đây là một trong những bước quan trọng nhất của bất kì người tự ứng cử nào nhằm chứng minh sự tin tưởng, ủng hộ của chính những người sống gần gũi hàng ngày với ứng viên. Có hai năm sống ở đây và gần một tháng tiếp xúc với các cô chú, anh chị trong khu phố, tôi nhận được các ý kiến nhận xét rất tích cực trong hội nghị.

Kết quả, tôi nhận 100% tín nhiệm của cử tri nơi cư trú. Trước đó, tôi cũng nhận 100% tín nhiệm của cử tri tại nơi công tác, giúp tôi đủ điều kiện để vào danh sách hiệp thương lần 3.

Ngày 16-17/4, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hiệp thương lần 3, và tôi cũng nhận được phiếu biểu quyết cao để chính thức được đưa vào danh sách ứng cử viên. Ở danh sách Quốc hội, tôi được phân về đơn vị bầu cử quận Hà Đông, huyện Thanh Trì và Thanh Oai; còn với HĐND TP Hà Nội, tôi trong danh sách của đơn vị bầu cử quận Hai Bà Trưng.

Công khai mình là người đồng tính và luôn đấu tranh bảo vệ cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Vậy chương trình hành động của ông như thế nào?

- Tôi đang gấp rút xây dựng chương trình hành động để công bố tới cử tri nơi tôi cư trú cũng như với cử tri cả nước.

Về cơ bản, tôi xác định thế mạnh của mình là chuyên gia về chính sách, đặc biệt về lĩnh vực bình đẳng giới. Tôi cũng có nhiều năm làm công tác xã hội, thường xuyên được làm việc, lắng nghe ý kiến của các cộng đồng thiểu số nên tôi nghĩ sẽ cố gắng phát huy những thế mạnh và truyền tải sự quan tâm của mình vào chương trình hành động, qua đó thuyết phục cử tri tin tưởng vào khả năng làm đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố của tôi.

Tôi nghĩ mỗi đại biểu phải xác định được thế mạnh của mình để tập trung vào mới có thể đưa ra những sáng kiến, giải pháp liên quan đến nội dung đó. Tất nhiên, nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội là quan tâm đến tất cả những vấn đề của người dân. Ngoài hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới, tôi cũng là người học Luật và nghiên cứu chính sách, vì thế, tôi sẽ cố gắng hết sức để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, làm cầu nối giữa cử tri với Quốc hội.

- Ông kỳ vọng gì nếu trở thành một trong 500 người được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV?

- Tôi ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội với mục đích duy nhất là đóng góp sức mình vào sự phát triển của Thủ đô và đất nước, tất nhiên là ôm cả mơ ước của những cộng đồng thiểu số, đa dạng trong xã hội mà mình cũng là thành viên.

Với kinh nghiệm 10 năm tham gia trực tiếp vào việc vận động luật, góp ý và phản biện chính sách, và những cảm hứng bất tận về hình tượng người lập pháp chuyên nghiệp mà mình học từ sách vở, lịch sử, tôi thấy công việc của một đại biểu dân cử khá phù hợp với bản thân.

Nếu được bầu, tiếng nói của tôi sẽ là của một chuyên gia, một người nghiên cứu, một người làm công tác xã hội, đồng thời cũng là tiếng nói của người trẻ, người ngoài Đảng, làm ngoài khối nhà nước lẫn doanh nghiệp, giàu kinh nghiệm làm việc với quốc tế. Tôi hi vọng, tiếng nói đó sẽ là những yếu tố được mong đợi nhằm giúp các thảo luận chính sách được phong phú, sát với cuộc sống và mọi tầng lớp xã hội.

Đó là tương lai, còn sắp tới, trước ngày bầu cử 23/5, tôi sẽ tập trung cho việc tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử với ít nhất 10 cuộc tiếp xúc cử tri trong vai trò ứng viên đại biểu Quốc hội, và 5 cuộc với vai trò ứng viên đại biểu HĐND thành phố.

Lương Thế Huy sinh ngày 31/10/1988. Ông từng đảm nhận vai trò Giám đốc chương trình quyền LGBT, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE); đại diện Việt Nam phát biểu tại Phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc diễn ra tại Thuỵ Sĩ và là một trong 30 gương mặt của Forbes Vietnam 30 Under 30 năm 2016.

Từ 8/2019, Lương Thế Huy đảm nhận vai trò Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE).

Võ Hải - Hoàng Thùy (vnexpress)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X