Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Tuesday, July 20, 2021 , 0 bình luận

(Tindautruongdanchu)-Theo báo điện tử BBC NEW, ngày 25 tháng 6 năm 2021 đã vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền và tự do báo chí. Bài báo với tiêu đề: “EU nói VN còn có 'vi phạm nhân quyền' và tự do báo chí 175/180 thế giới”. Quốc gia 97 triệu dân ở Đông Nam Á vẫn chỉ xếp hạng 175/180 về tự do báo chí, theo Báo cáo của EEAS ra trong tháng 6/2021, tổng kết tình hình nhân dân, dân chủ trên thế giới năm 2020.

>>Lộ rõ chiêu trò kích động từ vụ bất ổn ở Cu Ba

>>Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng biểu tình tại Cuba để kích động chống phá

>>Thực tiễn sinh động về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

Họ cho rằng ở Việt Nam không có quyền tự do báo chí và vi phạm nhân quyền sâu sắc, trong đó: Đặc biệt lo ngại là mức độ nghiêm trọng của các hạn chế và kết án các trường hợp liên quan đến thực hiện quyền tự do ngôn luận trên mạng và ngoài xã hội. Người dùng mạng xã hội ngày càng phải đối mặt với sự kiểm duyệt độc đoán khi chia sẻ những quan điểm mang tính chỉ trích. Chính phủ ép buộc các công ty truyền thông xã hội quốc tế lớn gỡ bỏ các tài khoản hoặc nội dung chỉ trích chính phủ, tạo ra một tiền lệ đáng lo ngại. Một số blogger, nhà báo và những nhà hoạt động vì nhân quyền đã bị bắt, hoặc bị kết án, nhà nước tiếp tục kiểm soát các phương tiện truyền thông và hạn chế về quyền tự do ngôn luận cả trên mạng và ngoài đời thực.

Ngày 21-1-2021, Nghị viện Châu Âu (EP) thông qua nghị quyết về tình hình nhân quyền Việt Nam, tiếp tục lặp lại chỉ trích Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, vì họ cho rằng, những luật này đang giới hạn các quyền tự do căn bản của con người. Trên một số diễn đàn quốc tế đa phương và song phương, một số tổ chức, chính phủ thể hiện thái độ thiếu thiện chí, cố tình hiểu sai khi cho rằng nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước Việt Nam hiện nay không còn phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, đòi Việt Nam thay đổi cách tiếp cận theo quan điểm nhân quyền của họ.

Đây là những quan điểm vu khống một cách trắng trợn về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, phủ nhận những thành quả của Việt Nam trong việc đảm bảo vấn đề nhân quyền và quyền tự do báo chí. Việt Nam là một đất nước XHCN, là Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”. Một nhà nước đã được đánh đổi và xây dựng bằng máu, mồ hôi, nước mắt... của rất rất nhiều thế hệ con người Việt Nam. Do đó, người dân Việt Nam hiểu sâu sắc hơn ai hết những giá trị của cuộc sống, giá trị của “tự do, dân chủ”.

Việt Nam luôn luôn coi trọng quyền tự do, dân chủ, luôn mong muốn “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, Đảng, Nhà nước Việt Nam vẫn cố gắng chăm lo cuộc sống mọi mặt của toàn dân. Bởi đó là bản chất, là mục tiêu nhất quán của một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”[1]. Đồng thời, Điều 14 Chương II Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ: “1. Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”[2]. Và trên thực tế, kể từ khi thành lập nước đến nay, vấn đề dân chủ, nhân quyền luôn được quan tâm, chú trọng, lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực để nhân quyền được bảo đảm, ngày càng phát triển. Những thành tựu mọi mặt về nhân quyền Việt Nam đã đạt được không chỉ cho thấy kết quả của nỗ lực này, mà còn trực tiếp khẳng định, chứng minh sự ưu việt của chế độ xã hội.

Để bảo đảm cho mọi người Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó nổi lên là các quyền về chính trị, dân sự. Tính đến cuối năm 2018, Quốc hội ta đã sửa đổi và ban hành mới hơn 90 văn bản luật, trong đó có những bộ luật như: Luật Báo chí, 2016 (có hiệu lực từ 01-01-2017); Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, 2016 (có hiệu lực từ 01-01-2018); Luật Tiếp cận thông tin, 2016 (có hiệu lực từ 01-7-2018); Nghị định 72/2013 về “Quản lý sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng” (có hiệu lực từ 01-9-2013); Luật An ninh mạng, 2018 (có hiệu lực từ 01-01-2019), v.v. Tất cả những bộ luật và Nghị định nói trên đều tuân thủ nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, theo đúng Hiến pháp 2013. Đáng chú ý, trong nội dung sửa đổi và trong những bộ luật mới đã thể hiện những nhận thức, quan điểm mới của Nhà nước ta trên lĩnh vực quyền con người. Chẳng hạn, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016) không chỉ đơn giản hóa các thủ tục cấp phép cho các hoạt động thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo, mà còn bảo đảm quyền cho tất cả người có đạo - cho dù họ là công dân Việt Nam hay người nước ngoài, cho dù họ là người tự do hay đang thi hành án. Mục 5 (Điều 5) quy định: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, … bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”. Điều 8, quy định: “Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, v. v.. Mọi người Việt Nam đều được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào; công dân - tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”; rất nhiều cơ sở thờ tự, nhà thờ, nhà chùa được xây mới, xây dựng lại; chức sắc, nhà tu hành, người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp đã tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu trong đời sống tinh thần và tâm linh của nhân dân; các tôn giáo có quyền và được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện mở trường, cơ sở đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, tham gia các hoạt động xã hội; các lễ hội tôn giáo đã được tổ chức long trọng, trang nghiêm; trong các năm 2008, 2014, 2019, Liên hợp quốc đã chọn Việt Nam làm địa điểm và đã tổ chức thành công Đại lễ Phật đản...

Không ít người sau nhiều năm sống tại Việt Nam đã đánh giá cao quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam. Theo ông A. Sauvageot - cựu đại tá CIA từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam đã nói: “Nếu ai hỏi tôi, tự do tín ngưỡng ở Việt Nam là bao nhiêu, theo tôi là 100%. Một điều nữa, tự do không tín ngưỡng của Việt Nam cũng là 100%. Cá nhân tôi không theo một tôn giáo nào, nhưng làm việc ở Việt Nam, tôi không bao giờ bị mang tiếng xấu vì điều đó. Tôi có nhiều người bạn là người Mỹ và Việt Nam, họ theo Thiên chúa giáo, Tin lành, Phật giáo”. Một người khác là D. Hutt (D. Hút) - cây bút vốn thiếu thiện chí với Việt Nam, cũng phải thừa nhận trên BBC: “Trong khủng hoảng vừa qua do đại dịch virus corona, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động có trách nhiệm, đặt người dân làm mối quan tâm hàng đầu… Phản ứng của Chính phủ Việt Nam với đại dịch Covid-19 gần giống như những cái mà chính trị thật sự nên làm. Chính phủ và đảng cầm quyền, cũng như các đại biểu nhân dân, cần làm mọi điều có thể để bảo vệ công dân của mình. Và người dân, với một chính phủ được tin tưởng, có thể cảm thấy chính họ đang được bảo vệ”.

Việt Nam tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất về quyền con người, như: Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế - xã hội và văn hóa, ký ngày 24-9-1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, ký ngày 18-12-1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, ký ngày 19-3-1982; Công ước về quyền trẻ em, ký ngày 20-2-1990; Công ước về quyền của người khuyết tật, ký ngày 22-10-2007… Những công ước này đều được luật hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Việt Nam cũng tích cực tham gia đối thoại về quyền con người với nhiều quốc gia, như: Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Thụy Sỹ và Liên minh Châu Âu (EU)... nhằm trao đổi quan điểm, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, hướng tới nâng cao hơn sự hưởng thụ quyền của người dân ở mỗi quốc gia.

Về quyền tự do ngôn luận, báo chí và tự do sử dụng internet, mạng xã hội của người dân đã được bảo đảm không chỉ về tư tưởng, chính trị, mà cả về cơ sở kỹ thuật (do Nhà nước đầu tư). Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của khoa học, công nghệ, đặc biệt là internet, mạng điện tử nói chung, mạng xã hội nói riêng, nên việc kết nối dịch vụ này được tiến hành khá sớm. Năm 1997, Việt Nam kết nối với xa lộ thông tin của thế giới, đặt nền móng cho internet Việt Nam. Từ đây, người Việt Nam đã có thể tiếp cận với các nguồn thông tin dựa trên internet, mạng xã hội.

Trong bối của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, internet, mạng điện tử phát triển mạnh mẽ, bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng là một nhiệm vụ quan trọng, tất yếu. Nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Nhà nước ta đã thành lập Ủy ban quốc gia, đẩy nhanh tiến độ xây dựng “Chính phủ điện tử”; Cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước, nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến để cán bộ, cơ quan, tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân, nâng cao hiệu quả tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp… Tuy nhiên, Luật An ninh mạng vẫn xác định nguyên tắc pháp quyền của Nhà nước ta, đồng thời tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, Việt Nam có những đóng góp tích cực trong việc thành lập Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền, Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em, thông qua tuyên bố Nhân quyền ASEAN, là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016). Đặc biệt, ngày 7-6-2019, tại trụ sở Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2020 - 2021) với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục 192/193 phiếu. Mới đây, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1 và tháng 4 - 2021 với nhiều dấu ấn, đóng góp.

Những thành tựu đó được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; thể hiện uy tín, vị thế quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam, bất chấp những luận điệu phủ nhận, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong nhiều thập niên của Việt Nam không nằm ngoài mục đích bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền được quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[3].

MÔN VĂN



[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, t.9, tr.518

[2] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb Hồng Đức, HN.2014

[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr.25

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X