Chuyến công du châu Âu trong 6 ngày (từ 21 đến 26-3) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tạo một bước ngoặt mới trong quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), với việc Italy trở thành quốc gia đầu tiên của khối EU và Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Bắc Kinh.
Tại điểm dừng chân đầu tiên Italy, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện một loạt hoạt động được đánh giá là thành công. Ngay khi đặt chân đến Italy, ông đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Italy Sergio Mattarella và sau đó là Chủ tịch Thượng viện Maria Elisabetta Alberti Casellati (hôm 22-3).
Các cuộc hội đàm xoay quanh việc nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Đặc biệt là cuộc hội đàm và ký kết văn kiện hợp tác với Thủ tướng Giuseppe Conte diễn ra tại dinh Villa Madama, Rome hôm 23-3.
Tại đây, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Conte đã có cuộc hội đàm về việc nâng tầm quan hệ hai nước, tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết 30 thỏa thuận hợp tác kinh tế trị giá hơn 2,8 tỉ euro, trong đó đặc biệt quan trọng là Bản ghi nhớ hiểu biết (MOU) về việc Italy tham gia xây dựng các dự án nằm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Nằm trong mục tiêu, Chủ tịch Tập Cận Bình đi thăm một số hải cảng quan trọng của Italy, bao gồm Genova, Palermo trên đảo Sicily và Trieste. Các hải cảng này đều có địa thế thuận lợi là nằm gần châu Phi.
Một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy việc Italy tham gia “Vành đai và Con đường” là một chính khách hoàn toàn mới mẻ trên chính trường: ông Michele Geraci, Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Italy, xuất thân từ thành phố cảng Palermo trên đảo Sicily. Geraci từng có thời gian sinh sống và dạy học (ngành tài chính) tại Trung Quốc, vì thế ông cũng là người cổ xúy mạnh mẽ nhất cho việc tham gia các dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc tại Italy.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte sau khi ký bản Ghi nhớ về việc Italy tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường”
Trên báo, đài Italy, Geraci đã ra sức thuyết minh về các lợi ích kinh tế to lớn cho Italia nếu tham gia sáng kiến của Trung Quốc, bao gồm tiềm năng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc và đặc biệt là dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc có thể giúp Italy sớm vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Mỹ và đồng minh đang rất "khẩn trương" về việc Italy bắt tay với Trung Quốc. Từ trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình đặt chân đến Italy, dư luận quốc tế đã sôi lên về tương lai "Vành đai và Con đường" sẽ cập bến châu Âu, nhất là khi nó lôi kéo được một quốc gia thuộc nhóm G7. Washington rất lo lắng trước việc Chính phủ Italy - do hai đảng Phong trào 5 sao (M5S) chủ trương dân túy và Liên đoàn phương Bắc (NL) cực hữu lãnh đạo - tích cực tham gia sáng kiến của Trung Quốc vì Washington tin rằng sáng kiến “Vành đai và Con đường” là công cụ để Trung Quốc tăng cường sức mạnh cả về chính trị lẫn chiến lược trên phạm vi toàn cầu.
Garet Marquis, người phát ngôn nhóm cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng đã đưa ra lời cảnh báo Italy "không nên ủng hộ các dự án cơ sở hạ tầng phù phiếm" của Trung Quốc và rằng việc làm đó có thể "gây tổn hại uy tín" cho Italy. Trong khi đó, EU lo ngại một thỏa thuận hợp tác giữa Italy với Trung Quốc sẽ khơi dậy sự chia rẽ trong nội bộ khối giữa Italy với các quốc gia vốn luôn "dè chừng" các mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
EU có lý do rất cụ thể để lo lắng: Năm 2017, lần đầu tiên EU không thể ra một tuyên bố về "tình hình nhân quyền" của Trung Quốc, bởi lẽ Hy Lạp - thành viên EU thời điểm đó nhận vốn đầu tư và vốn vay của Trung Quốc nhiều nhất - đã phủ quyết.
Trước những phản ứng tiêu cực của các đồng minh châu lục và bên kia bờ Đại Tây Dương, Thủ tướng Italy Conte ngay trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc đã khẳng định để trấn an dư luận rằng việc tham gia "Vành đai và Con đường" có khi lại là động thái tốt cho nền kinh tế Italy, bởi nó giúp nước này đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường khổng lồ của Trung Quốc.
Ông Conte cũng không quên xoa dịu các đồng minh châu Âu và Mỹ rằng việc ký kết thỏa thuận hợp tác “Vành đai và Con đường” sẽ không "đe dọa" đến vị trí địa chính trị của Italy. "Chắc chắn nó sẽ không làm lay chuyển mối liên minh châu Âu-Đại Tây Dương của chúng ta" - ông Conte khẳng định. Ông Conte lập luận rằng bản ghi nhớ thực ra không đi sai đường lối chung của EU là tăng cường các mối quan hệ hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng giữa châu Âu và châu Á.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” ra đời vào năm 2013, mang một sứ mệnh đặc biệt làm mới lại "Con đường tơ lụa" lịch sử thời xa xưa từng góp phần đưa sức mạnh Trung Hoa cổ đại vươn ra những vùng đất xa xôi. Đến nay, đã có hơn 60 quốc gia tham gia sáng kiến này, hình thành hai nhánh "Vành đai và Con đường" trên bộ và trên biển, ở phương Bắc đi qua các quốc gia Trung Á, Nga vòng qua Đông và Bắc Âu; còn ở phương Nam đi qua các khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông và Đông Nam Âu. Việc Italy trở thành quốc gia G7 đầu tiên tham gia sáng kiến đánh dấu một bước tiến quan trọng của “Vành đai và Con đường”. Trong tương lai, có thể sẽ còn thêm nhiều quốc gia châu Âu khác tham gia sáng kiến này.
Sau Italy, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp và Công quốc Monaco, cũng với mục tiêu tương tự như chuyến thăm Italy. Đối với Pháp, chuyến thăm nhắc lại lịch sử 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao để từng bước xây dựng nền tảng quan hệ vững chắc trong giai đoạn sắp tới.
Đặc biệt, ở Pháp còn có một Phong trào học tập và làm việc của người Trung Hoa ra đời tròn 100 năm. Một sự thắt chặt quan hệ với Pháp sẽ bảo đảm cho Trung Quốc thêm cơ hội vững chắc để đưa “Vành đai và Con đường” tiến sâu hơn vào châu Âu.
Văn Trương (Công an nhân dân/tổng hợp)