Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Saturday, December 05, 2020 , 0 bình luận

Để không rơi vào biểu hiện chủ quan, nóng vội, muốn có thành tích bằng mọi giá, đòi hỏi quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết, cán bộ phải có tư duy, hành động chắc chắn, khoa học.

>>Bài 1: Đột phá không thể hấp tấp, vội vàng

Tuy nhiên, nếu cán bộ thận trọng thái quá, có tư tưởng cầu an, sợ trách nhiệm, sợ sai không dám làm, “mũ ni che tai”... thì cũng hỏng. Những biểu hiện “quá hữu” này là một dạng suy thoái đạo đức của cán bộ, làm trì trệ bộ máy, kéo lùi sự phát triển, là môi trường cho chủ nghĩa cá nhân, tham ô, tham nhũng phát triển, tác hại khôn lường...

Lực cản của đổi mới sáng tạo

“Đổi mới sáng tạo” là thuật ngữ được nhấn mạnh trong báo cáo chính trị, là nội hàm của chủ đề đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương cũng xác định trong chủ đề đại hội là “...Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước...”. Có thể thấy, đổi mới sáng tạo là đòi hỏi tất yếu trong công tác lãnh đạo của Đảng và yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới. Đổi mới sáng tạo không phải là khái niệm trừu tượng mà nó biểu hiện sinh động, cụ thể thông qua tư duy, hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là vai trò người đứng đầu. Muốn triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết, cấp ủy các cấp phải năng động, đổi mới sáng tạo trong tư duy, phương pháp lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu phải thể hiện tinh thần xung kích, chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...

Toàn cảnh phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ngày 28-1-2016. Ảnh minh họa: TTXVN.


Tuy nhiên, sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, thực tế đã và đang có những biểu hiện “quá hữu” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Biểu hiện rõ nhất là một bộ phận cán bộ sợ sai không dám làm, sợ trách nhiệm, không dám đổi mới, sáng tạo. Tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội Khóa XIV vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nêu ý kiến về vấn đề này và cho rằng, ở những địa phương, tổ chức Đảng từng có cán bộ vi phạm bị xử lý kỷ luật và bị truy tố, xét xử, đã bộc lộ tình trạng cán bộ có tư tưởng chỉ làm “tròn vai”, “đứng yên một chỗ”, “mũ ni che tai”... Đây là những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức, rất nguy hại cho Đảng. Lẽ ra cán bộ phải có nhận thức đúng đắn, việc xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng vi phạm và tinh thần kiên trì, kiên quyết trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta chính là cơ hội, động lực để xốc dậy tinh thần đấu tranh, ý chí chiến đấu trong tổ chức Đảng, nhằm làm cho Đảng mạnh hơn, trong sạch hơn. Những biểu hiện “quá hữu” kiểu e dè, sợ trách nhiệm, cầu an, “mũ ni che tai” của cán bộ, đảng viên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính chiến đấu, sức mạnh của tổ chức Đảng. Cán bộ nảy sinh tư tưởng này sẽ không phát huy được tính tiền phong gương mẫu, dẫn đến quan liêu, xa dân, là mầm mống cho chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm trỗi dậy, chi phối vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng.

Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) đã chỉ rõ nguyên nhân của những biểu hiện suy thoái này, đó là: “Do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi..., không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”...

Mầm mống của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có tư tưởng “quá hữu” như trên đã tồn tại từ lâu. Trong bài viết chỉ đạo công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường... Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ... Tình hình tư tưởng trong Đảng và tâm trạng trong nhân dân, bên cạnh mặt tích cực là cơ bản, cũng có những biểu hiện đáng lo ngại. Nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức mới chỉ bước đầu được ngăn chặn, đẩy lùi. Tình hình trên cho thấy nhiệm vụ của toàn Đảng sắp tới là rất nặng nề”...

Việc tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 là một thành tựu có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề để chuẩn bị tốt và tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng. Theo đánh giá của Bộ Chính trị tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025: Công tác nhân sự đã được chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các khâu, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự cấp ủy các cấp và chuẩn bị cho nhân sự Trung ương. Những hiện tượng vận động, tranh thủ phiếu bầu cơ bản được khắc phục; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm đã giảm hẳn. Các yêu cầu về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, chất lượng cơ bản được bảo đảm... Đây là những kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chính vì vậy, những biểu hiện “quá hữu” trong tư tưởng một bộ phận cán bộ, đảng viên bộc lộ sau đại hội, nhất là ở những tổ chức đảng đã từng xảy ra sai phạm, có cán bộ bị xử lý kỷ luật, bị khởi tố, cần phải được nhận diện, ngăn chặn kịp thời, đồng thời có giải pháp phòng ngừa hữu hiệu.

Với việc chuẩn bị kỹ lưỡng công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp, hiện nay chúng ta đã có một đội ngũ cán bộ cấp ủy các cấp thực sự tiêu biểu, đại diện cho ý chí, sức mạnh của toàn thể đảng viên ở các đảng bộ, chi bộ. Việc bộc lộ tư tưởng thỏa mãn, dừng lại, cầu an, “mũ ni che tai” sau đại hội có thể không xuất phát từ bản chất cán bộ, mà nó xuất hiện từ những tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan. Cách tốt nhất để phòng ngừa là bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi, rèn luyện bản lĩnh, luôn luôn đề cao cảnh giác trước những tác động của hoàn cảnh, nhất là về quyền lợi vật chất, danh vọng, tiền bạc... Bởi, khi trong cấp ủy và bản thân cán bộ, đảng viên xuất hiện tư tưởng “quá hữu” nói trên sẽ nảy sinh những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác. Các thế lực thù địch, phản động sẽ chớp thời cơ, lợi dụng để xuyên tạc, bóp méo tình hình; cổ xúy cho lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa...

Tư tưởng con người là thứ khó nắm bắt, nhưng nó cũng không phải là thứ có thể giấu giếm, che đậy. Cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng hoàn toàn có thể “chỉ mặt, đặt tên” những biểu hiện “quá hữu” nói trên thông qua sinh hoạt, đấu tranh tự phê bình và phê bình.

>>Bài 3: Chú trọng văn hóa nêu gương, triệt để thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ (Tiếp theo và hết)

PHAN TÙNG SƠN (QĐND)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X