Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, March 05, 2020 , 0 bình luận

Sau khi đăng tải loạt bài “Virus tin giả” trên không gian mạng, phản ảnh tình trạng tin giả (fake news) tràn lan gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, ANTT, đặc biệt trong phòng chống dịch COVID-19 hiện nay, Báo Công an nhân dân đã nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc.

>>'Virus tin giả' trên không gian mạng: Đâu là vaccine? (Bài cuối)

Cuộc trò chuyện sau đây với ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông LeBros và cũng là người sáng lập fanpage “Chung tay phòng chống fake news dịch cúm Corona 2019 – nCoV” sẽ cung cấp thêm những thông tin, cũng như giải pháp “tiêu diệt” “virus tin giả”.

PV: Ông nhìn nhận về vai trò của báo chí chính thống trong bối cảnh tin giả tràn lan như hiện nay như thế nào? Người làm báo làm gì để tránh bị dẫn dắt, còn người đọc thì không bị đánh lừa bởi tin giả?

Ông Lê Quốc Vinh: Phải nhìn nhận là, có thời điểm báo chí chính thống bị thông tin trên mạng xã hội lấn lướt nên người dân tìm đến những nguồn tin “ngoài lề”, không chính thống. Báo chí phải là nơi cung cấp thông tin khách quan, độc lập và chính xác, trung thực, là nơi kiểm chứng các loại thông tin tràn lan trên mạng.

Ông Lê Quốc Vinh

Muốn thế, báo chí phải lấy lại được niềm tin của công chúng, bằng cách nói không với câu view rẻ tiền, chạy đua với số lượng và tốc độ. Báo chí phải là nguồn tin xác tín, được người dân tìm đọc. Không những thế, cách đưa tin của báo chí cũng phải tránh gây hiểu sai lệch. Một hiện tượng khá phổ biến là, bài viết đưa tin đúng, nhưng cách rút tít, theo phong cách câu view, lấp lửng, gây tò mò, hoặc muốn hiểu ra sao cũng được, lại làm cho người đọc hiểu hoàn toàn sang một góc độ khác, nhiều lúc ngược cả nội dung bài viết.

Bản thân người làm báo phải có cái nhìn hết sức bình tĩnh với các thông tin thu lượm được. Phải chậm lại để tìm hiểu thấu đáo những gì mình nghe thấy. Phải tìm thêm các nguồn tin khác, những góc nhìn khác, về cùng vấn đề đang viết. Quan trọng nhất, nhà báo phải biết cái gì đáng viết, cái gì nên viết, và viết như thế nào để bạn đọc không hiểu sai mục đích của thông tin. Tôi vẫn nói rằng, nhà báo là người gác cổng thông tin, là người sàng lọc thông tin đưa đến cho độc giả, anh ta phải là người gác cổng mẫn cán và chính trực, công tâm.

Đối với người đọc, chúng tôi vẫn kêu gọi họ tìm đến những nguồn tin đáng tin cậy, tự mình phải tích luỹ dần kinh nghiệm sàng lọc tin giả, bằng cách loại trừ dần các nguồn tin không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, việc này rất khó, chỉ có thể làm được khi mỗi ngày có thêm những kênh thông tin chính thống giá trị, xác tín để làm chỗ dựa cho công chúng. Hiện tại, tôi chỉ kêu gọi mỗi người hãy tỉnh táo, đừng vội share bất cứ thứ gì mình nghe được, đọc được, mà hãy tìm thêm các nguồn tin khác, những chỗ mình tin cậy, kiểm tra chéo.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tình trạng tin giả trong mùa dịch COVID-19? Và ảnh hưởng của tin giả đối với phòng chống dịch, cũng như đời sống xã hội.

Ông Lê Quốc Vinh: Tin giả là một hiểm hoạ đối với hoạt động chống dịch COVID-19. Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, đã phải thốt lên rằng: “Chúng tôi quá kiệt sức vì fake news, câu view và những thứ gây sự như thế” (Soha.vn). Nhiều chuyên gia gọi fake news là thứ dịch còn đáng sợ hơn cả virus Corona. Không phải tự dưng WHO phải cầu viện đến các công ty công nghệ hàng đầu chung tay chống tin giả. Rõ ràng, nó đang cản trở rất lớn nỗ lực của ngành Y tế, Chính phủ, và cả các nước khác, trong việc kiểm soát dịch bệnh và hướng dẫn người dân phòng dịch an toàn.

Fake news xui người ta các biện pháp phòng chống dịch phản khoa học. Fake news tung tin đồn thất thiệt về con số tử vong cao ngất, khiến người dân hoang mang tột độ. Fake news gây nhầm lẫn về tác dụng phòng chống virus, gây ra những cuộc vơ vét thực phẩm, trang thiết bị vệ sinh và y tế, gây ra nguy cơ thiếu hụt hàng hoá. Và, fake news đã gây ra những bất đồng xã hội sâu sắc, thậm chí đã tạo ra các cuộc biểu tình, bạo động ở một số quốc gia.

Mới đây, nhiều người tung tin các trường hợp tử vong có liên quan đến COVID-19, bất chấp mọi thông tin khoa học và thực tế khách quan, nhất định tung tin đồn nhảm cho rằng chính quyền bưng bít thông tin. Hiện tượng này sẽ gây ra một làn sóng nghi ngờ, bất mãn, và hoang mang lo sợ trong dân chúng. Nó sẽ gây ra một hệ luỵ không nhỏ trong nỗ lực lấy lại niềm tin của nhân dân.

PV: Được biết, ông đã lập trang facebook “Chung tay chống fake news dịch cúm Corona 2019 – nCoV”, phải chăng đây là hành động cụ thể của cá nhân ông trong việc kêu gọi cộng đồng cùng chung tay đẩy lùi tin tức giả và hỗ trợ phòng chống dịch bệnh?

Ông Lê Quốc Vinh: Thoạt đầu, đó là sáng kiến của cá nhân tôi, nhưng được anh em, cộng đồng ủng hộ. Phải nói rằng, một mình tôi sẽ không làm được gì hết. Việc phát hiện fake news, điều tra nguồn gốc, tìm bằng chứng khoa học và lý lẽ biện luận sắc bén để bóc trần các loại fake news và nguồn phát tán fake news không hề đơn giản. Nó tốn thời gian, và cả sự kiên nhẫn nhiều lắm.

Chúng tôi cũng phải viện đến các kênh truyền thông khác. Ví dụ như là trang Fact Check của hãng tin AFP, họ có điều kiện về nhân lực, tài chính, công nghệ và cả một kho dữ liệu khổng lồ, để nhanh chóng phát hiện từng dòng tweet, từng câu post, từng hình ảnh, từng đoạn video,… có phải là giả hay không. Chúng tôi cũng tìm đọc và thấy rất nhiều người trong cộng đồng cũng phát hiện và phân tích mổ xẻ fake news. Đó là những nguồn lực to lớn hỗ trợ cho group “Chung tay chống fake news dịch cúm COVID-19”.

Hiện giờ group đã có cần 1.500 thành viên. Nhiều người rất tích cực. Họ đã giúp chúng tôi lan toả tinh thần cảnh giác với fake news.

PV: Ông có ý kiến gì về vai trò của các “ông lớn” công nghệ trong việc tham gia đẩy lùi tin tức giả; những quy định của pháp luật hiện hành đã đủ sức răn đe, xử lý hành vi đưa tin tức giả chưa?

Ông Lê Quốc Vinh: Nếu giờ đây chúng ta search thông tin về dịch cúm COVID-19, Facebook sẽ có một dòng cảnh báo chúng ta nên đọc trang thông tin chính thức của Bộ Y tế. Các thông tin giả, bị report, sẽ nhanh chóng biến mất. Các công ty công nghệ, ví dụ như Viettel, DTT, Infore,… đang hỗ trợ các cơ quan nhà nước và y tế tạo ra các kênh thông tin hiện đại, dễ tiếp cận với công chúng.

Ở bình diện thế giới, các công ty công nghệ lớn, Microsoft, Google, Facebook, Twitter… đang cùng WHO tham gia vào cuộc chiến fake news. Rất nhiều trang web, với công nghệ tiên tiến, cung cấp liên tục, gần như thời gian thực, thông tin về tình hình COVID-19 trên toàn cầu.

Đó là những nỗ lực rất đáng kể của khối công nghệ đối với cuộc chiến chống tin giả. Chống tin giả không gì tốt hơn là dùng thông tin thật, minh bạch, nhanh chóng lan toả. Tôi tin là số người miễn nhiễm với fake news đang tăng lên.

Các biện pháp chế tài, răn đe hiện nay đối với những người tạo ra hoặc phát tán fake news chưa đủ để răn đe, chưa đủ triệt tiêu thực sự vấn nạn này. Nói thật là, mức phạt 10 – 12 triệu đồng sẽ không có ý nghĩa nhiều đối với các đối tượng muốn trục lợi để bán hàng, hoặc có mục đích gieo rắc hoang mang, phản đối chính quyền. Hãy học theo các quốc gia khác, như Thái Lan, Singapore… Họ bắt giữ những kẻ gây hoang tin này.

Phát tán fake news có hai loại. Một là do không có kiến thức, nhẹ dạ, mà chia sẻ. Loại thứ hai là cố tình tạo ra fake news. Cần có những khung hình phạt tương xứng. Tôi ủng hộ những biện pháp mạnh mẽ hơn đối với tội phát tán fake news, đặc biệt trong tình huống nghiêm trọng “chống giặc” COVID-19 như hiện nay.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cao Hồng (CAND /thực hiện)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X