Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, March 07, 2019 , 0 bình luận

Mất giấy phép lái xe phải thi lại: Không có lý do gì để Bộ GTVT 'đẻ' thêm quy định

“Tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại” – đề xuất của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đang gây nhiều tranh cãi.


Tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt do Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 6/3, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khi nói về những bất cập trong cấp phép lái xe hiện nay đã đề xuất phương án: “Tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3".
Đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đang gây nhiều tranh cãi. 

Phát biểu của Bộ trưởng lập tức khiến dư luận phản ứng. Bởi, Bộ GTVT đã có Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 7/11/2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, đặc biệt qui định rõ ràng về các trường hợp người bị mất giấy phép lái xe được cấp lại. Các qui định tại thông tư 46 được cho là khá chặt chẽ, phù hợp.
Tuy nhiên, với tình trạng mất an toàn giao thông phức tạp như thời gian qua có phần nguyên nhân không nhỏ từ việc cấp bằng lái cho những người không đạt yêu cầu đã khiến người dân bức xúc, lo lắng, cần Bộ GTVT phải có giải pháp quyết liệt giải quyết vấn đề này.
Thế nhưng, với đề xuất của mình, Bộ trưởng GTVT đang đẩy khó cho người dân. Bởi, các qui định về cấp mới, cấp lại các loại văn bằng, giấy tờ đều đã được pháp luật qui định rõ, đặc biệt với các trường hợp còn hồ sơ gốc. Vì vậy, không có lý do gì để Bộ GTVT “đẻ” thêm quy định về cấp lại bằng lái xe cho người dân!

Cộng đồng mạng "dậy sóng" 

“Giấy phép lái xe là chứng chỉ nghề, giống như bao chứng chỉ nghề khác và không có luật nào quy định khi anh đánh mất chứng chỉ nghề thì anh phải học lại nghề đó”... Đây là một trong rất nhiều bình luận của bạn đọc về phát ngôn của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại phiên giải trình của Ủy ban Tư phá

Chỉ ít giờ sau khi phát ngôn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại phiên giải trình trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sáng qua, 6-3, về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt được báo chí đăng tải rộng rãi, rất nhiều bình luận, comment trên các tờ Báo điện tử hoặc mạng xã hội bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Đặc điểm chung là số đông bình luận tỏ ra băn khoăn, chưa đồng tình với ý kiến của người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải (GTVT). Trong đó, phát ngôn: "Chúng tôi cũng đề xuất phương án, tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3" của Bộ trưởng Bộ GTVT nhận được nhiều sự phản đối hơn cả.
Bạn đọc khachuynh299 bình luận: “Số lợi dụng sơ hở trong việc cấp lại bằng lái xe để có thêm bằng là rất ít so với số mất thật. Nếu áp dụng thi lại với tất cả trường hợp sẽ gây lãng phí rất nhiều thời gian, tiền bạc của những người mất thật, nhất là đối với những bằng lái xe hạng cao”.
Bạn đọc Nguyễn Cường Thịnh thì nhìn nhận dưới góc độ khác: “Việc mất bằng chỉ là việc không may và vẫn còn hồ sơ gốc để chứng minh. Mất bằng lái mà phải thi lại sẽ là một tiền lệ xấu, bởi lỡ sau này mất bằng đại học, cao học... cũng sẽ phải thi lại sao?!”
Hay bạn đọc Hungviva so sánh: “Giấy phép lái xe là chứng chỉ nghề, nó giống như bao chứng chỉ nghề khác như thợ hàn, thợ điện, nó phải nằm chung trong hệ thống đào tạo nghề ở VN và thế giới. Không có luật nào quy định khi anh đánh mất chứng chỉ nghề thì anh phải học lại nghề đó”.
Bạn đọc có nick name Quê lúa Thái Bình bình luận: “Bị mất giấy phép lái xe là chuyện thường xuyên xảy ra, nhưng mất mà phải thì lại như Bộ trưởng nói thì ít ai chấp nhận được... Mất bằng thông báo số giấy phép, tên lái xe, ngày đã cấp ... kể từ ngày bao nhiêu là hết hiệu lực và cấp giấy phép mới là xong”.
Gay gắt hơn, bạn đọc Trúc Ly bình luận: “Việc Bộ trưởng đề xuất nếu ai mất bằng lái xe đều phải thi lại, xem ra Bộ trưởng lại làm khó dân rồi. Là tư lệnh ngành cần nghĩ ra cách quản lý sao cho có hiệu lực, hiệu quả trong việc đào tạo, cấp phép lái xe hơn là nghĩ ra các hình thức không đâu, thậm chí hết sức vô lý chỉ áp đặt, phiền hà cho dân”...
Trước đó, tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã nói: "Chúng tôi cũng đề xuất phương án, tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3...".

Sao lại đẩy phần khó sang người dân

Liên quan đến phát ngôn của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về đề xuất sẽ bắt buộc thi lại đối với tất cả những trường hợp mất Giấy phép lái xe- GPLX, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, quy định này là không nên.
Theo đó, ông Quyền cho biết, trước đây đã có quy định, khi mất GPLX thì người mất phải chờ 1 tháng (kể từ ngày nộp đơn trình báo mất và xin cấp lại bằng lái) để lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh xem mất thật hay do vi phạm bị thu giữ bằng lái.
Tuy nhiên, sau đó, trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, có ý kiến cho rằng, quy định này gây khó khăn cho người dân, nên đã bãi bỏ.
“Bây giờ lại đưa ra đề xuất, các trường hợp mất bằng lái xe đều buộc phải thi lại  để cấp bằng mới sẽ rất khó cho những người bị mất thực sự. Trong khi người dân vừa bị mất tài sản, giấy tờ thì lại bị làm khó thêm lần nữa, bị buộc phải thi lại để cấp GLPX, gây lãng phí thời gian và kinh phí”- ông Quyền bày tỏ.
Để khắc phục tình trạng một số người báo mất giả để xin cấp lại GPLX do bị thu giữ, theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam, cần tăng cường phối hợp sự quản lý giữa các cơ quan Nhà nước, áp dụng công nghệ thông tin vào hỗ trợ, còn quy định như đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ làm khó người dân,  không phù hợp với yêu cầu về cải cách hành chính.
Theo ông Quyền, Chính phủ nên chỉ đạo lực lượng chức năng, nhất là lực lượng CSGT cập nhật đầy đủ, kịp thời các trường hợp bị thu  giữ bằng lái về cơ sở dữ liệu GPLX đã được Tổng cục Đường bộ chuyển giao công nghệ trước đó.
Các lực lượng chức năng phải cập nhật đầy đủ kịp thời, khi ngành giao thông tiếp nhận đơn trình báo mất GPLX để xin cấp lại của người dân thì bộ phận cấp GPLX sẽ có trách nhiệm tra cứu dữ liệu, nếu hợp lệ thì thực hiện cấp lại theo quy định.
Ông Quyền nhấn mạnh: “Bất cập và lỏng lẻo nằm ở sự phối hợp của các lực lượng chức năng thì phải chỉnh đốn lại khâu này, không thể vì một sự phối hợp chưa chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước mà đẩy phần khó về cho người dân là không nên”.
Trong khi đó, đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái- Tổng cục đường bộ Việt Nam cho rằng, theo Thông tư liên lịch 01 của Bộ Công an – Bộ GTVT phối hợp cung cấp số liệu vi phạm, CGST sẽ gửi các vi phạm của người lái xe sang bên Tổng cục Đường bộ cập nhật. Phần mềm quản lý GPLX của đường bộ có cả phần mềm quản lý vi phạm bằng lái.
Tuy nhiên, hiện tại mới gửi dữ liệu các trường hợp bị tước bằng lái, mà chưa cập nhật các trường hợp tạm giữ có thời hạn.
“Nhiều trường hợp tạm giữ GPLX do vi phạm có thời hạn 1-2 tuần nhưng nhiều lái xe không đến nộp phạt lấy lại bằng, mà giả mất bằng lái đến cơ quan đường bộ để xin lại. Thậm chí một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải lái xe giả mất bằng để xin cấp lại”, đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái cho biết.
Bày tỏ về đề xuất “mất bằng lái phải thi lại”, đại diện Vụ này cho rằng, Bộ trưởng Bộ GTVT mong muốn quản chặt tình trạng này, hạn chế đối tượng giả mất bằng hoặc bị tạm giữ bằng cố tình khai sai để xin cấp lại.
Tuy vậy, đây mới là đề xuất, có thể Bộ sẽ giao cho các cơ quan tham mưu nghiên cứu các vấn đề về pháp chế, quy định. Ngành giao thông cũng đang xây dựng quy chế phối hợp để lực lượng CSGT cập nhật luôn các vi phạm bằng phần mềm, liên thông thông tin hai ngành để thuận tiện quản lý.
Theo VOV/ANTĐ

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X