Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, July 09, 2021 , 0 bình luận

Sự hồn nhiên có lúc đáng quý, vì nó thể hiện sự chân thật, ngây thơ, trong sáng trong tình cảm, suy nghĩ, thái độ và hành vi ứng xử của con người. Tuy nhiên, sự hồn nhiên không đúng lúc đúng chỗ đôi khi lại trở nên dễ dãi, ngây ngô, thậm chí là vô tâm.

Ngay sau khi buổi sáng thứ tư (7/7) diễn ra thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT năm 2021, nhiều ấn phẩm báo điện tử đã hồn nhiên tôn vinh một nam rapper (người chơi nhạc rap) khá đình đám có tài “tiên tri” đoán đúng đề thi môn Ngữ văn. Hàng loạt những cái tít rất mùi mẫn xuất hiện như: Học sinh xôn xao vì Đ.V đoán trúng đề Văn tốt nghiệp THPT năm 2021; “Nhà tiên tri” Đ.V trúng đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT; Dân mạng réo tên Đ.V là “thánh” đoán đề thi Ngữ văn THPT; Rapper Đ.V tiếp tục đoán trúng đề thi Văn THPT; Thánh tiên tri Đ.V 3 năm liên tiếp đoán trúng đề thi Văn THPT, v.v... 

Giám thị hướng dẫn cho thí sinh điền thông tin cá nhân vào bài thi tại điểm thi Trường THPT huyện Phong Thổ, Lai Châu. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Không chỉ giật tít câu view, nhiều bài viết còn “phóng bút” đề cao, tôn vinh nhân vật rapper này có khả năng đặc biệt khi gắn với những cái mác “kêu như chuông”, nào là: “thánh tiên tri về đề thi văn”, “thánh đoán đề như thần”, “nhà tiên tri đoán đâu trúng đấy”, “thánh đoán đề văn như thần”, “đoán đề thi văn chuẩn không cần chỉnh”, “nhà tiên tri trúng phóc đề văn”...

Hầu hết các bài viết đều đưa ra nhận định nam rapper cứ đưa ra bài hát nào thì sẽ có dữ liệu trùng khớp với đề thi năm đó. Ví như năm 2019 khi ra MV “Hai triệu năm” có cảnh quay sông nước bao quanh, thì đề thi năm đó liên quan đến bài thơ “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường; năm 2020 cho ra mắt MV “Trời hôm nay nhiều mây cực” có cảnh quay duy nhất ngồi trên trực thăng, đuôi có máy bay hình lá cờ Việt Nam, thì đề thi năm đó có bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm; còn năm 2021, khi rapper đăng hai câu trong bài “Trốn tìm” với nội dung: “Anh đi tìm thì em trốn, anh đi trốn em không tìm. Lòng em không gợn sóng cuối cùng anh mất công chìm”, thì đề thi có bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh (!). 

Như để chứng minh về “khả năng hơn người” của rapper, có bài báo hồn nhiên nhận định như đinh đóng cột: “Ba năm rồi, Đ.V trở thành biểu tượng trong làng đoán đề thi Văn kỳ thi THPT của sĩ tử”. Không biết người viết dòng này có cảm thấy ngượng ngùng “tẽn tò” khi chính nhân vật rapper đã thẳng thắn bày tỏ trên facebook cá nhân là bản thân không có khả năng đoán đề thi và khẳng định “Nếu anh đoán trúng đề thì anh đã không trượt đại học”!

Như vậy, bản thân người trong cuộc đã ngầm ý đưa ra thông điệp là bản thân không có khả năng tiên đoán, các bài hát, câu từ anh đưa ra chỉ là vô tình, ngẫu nhiên. Thế mà nhiều tờ báo, nhiều người cầm bút cứ hồn nhiên nhận định rapper có tài tiên đoán như thần, như thánh... Điều này là rất không nên, bởi việc truyền thông như vậy có thể làm tăng thêm sự “nổi tiếng ảo” không cần thiết cho nhân vật, hoặc cũng có thể vô hình trung biến nhân vật từ một người bình thường thành một người khác thường. 

Mặt khác, cách truyền thông như vậy còn ít nhiều tạo ra áp lực không cần thiết cho cơ quan chức năng liên quan đến nhiệm vụ ra đề, sao chép, bảo quản đề thi vốn là tài liệu được xếp vào danh mục tài liệu bí mật của Nhà nước cần phải được thực hiện theo một quy trình tuyệt đối an toàn. Ngoài ra, khi thông tin về những vấn đề nhạy cảm như đề thi THPT liên quan đến hàng triệu thí sinh, thì không nên đưa ra công luận những bài viết mang tính chất đồn đoán, phán đoán ít nhiều chứa sự may rủi, mê tín, bởi tự thân những từ như “tiên tri”, “thánh”, “thần” gắn liền với văn hóa tâm linh. 

Kỳ thi THPT nói chung, môn thi ngữ văn trong kỳ thi nói riêng luôn đòi hỏi các thí sinh phải tỉnh táo, sáng suốt, minh mẫn về tinh thần, trí tuệ để có thể đối mặt, vượt qua cửa ải “vũ môn” trong một thời điểm quan trọng của cuộc đời. Do đó, trên phương diện truyền thông, các cơ quan báo chí rất nên hướng các em tiếp nhận những thông tin lành mạnh, tích cực, nhân văn, chứ không nên “xáo xào” thông tin trên mạng xã hội rồi lắp ghép, suy đoán thiếu cơ sở khoa học, từ đó tác động không thuận đến nhận thức, tâm lý, niềm tin không chỉ của thí sinh năm nay, mà còn ảnh hưởng đến hàng triệu thí sinh tham dự kỳ thi này vào các năm sau./.

Thiện Văn (Tạp chí Tuyên giáo)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X