Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Tuesday, March 31, 2020 , 0 bình luận

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này chi 274 triệu USD để hỗ trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp cho các nước chống dịch COVID-19. Việt Nam sẽ nhận gần 3 triệu USD để chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm, kích hoạt hệ thống giám sát...


Trong thông báo ngày 27-3 của Bộ Ngoại giao Mỹ, số tiền sẽ hỗ trợ 64 quốc gia đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh do virus corona chủng mới, trong đó bao gồm Việt Nam. 
Theo đó, 210 triệu USD sẽ được hỗ trợ thông qua nguồn quỹ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và 64 triệu USD được Bộ Ngoại giao Mỹ chi cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR).
Người dân đeo khẩu trang mua trái cây trong một khu chợ ở Phnom Penh - Ảnh: REUTERS


"Các cơ quan Chính phủ Mỹ đang làm việc cùng nhau để ưu tiên hỗ trợ nước ngoài dựa trên sự điều phối và nguy cơ tác động" - thông báo cho biết.
Việt Nam sẽ nhận gần 3 triệu USD để chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm, kích hoạt hệ thống giám sát phát hiện trường hợp khả nghi và dựa trên sự kiện, hỗ trợ chuyên gia trong việc ứng phó và chuẩn bị, truyền thông về rủi ro, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm…
Tại Đông Nam Á, nhiều nước cũng nhận được sự hỗ trợ. Cụ thể, Campuchia sẽ nhận được 2 triệu USD, Indonesia nhận 2,3 triệu USD, Lào nhận gần 2 triệu USD, Philippines nhận gần 4 triệu USD và Thái Lan nhận 1,2 triệu USD.
Các nước châu Phi sẽ nhận từ 470.000 USD đến 7 triệu USD để đối phó với dịch.
Trong báo cáo ngày 30-1 của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), các nước đang phát triển sẽ cần đến 2.500 tỉ USD trong năm nay để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. Trong số đó bao gồm 1.000 tỉ USD hỗ trợ về nợ và 500 tỉ USD cho các dịch vụ y tế khẩn cấp và các chương trình liên quan.
"Tình hình sẽ rất tệ", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Richard Kozul-Wright, giám đốc chiến lược phát triển và toàn cầu hóa của UNCTAD. Theo ông, dịch COVID-19 có thể gây thâm hụt tài chính toàn cầu từ 2.000 đến 3.000 tỉ USD trong năm nay và năm sau.

Ông Trump tự tin viện trợ 100 triệu USD cho Ý, Tây Ban Nha và Pháp


Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ viện trợ 100 triệu USD vật tư y tế và thuốc men cho Ý, Tây Ban Nha và Pháp. Tờ New York Times bình luận động thái cho thấy Mỹ sắp hết thiếu khẩu trang.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 30-3 (giờ Mỹ), ông Trump cho biết Thủ tướng Ý Giuseppe Conte sẽ "sướng rơn" trước sự giúp đỡ của Mỹ.
"Chúng tôi sẽ gởi các thiết bị y tế, phẫu thuật trị giá khoảng 100 triệu USD cho các nước Ý, Tây Ban Nha và Pháp", ông Trump khẳng định. Tổng thống Mỹ không nêu cụ thể con số và mốc thời gian gởi viện trợ.
Tổng thống Trump phát biểu trong cuộc họp báo về dịch COVID-19 ngày 30-3 - Ảnh: REUTERS
Trước mắt, ông Trump cho biết sẽ ưu tiên Ý, kế đến là Pháp và sau cùng có thể là Tây Ban Nha. Tổng thống Trump bị chỉ trích tại Mỹ vì các phản ứng đối phó dịch COVID-19 chậm chạp lúc đầu.
Tình trạng thiếu khẩu trang y tế, găng tay và đồ bảo hộ tại các vùng dịch lớn như New York khiến nhiều người phẫn nộ và quay sang phê phán chính quyền của ông Trump.
"Chúng tôi chỉ đang gởi những thứ chúng tôi không cần tới những người thực sự cần chúng", ông Trump tuyên bố. Tờ New York Times nhận định phát ngôn này cho thấy ông Trump tự tin cuộc khủng hoảng thiếu vật tư y tế tại Mỹ sẽ kết thúc chóng vánh.
Cũng trong cuộc họp báo ngày 30-3, ông Trump cho biết sẽ gởi luôn những máy trợ thở cho các nước khác khi nhu cầu tại Mỹ đã được đáp ứng một cách cơ bản. "Chúng tôi sẽ gởi chúng tới Ý, Tây Ban Nha, Pháp hay bất kỳ nước nào nằm trong khả năng của mình".
Hồi tuần trước thị trưởng New York cho biết thành phố này đang đối mặt với tình trạng thiếu máy trợ thở nghiêm trọng và cầu cứu chính quyền liên bang. Đáp lại, ông Trump trấn an rằng Mỹ còn khoảng 10.000 máy trợ thở trong kho.
Trong diễn biến khác liên quan, tập đoàn sản xuất ôtô Ford của Mỹ ngày 30-3 cho biết sẽ hợp tác với một công ty chăm sóc sức khỏe của General Electric để sản xuất ít nhất 30.000 máy trợ thở mỗi tháng và tổng cộng 50.000 máy trong vòng 100 ngày tới.
Tổng thống Trump trước đó đã kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, buộc các công ty Mỹ phải sản xuất gấp một số lượng lớn máy trợ thở trong thời gian ngắn.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã thể hiện sự bực bội ra mặt và cho rằng gã khổng lồ trong ngành ôtô GM đã hứa suông, khi ban đầu nói có thể sản xuất 40.000 máy trợ thở nhưng sau đó rút lại còn 6.000 máy.
Trần Phương-Bảo Duy (Tuổi trẻ)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X