Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Monday, August 16, 2021 , 1 comment

(Tindautruongdanchu)-Trong những ngày Thu tháng Tám cách đây 76 năm về trước, đáp “Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa” của Hồ Chủ tịch: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Đồng bào toàn quốc hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”, muôn người Việt Nam như một, từ miền ngược xuống miền xuôi, từ thành thị đến nông thôn, từ biên cương đến hải đảo xa xôi… đã vùng lên như nước triều dâng, làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 “long trời lở đất” – cơ sở để ngày 2 - 9, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước “của dân, do dân và vì dân” đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Trải qua chặng đường lịch sử phát triển đầy thăng trầm, nhà nước “của dân, do dân và vì dân” đã từng bước đem lại cuộc sống “ấm no, tự do, hạnh phúc” cho nhân dân; để rồi mùa Thu Tháng Tám năm nay, trước làn sóng của đại dịch Covid - 19, tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã và đang được dân tộc Việt Nam phát huy cao độ trong cuộc chiến đầy cam go, thách thức. Ở thời khắc lịch sử này, muôn triệu trái tim Việt Nam lại hòa cùng nhịp đập, “ý Đảng quện cùng lòng dân”, “quân với dân một ý chí”, trào dâng tinh thần tương thân, tương ái, chung sức đồng lòng với quyết tâm cao nhất, đánh bay đại dịch Covid - 19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường.

>>Những thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch trong giai đoạn ngày nay

>>Bài 1: Bộ đội thời bình - những phẩm chất cao quý, không thể phủ nhận

>>Thiết lập 'vùng xanh' COVID-19 trên không gian mạng

>>Không có chuyện ‘phân biệt đối xử’ trong tiêm vaccine phòng Covid-19

>>Công an Bình Phước cảnh báo về đối tượng chống phá Trương Quốc Huy

Trải qua ngàn năm dựng nước và giữ nước, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, nhân ái thủy chung được hun đúc, trở thành truyền thống, giá trị văn hóa Việt Nam - sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam. Sức mạnh ấy luôn được kế thừa, phát huy, tỏa sáng khi đất nước gặp khó khăn, thách thức. Thế kỷ XIII, trước vó ngựa của quân Nguyên - Mông đi đến đâu cỏ cây, hoa lá không mọc được, vua tôi nhà Trần đã phát huy tinh thần nội bộ, sự chung sức, đồng lòng của vua - tôi, anh - em, tướng - sĩ: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà chung sức”… Biểu tượng ấy được tựu chung lại tại Hội nghị Diên Hồng năm 1284 - nơi thống nhất ý chí của một dân tộc, thể hiện sự đồng lòng nhất trí giữa nhà nước với người dân bằng sự hành động đồng thanh “đánh”! Sự đồng lòng ấy đã giúp nhà Trần đã ba lần đánh bại quân Nguyên - Mông xâm lược. Đến thế kỷ XV, truyền thống ấy tiếp tục được phát huy trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn: “Tướng sĩ một lòng”, “Nhân dân bốn cõi một nhà/ Dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, cùng Lê Lợi nếm mật nằm gai, đánh bại quân Minh xâm lược, làm nên sự nghiệp Bình Ngô chói sáng trong lịch sử dân tộc…

Chống dịch như chống giặc

Thời đại Hồ Chí Minh, Người luôn khẳng định:“Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”[1],“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết chính là cơ sở, nền tảng làm nên sức mạnh dân tộc, vũ khí “bách chiến, bách thắng” của dân tộc Việt Nam, để rồi trên tinh thần, nền tảng ấy, sức mạnh cuồn cuộn của cả dân tộc Việt Nam đã làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945; những chiến công hiển hách, những trang sử chói lọi “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, từng bước đưa dân tộc Việt Nam “sánh vai cùng cường quốc năm châu” trong quá trình đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước nước và hội nhập quốc tế. Sức mạnh nội sinh từ tinh thần đoàn kết dân tộc đã đưa Việt Nam tiến những bước dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây đắp nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay[2].

Tuy vậy, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín ấy đang đứng trước thách thức của đại dịch Covid - 19! Trong cuộc chiến chống “giặc” Covid - 19, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam một lần nữa tỏa sáng, nhân lên, trở thành “điểm sáng” của thế giới về phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, trước làn sóng dịch bệnh lây lan mạnh mẽ, Việt Nam đang cùng cả thể giới gồng mình chống “giặc”, chạy đua cùng thời gian để chiến thắng Covid - 19. Hơn bao giờ hết, lúc này muôn triệu trái tim Việt Nam lại cùng hòa cùng nhịp đập, nguồn sức mạnh nội sinh từ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được hội tụ, tỏa sáng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực đánh bay đại dịch Covid -19, nhanh chóng đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường.

Tiếp tục chủ trương, chính sách quan tâm đến người dân, biện pháp “an dân”, Đảng, Nhà nước ta còn liên tục khơi dậy, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động tối ta nhân lực, vật lực, tài lực vào “cuộc chiến không tiếng súng” này. Vì vậy, khi Lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ phát ra: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng[3], và “Trong cuộc chiến chống Covid - 19, sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn”[4]cũng là lúc triệu trái tim Việt Nam đều hưởng ứng, biến thành sức mạnh, niềm tin và quyết tâm vượt qua đại dịch. Quyết tâm ấy còn được các đại biểu Quốc hội - người đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân bày tỏ sự nhất trí, đồng lòng, quyết tâm tại Hội trường Diên Hồng trong kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV. Tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Như tên gọi về một sự kiện chính trị trọng đại diễn ra vào năm 1284, tinh thần Diên Hồng là biểu tượng thiêng liêng về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc về phát huy tiếng nói, quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là trong những thời khắc có tính quyết định đối với vận mệnh đất nước”[5].

Tất cả được quy tụ và nhân lên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc chiến đầy cam go chống dịch Covid - 19! Sức mạnh ấy được thể hiện “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xã là một pháo đài chống dịch”, cùng thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của các cấp; kêu gọi, huy động nhân tài, vật lực trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương bằng trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng... Đặc biệt, cùng thế giới phòng, chống dịch bệnh, nhưng chưa có nước làm như Việt Nam. Đó là, Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị lo toàn bộ từng bữa ăn, nhường chốn ở, nơi ngủ đến điều trị bệnh nhân mắc bệnh Covid - 19; mở rộng cánh cửa, giang rộng vòng tay đón những người con thân yêu trở về Tổ quốc lúc hoạn nạn; kêu gọi nhân dân đóng góp vào Quỹ vaccine Covid - 19… Sự đoàn kết, chung lòng của toàn dân không chỉ là động lực quan trọng để Việt Nam vượt qua dịch bệnh mà còn để khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, truyền thống tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách”; “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau”… là đặc trưng của văn hóa Việt Nam, đã từng giúp Việt Nam nhấn chìm “cả lũ cướp nước và bán nước”!

Trong giai đoạn khó khăn này, sự đoàn kết, đùm bọc yêu thương nhau tiếp tục được người dân phát huy: Người có công góp công, người có của góp của, người chưa có điều kiện thì cố gắng thực hiện tốt các quy định của các cấp về phòng, chống dịch “Ở nhà là yêu nước”, “Người dân ở đâu ở yên chỗ đấy”, mọi nhu cầu thiết yếu sẽ được hỗ trợ. Tất cả đều thể hiện ý chí quyết tâm: ở đâu có tiếng gọi Tổ Quốc ở đó có chúng tôi! Việt Nam cố lên!

Trên tuyến đầu chống dịch, hàng nghìn cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế,… không quản khó khăn, nguy hiểm, xung phong đi vào những vùng tâm dịch để cứu, chữa cho người dân. Hết tâm dịch Đà Nẵng, đến Bắc Giang, Bắc Ninh, đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam và hiện nay là Hà Nội… bất cứ nơi nào người dân gọi, họ sẵn sàng lên đường! Họ tình nguyện, xung kích tiến vào tâm dịch không chỉ xuất phát từ Lời thề Hippocrates “Lương y như từ mẫu” mà còn xuất phát từ mệnh lệnh trái tim, là sự dâng hiến, từ tình yêu đối với Tổ quốc, cùng nhau viết tiếp bản hùng ca yêu nước. Họ là lực lượng chiến đấu thầm lặng, đối mặt “chiến đấu” trực tiếp với với kẻ thù - “virut CORONA” để giành sự sống, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Ở đó, trong mỗi nhiệm vụ của họ, không chỉ có tình đồng nghiệp, đồng lòng mà còn thể hiện, tỏa sáng tình đồng chí, đồng đội trên trận tuyến chống “giặc”. Sự chiến đấu kiên cường, đồng cam cộng khổ của người lính khoắc áo “Blouse trắng” là “lá chắn sống” cho người dân được sống, được hưởng bình yên và hạnh phúc.

Lực lượng vũ trang nhân dân cùng hệ thống chính trị tăng cường chốt chặn kiểm soát vùng dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, hàng trăm, hàng ngàn cán bộ, đoàn viên ngày đêm căng mình trên mọi nẻo đường, từ thành thị đến nông thôn, từ đất liền, biên giới đến hải đảo xa xôi đều quyết tâm, đồng lòng đánh bay dịch bệnh Covid - 19. Chứng kiến cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh, luôn trong tâm thế sẵn sàng cơ động trong mọi tình huống; mỗi đơn vị, mỗi tổ, chốt công tác thực sự là “tấm khiên” vững chắc trên biên giới, chúng ta càng thấm thía hơn tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã thấm nhuần trong mỗi người lính. Với những người lính quân hàm xanh, hạnh phúc nhất lúc này là không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan qua biên giới, vào địa bàn; biên giới biển, đảo bình yên và sự an toàn, hạnh phúc của nhân dân được đặt lên trên hết. Đồng thời, sẵn sàng “chia lửa” với nhân dân “Đất thép thành đồng” trong điều kiện sinh hoạt nhiều khó khăn và thời tiết rất khắc nghiệt. Tuổi trẻ Quân đội tiếp tục phát huy vai trò xung kích, là lực lượng nòng cốt, xung phong nhận nhiệm vụ lên tuyến đầu, đi vào tâm các vùng dịch, vận chuyển vaccine… góp phần quan trọng cùng các tổ chức, lực lượng kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Đặc biệt, ở làn sóng dịch bệnh thứ 4 này, nhiều bệnh nhân không qua khỏi, được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang mai táng chu đáo, để mỗi gia đình họ vơi đi phần nào mất mát, đau thương. Chứng kiến người lính ôm chặt tro cốt của người dân vọng vì Covid - 19 như chính một phần cơ thể, là người thân yêu của mình, mỗi chúng ta càng trào dâng niềm tự hào, về nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống đoàn kết, nhân văn nhân ái ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó lung linh tỏa sáng giữa đại dịch Covid - 19, tiếp thêm sức mạnh để dân tộc ta đồng lòng, chung sức chiến thắng dịch bệnh.

Bên cạnh đó còn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp dù đang gặp không ít khó khăn, vẫn sẵn sàng ủng hộ hàng nghìn, hàng nghìn tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng chống Covid - 19, để mỗi người dân đều bình đẳng được tiêm Vaccine ngừa Covid - 19. Không chỉ ở trong nước, đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn hướng về Tổ quốc, sẵn sàng góp sức, chung tay cùng quê hương đối phó với dịch bệnh.

Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Khắp mọi miền trên dải đất hình chữ S thân yêu, nơi nào chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái “mình vì mọi người và mọi người vì mình”, “thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy Bí cùng”… để “không ai bị bỏ lại phía sau”… Tất cả đã làm sống dậy và trào dâng tinh thần đoàn kết. Hành động của mỗi con dân nước Việt trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng” như mệnh lệnh trái tim của người ra trận, giúp cho chính quyền từng địa phương nơi tâm dịch tiếp tục vững tâm, tin tưởng “khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Và, trong khó khăn đó, lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” đang lan tỏa rộng khắp ở nhiều nơi, góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, chung sức chung sức đẩy lùi đẩy lùi đại dịch Covid-19. Hình ảnh ấy một lần nữa không chỉ tôn lên truyền thống quật cường của dân tộc khi khó khăn mà còn là minh chứng chân thực, sống động nhất để chống lại các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, hòng chống phá Đảng, Nhà nước ta. Trong đó phải kể đến bài viết của tác giả Song Chi - Nhà báo tự do, cựu đạo diễn truyền hình, từ Leeds, Anh Quốc, gửi cho BBC News Tiếng Việt với nhan đề: “Covid-19: Chống dịch kiểu Việt Nam - Chỉ thương cho người dân!”. Toàn bộ nội dung mà tác giả bài viết đề cập đến thể hiện cái nhìn phiến diện, một phía, bóp méo sự thật, phản ánh sai hiện thực lịch sử! Mỗi chúng ta không chỉ tập trung chống dịch mà còn cần phải tỉnh táo trước luận điệu xuyên tạc ấy, đồng thời, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, chính sách của Nhà nước ta về phong, chống dịch Covid - 19 là hoàn toàn đúng đắn, để cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xã là một pháo đài chống dịch”.

Trong lúc khó khăn, cam go này, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa “Biết đồng sức/Biết đồng lòng/Việc gì khó/Cũng làm xong”[6] như ngọn đuốc sáng soi đường chỉ lối cho dân tộc Việt Nam tiếp tục tiến lên dập dịch Covid - 19. Dẫu rằng phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng càng khó khăn gian khổ, mỗi người dân Việt Nam càng phải đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, phát huy hơn nữa truyền thống đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau quyết tâm, trên dưới một lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch, viết tiếp bản hùng ca cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiếp tục thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường, hạnh phúc.

Phạm Nhung



[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, t.14, tr.186

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQG, HN, 2021, tập 1, tr.104.

[3]Http://mattran.org.vn/hoat-dong/he-thong-mat-tran-tu-trung-uong-den-dia-phuong-ho-tro-va-phan-bo-kip-thoi-moi-nguon-luc-ung-hophong- chong-dich-39090.html

[4] https://laodong.vn/thoi-su/su-dong-long-cua-nhan-dan-la-chia-khoa-mo-canh-cua-lon-thoat-khoi-dai-dich-917258.ldo

[5] https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=57724

[6] Bài thơ Hòn đá, đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 123, ra ngày 21/4/1942

Tags:
  1. hy vọng tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam sẽ nhấn chìm tất cả, trong đó viết tiếp bản hùng ca của dân tộc trong cuộc chiến chống đại dịch, sớm chiến thắng giặc Covid - 19, đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường!

    ReplyDelete

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X