Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Monday, August 16, 2021 , 0 bình luận

Thật đáng lên án và bất bình trước sự bịa đặt trắng trợn của những kẻ cơ hội chính trị, hiềm khích, cố tình bôi nhọ, hạ bệ hình tượng Bộ đội Cụ Hồ.

>>Thiết lập 'vùng xanh' COVID-19 trên không gian mạng

>>Không có chuyện ‘phân biệt đối xử’ trong tiêm vaccine phòng Covid-19

>>Công an Bình Phước cảnh báo về đối tượng chống phá Trương Quốc Huy

>>Lê Ánh-đừng 'bẻm mép' trên mạng xã hội facebook

>>Vụ 'bác sĩ Khoa': Những kẻ chống phá hết chuyện quay sang 'bịa đặt' trắng trợn

Thật đáng lên án và bất bình trước sự bịa đặt trắng trợn của những kẻ cơ hội chính trị, hiềm khích, cố tình bôi nhọ, hạ bệ hình tượng Bộ đội Cụ Hồ. Chúng tìm mọi cách quy chụp, bóp méo sự thật, cho rằng bộ đội thời bình đang là lực lượng “vô công rồi nghề”, với "bộ máy cồng kềnh, gây hao tốn ngân sách quốc gia, kéo chậm sự phát triển đất nước", nhưng lại "được thụ hưởng cuộc sống sung túc, đủ đầy".

Với cách tiếp cận trực diện, chúng tôi sẽ phản ánh bức tranh chân thực về cuộc sống và đặc thù hoạt động, cùng những cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam thời gian qua. Đây cũng là cơ sở bóc trần những mưu đồ xuyên tạc, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, hòng phá hoại quân đội, chống phá cách mạng Việt Nam.

Bài 1: Những khoảng lặng!

Do đặc thù hoạt động quân sự, có những mất mát, hy sinh mà cán bộ, chiến sĩ trong QĐND Việt Nam chỉ âm thầm chịu đựng, chấp nhận thiệt thòi về mình để hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể vì nhiều lý do, những hy sinh bình dị mà cao quý ấy vẫn chưa được phản ánh đầy đủ trên các phương tiện truyền thông, nên chưa được nhiều người biết đến.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Sơn, BĐBP Quảng Ninh tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái. Ảnh: Báo Biên phòng


1. Biên giới Tây Nam chiều 22-7-2021 ở Đồn Biên phòng Phú Hữu, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang không còn rộ lên tiếng cười như thường nhật. Hôm nay, đơn vị có tang! Đó là lễ tang tổ chức cho cha đẻ Đại úy QNCN Diệp Sơn Đông.


Lúc 14 giờ chiều cùng ngày, Đông nhận hung tin, bố đẻ đột ngột qua đời tại quê nhà ở thị trấn Phú Thứ (Tây Hòa, Phú Yên). Thế nhưng, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn vị thực hiện nhiệm vụ trực SSCĐ nên anh không thể về quê nhà chịu tang. Chia sẻ trước sự mất mát ấy, đơn vị lập bàn thờ ngay tại chốt để Đông thắp hương, bái vọng người cha đã khuất núi.

Không giấu được niềm xót xa, Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh An Giang xúc động chia sẻ, tính từ đầu đợt dịch Covid-19 đến nay, đơn vị có 3 cán bộ, nhân viên nhận tin cha mất mà không thể về chịu tang. Ngoài đồng chí Đông, còn có Thiếu tá QNCN Trần Hải Dương, quê ở phường Phước Long (Nha Trang, Khánh Hòa) và Trung úy Lê Văn Nguyên, quê ở thị trấn Vân Du (Thạch Thành, Thanh Hóa).

Đáng trân trọng, khâm phục là khi đón nhận những hung tin như thế, các đồng chí cán bộ, sĩ quan, QNCN dù khó giấu được cảm xúc, nhưng luôn biết cách giữ sự điềm tĩnh. Các anh đề xuất nguyện vọng với chỉ huy, rồi cùng đồng đội lặng lẽ chuẩn bị các phần việc tang lễ ở đơn vị để thực hiện đạo hiếu của người con, vì việc chung phải gác tình riêng.

Khi nghe kể về những câu chuyện ấy, nhiều người đã thốt lên: Người lính quả có sức mạnh ý chí "thép"? Nói như vậy cũng đúng, nhưng đầy đủ hơn là bởi họ có bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ-giá trị phẩm chất được tôi rèn trong thực tiễn và ngấm vào máu của từng quân nhân. Có người lại hỏi: Bộ đội Cụ Hồ có gì khác với người thường mà sức chịu đựng của họ mạnh mẽ đến vậy?-Chẳng có gì lạ cả! Bộ đội cũng là những con người bằng xương bằng thịt, cũng nức nở khóc, nuốt cay đắng vào lòng. Ai mất đi người thân mà không đớn đau, hụt hẫng; ai chẳng muốn được lần cuối nhìn mặt người thân, vấn lên trán chiếc khăn tang để bày tỏ niềm kính trọng, biết ơn đấng sinh thành... Thế nhưng, tại sao người lính lại không rời đơn vị để về nhà thực hiện đạo hiếu truyền thống ấy cho vẹn nghĩa, trọn tình? Bởi vì họ đã được trui rèn, đã quen đón nhận những hy sinh thầm lặng và trên hết là họ nhận thức rất rõ về nhiệm vụ mà mình đang thực hiện, thế nên họ không bao giờ rời bỏ vị trí...

Theo thống kê của cơ quan chức năng thuộc Bộ tư lệnh BĐBP, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, có gần 300 trường hợp cán bộ, QNCN, hạ sĩ quan, chiến sĩ có người thân là “tứ thân phụ mẫu” từ trần mà không thể về chịu tang. Hàng nghìn đồng chí có vợ sinh con, bố mẹ đau ốm "thập tử nhất sinh" nhưng bản thân vẫn phải bám chốt, chặn dịch. Không ít cán bộ, chiến sĩ đã hơn nửa năm chưa một lần ghé thăm gia đình. Đó là những hy sinh chẳng thể nào cân đong, đo đếm được...

2. Thế nhưng câu chuyện “tạm gác tình riêng” ấy không giản đơn như những công thức số học, mà nó là sự đan lẫn muôn vàn cảm xúc, đấu tranh quyết liệt giữa thiệt-hơn, nên hay không nên trong mỗi người lính Cụ Hồ. Đơn cử như việc phải sống xa gia đình, vợ con, gắn bó với biên cương, hải đảo. Trước hết, người lính Cụ Hồ phải đối diện với nỗi nhớ thương tận cùng đằng đẵng đối với hậu phương hết tháng này sang tháng khác, hết năm này sang năm khác... Nơi biên cương heo hút đèo mây, giữa không gian thăm thẳm của chốn rừng thiêng nước độc... nỗi nhớ càng thêm chộn rộn, cồn cào. Có chiến sĩ tự bạch: Thật sự ở trên này, anh em không sợ khổ, chỉ ngại đối diện với nỗi hiu quạnh đến độ sởn gai ốc. Có lúc yếu lòng bỗng thấy cô đơn, buồn tủi trực trào, cảm giác lạnh toát chạy dọc xương sống. Những người đã lập gia đình, thèm lắm buổi tối cuối tuần được sum vầy bên mái ấm giản đơn; được đưa vợ con đi ăn, thư thái dạo quanh phố phường đông vui, tấp nập; được trò chuyện, hàn huyên thăm hỏi sức khỏe ông bà, cha mẹ. Có người thèm cồn cào ly cà phê sáng, bát phở nóng hôi hổi mỗi sớm thường nhật lành lạnh chớm thu... Lại có người thèm cái cảm giác được xoa tay vào bụng bầu của vợ mỗi tối, được ôm đứa con thơ bé bỏng lúc chào đời. Nhiều người khát cháy được kèm dạy con bi bô học bài, được nhìn “các thiên thần nhỏ” khôn lớn mỗi ngày như bao ông bố khác trong xã hội...! Vậy nhưng, những mơ ước rất đỗi bình dị ấy, người lính Cụ Hồ đâu dễ gì có được. Bởi họ đã gắn cuộc đời mình với nghiệp binh, quanh năm rong ruổi với những chuyến đi dài, với những năm tháng “để mặc” hậu phương thân yêu trong nỗi nhớ thương sâu thẳm, da diết.

Cũng đã có nhiều người lính phải đau đớn, xót xa hơn khi biết tin về những đứa con thơ thuở nào giờ đã trở nên khó bảo, thậm chí hư hỏng khi thiếu vắng sự dạy bảo của người bố trong suốt một thời gian dài. Cũng có người lặng lẽ nuốt nỗi buồn vào trong khi biết tin người yêu đi lấy chồng...

Sự thật là vậy, nhưng người lính Cụ Hồ luôn biết cách đón nhận thực tế đó bằng đức hy sinh, bao dung và cố lấp đầy những khoảng trống tinh thần bằng sự yêu thương hết thảy đối với người thân và cho nhân dân. Ví như câu chuyện mà Trung úy QNCN Phạm Văn Công, nhân viên chính trị, Ban CHQS huyện Đắk Mil (Đắc Nông) kể, khi anh xung phong lên tăng cường ở Đồn Biên phòng Đắk Lao (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đắc Nông). Rằng sau những đêm dài băng rừng, lội suối tuần tra, chốt chặn bảo vệ đường biên, mốc giới, phòng, chống dịch Covid-19, niềm vui lớn của anh là được “đi tới, đi lui” trên những đỉnh núi cao, vươn tay “hứng” từng vạch sóng “chông chênh, chập chờn” để có thể thực hiện những cuộc gọi điện thoại. Chỉ cần một sự kết nối mỏng manh, anh sẽ chăm chú lắng nghe các con tíu tít kể chuyện trường, chuyện lớp, nghe vợ sẻ chia chuyện gia đình, quê hương... Chỉ cần có vậy, người lính đã cảm thấy mãn nguyện và được tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để vượt lên khó khăn, thử thách thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

3. Có một khoảng lặng khác mà Bộ đội Cụ Hồ phải đối diện chính là muôn vàn khó khăn do điều kiện sống, công tác, điều kiện thời tiết và sự thiếu thốn vật chất đủ bề.

Nơi nghỉ của họ sau những chuyến tuần tra, chốt chặn hầu hết chỉ là những túp lều tạm. Có những cơn mưa dông bất chợt đã giật phăng mái lều của họ khiến cho đồ đạc của anh em sũng nước. Vào những ngày trung tuần, tháng 7, tháng 8 này, trên tuyến biên giới Đắc Nông trời mưa xối xả, gió rít từng hồi liên tục. Sau những chuyến tuần tra, mật phục xuyên đêm, cán bộ, chiến sĩ, dân quân thuộc Ban CHQS huyện Đắk Mil và Đồn Biên phòng Đắk Lao lại quây quần trong những căn lều dã chiến tranh tre, nứa lá, mái lợp tôn, vừa sưởi ấm, vừa tranh thủ hong khô quần áo... Nơi biên cương không có điện, không có sóng viễn thông, khi rảnh rỗi, các anh thường kể cho nhau về chuyện hậu phương hoặc mở điện thoại xem ảnh vợ con, gia đình cho vơi đi nỗi nhớ...

Đến với các tuyến biên giới, giữa ngút ngàn mây núi, ở mỗi điểm chốt chỉ có vài ba anh em bộ đội bám vào nhau mà sống và thực hiện nhiệm vụ. Các anh phải ngủ lán trại, nằm phản gỗ kê trực tiếp trên nền đất lạnh, ăn cơm với rau rừng và những loại thực phẩm lâu lâu mới được tiếp tế. Thế nhưng các anh vẫn kiên trì bám trụ, vẫn duy trì đều đặn nền nếp chính quy, canh tực, SSCĐ ở mức cao nhất. Cũng vì cái khó, cái khổ mà ước mơ của cán bộ, chiến sĩ nơi đây rất đỗi bình dị. Có người lính biên phòng kể rằng, mỗi lần có lực lượng tiếp tế từ dưới xuôi lên, thứ mà các anh mong đợi nhất chính là những cục pin sạc dự phòng hay những phong thư...

Vậy đấy, nếu chúng ta là những người lính kia, liệu có làm được những điều như họ đã và đang làm không. Bạn thử so sánh những chiếc phản gỗ khô ráp giữa rừng với chăn ga gối đệm trong những căn phòng sang trọng có máy lạnh, điều hòa và các phương tiện sinh hoạt tiện nghi, hiện đại. Bạn thử mường tượng bản thân mình đang đứng giữa biên cương thăm thẳm như các chiến sĩ biên phòng, hay giữa biển nước mênh mông ở nhà giàn DK, những điểm đảo giữa trùng khơi Trường Sa, hay trên những con tàu tuần tra, trực chiến bị quăng quật bởi sóng to, gió lớn... Bạn sẽ chịu đựng được bao lâu? Có thật sự can trường, can đảm để tiếp tục những công việc muôn vàn gian lao, vất vả, nhưng không thể điểm mặt, ghi tên tạo nên danh vọng, hay sinh ra lợi nhuận kinh tế như mỗi phần việc mà bạn vẫn hay làm?

Vì thế, trước khi nhận xét về nhiệm vụ, cuộc sống của những người lính thì cần phải đặt mình vào vị trí của những người lính kia, để xem mình có thể làm được những điều như họ đã và đang làm hay không. Còn đối với những kẻ dã tâm chống phá cách mạng, cố tình bôi đen hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thì cần phải đấu tranh, vạch trần mưu đồ, thủ đoạn của chúng; lên án thói ngông cuồng, nhận thức lệch lạc, chủ quan của một số “anh hùng bàn phím”. Những con người này vốn chỉ biết ngồi trong phòng lạnh huênh hoang, khoác lác trên mạng, còn trên thực tế thì có lẽ cái chốt của bộ đội nằm ở đâu trên tuyến biên giới thì họ cũng không hề biết và không dám đặt chân tới, chứ đừng nói đến việc có thể đến đó để thực hiện nhiệm vụ.

 “Ở đâu nhân dân gặp khó khăn, gian khổ, thiên tai, dịch bệnh thì ở đó có bộ đội giúp dân. Có thể nói, trong thời bình, phẩm chất, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục được phát huy và tỏa sáng”-phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch nước) tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ X (tháng 6-2020). 


 “Dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tình trạng nhập cảnh trái phép vẫn xảy ra hằng ngày, vì thế hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ biên phòng vẫn phải tạm gác tình riêng, tiếp tục bám trụ nơi biên cương heo hút, khắc nghiệt để ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19, bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân”-Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng.

 

 “Bộ đội Cụ Hồ là danh xưng mà nhân dân tôn vinh; là giá trị văn hóa độc đáo, sáng tạo, tiêu biểu trong dòng chảy văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”-nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

>>Mời bạn đọc tiếp Bài 2: Hậu phương vạn dặm khó khăn, cách trở

TRẦN TUẤN - TẤN TUÂN - HOÀNG TIẾN - HỒNG SÁNG (Báo Quân đội nhân dân điện tử)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X