Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Wednesday, July 08, 2020 , 0 bình luận

Theo luật Di trú hiện hành, cơ quan di trú Mỹ không cấp số SEVIS (đơn I20) cho sinh viên quốc tế tham dự chương trình học trực tuyến của bất kỳ trường nào tại Mỹ, nghĩa là du học sinh không được vào Mỹ.

Ngày 6.7 (theo giờ Mỹ), Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (Bộ An ninh nội địa) thông báo thông tin học sinh - sinh viên quốc tế phải trở về nước nếu trường thực hiện chương trình học trực tuyến cho học kỳ mùa thu tháng 9.2020.
Lệnh mới được áp dụng cho chương trình học chính khóa, tập huấn, dạy nghề và học tiếng Anh theo diện visa F-1 và M-1. Trong đó, F-1 là thị thực phổ biến nhất cho các du học sinh (DHS), còn M-1 liên quan đến các khóa dạy nghề hoặc đào tạo thực hành.
Du học sinh Việt tại sự kiện International Night của Đại học Suffolk (Boston, Mỹ)-ẢNH: KHANH LAM

Các trường đại học phản ứng

Theo luật Di trú hiện hành, cơ quan di trú Mỹ không cấp số SEVIS (đơn I20) cho sinh viên quốc tế tham dự chương trình học trực tuyến của bất kỳ trường nào tại Mỹ, nghĩa là DHS không được vào Mỹ. Với DHS quốc tế đang học ở Mỹ năm học 2019 - 2020 theo diện visa F-1, vì dịch Covid-19 nên nhiều trường thực hiện chương trình học trực tuyến cho học kỳ mùa thu tháng 9.2020 nên vô tình bị rơi vào hoàn cảnh không được ở Mỹ theo luật nêu trên. Những DHS quốc tế mới với visa F-1 cho năm học 2020 - 2021 cũng không được vào Mỹ nếu trường thực hiện việc học trực tuyến cho học kỳ mùa thu.
Chính sách mới của Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ khiến các trường đại học Mỹ phản ứng mạnh mẽ (ẢNH: TRẦN THẮNG)

Các trường đại học và trung tâm giáo dục Mỹ tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin này. Ông Brad Farnsworth, Phó chủ tịch Hội đồng giáo dục Mỹ, nhận xét: “Thông báo này đang tạo ra sự lộn xộn và bất ổn”. Trong một tuyên bố cùng ngày, Chủ tịch ĐH Harvard, ông Larry Bacow, nói: “Chúng tôi vô cùng quan ngại về thông báo này của cơ quan di trú Mỹ vì áp đặt một cách đơn điệu, tạo ra sự phức tạp cho DHS quốc tế, đẩy DHS, đặc biệt đang theo học trên mạng, vào tình thế chỉ còn cách rời khỏi Mỹ hoặc chuyển trường”.

Tìm giải pháp cho hơn 20.000 du học sinh Việt Nam còn ở lại Mỹ?

Do một số nước chưa mở các chuyến bay thương mại quốc tế trong đó có Việt Nam và chưa có lịch bay chính thức nên DHS Việt Nam có thể không trở về nước trước tháng 9.2020 để tuân theo thông báo của cơ quan di trú Mỹ.
Trong năm học 2019 - 2020, số DHS Việt Nam tại Mỹ gần 25.000 người. Kể từ khi Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ngày 18.3 cho đến nay, ước lượng có khoảng 5.000 DHS Việt Nam về nước và số còn lại khoảng 20.000.
Ðối với sinh viên các trường đại học, nếu trường A của DHS thực hiện việc học trực tuyến vào học kỳ từ tháng 9.2020, DHS có thể đăng ký học 1 môn trực tuyến tại trường A và 3 - 4 môn tại một trường B mở cửa trở lại bình thường. Việc đăng ký môn học tại trường B với cách thức “non-degree” (không lấy bằng) và DHS không cần phải làm đơn nhập học vào trường B. Sau khi hoàn thành học kỳ mùa thu 2020, DHS chuyển điểm của 3 - 4 môn học từ trường B về trường A. Với phương thức này thì trường A sẽ giữ I.20 của DHS có giá trị cho năm học 2020 - 2021 và DHS ở lại Mỹ hợp lệ cho học kỳ mùa thu 2020.
Ðối với DHS trung học tư thục, không có giải pháp nào tốt hơn ngoài việc trở về Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng trường tư thục sẽ mở cửa bình thường vào học kỳ mùa thu tháng 9.2020 vì số lượng học sinh tại trường tư thục ít với khoảng 100 - 400 người, trường sẽ kiểm soát được. Các trường tư thục trung học sẽ thông báo chính thức việc học trong tháng 7.
Theo thống kê của Tổ chức The Chronicle of Higher Education, trong 1.100 trường đại học thì có khoảng 60% trường mở cửa lại bình thường vào học kỳ mùa thu tháng 9.2020, 23% trường theo mô hình học hybrid (vừa học tại lớp - vừa học trực tuyến), 8% trường theo mô hình học trực tuyến, số trường còn lại chưa quyết định.
Trong vùng New England bao gồm 6 tiểu bang như Connecticut, Massachusetts, Rhode Island, New Hampshire, Vermont và Maine, thì toàn bộ hệ thống trường công lập và nhiều trường tư thục mở cửa lại vào mùa thu. Ðiều này giúp cho các DHS Việt Nam đăng ký học “non-degree” thuận lợi.
Mở cửa cho các chuyến bay thương mại từ Mỹ?
Hiện tại các chuyến bay từ Mỹ về các nước châu Á hoạt động trở lại, từ châu Á chưa có các chuyến bay thương mại bay đến Việt Nam. Một khi các chuyến bay thương mại trong khu vực châu Á hoạt động trở lại sẽ kéo theo nhiều việc phát triển kinh tế, du lịch và tạo điều kiện cho DHS và Việt kiều trở về nước.
Việc xét nghiệm Covid-19 tại Mỹ khá dễ dàng cho mọi người tại các cơ sở của bệnh viện, trung tâm y tế... Nếu mọi DHS, Việt kiều, người Mỹ đều có xét nghiệm Covid-19 và có giấy xác nhận trước khi lên máy bay về Việt Nam thì Việt Nam sẽ giảm áp lực việc giám sát, kiểm soát tốt lượng người về từ Mỹ. 
Phụ huynh có con du học Mỹ lo âu
Chị M., trú TP.HCM, phụ huynh có con đang học tại một ĐH khu vực New England nước Mỹ, cho biết cuối tháng 6, trường ĐH của con chị đã thông báo kế hoạch học tập chi tiết trong thời gian tới. Cụ thể, từ 2.9.2020 - 25.11.2020 học sinh (HS) sẽ học toàn bộ trực tiếp tại trường.
Tuy nhiên, chị M. lo lắng, nếu trong thời gian từ 2.9 - 25.11.2020 HS đang học trực tiếp này có ổ dịch nào đó trong trường bùng phát, trường phải đóng cửa và yêu cầu HS rời trường khẩn cấp. Nếu tình huống xấu đó xảy ra, các HS sẽ rất hoảng loạn, và chuyến bay nào sẽ đưa các con từ Mỹ về Việt Nam?
Trong khi đó, nhiều phụ huynh đã cho con rời Mỹ về Việt Nam trước đây, bây giờ cũng băn khoăn không biết nên cho con quay trở lại Mỹ hay vẫn ở Việt Nam.
Chị L., trú TP.HCM, có con đang học ngành khoa học tại University of Notre Dame, cho biết con chị về Việt Nam hồi tháng 3.2020 và từ đó tới nay học trực tuyến tại nhà. Mới đây nhà trường có một thông báo sắp tới các HS phải quay trở lại trường để vừa học trực tiếp vừa trực tuyến. Gia đình chị đang tính đặt vé máy bay để con sang Mỹ học tiếp. Nhưng thông báo từ Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ ngày 6.7 mới được công bố khiến chị lo sợ, liệu sắp tới có điều chỉnh gì nữa hay không? Liệu có khi nào con chị đang học tại Mỹ lại bị yêu cầu về nước.
Hiện tại, kế hoạch nhập học của nhiều bạn trẻ Việt Nam vừa trúng học bổng Mỹ cũng đang bị trì hoãn. Lâm Đào Trúc Anh, nữ sinh lớp 12 Trường Phổ thông năng khiếu TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM) giành học bổng toàn phần tới ĐH Cornell cho biết có thể mùa thu này, bạn vẫn học trực tuyến từ Việt Nam. Thúy Hằng

Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ

Một du học sinh tại Boston (Mỹ), cho biết hiện các du học sinh Việt vẫn đang chờ trường thông báo chính thức, vì mỗi trường có chính sách khác nhau.

Sáng 7.7, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đã tổ chức trả lời trực tuyến trên Facebook liên quan đến các quy định về thị thực dành cho du học sinh (DHS) Việt Nam chuẩn bị và đang theo học tại Mỹ.
Trong hơn 60 phút, phần gửi bình luận cho đại sứ quán tràn ngập nhiều câu hỏi liên quan đến quy định mới về chương trình sinh viên và trao đổi khách mời (SEVP) thuộc Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE).
Viên chức Mỹ giải đáp thắc mắc của du học sinh về các chính sách di trú (ẢNH: FACEBOOK/SỨ QUÁN MỸ TẠI VIỆT NAM)

Trong thông cáo báo chí rạng sáng 7.7, ICE cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ “sẽ không cấp thị thực cho các DHS đăng ký tại các trường giảng dạy hoàn toàn trên mạng trong học kỳ mùa thu, Cục Hải quan và bảo vệ biên giới sẽ không cho phép các DHS này nhập cảnh”.
Các quy định được áp dụng cho những DHS đang ở Mỹ theo diện F-1 và M-1.Trong đó, F-1 là thị thực phổ biến nhất cho các DHS, còn M-1 liên quan đến các khóa dạy nghề hoặc đào tạo thực hành. Trong năm tài khóa 2019, Bộ Ngoại giao Mỹ cấp 388.839 thị thực F và 9.518 thị thực M, theo số liệu của ICE.
Trong bối cảnh nhiều trường thời gian qua buộc phải chuyển hoạt động giảng dạy lên nền tảng trực tuyến vì dịch Covid-19 lan rộng tại Mỹ, cơ quan này đề nghị một số giải pháp, chẳng hạn DHS có thể chuyển sang trường khác có dạy trên lớp nếu muốn ở lại Mỹ. Bên cạnh đó, chính sách cũng quy định trường hợp miễn giảm, dành cho những trường vừa dạy trực tuyến vừa tổ chức lên lớp.
Chính sách trên lập tức gây xôn xao trong giới phụ huynh và DHS Việt Nam chuẩn bị hoặc đang theo học tại Mỹ. Rất nhiều câu hỏi trong buổi trò chuyện trực tuyến do cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ tổ chức đã tập trung vào các quan ngại của phụ huynh và sinh viên về tác động và ảnh hưởng của chính sách mới đối với DHS Việt Nam.
Người dùng Jim Tran hỏi: “Tuyên bố của ICE sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với DHS Việt Nam?”. Một người khác tên Thuy Nguyen thắc mắc: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ lớp học của tôi được chuyển lên mạng và tôi không thể ở lại Mỹ, liệu phía Mỹ có tổ chức chuyến bay đưa DHS về Việt Nam hay không?”.
Trong khi đó, người dùng Khanh D.Nguyen viết: “Liệu ông có thể làm rõ chính sách mới sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với các nghiên cứu sinh quốc tế (bậc tiến sĩ), vì đây là nhóm chỉ nghiên cứu chứ không tiếp tục lên lớp?”. Người dùng Thành Long viết: “Khi nào phía lãnh sự dự kiến có thêm thông tin về tuyên bố của ICE? Trường hợp của tôi (và các sinh viên khác) rất gấp vì tôi buộc phải đến Mỹ từ ngày 24 - 26.7, tức chỉ khoảng 20 ngày nữa”.
Trả lời Thanh Niên, một viên chức lãnh sự Mỹ cho hay hiện vẫn chưa có nhiều thông tin liên quan đến việc áp dụng quy định mới này. Tiến sĩ Châu Nhật Tân ở bang California, người hướng dẫn nhiều DHS Việt Nam đang theo học tại Mỹ, nhận định vẫn còn 2 tháng nữa để quan sát chuyện gì sẽ xảy ra. “Nếu chỉ học online thôi mà không có lớp học thực thụ thì không những DHS mà cả những trường lớn nhất của Mỹ cũng khốn đốn. Nền kinh tế Mỹ là kinh tế tư bản nên sẽ không có chuyện chỉ học trực tuyến mà không có giải pháp khác”, tiến sĩ Tân cho biết. Ông cho rằng hệ thống trường học có thể phải chuyển biến để phù hợp tình hình mới, chẳng hạn tổ chức có giới hạn lớp học dành cho sinh viên nội trú, không trở về nhà để không có cơ hội lây lan dịch bệnh. Khanh Lam, một DHS tại Boston (Mỹ), cho biết hiện các DHS Việt vẫn đang chờ trường thông báo chính thức, vì mỗi trường có chính sách khác nhau.
Hướng giải quyết của công ty du học
Bà Lê Thiều Hạnh, Giám đốc Công ty du học EduPath (Q.1, TP.HCM), cho biết ngay sau khi có thông tin từ Cục Hải quan và nhập cảnh của Mỹ, công ty đã có các bộ phận chuyên trách liên hệ trực tiếp với từng học sinh, sinh viên để nắm thông tin cụ thể và có hướng giải quyết.
Chẳng hạn các em có thể đăng ký chuyển sang những trường ở những khu vực không chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19 học một số môn học, hoặc một học kỳ để đảm bảo theo quy định cư trú. Khi tình hình ổn định sẽ quay trở lại trường. Còn những học sinh, sinh viên nào về nước thì sẽ được hướng dẫn đăng ký với lãnh sự quán, tổng lãnh sự về các chuyến bay nhân đạo...
Những sinh viên, học sinh có thông báo nhập học vào thời gian tới sẽ liên hệ với trường của mình để xác nhận hình thức học tập trực tiếp hay trực tuyến. Từ đó, các sinh viên, học sinh và gia đình có kế hoạch riêng. Bích Thanh
Trần Thắng-Thụy Miên (Thanh niên)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X