Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Wednesday, August 14, 2019 , 0 bình luận

Cảnh sát Hong Kong tối 13/8 dùng hơi cay trấn áp khi người biểu tình chặn đội cứu thương đưa một người bị bất tỉnh tại sân bay ra ngoài.

>>Giữa biểu tình căng thẳng, TQ không cho tàu chiến Mỹ cập cảng Hong Kong



Cảnh sát và người biểu tình đụng độ tại sân bay quốc tế Hong Kong tối 13/8. Video: Guardian.


Người đàn ông bất tỉnh bị người biểu tình cáo buộc là cảnh sát chìm và trói vào xe đẩy hàng suốt nhiều tiếng. Cảnh sát chống bạo động đã sử dụng vũ lực để mở đường cho đội cứu thương tới đưa người này ra ngoài.
Cảnh sát sau đó định rời ga chính của sân bay quốc tế Hong Kong cùng xe cấp cứu nhưng bị người biểu tình ngăn lại khiến đụng độ nổ ra. Một cảnh sát đã rút súng ra dọa do bị người biểu tình giật dùi cui và tấn công. Lực lượng cảnh sát phải dùng bình xịt hơi cay để đẩy lùi người biểu tình. Ít nhất 4 người bị bắt bên ngoài sân bay.
Đại diện sân bay quốc tế Hong Kong cho biết hoạt động của ga quốc tế "đã bị gián đoạn nghiêm trọng, các quầy làm thủ tục buộc phải đóng cửa" khi hơn 1.000 người biểu tình tràn vào sân bay, chiếm giữ các khu vực xung quanh quầy làm thủ tục từ 14h30 (13h30 giờ Việt Nam). Người biểu tình dựng chướng ngại vật tại một số lối đi trong sân bay bằng xe đẩy hành lý và các đồ vật khác.
Cảnh sát chống bạo động trấn áp người biểu tình tại sân bay quốc tế Hong Kong tối 13/8. Ảnh: Reuters


Trước đó, sân bay quốc tế Hong Kong ngày 12/8 cũng bị đóng cửa khi hơn 5.000 người biểu tình tràn vào. Sân bay mở cửa trở lại vào sáng 13/8 nhưng 310 chuyến bị hủy khiến nhiều hành khách mắc kẹt. Một số nhân viên mặt đất của hãng Cathay Pacific Airways được yêu cầu rời văn phòng từ giờ ăn trưa.
Biểu tình tại Hong Kong bùng phát ngày 9/6 để phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm tới các khu vực Hong Kong chưa ký hiệp ước, trong đó có Trung Quốc đại lục. Dù trưởng đặc khu Carrie Lam tuyên bố dự luật "đã chết", người biểu tình đòi bà phải từ chức.
Bà Carrie Lam cảnh báo bạo lực trong các cuộc biểu tình đang làm tổn hại nền kinh tế và đẩy xã hội Hong Kong vào tình trạng nguy hiểm, đồng thời kêu gọi các bên bỏ qua bất đồng và bình tĩnh lại.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc kêu gọi chính quyền Hong Kong kiềm chế trong hoạt động trấn áp người biểu tình và điều tra cáo buộc dùng vũ lực quá mức. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc nhiều lần bày tỏ ủng hộ chính quyền và cảnh sát Hong Kong, lên án "những người biểu tình cực đoan".


Sức ép hãng hàng không Hong Kong gánh chịu từ biểu tình

Cathay Pacific, hãng hàng không phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc đại lục, chịu không ít sức ép từ các cuộc biểu tình Hong Kong.

Đầu tuần trước, các lãnh đạo của Cathay Pacific, hãng hàng không nổi tiếng ở Hong Kong, nói rằng quan điểm chính trị của nhân viên không phải là mối quan tâm của họ. "Chúng tôi chắc chắn không muốn ép họ phải suy nghĩ theo một hướng nhất định", chủ tịch John Slosar, nói. "Họ đều là những người trưởng thành và chuyên nghiệp. Chúng tôi rất tôn trọng họ".
Tuy nhiên, giọng điệu của Cathay Pacific đã thay đổi từ cuối tuần trước. Chính phủ Trung Quốc ngày 9/8 yêu cầu họ cấm các nhân viên ủng hộ hoặc tham gia biểu tình ở Hong Kong làm bất cứ công việc nào liên quan đến các chuyến bay tới Trung Quốc đại lục. Họ cũng yêu cầu hãng này gửi thông tin về tất cả các thành viên phi hành đoàn đến hoặc bay qua Trung Quốc đại lục để Bắc Kinh phê duyệt trước.
Cathay Pacific ngày 10/8 cho biết họ đã cấm bay một phi công bị buộc tội gây bạo động ở Hong Kong và sa thải hai nhân viên mặt đất vì có hành vi sai trái. Đầu tuần này, Cathay Pacific yêu cầu hơn 32.000 nhân viên không được hỗ trợ hoặc tham gia vào các cuộc biểu tình bất hợp pháp, cảnh báo rằng họ có thể bị sa thải.
Hãng Cathay Pacific được thành lập vào năm 1946. Cổ đông lớn nhất của họ là Swire Pacific, tập đoàn có trụ sở tại Hong Kong có nguồn gốc từ Anh. Chủ sở hữu lớn thứ hai là hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China. Cathay vận hành các chuyến bay đến và đi từ Hong Kong với 22 thành phố ở Trung Quốc đại lục. Hầu hết các đường bay giữa Mỹ với Hong Kong đều phải bay qua Trung Quốc đại lục.
Philippe Lacamp, một lãnh đạo trong hãng hàng không, nói rằng họ đã tuân thủ yêu cầu từ Bắc Kinh. "Bạn không thể đơn giản nói với cơ quan quản lý rằng 'xin lỗi, chúng tôi không thích yêu cầu của các anh, chúng tôi vẫn cứ bay", Lacamp nói. "Chúng tôi sẽ bị cấm khỏi không phận Trung Quốc nếu không tuân thủ".
Giới chuyên gia nhận định Cathay phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc đại lục. Giám đốc điều hành Cathay Pacific Rupert Hogg đã nói rõ với nhân viên trong một email rằng các hoạt động của công ty tại Trung Quốc đại lục là "trọng yếu".
Tình hình ở Hong Kong đang gây ảnh hưởng đến một số hãng hàng không cùng mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Bên có nguy cơ chịu thiệt hại nhiều nhất là Cathay Pacific. Khi các cuộc biểu tình khiến sân bay Hong Kong ngày 13/8 phải đóng cửa ngày thứ hai, Cathay đã hủy hàng chục chuyến bay - nhiều hơn bất kỳ hãng hàng không nào khác.
"Cathay Pacific, với tư cách là bên đứng đầu thị trường với thị phần lớn, rõ ràng là hãng hàng không chịu ảnh hưởng lớn nhất", Brendan Sobie, nhà phân tích của trang tin Trung tâm Hàng không nói.
Sobie chỉ ra rằng gần 1/5 lượng khách hàng của Cathay Pacific, bao gồm hãng con Cathay Dragon, là đến từ Trung Quốc đại lục. "Sự liên quan của Cathay Pacific với Trung Quốc đại lục thậm chí còn cao hơn khi tính đến các hành khách vào Sân bay Quốc tế Hong Kong từ miền nam Trung Quốc thông qua phà và vận tải đường bộ. Do đó, Trung Quốc đại lục là thị trường cực kỳ quan trọng đối với Cathay".
Yêu cầu từ cơ quan an toàn hàng không của Trung Quốc đại lục với Cathay Pacific thể hiện sự ảnh hưởng đối với các công ty quốc tế kiếm lời nhờ thị trường Trung Quốc. Một số người ở Hong Kong lo ngại rằng cách can thiệp của Trung Quốc đặt ra mối đe dọa kinh tế, không chỉ đối với Cathay Pacific, mà còn đối với tất cả công ty đa quốc gia ở Hong Kong.
"Nếu bạn là chủ doanh nghiệp, bạn sẽ nghĩ 'trời ơi, tôi chỉ đơn giản là muốn kinh doanh ở đây thôi, thế mà giờ họ đang rà soát nhân viên của tôi", Carol Ng, thuộc Liên đoàn Tổ bay Hong Kong, nói. "Lo lắng này có thể gây thiệt hại cho kinh tế Hong Kong nhiều hơn cả các cuộc biểu tình".
Nguyễn Tiến-Phương Vũ (vnexpress theo Reuters, CNN, NYTimes/,BBC)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X