Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Monday, October 18, 2021 , 0 bình luận

Hoàn thiện mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường lên CNXH ở Việt Nam là vấn đề lý luận - thực tiễn bao trùm của lý luận - thực tiễn đổi mới.

>>Linh mục Đinh Hữu Thoại đưa thông tin sai sự thật bị xử phạt 

>>Bắt tạm giam để điều tra Nguyễn Đoàn Quang Viên về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

>>Luận điệu xuyên tạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) của Đảng

>>Vụ 15 con chó bị tiêu hủy: Làm quá hay cố tình hướng lái dư luận chống chính quyền

>>Ngăn chặn âm mưu chia rẽ tình quân dân

Năm 1996, tại Diễn đàn Đại hội thứ VIII của Đảng, đồng chí H. Xing Xơ-dit, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Ấn Độ, đánh giá: Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội thông qua đổi mới. Thành tựu mà nhân dân Việt Nam có được là do các đồng chí đã nghiêm túc nỗ lực áp dụng học thuyết mác-xít lê-nin-nít vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, dưới tên gọi tư tưởng Hồ Chí Minh. Tại Đại hội IX của Đảng (2001), đồng chí An-tô-sen-cô (Đảng Cộng sản Nga) nói: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh  chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Việt Nam.

Và, tại Đại hội XIII của Đảng (1-2021), trong Điện mừng của Đảng Cộng sản Bra-zil gửi tới Đại hội, có đoạn viết: Sau 35 năm đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước, có thể khẳng định con đường mà Việt Nam lựa chọn là đúng đắn. Điện mừng của Đảng Cộng sản Chi-lê có đoạn viết: Di huấn về tự do, độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc sâu trong trái tim nhiều thế hệ chiến sĩ cộng sản, nhân dân Chi-lê và ngày nay, tư tưởng này của Người vẫn tiếp tục đồng hành trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, tự chủ, công bằng và giải phóng dân tộc. Điện mừng của Đảng Nhân dân Xã hội chủ nghĩa Mê-hi-cô có đoạn viết: Đảng Nhân dân Xã hội chủ nghĩa Mê-hi-cô đánh giá cao những kết quả, thành tựu mà các đồng chí đã giành được. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí và chia sẻ với nhận định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Mục tiêu tối thượng của chủ nghĩa xã hội: Tất cả từ con người, vì con người và cho con người (Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi, động viên bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn) _Ảnh: Tư liệu

Đó không chỉ là thành công mà còn là sức sống của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đối với nước ta trong thế kỷ XXI. Đó cũng là trọng trách vĩ đại của Đảng ta trước vận mệnh của đất nước, đáp ứng nguyện vọng tha thiết và cháy bỏng của nhân dân ta; quyết định sứ mệnh lịch sử của Đảng trước dân tộc hiện nay và trong tương lai.

1- Nghiên cứu lý luận cơ bản trên nền tảng tổng kết thực tiễn vận động thống nhất, đa dạng và toàn cục của thế giới nhằm nghiên cứu lý luận ứng dụng về chủ nghĩa xã hội

Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu tất yếu trên con đường phát triển của nhân loại, còn đi tới mục tiêu đó như thế nào, với cách thức và tốc độ ra sao lại hoàn toàn tuỳ thuộc vào mỗi nước. Bởi vậy, để trả lời chính xác các câu hỏi đó, chỉ có thể là kết quả của việc thực hiện tốt và đồng bộ công tác nghiên cứu lý luận cơ bản, nghiên cứu lý luận ứng dụng và nghiên cứu triển khai.

Trong hàng loạt vấn đề lý luận, trước mắt nổi bật hai điểm then chốt và cơ bản: Một là, nhận thức lại chủ nghĩa tư bản từ truyền thống sang hiện đại; và hai là, đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội, từ lý luận tới thực tiễn.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ bước ngoặt đầy thử thách giữa hai thế kỷ, hai thiên niên kỷ. Bước ngoặt đó cho thấy, có những suy ngẫm xơ cứng về chủ nghĩa tư bản hiện đại suốt nhiều thập niên qua có nhiều điểm đã tỏ ra không thích hợp. Tức là, những sự đánh giá đơn giản về nó được đưa ra từ đầu thế kỷ với tính cách chủ nghĩa tư bản đã đạt tới cái gọi là giai đoạn “tan rã”, “hấp hối” và do đó, “không tránh khỏi” nhanh chóng sụp đổ, thì ngày nay cần lý giải thuyết phục hơn. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu một cách đầy đủ, rõ ràng xem vì sao chủ nghĩa tư bản hiện vẫn tỏ ra có khả năng thích nghi? Có một lý do đáng nói là, một thời dường như bằng sự nôn nóng và máy móc, chúng ta đã quên đi cách xem xét của C. Mác và lời nhắc nhủ của Người: Khi nhìn nhận xã hội tư bản phải “hiểu biết sự vĩ đại và tính tất yếu nhất thời” của nó. Và, V.I. Lê-nin cũng có lời cảnh báo tương tự, khi Người chưa một lần coi khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản là sự trì trệ: Nếu cho rằng xu hướng đi đến thối nát đó loại trừ sự phát triển nhanh chóng của chủ nghĩa tư bản, thì như thế là sai lầm... Xét toàn bộ, chủ nghĩa tư bản phát triển vô cùng nhanh hơn trước. V.I. Lê-nin đã nghiêm khắc phê phán những ai tự hạn chế ở chỗ không muốn và không biết đưa những thành tựu của chủ nghĩa tư bản vào phục vụ xã hội mới.

Chủ nghĩa giáo điều tả khuynh cắt rời một cách cứng nhắc giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội và chỉ nhìn thấy một chiều những mặt đối lập giữa chúng với nhau mà thôi. Trong khi đó, C. Mác và V.I. Lê-nin đã xem “chủ nghĩa cộng sản là một cái gì phát triển từ chủ nghĩa tư bản mà ra”. Đó cũng chính là cái lô-gíc về tính toàn vẹn và phụ thuộc lẫn nhau về các hình thái xã hội khác nhau của thế giới. Đương nhiên, như thế không có nghĩa là dường như sự phụ thuộc lẫn nhau sẽ kết thúc mọi cuộc đấu tranh; trái lại, cuộc đấu tranh diễn ra phức tạp, đa dạng, nhiều cấp độ hơn và quyết liệt hơn. Cho nên, việc nghiên cứu những tác động qua lại của các hình thái kinh tế - xã hội, sự vận động đấu tranh và phát triển của chúng trong khuôn khổ tính toàn vẹn, thống nhất của thế giới phải trở thành một vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận cơ bản của việc nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội. Tuân theo phép biện chứng duy vật, trong khi xây dựng quan niệm về chủ nghĩa xã hội cuối thế kỷ XX, phải nghiền ngẫm không chỉ sự đối lập, mà cả mối liên hệ tất yếu và tính kế thừa biện chứng giữa các hình thái kinh tế - xã hội. Điều này ngày càng trở nên phù hợp với sự chỉ dẫn của V.I. Lê-nin rằng, những mặt đối lập của mâu thuẫn biện chứng nằm trong cả sự loại trừ lẫn nhau, cũng như trong sự xâm nhập lẫn nhau. Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản liên quan với nhau, các hình thái này vừa phủ định lẫn nhau, vừa thâm nhập vào nhau. Bởi lẽ, cái xã hội mà chúng ta nói ở đây không phải là một xã hội cộng sản chủ nghĩa đã phát triển trên những cơ sở của chính nó, mà trái lại, là một xã hội vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa - về mọi phương diện kinh tế, đạo đức, tinh thần - do đó, còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng sinh ra, như C. Mác đã nói.

Trong quá trình hình thành và phát triển xã hội xã hội chủ nghĩa, không thể không coi trọng việc kết hợp một cách tự giác những mặt đối lập giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội một cách biện chứng. Bởi vì, những mặt đối lập đó lại hàm chứa những thành tố tác động một cách khách quan theo cùng một hướng, tạm thời trùng hợp với nhau ở mặt này hay mặt kia, ở mức độ này hay mức độ khác. Chính vì vậy, V.I. Lê-nin hết sức đúng đắn và tỉnh táo khi cho rằng, cần phải buộc các hình thức và phương pháp sản xuất của chủ nghĩa tư bản làm việc cho chủ nghĩa xã hội. Người phân tích, những người xã hội chủ nghĩa không nên “sợ” học tập nhà tư bản. Bởi lẽ, chủ nghĩa tư bản không tốt so với chủ nghĩa xã hội nhưng tốt hơn nhiều so với sản xuất nhỏ, với tư tưởng bảo thủ, tản mạn, phân tán, vô chính phủ của sản xuất nhỏ, với tình trạng quan liêu, cửa quyền phong kiến. Người viết rằng, chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới chính quyền Xô-viết là “ngưỡng cửa của chủ nghĩa xã hội, là điều kiện cho thắng lợi chắc chắn của chủ nghĩa xã hội”. 

Về điểm này, nhiều người cho rằng đó là điều “kỳ lạ”, “phi lý”, nhưng đó chính lại là bước xuyên qua chủ nghĩa tư bản để đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây lại chính là vấn đề mà chưa bao giờ C. Mác và Ph. Ăng-ghen có điều kiện đề cập. V.I. Lê-nin nói: Không có lấy một quyển sách nào nói đến chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới chế độ cộng sản cả. Ngay C. Mác cũng không viết một lời nào về vấn đề đó, và Người không để lại một lời nào rõ rệt, một chỉ dẫn chắc chắn nào về vấn đề ấy cả. Vì thế, ngày nay, chúng ta phải chủ động làm sáng tỏ. Song, ở vấn đề này, C. Mác đã để lại cho chúng ta một kinh nghiệm lớn, khi Người phân tích một cách khoa học, một xã hội cụ thể và một sự tiến bộ nhất định, tức là: “Xã hội tư bản chủ nghĩa và sự tiến bộ tư bản chủ nghĩa”. Vì thế, V.I. Lê-nin cho rằng, chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thành công nếu biết học tập, phát triển những thành tựu tiên tiến nhất, tốt nhất của nhân loại, phải “dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt nhất của nước ngoài”.

Tình thế lịch sử toàn thế giới hiện nay trước sự phát triển của nền kinh tế tri thức và xu thế toàn cầu hóa về mặt kinh tế có thể quy định sự biến đổi nào đó các tính quy luật của mọi hình thái kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, chủ nghĩa xã hội - dưới hình thức này hoặc hình thức khác - không thể không tái tạo những mặt khác nhau nhất trong bước phủ định tất yếu theo quy luật đối với chủ nghĩa tư bản. Chúng ta sẽ không thật sự hiểu được những hình thái khác nhau trong thế giới ngày nay nếu chỉ nhìn chúng trong sự “thuần khiết” và tách rời nhau. Chỉ có như vậy, chủ nghĩa xã hội mới đạt tới mức độ đầy đủ khoa học, đáp ứng những yêu cầu mới của cuộc đấu tranh vì sự đổi mới của chủ nghĩa xã hội trong thế giới đầy phức tạp hiện nay.

Nếu ở trên, việc nghiên cứu những quy luật tác động qua lại của các hình thái, sự vận động và phát triển của chúng trong khuôn khổ của tính toàn vẹn thống nhất của thế giới phải trở thành vấn đề căn bản thứ nhất của việc phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học, thì tới đây, vấn đề quan trọng khác chính là, cần tập trung làm rõ về mặt lý luận  thực tiễn của chủ nghĩa xã hội trên các bình diện khác nhau.

Sự phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học đã trở thành vấn đề hết sức rộng rãi và đa diện. Các nhà kinh điển chưa đưa ra một mô hình hoàn chỉnh về xã hội xã hội chủ nghĩa, mà chỉ mới phác thảo một số đặc trưng cơ bản của nó. Hơn nữa, đó là sự trừu tượng hóa cao độ đối với xã hội tương lai từ một số nước phát triển nhất, ở đó lực lượng sản xuất được xã hội hóa cao. Cho nên, con đường sáng tạo của chủ nghĩa xã hội càng trở nên rộng rãi đối với tất cả các quốc gia ở các trình độ khác nhau, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc xác lập diện mạo và chất lượng mới của chủ nghĩa xã hội. Nghĩa là, cần phải thấu triệt cái chân lý không thể chối cãi được là, người mác-xít phải chú trọng đến cuộc sống sinh động, đến những sự thật chính xác của hiện thực, chứ không chỉ dựa vào mỗi lý luận chỉ vạch ra được nét căn bản, nét chung, chỉ tiến gần tới chỗ nắm được tính chất phức tạp của cuộc sống mà thôi.

Thành phố Hồ Chí Minh sau 35 năm đổi mới _Ảnh:Tư liệu

2- Kiên trì nguyên tắc chung, xuất phát từ điều kiện của chính mình, nắm lấy những mắt khâu căn bản và các khâu đột phá làm chuyển động toàn cục

Những dấu hiệu và sự khởi phát của cuộc cải cách, đổi mới ở các nước xã hội chủ nghĩa đã được đẩy tới mạnh mẽ vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 trong thế kỷ XX, ở những mức độ khác nhau. Dù ở mức độ này hay khác, nhưng không một nước nào coi nhẹ mục đích chung của công cuộc cải cách, đổi mới là nhằm ổn định và phát triển. Trên cơ sở đó, tuỳ thuộc vào tình hình kinh tế, chính trị, điều kiện địa lý, cơ cấu dân cư và đặc điểm dân tộc... của mỗi nước mà lựa chọn những phương pháp và bước đi thích hợp cho đất nước mình.

Từ toàn bộ những điều đó, tối thiểu sẽ dẫn tới mấy vấn đề cơ bản sau đây trong việc tiếp tục nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội nói chung và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói riêng:

Một là, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một quá trình lịch sử lâu dài và đầy phức tạp, thậm chí có những khúc quanh, những khúc thất bại tạm thời. Phải nhấn mạnh điều này để khắc phục các thái độ bi quan, “lạc quan tếu” hoặc giáo điều trong nghiên cứu và trong hoạt động thực tiễn. Chủ nghĩa tư bản đã mất cả trăm năm để hình thành và phát triển như ngày nay. Chủ nghĩa xã hội - một hình thái cao hơn chủ nghĩa tư bản - liệu có thể giải quyết được nhiệm vụ của mình trong mấy chục năm không? Chắc chắn là không. Hơn nữa, tính chất lâu dài và phức tạp của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội lại nằm ngay trong mục tiêu cơ bản của nó. Tính chất này còn bị quy định bởi loạt yếu tố khác như điểm xuất phát của các nước, trong đó có nước ta, đi lên chủ nghĩa xã hội với xuất phát điểm rất thấp và thậm chí quá thấp, chỉ cần mắc một sai lầm thì thời gian cần phải sửa chữa không chỉ là một vài thập niên. Đó còn chưa kể đến điều như V.I. Lê-nin nói, phải “làm thử”, “làm đi làm lại”, phải bắc những “chiếc cầu nhỏ”, hàng nghìn bước trung gian có tính “quá độ”. Và nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, “chủ nghĩa xã hội là phải có biện  pháp chứ không chỉ là đường lối” và có “mục đích” và “cách làm”. Cho nên, cần phải dự báo hoặc phác thảo một cách khoa học những chặng đường, bước đi, những thời kỳ, giai đoạn một cách phù hợp trong tầm nhìn đến năm 2045.

Hai là, việc tiếp tục nghiên cứu và làm rõ cái chung và cái riêng, cái phổ biến và cái đặc thù trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng trở nên bức bách. Đây chính là vấn đề tính thống nhất và tính đa dạng của chủ nghĩa xã hội. Nói như V.I. Lê-nin, cần phải thúc đẩy sự phát triển độc lập của chủ nghĩa Mác ở từng nước. Các nước xã hội chủ nghĩa đều có mục tiêu chung, nhưng mỗi nước đi tới mục tiêu chung đó lại hoàn toàn không giống nhau vì con đường riêng ấy phải phù hợp với điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội ở mỗi nước. Trước đây, chúng ta thường nhấn mạnh một chiều tính thống nhất mà xem nhẹ tính đa dạng. Do vậy, cùng với việc chuẩn hóa lại các quy luật chung, rất cần đề cập đến và xác lập các “dung mạo”, các “đặc sắc” cụ thể và các tính quy luật trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: Cuộc đấu tranh giai cấp ở phương Đông không giống ở phương Tây... Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ba là, một trong những tiền đề quan trọng nhất để biến chủ nghĩa xã hội từ lý tưởng thành hiện thực chính là phải xây dựng một nền kinh tế năng động và hiện đại; đồng thời, xác lập một thể chế chính trị phù hợp. Đây cũng chính là một mục tiêu trước mắt của chủ nghĩa xã hội. Trên phương diện này, cả lý luận và thực tiễn đang cấp bách đòi hỏi giải quyết hàng loạt vấn đề: Chủ nghĩa xã hội có tương hợp với kinh tế thị trường không? Sự điều tiết của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đối với nó như thế nào? Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong điều kiện đó ra sao? Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là như thế nào? Về quan niệm những giá trị nhân loại chung và việc chúng ta thâu thái, sử dụng những giá trị của nhân loại trong chủ nghĩa tư bản vì chủ nghĩa xã hội như thế nào? Vấn đề an ninh sinh thái và sự phát triển bền vững là gì?...

Nhận thức và tổ chức thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội nếu chỉ tự gò mình vào phương pháp đem đối lập nó với chủ nghĩa tư bản sẽ là một sự tự làm khô cứng chủ nghĩa xã hội, tự cô lập mình và rốt cuộc, vô hình trung lại rơi vào siêu hình, máy móc. Nghĩa là, không phải đơn thuần cứ đem đối lập về mọi mặt với chủ nghĩa tư bản là thấy được chủ nghĩa xã hội hoặc chỉ qua việc trích dẫn các tác phẩm kinh điển, hay chỉ từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mấy thập niên qua là đủ. Điều quan trọng là phải vận dụng phép biện chứng duy vật vào việc nghiên cứu, xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của Việt Nam và thời đại, từ đó đề ra những phương hướng chủ đạo, hệ giải pháp lớn, hữu hiệu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, sự phát triển của nền kinh tế tri thức cả về quy mô, tính chất và chiều sâu của nó, xu thế toàn cầu hóa đã và đang làm đảo lộn thế giới, thì các vấn đề trên đối với sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không thể không trở thành công việc cấp bách. Không phải ai khác, mà chính C. Mác đã không ít lần nhấn mạnh rằng, trong cuộc sống diễn ra những sự thay đổi thường xuyên có ý nghĩa thế giới quan, nảy sinh những ngành, kiến thức mới, những quan niệm và tư tưởng mới, rằng sự phát triển của tư duy phụ thuộc vào những điều kiện và tình huống cụ thể của lịch sử. Trong thế giới phát triển và đang phát triển có rất nhiều ý tưởng độc lập. Do vậy, trước đây cũng như trong tương lai, điều cần thiết là phải suy nghĩ và hành động một cách độc lập theo tiếng gọi của mệnh lệnh tự do và độc lập.

Bốn là, con người thật sự phải là trung tâm của chủ nghĩa xã hội. Đó cũng chính là mệnh đề cao nhất của thế kỷ XXI. Đối với chủ nghĩa xã hội, quá trình con người với tư cách là con người được giải phóng khỏi áp bức, nô dịch, đi đến con đường là chủ nhân của xã hội, con người tự do, diễn ra như thế nào? Từ con người cá nhân đến con người xã hội và ngược lại, ra sao? Con người vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và những điều gì bảo đảm cho con người làm tốt các vai trò đó? Quan sát trên bình diện lý luận và nhất là thực tiễn thì quả là không ít điều đáng bàn, không ít việc cần phải làm. Bởi lẽ, đây chính là mục tiêu tối thượng của chủ nghĩa xã hội: Tất cả từ con người, vì con người và cho con người.

Tất nhiên, còn nhiều vấn đề khác nữa, nhưng đó là những vấn đề chính yếu nhất trên con đường phát triển xã hội chủ nghĩa mà chúng ta cần tiếp tục nghiền ngẫm và kiến giải.

Năm là, về phương thức phát triển. Lịch sử thế giới đã và đang cho thấy, chưa bao giờ phát triển như một cuộc duyệt binh. Vì phương thức sự phát triển của lịch sử vốn là đa dạng trong thống nhất: Vừa tuần tự, vừa nhảy vọt, vừa phát triển, vừa ngưng đọng, thậm chí cả những bước phát triển dích dắc xen lẫn cả những bước lùi tạm thời...

Nhìn toàn cục, đó là bài học lớn về phương pháp xử lý thời và thế, cái khách quan và cái chủ quan, bên trong và bên ngoài..., đưa lịch sử phát triển theo phương thức rút ngắn. Nói cách khác, đó cũng là sự phát triển nhảy vọt, khi chuẩn bị thế trận toàn vẹn, chờ đợi và nắm lấy thời cơ đã thực sự chín muồi, để giải quyết đại cục. Có thể nói, đó là nghệ thuật phát triển rút ngắn cần được nghiền ngẫm một cách thấu đáo.

Trong việc nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội, nếu chúng ta chỉ khư khư coi mọi ý kiến của những người sáng lập đều phù hợp với mọi trường hợp của cuộc sống thì vô hình trung, đã biến lý luận thành một lược đồ cứng nhắc, làm cho nó mất khả năng tự phát triển, và do đó, mất sự tác động có hiệu quả đến thực tiễn và tiến trình lịch sử. Nghĩa là, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến khởi nguyên của tư tưởng, đến lô-gíc phát triển của tư duy lý luận, đề phòng rơi vào thứ tư duy ngắn hạn, chắp vá và vay mượn.

Do đó, xây dựng một cách nhìn toàn diện; phân tích cụ thể những tình huống cụ thể là phương pháp quan trọng bậc nhất trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội; đồng thời, không thể không xem trọng tương quan giữa cái lô-gíc và cái lịch sử. Chỉ có như vậy, lý luận về chủ nghĩa xã hội mới thực sự có cơ hội và môi trường để làm tốt vai trò dẫn dắt thực tiễn phát triển.

Tổ chức tốt thực tiễn, kịp thời và thường xuyên tổng kết kinh nghiệm thực tiễn là con đường duy nhất đúng để phát triển lý luận cách mạng (Trong ảnh: Tình cảm quân - dân thắm thiết) _Nguồn: qdnd.vn

3- Tổ chức thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm, tiên lượng kế sách nhằm tiếp tục phát triển lý luận, bảo đảm sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội

Nói như vậy cũng có nghĩa là nói tới sự cần thiết phải phát triển lý luận một cách sáng tạo trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Trong quá khứ, sự phát triển ấy được quy thành một sự kết hợp ít nhiều máy móc đã khiến cho lý luận về chủ nghĩa xã hội bị phá vỡ tính chỉnh thể; do tình trạng chắp vá, giáo điều làm cho lý luận lạc hậu, mất tác dụng dẫn dắt thực tiễn, trong khi thực tiễn thì lại vận động một cách tự phát, thậm chí mù quáng, vì thiếu lý luận đúng đắn dẫn đường.

Tất nhiên, không phải vì thế rồi coi lý luận là một điểm tựa có thể lập tức giải quyết được mọi vấn đề. Nhưng, lúc này, không gì thực tiễn hơn, chúng ta cần có một hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội một cách ngang tầm. Cuộc sống luôn diễn ra hết sức phức tạp, muôn màu, muôn vẻ. Đặc biệt, ở vào thời kỳ có tính bước ngoặt, thực tiễn nảy sinh những vấn đề mới, không chỉ về tính chất, mức độ, mà cả về quy mô. Và muốn giải quyết những vấn đề ấy một cách kịp thời và đúng đắn, cần phải nâng cao trí tuệ và hiệu quả hoạt động của Đảng với tư cách là mắt khâu, là chủ thể kết nối lý luận với thực tiễn cách mạng.

Do đó, tổ chức tốt thực tiễn, kịp thời và thường xuyên tổng kết kinh nghiệm thực tiễn là con đường duy nhất đúng để phát triển lý luận cách mạng. Lịch sử cách mạng nước ta xác nhận: Từ thực tiễn tồn tại và phát triển của xã hội Việt Nam, Đảng ta vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tìm ra bản chất, quy luật vận động đặc thù của Việt Nam, đề ra đường lối độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo cho cách mạng Việt Nam. Và, đây là một trong những bài học lịch sử vô giá làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của lý luận về chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn nhằm vừa nâng cao trình độ lý luận, vừa nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn của Đảng.

Đây không chỉ là vấn đề thuộc về nguyên tắc mà còn là một nhu cầu nội tại của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Cố nhiên, coi trọng thực tiễn không phải là sự đồng nghĩa với chủ nghĩa thực dụng, thiển cận, kinh nghiệm chủ nghĩa; đồng thời, đề cao lý luận càng không có nghĩa là lý luận tự thân hoặc lý luận suông. Hàng loạt căn bệnh, như nóng vội, chủ quan, giáo điều, kinh nghiệm chủ nghĩa hay bảo thủ, trì trệ, sao chép lý luận... nảy sinh trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội mấy chục năm qua, một phần quan trọng là do sự lệch lạc hoặc phiến diện trong việc nhận thức vấn đề có ý nghĩa cốt tử này.

Bởi vậy, trong việc tổng kết kinh nghiệm, trước hết phải bám sát thực tiễn đất nước trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa và đời sống nhân dân ta; qua đó, phát hiện, tìm tòi những hình thức, bước đi, phương pháp phù hợp cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Cố nhiên, trong toàn bộ sự vận động đa dạng và phức tạp đó, phải nhận rõ nét bản chất nhất, xu hướng có tính chủ đạo của hiện thực, chứ không phải là thực tế của một phương diện nào đó, cho dù là quan trọng. Cần kế thừa nhưng biết phủ định biện chứng nhằm bảo đảm sự nhất quán và phát triển liên tục trong quá trình xây dựng các quan điểm lý luận và thực tiễn về định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Các kinh nghiệm đã đúc rút ra phải tiếp tục được khảo nghiệm trong thực tiễn, thông qua đó để kiểm nghiệm đúng sai, chú ý tiếp thu những sáng tạo của quần chúng, của cơ sở để không ngừng phát triển, bổ sung, điều chỉnh các kinh nghiệm đó theo sự phát triển của thực tiễn đất nước, làm cơ sở cho việc phát triển lý luận, trực tiếp hoạch định đường lối của Đảng; gắn lý luận với thực tiễn và lấy thực tiễn để kiểm chứng, bổ sung và phát triển lý luận. 

Đồng thời, trong việc tổng kết kinh nghiệm, chúng ta cần không ngừng thâu thái, phân tích và tiếp thụ có chọn lọc những kinh nghiệm của các nước trên thế giới và trong khu vực với thái độ thực sự cầu thị, không kỳ thị, không xa lánh, với phương pháp độc lập, sáng tạo, không rập khuôn máy móc và không thực dụng. Vì, thông qua hợp tác, học hỏi lẫn nhau có chọn lọc và phê phán mới có thể xây dựng nên chủ nghĩa xã hội hoàn chỉnh. Đó chính là con đường hiệu quả nhất để khắc phục sự chủ quan, duy ý chí, sự mày mò thiển cận và bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta thực sự khoa học và sáng tạo, vừa đáp ứng với những yêu cầu phát triển của đất nước, vừa phù hợp với xu thế vận động của thời đại, góp phần phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội. 

Toàn bộ các công việc trên đây, xét về thực chất, là nhằm tới mục tiêu xác lập một đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo về lý luận của Đảng để chỉ đạo thắng lợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là việc hệ trọng, to lớn và nặng nề. Nó đòi hỏi chúng ta:

Nhìn ra thế giới, dự báo thời cuộc, nắm vững những luận điểm khoa học có giá trị bền vững trong chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đứng vững trên quan điểm duy vật và phương pháp biện chứng, kiên trì một cách thực tiễn mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Phân tích quy luật vận động của xã hội Việt Nam trong lịch sử và đương đại thông qua sự tổng kết lịch sử một cách toàn diện và sâu sắc qua từng thời kỳ phát triển khác nhau, thâu thái những kinh nghiệm tốt của các nước, những tinh hoa của thế giới. Tất nhiên, tương lai không phải bao giờ cũng là đường kéo dài của quá khứ, nhưng nó phải là sự phát triển trên nền tảng lịch sử một cách phong phú và đa dạng.

Phê phán và tự phê phán một cách khách quan, khoa học, không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được; đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm sai trái, những thế lực chống lại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân ta, làm vẩn đục sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Có thể nói, đất nước không thể tiếp tục tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách đúng hướng và bền vững, nếu thiếu sự định hướng đúng đắn, một mô hình phù hợp, một con đường rõ ràng, một cơ chế vận hành xã hội thật sự khoa học và hiệu quả...; thậm chí, sẽ đi tới chỗ thất bại nếu cắt rời hay hạ thấp bất cứ mặt nào. Đó là một chỉnh thể vấn đề: Từ lựa chọn mục tiêu chủ nghĩa xã hội tới định hướng xã hội chủ nghĩa đến định hình, định vị chủ nghĩa xã hội và hoạch định con đường xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó cũng chính là những thành tố tạo nên chỉnh thể và sự toàn vẹn của thực tiễn sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Tất cả hợp thành lý luận xã hội chủ nghĩa độc lập, sáng tạo dẫn dắt sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.

>>Mời bạn đọc tiếp kỳ 1: Chúng ta đi đến xã hội chủ nghĩa như thế nào?

TS Nhị Lê (Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản/Tạp chí Cộng sản)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X