Trong các cuộc biểu tình đòi công lý cho George Floyd, nhiều người da trắng hòa mình vào đám đông, mang đến kỳ vọng thay đổi lớn lao trong xã hội.
Khi đám đông tràn xuống các đường phố trên khắp nước Mỹ để phản đối vụ người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát ghì chết, một trong những điểm khác biệt nổi bật hơn cả so với trước đây là sự xuất hiện của những gương mặt da trắng.
Từ Minneapolis đến thủ đô Washington, nhiều người biểu tình nhận ra sự thay đổi này và tự hỏi phải chăng người da trắng cũng đang nỗ lực đấu tranh cho công lý của người da màu Mỹ.
Đám đông biểu tình ở khu Brooklyn, New York, sau cái chết của George Floyd hồi tuần trước. Ảnh: NYTimes.
"Tôi đã sốc khi nhìn thấy rất nhiều trẻ em da trắng ở đây", Walter Wiggins, 67 tuổi, một người biểu tình ở Washington hồi tuần trước, nói. Ông là một người da màu từng tham gia cuộc tuần hành vì dân quyền ở Washington hồi năm 1963, cùng các sự kiện đấu tranh dân quyền khác cùng cha mẹ mình. "Lúc bấy giờ, các cuộc biểu tình chỉ toàn người da màu".
Đoạn video một sĩ quan cảnh sát da trắng hồi tháng trước ghì gối gần 9 phút lên gáy người đàn ông da màu George Floyd ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, khiến người này tử vong đã làm choáng váng cả nước Mỹ, giữa lúc quan điểm về sắc tộc đang từng bước thay đổi.
"Mọi thứ đang diễn ra hoàn toàn khác biệt với bất kỳ thứ gì chúng ta từng chứng kiến", Douglas McAdam, nhà xã hội học chuyên nghiên cứu về các phong trào xã hội tại Đại học Stanford, nhận định, đề cập tới các cuộc biểu tình gần đây ở Mỹ.
Từ sau cái chết của người da màu Michael Brown ở thành phố Ferguson, bang Missouri năm 2014, mọi thương vong của người Mỹ gốc Phi dưới tay cảnh sát đều khiến biểu tình nổ ra, nhưng "chủ yếu chỉ trong cộng đồng người da màu".
Trong hai ngày 6 và 7/6, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát tại ba thành phố của Mỹ và nhận thấy rằng rất nhiều đám đông gồm toàn người trẻ, da trắng và có học thức. Người biểu tình da trắng chiếm 61% số người được khảo sát ở New York. Con số này ở Washington và Los Angeles lần lượt là 65% và 53%.
Các nhà nghiên cứu Dana R. Fisher, nhà xã hội học tại Đại học Maryland, và Michael T. Heaney, nhà khoa học chính trị tại Đại học Michigan, cho biết số liệu này mang đến cái nhìn đầu tiên, có hệ thống hơn về thành phần người tham gia biểu tình.
Không chỉ biểu tình, người Mỹ da trắng còn đang trải qua quá trình tự đấu tranh thay đổi. Họ mua sách về phân biệt chủng tộc, nói chuyện với những người bạn da màu và thậm chí tranh luận trong chính gia đình mình về phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, chưa rõ liệu điều này có thể mang đến những thay đổi sâu rộng hơn trong xã hội Mỹ hay không.
"Tất cả những người da trắng trên tuyến đầu biểu tình cuối cùng rồi lại trở về khu dân cư của họ với toàn người da trắng và hệ thống trường học tốt hơn", Hakeem Jefferson, nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Stanford, nhận định. "Họ biểu tình bên cạnh người da màu nhưng không sống cạnh họ".
Dù các cuộc thăm dò ý kiến về chủng tộc không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác suy nghĩ của người dân, những cuộc khảo sát cho thấy thái độ đối với chủng tộc của người Mỹ da trắng đang thay đổi. Những người Mỹ da trắng theo chủ nghĩa tự do đã có cái nhìn đồng cảm hơn với người da màu trong những năm gần gây và đó là một bước thay đổi rõ ràng, Andrew Engelhardt, chuyên gia tại Đại học Brown, đánh giá.
Các sắc tộc khác nhau thường có xu hướng thân thiện nhất với nhóm màu da của họ. Người da trắng thích người da trắng, người da màu thích người da màu. Nhưng đến năm 2018, những người da trắng theo chủ nghĩa tự do đã có cảm nhận tích cực hơn đối với người da màu, người Latin và người châu Á so với người da trắng.
Sự thay đổi trên được thể hiện qua một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Khoảng 49% cử tri Dân chủ da trắng nói họ cảm thấy phiền lòng với việc ứng viên tổng thống đại diện cho họ là một người da trắng, trong khi chỉ 28% cử tri Dân chủ da màu nói điều này.
Mặt khác, những người Mỹ trẻ tuổi hiện nay có tư tưởng cởi mở hơn về chủng tộc so với các thế hệ trước.
"Cha mẹ tôi có rất nhiều điều phải học", Isabel Muir, 22 tuổi, sinh viên mới tốt nghiệp tham gia cuộc biểu tình bên ngoài nhà thờ St. John ở Washington hôm 6/6, nói.
Muir cho hay cô đã thảo luận trên mạng xã hội và với cả mẹ mình về cách làm thế nào để trở thành một "đồng minh da trắng".
Mẹ cô, 62 tuổi, cảm thấy không hài lòng về những thiệt hại vật chất do người biểu tình gây ra. Muir đã nói với mẹ rằng "chúng ta phải hiểu nỗi đau của cộng đồng này. Nền kinh tế này được xây dựng trên lưng họ".
Tổng thống Donald Trump dường như cũng đã trở thành động lực mạnh mẽ khiến nhiều người tham gia biểu tình. "Nỗi tức giận của tôi đối với Trump là rất lớn", Tanya Holtzapple, người phụ nữ da trắng, 56 tuổi, vừa nói vừa tuần hành trong đám đông ở Washington hôm 6/6.
Từ năm 2017, khoảng 27 triệu người đã tham gia những cuộc biểu tình phản đối Trump, tương đương 8% dân số, theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard và Đại học Connecticut.
Trong một thăm dò mới đây của Đại học Monmouth, 71% người da trắng tham gia trả lời câu hỏi cho rằng phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử là "vấn đề lớn" của Mỹ. Con số này tăng đột biến so với năm 2015.
Nhưng tiến sĩ Jefferson từ Đại học Stanford lại tỏ ra thận trọng. Theo ông, còn quá sớm để khẳng định thái độ quốc gia về phân biệt chủng tộc ở Mỹ đang thay đổi. Ông đề cập tới một phát hiện khác trong cùng cuộc thăm dò kể trên, đó là chỉ 49% người Mỹ da trắng tin rằng cảnh sát đang sử dụng vũ lực quá mức đối với các nghi phạm da màu.
Karyn Wills, một bác sĩ người Mỹ gốc Phi 57 tuổi, cho biết bà cảm thấy tràn đầy hy vọng khi tham gia biểu tình ở Washington hôm 6/6. Khi còn nhỏ, bà từng cùng cha mẹ tham gia biểu tình ở Chicago. Bà nuôi dạy các con tại một khu dân cư ngoại ô Maryland. Wills tin rằng thế hệ con bà, được pha trộn nhiều chủng tộc hơn, sẽ mang đến những tiến bộ đáng kể trong xã hội.
"Một số người đến đây vì tò mò nhưng không ít người thực sự muốn tạo ra thay đổi", bà nói.
Vũ Hoàng (VNexpress theo NYTimes)