Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, August 22, 2019 , 0 bình luận

Việc tăng cường đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” trong giai đoạn hiện nay trên lĩnh vực báo chí là hết sức cần thiết và cấp bách. Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Nguyễn Văn Chiến - Báo Quân đội nhân dân về vấn đề này.



Nhiều tờ báo, trang tin điện tử “bỏ ngỏ” mặt trận này là điều đáng tiếc
+ Theo đánh giá của anh, trong bối cảnh mới này, báo chí đã thể hiện đúng và mạnh mẽ vai trò của mình là diễn đàn của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cuộc chiến “chống diễn biến hòa bình” đầy cam go, phức tạp chưa, thưa nhà báo?
- Báo chí nước ta có một đặc thù, khác với nhiều nền báo chí khác trên thế giới, bởi được gọi với cụm từ “báo chí cách mạng”. Chính cụm từ “báo chí cách mạng” ấy đã nói lên rất nhiều điều. Đó là, từ khi thành lập đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam luôn là một mặt trận, là thứ vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước, để đồng hành, trợ giúp đắc lực cho các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Sự phát triển mạnh mẽ của báo chí nhất là về số lượng đã khiến cho nền báo chí cách mạng nước nhà ngày càng lớn mạnh. Chính nhờ sự đóng góp của báo chí, dư luận, các thủ đoạn, mưu đồ xấu, nham hiểm của các tổ chức, thế lực chống phá đã bị vạch trần, bóc mẽ, từ đó, giúp Đảng, Nhà nước ta ngày càng vững mạnh, xây dựng được hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, giúp người dân thêm lạc quan, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, nỗ lực đóng góp sức lực, trí tuệ cho công cuộc xây dựng đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.
Bên cạnh những kết quả ấy, thời gian gần đây, nhiều tờ báo, nhất là các trang tin điện tử mới được thành lập chưa thực sự quan tâm, đề cao, đóng góp nhiều cho “mặt trận” này. Thậm chí có nhiều trang tin điện tử, một thời gian dài hầu như không có bài viết nào đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”. Nói họ chưa thực hiện hết chức năng cũng không hẳn, vì các tờ báo, trang tin hoạt động theo Luật Báo chí, thực hiện nhiệm vụ theo tôn chỉ mục đích ghi trong giấy phép đăng ký. Trong luật và giấy phép không quy định rõ ràng, cụ thể về việc bắt buộc tờ báo phải tổ chức bài viết đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”. Tuy nhiên, nếu xét về vai trò, thì việc nhiều tờ báo, trang tin điện tử “bỏ ngỏ” mặt trận này cũng là điều đáng tiếc.
Nhà báo Nguyễn Văn Chiến- Báo Quân đội nhân dân.

+ Có thể thấy rằng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới, nhiệm vụ của báo chí vì thế mà có thuận lợi và khó khăn đan xen, thưa anh?
- Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, internet, chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta đã có thêm hàng trăm tờ báo, trang tin điện tử ra đời. Nhiều tờ báo, đài phát thanh, truyền hình trước đây vốn hoạt động đơn giản, thuần túy, nay đã phát triển thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện. Cùng với số lượng các báo, tạp chí, trang tin, đội ngũ những người làm báo ngày càng đông đảo, lực lượng người làm báo trẻ ngày càng hùng hậu. Các phóng viên, nhà báo trẻ có nhiều lợi thế về sức khỏe, độ nhanh nhạy, sự xông xáo, giỏi về công nghệ, nhiều người có thể tác nghiệp độc lập, trở thành phóng viên “3 trong 1”, vừa làm báo viết, báo điện tử, lại có thể dựng video truyền hình hoặc làm chương trình phát thanh. Đây chính là những thuận lợi cơ bản sẽ đem đến những hiệu quả rất cao trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đấu tranh hiệu quả trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực chống phá, nhất là âm mưu “Diễn biến hòa bình”, hoạt động gây bạo loạn lật đổ chế độ, Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi ấy, báo chí Việt Nam hiện nay cũng có những khó khăn nhất định. Đó là, sự phát triển ồ ạt của nhiều cơ quan báo chí dẫn tới việc đào tạo, sát hạch, bồi dưỡng phóng viên, nhà báo bị buông lỏng. Hiện tượng nhà báo viết ẩu, viết không kiểm chứng thông tin ngày càng nhiều. Một số nhà báo trẻ có biểu hiện hời hợt, đơn giản khi tác nghiệp, xử lý thông tin, thậm chí có tư tưởng “sai thì gỡ”, hoặc cứ viết cho xong rồi đẩy lên cho kịp thời gian, sai thì cán bộ biên tập, lãnh đạo sẽ sửa. Đó là điều rất đáng ngại, cần phải được chấn chỉnh. Đặc biệt, trong điều kiện các thế lực thù địch hiện nay đang có nhiều hành động chống phá tinh vi, những sự hời hợt cẩu thả trên có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Cần thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ và nhận thức chính trị cho đội ngũ phóng viên
+ Chống “diễn biến hòa bình” - đây là một vấn đề lớn, vậy thì báo chí cần phải làm thế nào để có thể phản bác lại các luận điệu chống Đảng, Nhà nước, quân đội… mà các thế lực thù địch đang tiến hành?
- Chống diễn biến hòa bình trên báo chí là một vấn đề khó, đòi hỏi phải có tâm huyết, trách nhiệm và tư duy phản biện sâu sắc, vững vàng của không chỉ phóng viên, mà còn của cả tập thể tờ báo, tạp chí, trang tin nữa. Hiện nay, nếu để ý, chúng ta chỉ thấy một số báo thường xuyên duy trì chuyên mục chống Diễn biến hòa bình đó là: Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, HàNộiMới, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Việt Nam… và một số các báo, tạp chí của các ban, ngành, cơ quan của Đảng, Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực này.
Để phản bác hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, theo tôi là vấn đề hết sức phức tạp. Bởi, thủ đoạn chống phá của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, chúng thường lồng ghép những luận điệu của mình vào các hiện tượng, sự việc sai trái của cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, từ đó, tạo cho dư luận sự đồng cảm, cùng chung nỗi bức xúc. Những thông tin ngày càng nhiều dần dần sẽ hình thành tâm lý ghét cán bộ, mất lòng tin vào chính quyền. Vì vậy, để chống phá lại ngón đòn thâm độc ấy, báo chí phải hết sức tỉnh táo, thận trọng khi đưa các dạng thông tin này. Cần tính toán, tạo sự hài hòa giữa thông tin tốt, tích cực với thông tin tiêu cực. Mở nhiều trang tin hoặc tờ báo ra, có thể thấy, ngập tràn trên đó là những thông tin xấu, tiêu cực, đó là điều rất đáng ngại. Cách thông tin như vậy sẽ khiến người đọc hoang mang, mất niềm tin, nhìn cuộc sống bằng đôi mắt u ám, mất phương hướng.
 + Tình hình đó đòi hỏi báo chí phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác thông tin, tuyên truyền. Thưa anh, để làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” báo chí cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản nào?
- Tôi nghĩ, để phát huy tốt vai trò của mình trong đấu tranh Chống diễn biến hòa bình, ngoài việc cân bằng thông tin tích cực- tiêu cực, hoặc đưa tin theo quan điểm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, báo chí cần hết sức thận trọng, tỉnh táo khi đưa các thông tin liên quan đến những vấn đề an ninh quốc gia, xây dựng, bảo vệ chủ quyền đất nước. Vừa qua, có hiện tượng một số tờ báo đã đưa những thông tin liên quan đến bí mật quân sự, bí mật quốc gia một cách “hồn nhiên” lên báo chí. Đó là sự thiếu nhạy cảm về chính trị, gây hại cho lực lượng trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền. Ngoài ra, cũng có trường hợp phóng viên khi tiếp cận được các nguồn tin trôi nổi trên mạng vội vàng đưa lên báo và trang cá nhân của mình. Sau đó, mới biết là tin giả, một dạng “fake new” do kẻ chống phá khéo léo tung ra. Trước hiện tượng đó, tôi nghĩ, Ban Biên tập, lãnh đạo các báo cần thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ và nhận thức chính trị cho đội ngũ phóng viên của mình. Đồng thời, phải hết sức thận trọng khi quyết định nhấn nút cho xuất bản các tin tức, bài viết liên quan đến vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc. Cùng với đó, cần tích cực tổ chức các loạt bài phê phán, lột trần các hành động chống phá của đối tượng xấu, các nguồn tin giả, định hướng đúng đắn cho người đọc, giúp xây dựng môi trường thông tin trong sạch, an toàn.
+ Xin cảm ơn nhà báo về buổi trò chuyện này!
Minh Khuê (Nhà báo và Công luận/Thực hiện)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X