Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, April 30, 2021 , 0 bình luận

Hằng năm, đã thành thông lệ, cứ vào dịp 30-4, dù sinh sống nơi nào thì những người con, dân nước Việt vẫn nhớ về những kỷ niệm không thể nào quên về những tháng ngày hào hùng của đất nước, dân tộc, từ đó có những ước mong, suy nghĩ về hiện tại, tương lai; bởi 30-4-1975 là ngày đã làm thay đổi vận mệnh của dân tộc, thay đổi số phận của rất nhiều người. Với nhà báo người Mỹ gốc Việt Nguyễn Quang Trường cũng vậy. Ngày 30-4-2021 đã gợi lên trong anh nhiều điều, và đó chính là suy nghĩ, cảm xúc của anh thể hiện trong bài viết mới gửi tới Báo Nhân Dân. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Xuyên tạc, chống phá bầu cử - Luận điệu lạc lõng!

Nhận diện, đấu tranh với thông tin xấu, độc trên không gian mạng - Bài 3: Đấu tranh, vô hiệu hóa

Nhận diện, đấu tranh với thông tin xấu, độc trên không gian mạng - Bài 2: Hoạt động chống phá tinh vi

Nhận diện, đấu tranh với thông tin xấu, độc trên không gian mạng - Bài 1: Cạm bẫy

Đừng xảo biện về sự thật lịch sử ‘Ngày chiến thắng 30 tháng Tư’

Tôi là một người con nước Việt sinh ra ở miền nam, trong gia đình theo Công giáo di cư năm 1954. Bố tôi là cựu "sĩ quan tâm lý chiến của quân lực VNCH". Ngày 30-4-1975, gia đình tôi đang sống ở một khu phố như khu gia binh, nơi các gia đình binh lính chung tâm trạng lo lắng, bồn chồn, trông ngóng người thân trở về. Trước ngày 30-4-1975, mọi nhà đều đã đào hầm trú ẩn trong nhà, trong vườn. Ðám trẻ chúng tôi không đi học, không ra chạy nhảy ngoài đường, đêm ngủ dưới hầm trú ẩn. Như mọi phụ nữ khác, bà nội và mẹ tôi tích trữ thức ăn đủ dùng cho gia đình cả tháng. Chợ, cửa hàng tạp hóa trong khu phố gần như bán hết sạch mọi nhu yếu phẩm, giá cả đắt đỏ chưa từng thấy.

Mọi người bảo "cộng sản vào sẽ tắm máu", binh lính "quân lực VNCH" cùng gia đình là nạn nhân trực tiếp, và nỗi sợ nhiễm vào mọi người, một chú bé như tôi (Nguyễn Quang Trường sinh năm 1968-ND) càng sợ hãi, hoang mang. Tin đồn và các khó khăn đã góp phần làm nảy sinh làn sóng di tản, vượt biên trước và sau ngày đất nước thống nhất.


Sau ngày 30-4-1975, nỗi sợ chiến tranh lắng xuống, nhường chỗ cho nỗi vất vả của cuộc sống thời hậu chiến. Bố tôi đi học tập cải tạo gần 6 năm. Mẹ tôi đưa sáu con nhỏ, lớn nhất 14 tuổi, đến vùng kinh tế mới ở Ðồng Nai. Tuổi niên thiếu của tôi từ năm 1975 đến năm 1981 là rừng rú, ruộng rẫy. Khi bố tôi trở về, ông đưa gia đình quay lại TP Hồ Chí Minh. Cả nhà dựa vào chiếc xích-lô kiếm sống qua ngày. Những năm tháng đói khổ, gian nan của gia đình tôi nói riêng, cũng như của cả nước nói chung khi ấy đã có lúc làm hằn lên trong tôi một ký ức buồn. Chỉ sau này, khi đã hiểu sau 30-4-1975 cả nước phải căng mình vượt qua nhiều khó khăn là do hậu quả chiến tranh nặng nề, Mỹ và nhiều nước phương Tây cấm vận, lại phải bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía bắc,... và một số chính sách kinh tế không còn phù hợp,… thì ký ức đó đã vơi dần. Tương tự như lần đầu tiên được xem các chứng tích chiến tranh tại "Nhà trưng bày tội ác Mỹ - Ngụy" (nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh) ở TP Hồ Chí Minh. Hình ảnh ghê rợn của chiến tranh, các loại vũ khí hủy diệt con người đến tận cùng, chất độc da cam vẫn hành hạ nhiều người sinh ra sau chiến tranh,... đã ám ảnh tôi khủng khiếp. Về nhà, tôi không dám kể với ai về nỗi cay đắng của mình. Tôi tự hỏi "Ðó là sự thật hay sao?". Người tôi muốn hỏi nhất chính là bố tôi, lúc đó lại đang trong trại cải tạo. Sau này có dịp hỏi, giọng ông thoáng buồn và trả lời tôi ngắn gọn: "Chiến tranh là vậy, con ạ"!

Tháng 10-1988, vừa học xong cấp 3, gia đình cho tôi vượt biên với giá ba cây vàng, sang nước ngoài sẽ trả nợ. Sau chuyến đi rất gian nan tôi đến trại tị nạn ở Thái-lan, tới tháng 2-1991 tôi định cư tại Mỹ theo hồ sơ của bố tôi. Sống tại Little Saigon (Sài Gòn nhỏ, thuộc bang Ca-li-phoóc-ni-a) nơi được xem là "thủ đô tị nạn" chống cộng đến cùng, tôi đã hấp thụ không khí cực đoan đó như một quán tính. Phải đến 10 năm sau, bằng nhận thức riêng và độc lập, từ một người vẽ biếm họa chống cộng cực đoan, năm 2003 tôi cùng một nhóm nhà báo trẻ lập tuần báo Việt Weekly để hoạt động báo chí khách quan, trung thực, tìm hiểu về lịch sử, chiến tranh, thời sự liên quan đến chính quyền Việt Nam. Dần dần tôi đã hiểu cách thức, khuynh hướng, chủ trương của "báo chống cộng" trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Vì áp lực của các tổ chức chống cộng, báo chí trong cộng đồng chỉ dám khai thác loại thông tin xấu, tiêu cực từ Việt Nam. Các tổ chức này triệt để sử dụng báo chí và truyền thông để vẽ nên một chế độ "hèn với giặc, ác với dân", bất chấp sự thật, bất chấp các tiến bộ, sự thay đổi từng ngày trên quê hương. Ðến ngày 30-4 hằng năm, các tổ chức chống cộng cực đoan lại biến cộng đồng gốc Việt thành một "nhà mồ" tang tóc, ủ rũ với cái gọi là "tháng tư đen". Họ muốn vực dậy một "chế độ" đã thành dĩ vãng từ mấy chục năm trước, nay chỉ còn lại một số người đã già nua, không còn sức hô hào. Tuy nhiên, những người già nua cực đoan đó vẫn kịp truyền lại hận thù và các chiêu bài mị dân về dân chủ, nhân quyền theo màu sắc phương Tây cho một số con cháu của thế hệ mà họ gọi là "hậu duệ VNCH"!

Mặc dù hiện tại thông tin được mở rộng bằng mọi phương tiện, chỉ một click (nhấp chuột) là có thể biết chuyện gì đang xảy ra trên mọi ngóc ngách của thế giới. Song với định kiến cố hữu, cộng thêm bị tiêm nhiễm bởi truyền thông cực đoan mà một số người gốc Việt ở nước ngoài vẫn cứ khư khư giữ mối thù hận tồn tại từ năm 1975. Họ tự giam hãm trong một thế giới quan tù túng bằng thông tin sai lệch, phiến diện về sự thay đổi, phát triển của đất nước. Cứ như thế, mặc dù Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (26-3-2004) và Chỉ thị số 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (19-5-2015) trực tiếp liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài như cánh cửa thiện chí mà Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã mở rộng đón chào, xây dựng tình đoàn kết giữa người trong và ngoài nước, mặc dù ở xứ sở được coi là tự do, văn minh nhưng một số người gốc Việt vẫn thiếu thông tin chính xác, đã bị gạn lọc, bóp méo nên vẫn có ánh nhìn tiêu cực về Việt Nam.

Ngày 21-6-2013, tôi chính thức trở về Việt Nam làm việc, mở kênh YouTube VHVNtv, rồi Vietnam today. Tôi độc lập thực hiện nhiều chuyến tham quan mọi vùng miền, từ bắc tới nam, đã thực hiện hàng nghìn video clip phóng sự, phỏng vấn, tìm hiểu cuộc sống, tâm tư của các thành phần trong xã hội. Tôi vinh dự được tham dự bốn chuyến ra quần đảo Trường Sa, một chuyến đi thực địa ở Hoàng Sa với tư cách là phóng viên người Việt Nam ở nước ngoài... Tôi đã thấu hiểu sự kiên trì bám biển, giữ biển của thế hệ lính trẻ đang căng mình bảo vệ sự bình yên, toàn vẹn lãnh hải, lãnh thổ của đất nước. Và tôi đã hiểu rõ về chế độ xã hội dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, và hiểu tại sao người dân luôn đặt niềm tin vào Ðảng. Tôi đã đóng góp các bài vở, phát biểu ý kiến trên hệ thống truyền thông chính thống trong nước như các báo: Nhân Dân, Ðại đoàn kết, Tiền Phong,... các kênh truyền hình VTV1, VTV4, VOV, ANTV, VTC... Qua đó tôi đã được tự do trình bày những điều "mắt thấy tai nghe", những suy nghĩ của mình qua nhãn quan của một nhà báo gốc Việt.

Hai năm qua, tôi dành trọn tháng tư đến các địa danh lịch sử cách mạng Việt Nam như Phú Quốc, Côn Ðảo, Phú Tài, Lộc Ninh, Trung ương Cục miền nam, địa đạo Củ Chi,… để tự tìm ra câu trả lời thế nào là "chủ nghĩa anh hùng cách mạng". Tôi xin được gặp và đã thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn, trò chuyện với các cựu tù binh từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ để lắng nghe những câu chuyện từ giác ngộ cách mạng đến những ngày bị giam cầm, đày đọa, và sự hy sinh xương máu của các bậc tiền bối. Những chuyến thực tế ấy đã giúp tôi hiểu rõ về đóng góp, hy sinh vô điều kiện của các thế hệ đi trước vì nền độc lập dân tộc. Trong một lần trò chuyện, chú Võ Ái Dân, một cựu tù hơn 11 năm ở Côn Ðảo, đã kể với tôi, năm 1975 sau khi được tự do và về công tác tại Văn phòng Quốc hội phía nam, chú có dịp tiếp và hướng dẫn một đoàn khách nước ngoài là dân biểu Quốc hội Mỹ. Khi xem các hiện vật trưng bày tại "Bảo tàng Chứng tích chiến tranh", vị trưởng đoàn đã than phiền vì sao Việt Nam vẫn giữ hình ảnh, chứng tích chiến tranh thời chống Mỹ, khiến họ ghê sợ, mặc cảm. Chú Võ Ái Dân đã trả lời: "Bên cạnh hình ảnh dữ dội, tàn khốc của chiến tranh vẫn có tiếng nói nhân bản, phản đối chiến tranh của nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình". Chú dẫn thí dụ về một số lính Mỹ nỗ lực ngăn chặn đồng đội không tiếp tục tàn sát người vô tội ở Mỹ Lai ngày 16-3-1968, trong đó có ông L.M Colburn (L.M Cô-bơn) về sau được Chính phủ Mỹ trao tặng phần thưởng cao quý nhất của Quân đội Mỹ là Huân chương Người lính. Ðiều đó cho thấy tính công bằng khi trưng bày hình ảnh. "Ðó là bài học từ chiến tranh chống xâm lược phải ghi nhớ, tội ác không thể lặp lại, sự hy sinh xương máu để chúng ta có được nền hòa bình hôm nay không thể bị lãng quên", chú Võ Ái Dân nhắn nhủ thế hệ trẻ như vậy.

Nhớ lại những ngày này 46 năm trước, lúc đó cá nhân tôi và gia đình tôi đã canh cánh nỗi sợ hãi sẽ là "nạn nhân của một cuộc tắm máu". Nhưng điều đó không xảy ra, không như những gì mà trước đó chúng tôi được tuyên truyền, dọa dẫm. Hôm nay, sau 46 năm tìm hiểu, suy nghĩ, tìm đường, tôi đang sống yên bình bên những người mà 46 năm trước tưởng chừng không thể nói chuyện. Ý nghĩa ngày thống nhất luôn được Ðảng, Nhà nước coi trọng, đồng thời tinh thần hòa hợp dân tộc đang giúp xoa dịu những nỗi đau. Theo xu thế chung, hàng triệu người Việt ở mọi phương trời đã và đang về thăm Tổ quốc, nhiều người góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh, người dân ngày càng no ấm. Cha tôi đã trở về thăm Việt Nam, nhiều người thân của tôi mong được về sống bình an giữa lòng quê hương. Việt Nam đang kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, vừa ổn định và tiệm tiến phát triển kinh tế, được thế giới đánh giá cao và coi là quốc gia có nhiều điều để học hỏi. Có thể nói vào dịp 30-4 năm nay, rất nhiều điều tích cực đang diễn ra trên đất Việt Nam. Những chỉ số về tăng trưởng kinh tế, tình hình chính trị và xã hội ổn định, vị thế Việt Nam được khẳng định trong khu vực và thế giới,... đã làm tăng niềm tin vào vận hội sáng sủa của dân tộc. Ước mơ về một Việt Nam giàu đẹp, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai có trở thành hiện thực hay không tùy thuộc vào thiện tâm, thiện chí, nỗ lực của mỗi người con nước Việt đang ở trong và ngoài nước. Với vai trò một nhà báo, tôi luôn đặt cho mình mục tiêu chính yếu xuyên suốt là tìm hiểu văn hóa, lịch sử, sự khác biệt trong góc nhìn của người Việt Nam ở mọi nơi, từ đó đưa thông tin khách quan, tích cực về đất nước. Tôi nghĩ đây là thời khắc tốt nhất cho người Việt Nam ở nước ngoài tìm mẫu số chung tích cực với người Việt Nam ở trong nước, để từ đó mọi thế hệ người Việt Nam chung lòng đóng góp, xây dựng, hướng về tương lai ngày càng tươi sáng.

Nguyễn Quang Trường (báo Nhân dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X