Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, April 03, 2020 , 0 bình luận

Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc vừa là trách nhiệm chính trị lớn lao, vừa là sự báo đáp tình cảm thiêng liêng đến với các thế hệ ông cha ta đã để lại cho chúng ta một “cơ thể đất nước” hoàn chỉnh hôm nay. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình thế giới, khu vực, nhất là những tranh chấp, cải tạo, bồi đắp, làm thay đổi hiện trạng,... ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng hải và môi trường sinh thái trên các vùng biển, đảo hiện nay. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn nhất quán chủ trương: “Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển, đảo theo luật pháp quốc tế; đồng thời, tin tưởng rằng vấn đề này sẽ được giải quyết thỏa đáng”. Cùng với sự đồng thuận cao của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam cần tỉnh táo, tiến hành đồng bộ, hiệu quả nhiều nội dung, giải pháp để vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, vừa giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phát triển bền vững đất nước.
Trước diễn biến mau lẹ, phức tạp, khó dự báo với sự đan xen giữa các mối đe dọa an ninh phi truyền thống và sự điều chỉnh chiến lược theo hướng vừa cạnh tranh, vừa kiềm chế lẫn nhau của các nước lớn tác động mạnh đến cục diện thế giới và khu vực; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông ngày càng gay gắt,... đã và đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”1. Như vậy, bảo vệ chủ quyền biển, đảo - phần “máu, thịt” thiêng liêng hợp thành “cơ thể” đất nước mà các thế hệ ông cha để lại cho chúng ta hôm nay là một nội dung đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, cùng với tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, Đảng ta chỉ rõ thành phần, lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là: “Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”2.


Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền Biển, đảo Quê hương! (Ảnh Hải Anh)
Những năm qua, thực hiện chức năng của mình và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phát huy vai trò nòng cốt, nhất là lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Phòng không - Không quân, Biên phòng, Tác chiến điện tử,... thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình mọi mặt để kịp thời tham mưu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư các phương án đấu tranh phù hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên các vùng biển, đảo theo đúng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Hiến pháp, pháp luật hiện hành của Việt Nam. Hội nghị rút kinh nghiệm công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo năm 2019 do Bộ Quốc phòng tổ chức ngày 20/11/2019 đã chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế trong các hoạt động này thời gian qua. Tại Hội nghị, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu tổ chức giao nhiệm vụ, kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, lực lượng liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ, thực thi pháp luật trên các vùng biển, đảo Tổ quốc rà soát, điều chỉnh bổ sung các văn kiện tác chiến, kế hoạch hiệp đồng, phương án đấu tranh,... phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp hữu hiệu với tính khả thi cao trong công tác quản lý, bảo vệ vững chắc phần “máu, thịt” thiêng liêng của đất nước thời gian tới; trong đó, nổi lên những nội dung chủ yếu sau:
1. Thường xuyên đề cao cảnh giác, đánh giá, dự báo đúng tình hình biển, đảo, kịp thời tham mưu, giải quyết tốt mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Đây là nội dung đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, có đánh giá, dự báo đúng tình hình mới tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định, ban hành những kế sách phù hợp để chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo, vùng trời, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Trong điều kiện có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen hiện nay, đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới, đòi hỏi cơ quan chức năng các cấp và các lực lượng, đơn vị liên quan, nhất là các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển luôn đề cao cảnh giác, tích cực, chủ động, sáng tạo trong đánh giá, dự báo đúng tình hình trên các vùng biển, đảo; kịp thời đề xuất phương án và trực tiếp phối hợp, tổ chức xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, hoặc rơi vào thế đối đầu, bất lợi. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược và độ chính xác trong dự báo những diễn biến mới trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta để tham mưu đúng, trúng, kịp thời với Đảng, Nhà nước và cấp thẩm quyền có kế sách giữ vững phần “máu thịt” thiêng liêng của đất nước từ sớm, từ xa. Chủ động nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đã ban hành cho phù hợp với sự vận động, phát triển của thực tiễn. Đồng thời, coi trọng tổng kết kinh nghiệm để tiếp tục bổ sung, ngày càng hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn đối với các chiến lược lớn: Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và các chiến lược liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, v.v. Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các đối tác có thế mạnh trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đánh giá, dự báo tình hình mọi mặt cả trên không và trên thực địa các vùng biển, đảo Tổ quốc. Từ đó, đề xuất các chủ trương, giải pháp rà soát, bổ sung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân và kết hợp hiệu quả giữa xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên các vùng biển, đảo Tổ quốc. Đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, xuyên tạc, phá hoại, gây rối, bạo loạn,... của các thế lực thù địch và hoạt động xâm lấn phi pháp đối với chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc theo quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật hiện hành của Việt Nam.
2. Ưu tiên hiện đại hoá các đơn vị, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ, thực thi pháp luật trên biển.
Đây là một trong những yêu cầu khách quan, quyết định đến việc tăng cường sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho các đơn vị, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ, thực thi pháp luật trên các vùng biển, đảo đủ khả năng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta tin tưởng giao cho. Vì thế, trong quá trình “xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng”3 cần tập trung ưu tiên hiện đại hóa cả về con người và vũ khí, khí tài, phương tiện, trang bị kỹ thuật đối với các đơn vị, lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ này. Cơ quan chức năng các cấp tích cực, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong tác chiến hiện đại trên biển, đảo; đối phó hiệu quả với mọi tình huống có thể xảy ra. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc với phát triển bền vững kinh tế biển và kết cấu hạ tầng đồng bộ, đa mục tiêu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc kết nối giữa các vùng trong nước với khu vực và quốc tế. Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về đẩy mạnh xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, cần có sự vào cuộc và quan tâm đúng mức của các ngành, các cấp cả trong và ngoài Quân đội đối với việc phát huy nội lực, thế mạnh của các ngành, các lĩnh vực trong nước để thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao vào phát triển nền công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại, lưỡng dụng. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc phòng trong ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đầu tư, phát triển sản xuất quốc phòng thích ứng với nhu cầu mua sắm, sản xuất các loại vũ khí, khí tài, phương tiện, trang bị kỹ thuật hiện đại, đưa vào biên chế cho các đơn vị, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ, thực thi pháp luật trên biển phù hợp với sự phát triển của đất nước và xu thế thời đại. Song song với đó, cần làm tốt việc lựa chọn, cử nguồn nhân lực có chất lượng tốt, bảo đảm các tiêu chí về phẩm chất, năng lực đi đào tạo, học tập, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ,... ở trong nước và các nước có thế mạnh theo chương trình hợp tác đã ký kết để hiện đại hóa con người, đáp ứng yêu cầu về phẩm chất chính trị, trình độ khoa học, công nghệ, năng lực thực tiễn làm chủ các loại vũ khí, khí tài, phương tiện trang bị kỹ thuật hiện đại và khả năng phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện tác chiến hiện đại trên các vùng biển, đảo. Thực hiện tốt việc tổ chức, biên chế đối với các đơn vị, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ, thực thi pháp luật trên biển cả về con người và vũ khí, khí tài phương tiện trang bị kỹ thuật theo hướng: tinh, gọn, mạnh, linh hoạt, hiệu quả, có sức cơ động cao, phù hợp thế bố trí lực lượng trên các vùng biển, đảo. Tập trung ưu tiên về chất lượng công tác tuyển quân, giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, chuyên môn nghiệp vụ,... và kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác chính sách để 100% quân nhân ở các đơn vị, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững phần “máu, thịt” thiêng liêng của đất nước có bản lĩnh chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức tốt; nhạy bén, sáng tạo; có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khoa học, công nghệ, ngoại ngữ, tin học,... đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.
3. Phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và chiến tranh nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo Tổ quốc trong mọi tình huống.
Đây là nội dung cốt lõi nhất của nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới - một trong những chủ trương chiến lược nhất quán của Đảng, Nhà nước; sự kế thừa, phát triển tư tưởng “lo giữ nước từ sớm, từ xa, từ lúc nước chưa nguy” của dân tộc, nhằm phòng ngừa, xử lý hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống. Theo đó, cơ quan chức năng các cấp từ Bộ Quốc phòng đến các quân khu làm tốt việc theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng vũ trang địa phương ở các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, lực lượng chủ lực đóng quân trên địa bàn: Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Phòng không - Không quân,... tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung về xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện thực tiễn và sự phát triển mọi mặt. Thường xuyên kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động thực tiễn của các tổ chức, lực lượng; duy trì nghiêm cơ chế lãnh đạo, quy chế xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ; đẩy mạnh xây dựng các tiềm lực,... bảo đảm thế trận quốc phòng toàn dân luôn gắn chặt với thế trận an ninh nhân dân và chiến tranh nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân” luôn vững chắc, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trên đất liền, trên biển và hải đảo. Lực lượng vũ trang các địa phương tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp mình đẩy mạnh xây dựng các công trình phòng thủ trên các tuyến ven biển và hải đảo (trên biển và hải đảo do các đơn vị Hải quân làm trung tâm hiệp đồng, thống nhất chỉ huy các lực lượng bảo vệ thực thi pháp luật trên biển) để bảo vệ vững chắc phần “máu, thịt” thiêng liêng mà các thế hệ ông cha ta đã để lại, với tinh thần “Những gì thuộc về độc lập, chủ quyền dân tộc thì ta không bao giờ nhân nhượng, tinh thần của ta là quyết chiến, quyết thắng”4; “Chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”5. Chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, theo hướng: “tinh, gọn, mạnh, linh hoạt, cơ động, hiệu quả”; đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, thực hiện nghiêm: Luật Dân quân tự vệ, Luật Dự bị động viên, xây dựng hai lực lượng này có cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng cao, phù hợp với từng địa phương, bảo đảm: “vững mạnh, rộng khắp” đối với dân quân tự vệ và “hùng hậu, có chất lượng cao làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng” đối với lực lượng dự bị động viên. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ gắn với các đơn vị, lực lượng, tổ chức, tư nhân, ngành nghề liên quan đến hoạt động khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản, dịch vụ, du lịch,... phát triển kinh tế biển; gắn việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên ở địa phương với phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống của nhân dân, ngư dân các vùng ven biển, trên biển, hải đảo. Thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng trong việc duy trì hoạt động của các trung đội dân quân cơ động, dân quân tự vệ biển, tiểu đội (chốt) dân quân thường trực ở cơ sở trên các hướng biển. Chủ động rà soát, bổ sung các loại văn kiện, kế hoạch tác chiến theo quy định, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, nhất là trình độ kỹ thuật, chiến thuật, nghiệp vụ, khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng, đáp ứng tốt yêu cầu làm nòng cốt trong quản lý, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn, xử lý tốt các tình huống trên biển, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển, đảo Tổ quốc. Kiên trì giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và trật tự pháp lý trên các vùng biển, đảo, tạo cơ sở cho việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển an toàn, hiệu quả. Tăng cường hợp tác quốc tế đối với các nước có lợi ích trên các vùng biển, đảo trong các hoạt động: phối hợp tuần tra giữ gìn an ninh, trật tự, phòng, chống các loại tội phạm, cướp biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển; bảo tồn, sử dụng bền vững biển, đại dương.
VĂN THẢNH (TCQPTD)
__________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 148.
2 - Sđd, tr. 151.
3 - Sđd, tr. 149.
4 - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trả lời khi tiếp xúc cử tri các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hà Nội (10-2019).
5 - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời báo chí quốc tế nhân chuyến thăm, làm việc tại Phi-lip-pin (5-2014).

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X