Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, February 21, 2020 , 0 bình luận

Lợi dụng vấn đề “dân tộc” để chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta là âm mưu xảo quyệt của các thế lực thù địch, nhất là đối với vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ; trong đó, có vấn đề dân tộc Khmer. Bởi vậy, nghiên cứu làm rõ âm mưu, thủ đoạn mà các thế lực thù địch đang tiến hành và đưa ra biện pháp phòng, chống hiệu quả là vấn đề đang được quan tâm hiện nay.

Cảnh giác trước luận điệu quy chụp bản chất công tác cán bộ


Tây Nam Bộ gồm 13 tỉnh, thành phố, nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu héc-ta, có biên giới giáp Cam-pu-chia, dài 340km. Toàn vùng có trên 27 thành phần dân tộc cùng sinh sống, đông nhất là dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm, dân số khoảng 17 triệu người; trong đó, dân tộc Khmer có khoảng 1,3 triệu người, chiếm trên 7% dân số. Đồng bào Khmer Tây Nam Bộ có truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó cùng các dân tộc anh em trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.


Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Tây Nam Bộ và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của vùng còn chậm, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; hệ thống chính trị cơ sở chưa thật sự vững mạnh; nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết. Lợi dụng những khó khăn đó, các thế lực thù địch, các hội nhóm, tổ chức phản động trong người Khmer lưu vong, nhất là tổ chức phản động lưu vong “Liên đoàn Khmer Krôm” (KKF) đã và đang tiến hành nhiều thủ đoạn hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc Khmer để chống phá đối với nước ta, với nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc:
Một là, thực hiện chính sách “chia để trị”, vu cáo, xuyên tạc tình hình dân tộc, tôn giáo ở nước ta, kích động đồng bào chống đối chính quyền. Thời gian qua, các tổ chức phản động, cực đoan bên ngoài đã âm mưu, tổ chức các hoạt động tách Phật giáo Nam tông Khmer ra khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thành một hệ phái “độc lập”, coi đó là hệ tư tưởng cho “Nhà nước KKK độc lập tự trị” (KKK - Khmer Kampuchia Krôm). Chúng tuyên truyền xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta, vu cáo Việt Nam đàn áp Phật giáo Nam tông Khmer, không cho người Khmer được thực hành nghi lễ, cài người giám sát hoạt động của sư sãi,… nhằm kích động tư tưởng “tự ti dân tộc” của sư sãi, phật tử nơi đây. Đồng thời, thành lập hàng chục trang web, báo, đài phản động; tài trợ cho các chùa Khmer lắp đặt trang thiết bị hiện đại để nghe, xem các chương trình có nội dung phản động. Gần đây, lợi dụng việc ta đấu tranh với số đối tượng sư sãi cực đoan, KKF và các tổ chức KKK coi đó là sự “bất công” đối với sư sãi “Khmer Krôm”, vi phạm nguyên tắc Hiến chương Liên Hợp quốc và kêu gọi các tổ chức nhân quyền quốc tế theo dõi, can thiệp, v.v.
Hai là, tuyên truyền, xuyên tạc, chia rẽ đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ với người Kinh, nhất là đối với vấn đề nguồn gốc lịch sử của người Khmer và vùng đất Nam Bộ Việt Nam. Chúng cố chứng minh rằng, người Khmer chính là chủ nhân của di chỉ khảo cổ Ốc Eo (An Giang); quốc gia Phù Nam được thành lập vào đầu công nguyên là tiền thân của nước Chân Lạp, là giai đoạn lịch sử Cam-pu-chia sơ kỳ; lịch sử hình thành nhà nước Phù Nam, Chân Lạp và quốc gia Cam-pu-chia ngày nay là một. Do đó, vùng đất Nam Bộ Việt Nam là của người Khmer Cam-pu-chia! Để khuyếch trương thanh thế, một mặt, chúng quy tụ những đối tượng người Khmer đã từng tham gia ngụy quân, ngụy quyền cũ, những tri thức và cá nhân có tư tưởng cực đoan, bất mãn; mặt khác, thành lập các tổ chức: Mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia Krôm (KKNLF), Hội những người Khmer, Quốc hội Khmer Krôm hải ngoại, Hội Ái hữu, Hội bảo vệ nhân quyền, Hội Phật học,… để giương cao ngọn cờ vì dân tộc, lôi kéo, tập hợp lực lượng. Đồng thời, hỗ trợ một số tổ chức phản động ở nước ngoài xuất bản các ấn phẩm để công bố những thông tin theo định hướng của chúng, như: Tạp chí “Tiếng nói cộng đồng” ở Cam-pu-chia, “Tiếng nói Khmer Campuchia Krôm” ở Mỹ, nhằm mục đích quốc tế hóa vấn đề người Khmer Nam Bộ, kích động ly khai, lôi kéo đồng bào Khmer tham gia đấu tranh đòi thành lập “Nhà nước Khmer Krôm”, tạo ra những điểm nóng trên địa bàn.
Ba là, xây dựng lực lượng, hỗ trợ, chỉ đạo các hoạt động chống phá, tạo cớ can thiệp. Các tổ chức phản động tiến hành kích động, chỉ đạo sư sãi Khmer cực đoan nhen nhóm lập các hội đối lập với Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, tiến tới hình thành tổ chức tôn giáo thoát ly sự quản lý của Nhà nước. Đồng thời, tích cực tìm kiếm sự hậu thuẫn từ bên ngoài, móc nối với các tổ chức phản động để khuếch trương thanh thế, kêu gọi thành lập tổ chức Phật giáo Nam tông Khmer độc lập để “bảo tồn và phát triển lịch sử, tôn giáo và văn hóa người Khmer”. Chỉ đạo liên kết, tạo phe cánh trong Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, từng bước đưa người lên nắm vị trí chủ chốt nhằm thao túng hoạt động của Hội; không chấp hành các quyết định của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo và Hội đoàn kết sư sãi yêu nước nhằm lũng đoạn, vô hiệu hóa hoạt động của tổ chức này. Ngoài ra, chúng còn âm mưu thành lập tổ chức tôn giáo độc lập của người Khmer ngoài sự quản lý của Nhà nước. Tính từ năm 2010 đến nay, trong vùng đồng bào Khmer đã hình thành khoảng 06 hội, nhóm trái pháp luật, với lý do là “bảo tồn văn hóa dân tộc; giúp đỡ chùa chiền, sư sãi gặp khó khăn; thực hiện các nghi lễ tôn giáo theo đúng truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer,…”. Song, thực chất của việc làm đó là “liên kết các sư sãi, tăng sinh có tư tưởng cực đoan thành một khối” để bôi nhọ, hạ uy tín những chức sắc, sư sãi có tư tưởng tiến bộ, v.v.
Bốn là, tìm cách móc nối, mua chuộc, lôi kéo những người có uy tín trong cộng đồng các tôn giáo, đồng bào các dân tộc thiểu số; tài trợ cho sư sãi, tăng sinh Khmer ra nước ngoài tu học với ý đồ chống phá nước ta lâu dài. Thời gian qua, các phần tử KKK cực đoan bên ngoài tài trợ kinh phí, móc nối xây dựng “ngọn cờ” nhằm lôi kéo, tập hợp sư sãi, phật tử Khmer kích động biểu tình, gây rối, phản đối chủ trương giải quyết của địa phương, như: vụ tượng Phật cổ ở Bạc Liêu, trùng tu Ao Bà Om, phá cổng chào ở Trà Vinh, v.v. Mặt khác, chúng lôi kéo, phát triển lực lượng chống đối nhằm tổ chức, đào tạo, huấn luyện phục vụ ý đồ chống phá Việt Nam lâu dài. Theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay, có trên 1.000 sư sãi Khmer đi tu học nước ngoài; trong đó, có 66 trường hợp bị tổ chức phản động lưu vong KKK đưa đi huấn luyện, đào tạo.
Qua phân tích trên cho thấy, thủ đoạn lợi dụng những vấn đề lịch sử để lại; đặc điểm tâm lý, khó khăn trong đời sống của đồng bào; những thiếu sót, sai lầm trong thực hiện chính sách dân tộc,… để các thế lực thù địch tạo cớ can thiệp, chống phá là hết sức thâm hiểm. Để vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch cho đồng bào các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Tập trung quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 25-10-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và công tác đảm bảo an ninh vùng chiến lược Tây Nam Bộ; Nghị quyết 21-NQ/TW và Kết luận 28-KL/TW, ngày 14-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020; Chỉ thị 19-CT/TW, ngày 10-01-2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, v.v. Qua đó, nâng cao nhận thức chính trị cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, nhất là dân tộc Khmer, để họ nhận rõ mưu đồ của kẻ thù.
Hai làtăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, chống kỳ thị, chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo; chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan, tự ti, mặc cảm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các vùng dân tộc, tôn giáo, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong vận động, tập hợp quần chúng; tích cực triển khai có hiệu quả việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ở từng địa phương; đề phòng và ngăn ngừa những biểu hiện tư tưởng, hành động cực đoan trong giải quyết vấn đề dân tộc, nhất là dân tộc Khmer trên địa bàn.
Ba làtập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer. Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết đầu ra cho nông sản. Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho vay ưu đãi để người dân sử dụng vốn có hiệu quả. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, giải quyết khó khăn bức xúc của đồng bào, như: nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, v.v. Có chính sách đặc thù đối với nông hộ Khmer trong cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ con giống, chuồng trại, đất ở, nhà ở; đầu tư xây dựng mô hình trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong mùa hạn hán, xâm nhập mặn.
Bốn làbảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, đời sống tinh thần của đồng bào. Quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa tại chùa, hỗ trợ trùng tu, sửa chữa chùa di tích, nhất là di tích cấp quốc qua. Có chính sách bảo tồn, phát huy giá trị các thiết chế văn hóa, làng nghề, nghề thủ công, lễ hội truyền thống trong vùng dân tộc Khmer gắn với phát triển du lịch. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực văn hóa dân tộc; đầu tư, hỗ trợ sản xuất các sản phẩm văn hóa dân tộc để phục vụ nhu cầu thụ hưởng của đồng bào. Đồng thời, nâng cấp hệ thống trường mầm non, dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc Khmer; phát huy vai trò trường phổ thông dân tộc nội trú trong dạy học cho con em đồng bào. Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ dân tộc Khmer; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, coi đây là nhân tố quyết định trong giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo trong khu vực.
Năm làchủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá của các thế lực thù địch. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam; vận động đồng bào tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không tin, không nghe kẻ xấu. Chủ động, kịp thời phát hiện, dập tắt mọi âm mưu, hành động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động lôi kéo đồng bào tụ tập, gây bạo loạn. Khi xuất hiện điểm nóng, cần tìm rõ nguyên nhân, biện pháp giải quyết kịp thời, không để lan rộng, không để kẻ thù lấy cớ can thiệp; xử lý nghiêm minh theo pháp luật những kẻ cầm đầu ngoan cố chống phá.
ThS. THẠCH PHƯỚC BÌNH, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Trà Vinh (TCQPTD)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X